Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng
TCCSĐT - Ngày 15-5-1941, giữa núi rừng Pác Bó, Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Hội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) với 5 người đội viên đầu tiên, do anh Kim Đồng làm đội trưởng. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng là giáo dục thế hệ công dân tương lai từ gốc. Đây là nhóm xã hội đặc thù từ 6 đến 15 tuổi, là độ tuổi đang trong giai đoạn học tập, tiếp nhận quá trình xã hội hoá hình thành tri thức, đời sống tâm hồn và tình cảm; phần lớn nhân cách các em được hình thành trong giai đoạn này. Vì thế, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng trong giai đoạn phát triển này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khác với lứa tuổi thanh niên hay người trưởng thành, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng có những yêu cầu riêng, gặp không ít khó khăn bởi ở lứa tuổi này tâm sinh lý của các em luôn có sự thay đổi; mặt khác, khả năng nhận thức của các em ở giai đoạn này còn nhiều hạn chế. Cùng với vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường, không thể thiếu vai trò giáo dục của tổ chức Đoàn, Đội.
Ngay từ năm 1923, khi còn đang ở đất nước Xô Viết xa xôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến vấn đề giáo dục và tập hợp, thu hút thiếu niên, nhi đồng vào tổ chức cộng sản nhỏ tuổi để giáo dục, rèn luyện. Năm 1925, khi đang hoạt động cách mạng tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người chọn ra 8 thiếu niên có độ tuổi từ 12 đến 15 để tổ chức thành lớp học riêng vừa tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa, vừa học chính trị. Trong số 8 thiếu niên nhỏ tuổi đó có Lý Tự Trọng, người đoàn viên, thanh niên cộng sản đầu tiên, với câu nói ghi lòng tạc dạ bao thế hệ tuổi trẻ sau này: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Ngày 15-5-1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Hội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh). Để phụ trách Hội Nhi đồng cứu quốc, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Quảng lúc đó do anh Đức Thanh trực tiếp phụ trách. Như vậy, từ rất sớm, Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo lớp hậu bị cho cách mạng. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ. Sau Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Kết luận số 80KL/TW, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, thì mới đây, ngày 24-3-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW, về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030". Chỉ thị xác định: "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng". Trong việc xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, Chỉ thị chỉ rõ, cần từng bước tăng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ. Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng trường học, công trình phúc lợi, vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học phát huy vai trò, ảnh hưởng và tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống các nhà văn hóa thanh thiếu nhi, trường đào tạo, hệ thống các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn trong công tác này. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, qua đó vừa làm công tác giáo dục, vừa phát huy vai trò của lớp trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi vào tổ chức.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em, trong đó quy định rõ Đoàn là tổ chức có chức năng đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Ngày 28-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1501/QĐ-TTg, về việc "Phê duyệt Đề án giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020". Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng trong giai đoạn 2015 - 2030. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được Chính phủ xác định và yêu cầu tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tập trung triển khai thực hiện là nâng cao chất lượng tổ chức phong trào của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương phát động.
Thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tinh thần xung kích, hành động của Đoàn, ngày 18-10-2015, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn ban hành văn bản số 33-CTr/TWĐTN-BTG, về "Chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện chỉ thị số 42-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030". Với trách nhiệm của mình, Hội đồng Đội Trung ương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của đất nước, của Đảng, Đoàn, Đội; bên cạnh đó, lồng ghép các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng trong các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của tổ chức Đội.
Thực trạng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng hiện nay
Trong những năm qua, tổ chức Đoàn, Đội từng bước đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, tập trung phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy tính tích cực, tự giác trong tự bồi dưỡng, tự giáo dục, rèn luyện của thiếu nhi. Các phong trào hành động cách mạng do Đoàn, Hội, Đội phát động tạo môi trường thực tiễn sinh động để thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện và cống hiến. Các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn lớn mạnh không ngừng, đóng góp quan trọng cho việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ. Các thiết chế văn hóa của Đoàn, như hệ thống các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi cấp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm và phát hiện nhiều tài năng, năng khiếu trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, là môi trường thuận lợi cho thế hệ măng non đất nước được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn, Đội đổi mới phương thức hoạt động với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của thiếu niên, nhi đồng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong giai đoạn mới. Tổ chức Đoàn, Đội bước đầu tiếp cận và khai thác hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại, mới, như internet, các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, vận động thu hút, tập hợp thanh thiếu nhi.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn không ít thiếu niên có nhận thức lệch lạc về các chuẩn mực, giá trị, nên có những cách nghĩ, cách làm lệch chuẩn so với lý tưởng, các giá trị đạo đức tốt đẹp. Một bộ phận thiếu niên sa vào trò chơi bạo lực, độc hại trên mạng internet, chìm đắm trong thế giới ảo. Ngày càng nhiều những vụ án phạm tội giết người, cướp của mà thủ phạm còn đang ở độ tuổi vị thành niên do ảnh hưởng của những trò chơi, những bộ phim bạo lực, độc hại trên mạng internet. Tình trạng bạo lực học đường trong giới “tuổi teen” đang có dấu hiệu gia tăng, với nhiều hành động thể hiện sự thờ ơ, vô cảm. Nhiều thanh thiếu niên bỏ quên việc tìm hiểu về nguồn cuội, lịch sử dân tộc...
