Quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân
TCCSĐT - Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình, của mỗi lực lượng kinh tế - xã hội và của cả cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện được mục tiêu: “Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong các kỳ Đại hội và trong Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23-5-2005 về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: Nhà nước cần quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Việt Nam đến năm 2020, định hướng cho lộ trình phát triển ngành y tế Việt Nam. Quan điểm này của Đảng đã được quán triệt và cụ thể hóa trong Quyết định số 122/QĐ-TT ngày 10-01-2013 về Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đã chỉ rõ:
Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội, đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội
Quan điểm này của Đảng xuất phát từ quá trình nhận thức về vai trò của sức khỏe và mối quan hệ giữa sức khỏe của người dân với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề vững chắc cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngược lại, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt lại góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe phải là một nhiệm vụ cơ bản, là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và toàn xã hội, do đó, dịch vụ y tế công do Nhà nước cung cấp là dịch vụ xã hội đặc biệt, không vì mục tiêu lợi nhuận, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Phát triển kinh tế không chỉ nhằm tăng trưởng GDP/đầu người mà quan trọng hơn là bảo đảm cho mọi thành viên trong xã hội được hưởng thụ thành quả đó. Mục tiêu của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì sức khỏe, hạnh phúc của con người. Quan điểm này là sơ sở quan trọng để xem xét hiệu quả, là thước đo quy mô, tốc độ và chất lượng của sự phát triển xã hội.
Khẳng định quan điểm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển con người nói chung và sức khỏe con người nói riêng, là cơ sở để khẳng định tăng trưởng kinh tế không chỉ gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách mà còn cần được bảo đảm trong từng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, bền vững là yêu cầu khách quan và chỉ có giá trị khi nó có tác động tích cực đến cuộc sống của nhân dân, đến sức khỏe của cộng đồng. Không thể để kinh tế phát triển một cách tự phát, hỗn loạn, chạy theo nhu cầu xã hội một cách tự nhiên, thỏa mãn mọi nhu cầu mà không tính đến tính chính đáng và hợp pháp của nhu cầu ấy; không thể phát triển kinh tế - xã hội bằng bất cứ giá nào, nhất là sự phát triển ấy để lại những hậu quả về môi trường xã hội, môi trường sinh thái tự nhiên; đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phát triển kinh tế - xã hội nhằm mục đích mang lại cho con người sự phát triển toàn diện, mọi nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần được thỏa mãn, đời sống ngày càng được cải thiện. Những thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải được đưa đến cho mỗi thành viên trong xã hội, thông qua việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Nhìn vào thực trạng chăm sóc sức khỏe ở mỗi nước, người ta có thể liên hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý những thành quả phát triển của quốc gia đó. Người dân có đời sống tinh thần cao hay thấp, được chăm sóc sức khỏe tốt hay xấu… tất cả đều nói lên xã hội đó có văn minh, tiến bộ, công bằng, bình đẳng hay không, quyền con người với hàm nghĩa là quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe, được hạnh phúc… có được bảo đảm và tôn trọng hay không. Khi mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tức là đã bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho công cuộc xây dựng Tổ quốc và phát triển đất nước. Tạo ra năng suất lao động cao, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.
Hướng tới xây dựng hệ thống y tế công bằng - hiệu quả - phát triển
Phát triển kinh tế - xã hội là tiền đề phát triển xã hội, ngược lại, thực hiện tốt các vấn đề phát triển xã hội thông qua các chính sách xã hội, trong đó có chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, gắn với quan điểm của Đảng: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng - hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước. Sự công bằng của hệ thống y tế, trước tiên, bắt nguồn từ sự công bằng trong các văn bản pháp quy trong lĩnh vực y tế, coi chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một giá trị, một nhiệm vụ và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng nghĩa với việc bảo đảm cho mỗi thành viên trong cộng đồng được thừa hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng chính là mục tiêu của quá trình phát triển.
Quan điểm công bằng trong phát triển hệ thống y tế còn được thể hiện cụ thể ở sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, ở sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, giữa người giàu với người nghèo, giữa người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già, công bằng trong cả việc đãi ngộ đối với cán bộ y tế… Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển, bảo đảm mọi người dân, đặc biệt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các nhóm người dễ tổn thương được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng và thực hiện công bằng xã hội, tất cả vì hạnh phúc của con người sẽ tạo cơ sở để xây dựng một xã hội khỏe mạnh, ổn định, đồng thuận, đoàn kết, tạo niềm hưng phấn, kích thích động viên được tinh thần yêu nước, yêu chế độ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để hăng hái đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng và xây dựng đất nước.
Hệ thống y tế hiệu quả - phát triển là kết quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội lành mạnh, công bằng và bền vững, trong đó có văn bản pháp quy, chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng, xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển với đối tượng hưởng thụ, không vì thỏa mãn nhu cầu của tầng lớp dân cư này mà làm tổn hại đến nhu cầu của tầng lớp dân cư khác, không vì lợi ích của hôm nay mà làm tổn hại đến lợi ích của thế hệ tương lai.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình, của mỗi lực lượng kinh tế - xã hội và của cả cộng đồng
Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời Đảng ta cũng khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó, ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Nhà nước thống nhất quản lý vĩ mô, định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua hệ thống pháp luật và chính sách: điều tiết, phân bổ nguồn lực, quản lý chất lượng dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế; kết hợp hài hòa giữa củng cố mạng lưới y tế cơ sở với phát triển y tế chuyên sâu, giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhằm tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có một quốc gia nào, ngay cả các nước phát triển, có thể có đủ ngân sách để “bao cấp” được tất cả các chi phí y tế.
Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình thấp, cộng với chính sách thắt chặt tài khóa (năm 2011) của Chính phủ là những khó khăn lớn đối với việc đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do vậy, bên cạnh việc sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, Nhà nước phải làm thế nào để huy động các nguồn lực xã hội, huy động mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe. Việc khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ y tế, không chỉ huy động được nhiều nguồn vốn, tháo gỡ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mà sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tập thể cá nhân trong và ngoài nước còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh về hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế giữa cơ sở công lập và các cơ sở ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Việc nhận thức rõ những quan điểm của Đảng và Nhà nước về tầm quan trọng của sức khỏe đối với phát triển kinh tế - xã hội đi liền với việc xây dựng một hệ thống y tế hoàn chỉnh, khoa học và đồng bộ có vai trò to lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện hơn nữa cho phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
----------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
(1) Ban Khoa giáo Trung ương: Một số văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác khoa giáo: Chăm sóc sức khỏe nhân dân; dân số-gia đình và trẻ em; thể dục thể thao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006
(2) Bộ Y tế: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Nxb Y học, Hà Nội, 1996
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 46-NĐ/TW, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006
Về đổi mới quản lý và phát triển dịch vụ sự nghiệp công*  (17/06/2016)
Phát triển hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng  (17/06/2016)
ASEAN - Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác và nỗ lực xử lý thách thức chung  (17/06/2016)
Toàn văn Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN  (17/06/2016)
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng  (16/06/2016)
Nâng cao trách nhiệm trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn  (16/06/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay