TCCSĐT - Sáng nay, 2-6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh chủ trì Hội nghị.

Với việc tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, một lần nữa, Việt Nam khẳng định sự tôn trọng của mình về các giá trị và nguyên tắc trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc do 189 nguyên thủ quốc gia cam kết thực hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9-2000.

Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008” được xuất bản bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Anh, gồm 4 phần:

- Tổng quan về việc Việt Nam tiếp tục thực hiện tuyên bố Thiên niên kỷ; tổng quát về thành tựu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

- Chi tiết về các thành tựu của Việt Nam thực hiện 8 mục tiêu phát triển.

- Tình hình các mục tiêu hỗ trợ của Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

- Những thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận việc chủ biên Báo cáo phát triển (lần đầu tiên vào năm 2005) và đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương, sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội. Trong Báo cáo đã sử dụng 45 chỉ tiêu để phân tích, đánh giá mức độ thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên k
 
Mục tiêu 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói

Mục tiêu 2: Phổ cập giáo dục tiểu học

Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ

Mục tiêu 4: Giảm tử vong ở trẻ em

Mục tiêu 5: Tăng cường sức khỏe bà mẹ

Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác

Mục tiêu 7: Bảo đảm bền vững về môi trường

Mục tiêu 8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển

 
Ba năm qua (2005-2007), Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số trong mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam có khả năng vượt trước cả về thời gian và mục tiêu đề ra. Nổi bật trong số này là các mục tiêu: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, bình đẳng giới, phòng chống dịch bệnh, cung cấp các dịch vụ cho nhóm người nghèo, tăng cường sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, an sinh xã hội, thiết lập đối tác toàn cầu vì phát triển. Đa số các chỉ tiêu, theo tính toán trong Báo cáo đều có khả năng đạt và vượt trong giai đoạn 2006-2010 như: tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1990 xuống còn 10-11%; tăng số lao động được giải quyết việc làm; giảm lao động chưa có việc làm ở thành thị; diện tích đất tự nhiên được bảo tồn để duy trì đa dạng sinh học...

Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, do mỗi địa phương có đặc thù riêng, có hoàn cảnh kinh tế - xã hội, vị trí địa lý khác nhau nên mức độ thực hiện các muc tiêu không giống nhau nên không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia, các mục tiêu thực hiện còn được đánh giá ở cả cấp tỉnh để qua đó có sự so sánh, các địa phương nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện việc "địa phương hóa" các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, là một nước đang phát triển có thu nhập thấp; nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ còn bị hạn chế, mặt bằng dân trí chưa cao, chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư còn lớn, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm suy giảm kinh tế ở Việt Nam, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, mà Việt Nam được dự báo là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn... đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai thực hiện các mục tiêu. Một số chỉ tiêu, dự báo, vào năm 2015 có khả năng không đạt hoặc phải phấn đấu là: hệ số GINI; tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai; tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực thành thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà tạm.

Nhận thức được những khó khăn, thách thức đó, Chính phủ Việt Nam, một mặt, sẽ huy động tối đa các nguồn lực trong nước, đổi mới chỉ đạo điều hành, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp dân cư; mặt khác, sẽ mở rộng các mối quan hệ quốc tế, thu hút sự hỗ trợ cả về nguồn lực và kinh nghiệm từ các nước phát triển, từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ... để góp phần gia tăng khả năng hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam.

Thông qua báo cáo, Việt Nam muốn khẳng định và chia sẻ với cộng đồng thế giới những kinh nghiệm thành công của mình trong việc phát triển đất nước và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam mong muốn có sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển để nâng cao chất lượng thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hướng đến năm 2015.

Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ trong thời gian tới vẫn là mục tiêu quan trọng, phù hợp với nguyện vọng của tất cả các quốc gia; các mục tiêu, chỉ tiêu cần được quốc gia hóa cho phù hợp với thực tế của mỗi quốc gia; các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển trên cơ sở tăng cường hơn nữa nguồn ODA; cần tiếp tục tăng cường một hệ thống thương mại và tài chính thông thoáng, công khai minh bạch trên nguyên tắc không phân biệt, vì mục tiêu phát triển của các quốc gia, góp phần tăng cường cường ổn định và an ninh trên thế giới./.