Thực trạng trên phản ánh công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nội dung công tác giáo dục chưa theo kịp với sự biến đổi rất nhanh chóng, có nhiều điều mới về nhận thức, tâm sinh lý của thiếu niên, nhi đồng hiện nay. Việc xây dựng hình tượng, điển hình tiên tiến cho thiếu niên, nhi đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thiếu tính chiều sâu và lâu dài. Chưa xác định được mẫu hình thiếu niên trong xã hội hiện đại hiện nay để qua đó tuyên truyền, giáo dục, định hướng thiếu niên có hiệu quả. Phương thức giáo dục còn lúng túng, cứng nhắc, kém linh hoạt, sinh động; mới tiếp cận được với bộ phận thiếu niên tiên tiến, còn đối với các em chậm tiến thì chưa có hình thức phù hợp. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng chưa cụ thể, đồng bộ, chặt chẽ, nên hiệu quả còn hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ từ thiếu niên, nhi đồng, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Hiện nay, môi trường, không gian cho hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi trong các trường tiểu học và trung học cơ sở ngày một thu hẹp, bởi những môn chính khóa và áp lực học hành, thi cử đối với các em học sinh gia tăng. Nhiều trường do không nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi nên không quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động Đội; coi hoạt động Đội chỉ như các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ngoại khóa khác. Việc tổ chức hoạt động Đội trong các trường ngoài công lập, các trường quốc tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, do chưa có quy định bắt buộc đối với những trường này phải thành lập tổ chức Đội. Hệ thống cung, nhà thiếu nhi còn ít được quan tâm đầu tư, nhiều nơi xuống cấp, thậm chí có địa phương chuyển mục đích sử dụng đất nhà thiếu nhi để làm trụ sở kinh doanh hoặc công trình kinh tế - xã hội khác. Những hạn chế trên có trách nhiệm của tổ chức Đoàn, tổ chức Đội, nhưng cũng rất cần sự quan tâm từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thiếu niên, nhi đồng
Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, phong trào với tinh thần “Tuổi nhỏ, làm việc nhỏ”, góp phần giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ, như: Phong trào "Em yêu lịch sử Việt Nam", "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy", chương trình "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam", ngày hội "Thiếu nhi khỏe, tiến bước lên Đoàn"; các cuộc thi, hội trại tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Đảng, về những anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc... Tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống, văn hóa, lối sống, ý thức pháp luật, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin cho thiếu nhi giúp các em từng bước hoàn thiện nhân cách. Chú trọng định hướng giá trị tốt đẹp cho các em thông qua những điển hình tiên tiến, qua thực tiễn hoạt động tập thể của Đội; lựa chọn nội dung, phương thức phù hợp để định hướng, giáo dục và tạo môi trường thuận lợi cho các em rèn luyện. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội cũng cần chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho các em thông qua các hoạt động do tổ chức Đoàn, Đội triển khai thực hiện, như: Chương trình “Học kỳ quân đội”, "Học kỳ công an" và giáo dục kỹ năng sống “Học làm người có ích”, "Học từ thiên nhiên", "Học từ làng nghề", "Học từ dân gian", "Kỳ học màu xanh", "Nhà thám hiểm nhỏ tuổi"... Tham gia các chương trình này, các em được trang bị những kỹ năng sống, khám phá những nền văn hóa độc đáo của các vùng miền đất nước, đồng thời rèn luyện ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong mỗi em đội viên, thiếu niên, nhi đồng.
Muốn giáo dục thiếu nhi tốt thì các cấp bộ Đoàn cần luôn chú trọng tăng cường vai trò phụ trách Đội, chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng, từng bước nâng cao chất lượng hội đồng Đội các cấp và lực lượng cán bộ phụ trách Đội. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ phụ trách Đội để mỗi người phải thực sự là tấm gương cho thiếu nhi noi theo.
Trong thời gian tới, Hội đồng Đội Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi đối với đội ngũ cán bộ phụ trách Đội để họ an tâm công tác, phát huy được năng lực, nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện công tác Đội và phong trào thiếu nhi; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chương trình "Rèn luyện phụ trách Đội" để từng bước nâng cao chất lượng công tác Đội; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về "Nâng cao năng lực đội ngũ chỉ huy Đội" để sớm phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố lãnh đạo trẻ trong tương lai.
Để tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thực sự là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam, thực sự là người bạn thân thiết của các em và làm tốt hơn nữa vai trò đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của thiếu nhi, thì mỗi anh chị phụ trách Đội cần luôn thể hiện tinh thần "Vì đàn em thân yêu", cố gắng, nỗ lực rèn luyện về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Đội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng./.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát hiện, xử lý tham nhũng  (14/05/2016)
Tổng Bí thư tiếp Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc  (14/05/2016)
Kỳ vọng của cử tri Trường Sa trước Ngày hội lớn của đất nước  (14/05/2016)
Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: 51 đơn vị quân đội tham gia bầu cử sớm  (13/05/2016)
Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng do cá chết  (13/05/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay