Hồ Tùng Mậu - nhân cách mẫu mực và lý tưởng cao cả của người cộng sản
TCCSĐT - Hồ Tùng Mậu là người đa tài, có thể nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Bài viết này, đánh giá Hồ Tùng Mậu một cách khái quát, bao trùm và ở tầng sâu văn hóa. Nó xuất phát không chỉ từ di sản ông để lại mà từ chính nhân cách cách mạng mẫu mực của ông.
Hồ Tùng Mậu sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nghệ An - một miền quê văn hiến, giàu tinh thần yêu nước. Hồ Tùng Mậu được đằm mình trong sự giao lưu giữa truyền thống quê hương và truyền thống gia đình đời nối đời vì nước. Ông nội là Hồ Bá Ôn đã từng tham gia chống Pháp, hy sinh trong khi thực dân Pháp tiến công chiếm thành Nam Định ngày 27-3-1883. Thân phụ là Hồ Bá Kiện, thi đỗ cử nhân, tham gia phong trào Văn thân chống Pháp, bị thực dân Pháp bắt đày đi nhà tù Lao Bảo. Ông đã lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh chiếm ngục Lao Bảo vào ngày 02-9-1915, thoát ra ngoài, lãnh đạo tù nhân chống lại quân lính đuổi theo, bao vây đàn áp và đã hy sinh trong một trận đánh ở vùng núi Bân Ta Cha.
Theo bước ông, cha, Hồ Tùng Mậu sớm có tư tưởng yêu nước và từ tư tưởng yêu nước đã đẩy tới hành động cứu nước. Yêu nước gắn liền với cứu nước là nét đặc trưng dễ nhận biết trong nhận thức tư tưởng của Hồ Tùng Mậu. Hành động cứu nước đầu tiên của Hồ Tùng Mậu được đánh dấu bằng việc ông gia nhập “Tân Việt Thanh niên đoàn” (Tâm tâm xã), một tổ chức của Thanh niên Việt Nam mang tư tưởng phục quốc, được thành lập năm 1923 tại Quảng Châu (Trung Quốc). “Tâm tâm xã” chủ trương trước tiên phải tập hợp lực lượng, gây tiếng vang trong nhân dân, củng cố tổ chức với tinh thần phục quốc. Thực hiện mục tiêu đó, đầu năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước chuẩn bị các kế hoạch dài hạn sau này.
Tháng 7-1924, Hồ Tùng Mậu trở lại Quảng Châu. Lúc này vừa xảy ra vụ Phạm Hồng Thái mưu sát tên Toàn quyền Méc-lanh ở Sa Diện. Hồ Tùng Mậu nức lòng ca ngợi tinh thần dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt của liệt sỹ Phạm Hồng Thái.
Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, trong đó có kế hoạch huấn luyện chính trị cho lớp cán bộ đầu tiên của Việt Nam, lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng, chuẩn bị toàn diện mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Cộng sản Đoàn, trở thành một cán bộ xuất sắc.
Sau một thời gian học tập, Hồ Tùng Mậu được đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cử về nước với nhiệm vụ tổ chức đường dây liên lạc giữa trong nước với cơ quan của Tổng bộ ở Quảng Châu; lựa chọn thanh niên tiến bộ đưa sang Quảng Châu để huấn luyện chính trị. Thi hành quyết định đó, giữa năm 1925, Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng, mở hiệu sách “Huệ Quần thư điếm” làm nơi liên lạc các cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An... Năm 1926, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Lê Hữu Lập... tổ chức đưa được nhiều thanh niên tiến bộ sang Quảng Châu để dự lớp huấn luyện chính trị.
Tháng 4-1927, Tưởng Giới Thạch phản bội lại đường lối của Tôn Dật Tiên và thẳng tay đàn áp cộng sản. Tại Quảng Châu, cơ quan của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bị quân Tưởng khám xét và bao vây. Hồ Tùng Mậu và một số người khác bị bắt. Sau 5 tháng bị giam giữ, cơ quan mật vụ của Tưởng Giới Thạch biết Hồ Tùng Mậu là người yêu nước Việt Nam có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên họ tìm mọi cách thủ tiêu. Hồ Tùng Mậu và các đồng chí của ông kiên quyết đấu tranh, lại được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, buộc họ phải trả lại tự do.
Vừa ra khỏi nhà tù, Hồ Tùng Mậu đi ngay Quảng Tây để đón đoàn cán bộ từ trong nước sang. Đến Nam Kinh, ông lại bị bắt. Vì không có chứng cớ, nên được tha ngay. Trở về Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu cùng Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị theo chương trình của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giảng dạy trước đó.
Ngày 12-12-1927, Quảng Châu Công xã bùng nổ. Trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bị đập phá. Hồ Tùng Mậu và một số người của cơ quan Tổng bộ bị bắt. Nhờ tinh thần đấu tranh kiên quyết của Hồ Tùng Mậu và các đồng chí của ông, nhà chức trách buộc phải thả ông và nhiều người khác.
Tháng 8-1928, Hồ Tùng Mậu lại bị bắt, đến tháng 11-1929, mới được trả lại tự do. Hồ Tùng Mậu về hoạt động ở Hồng Kông. Tại đây, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng (chi bộ hải ngoại). Lúc này, ở trong nước, Toà án Nghệ An đã xử vắng mặt Hồ Tùng Mậu, kết án tử hình ông “về tội vận động lập Đảng Cộng sản, xúi giục đưa người ra nước ngoài, mưu đồ phiến loạn”.
Đầu năm 1930, tại Cửu Long, gần Hồng Kông, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Tùng Mậu tham gia Hội nghị với tư cách đại biểu giúp việc.
Sau khi Đảng được thành lập, Hồ Tùng Mậu càng hăng hái hoạt động và ông đã bị mật thám Pháp phối hợp với mật vụ Tưởng Giới Thạch bắt vào ngày 26-6-1931 ở Thượng Hải, Trung Quốc và bị giải về nước để xét xử. Chính quyền thực dân và phong kiến đòi thi hành án tử hình ông mà chúng đã xử cuối năm 1929. Hồ Tùng Mậu phản đối kịch liệt bản án sai trái đó. Ngày 06-12-1931, Toà án Nghệ An xử lại, kết án ông tù khổ sai chung thân.
Từ cuối năm 1931 đến cuối năm 1945, Hồ Tùng Mậu bị giam trong các nhà lao Hỏa Lò, Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê. Suốt 14 năm tù đày, Hồ Tùng Mậu luôn luôn giữ vững chí khí bất khuất, sáng tác thơ văn động viên, khích lệ tinh thần của các đồng chí trong tù, giữ vững chí khí “uy vũ không khuất phục” như một nét văn hoá đặc trưng của nhân cách cộng sản, góp phần xây dựng chi bộ nhà tù, kiên quyết đấu tranh, chống chế độ tàn bạo của lao tù đế quốc.
Tháng 3-1945, Hồ Tùng Mậu vượt ngục về hoạt động ở Trung Bộ, hoà cùng dân tộc chuẩn bị tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - Hành chính Liên khu Bốn.
Năm 1948, Đảng và Chính phủ củng cố ngành thanh tra của Nhà nước, Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tín nhiệm cử làm Tổng Thanh tra của Chính phủ. Tháng 02-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Tùng Mậu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị công tác rất cần đến phẩm chất đạo đức, thanh liêm, trung thành, trung thực, sâu sát, cụ thể, Hồ Tùng Mậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra nhà nước và công tác Đảng. Ông đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ va chạm, vượt khó, lăn lộn trong nhân dân, trong Đảng, đề cao trách nhiệm phát hiện những vi phạm, sai phạm trong Đảng và trong bộ máy nhà nước để kiến nghị xử lý đúng. Ông nêu vấn đề trong công tác thanh tra, kiểm tra là không chỉ xử lý, mà cái quan trọng phải có biện pháp ngăn chặn. Ông cho rằng nước sông sạch là nhờ nước suối trong, muốn cho địa phương, cơ sở trở nên tốt, trước hết người làm công tác Đảng, công tác Chính quyền phải rất trong sạch. Vì vậy, bản thân ông luôn luôn tự rèn luyện mình, giữ mình, liêm khiết tuyệt đối, không bao giờ bỏ túi cái kim sợi chỉ của nhà nước, của nhân dân.
Ngày 23-7-1951, trên đường đi công tác ở Liên khu IV, Hồ Tùng Mậu bị máy bay địch oanh tạc, ông hy sinh ở độ tuổi 55.
Được tin Hồ Tùng Mậu hy sinh, ngày 01-8-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài điếu, vô cùng đau xót trước cái chết của một người cách mạng mẫu mực. Người viết:
“Chú Tùng Mậu ơi !
Đành rằng sự mất, sự còn là luật chung của tạo hóa. Nhưng gặp lúc sinh ly tử biệt thì khó mà ngăn mối xót thương.
Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ, nghiêng mình trước linh hồn chú, và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh, để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc”(1).
Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người gần gũi và là người học trò, người giúp việc đắc lực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh ở Hồng Kông bắt giam năm 1931, Hồ Tùng Mậu là người tích cực liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế Đỏ và vận động luật sư H.Lô-dơ-bai dùng pháp lý đấu tranh buộc chính quyền Anh ở Hồng Kông trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Trong bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đồng chí Hồ Tùng Mậu “là thân thiết hơn anh em ruột”(2), coi “mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi”(3).
Đồng chí Hồ tùng Mậu là một tấm gương lớn suốt đời phấn đấu cống hiến cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng, lấy độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào làm lẽ sống.
Sôi nổi, giản dị, liêm khiết, thủy chung với đồng chí, đồng bào, không màng danh vọng; những đức tính đó của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong thế hệ cách mạng cùng thời. Tấm gương đó có tính giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau. Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Hồ Tùng Mậu là người kịch liệt phê phán những hành động bột phát của cán bộ và nhân dân Nghệ An phá đền chùa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cái chất cách mạng của con người xứ Nghệ, ở Hồ Tùng Mậu có một tầm nhìn văn hoá lớn, có ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của chúng ta hiện nay.
Văn hóa thường gắn liền với đổi mới, canh tân và sáng tạo. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu thật sự là chủ thể sáng tạo văn hoá, là người “khởi sự và khởi xướng” nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử và đời sống tâm linh dân tộc. Đồng chí là một trong những người đầu tiên mở hướng cứu nước về phía Tây; là người đồng sáng lập Tâm tâm xã; là người tham gia chuẩn bị quá trình tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; là một trong những người khởi sự phát động phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, cứu Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù; là một trong những Chính ủy đầu tiên của quân đội; Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Bốn; Tổng Thanh tra đầu tiên của Chính phủ...
Hồ Tùng Mậu đã đi vào lịch sử, sẽ còn mãi với thời gian. Chí hướng rõ ràng, sự nghiệp cách mạng oanh liệt, vẻ vang, bản lĩnh kiên trung, bất khuất, nhân cách đạo đức cao đẹp, sáng trong, Hồ Tùng Mậu thật sự xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam./.
“Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”  (30/06/2016)
Cần Thơ: Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố  (30/06/2016)
Cần Thơ: Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố  (30/06/2016)
Chủ tịch nước gửi điện hỏi thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ tấn công khủng bố  (30/06/2016)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Rwanda  (30/06/2016)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Burundi  (30/06/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm