Đông - Bắc Á(1) từ nhiều năm qua do các nguyên nhân khác nhau đã trở thành khu vực có nhiều diễn biến chính trị phức tạp, nhạy cảm. Diễn biến đó như thế nào và xu hướng biến đổi chính trị tại khu vực này trong tương lai sẽ ra sao?

Thực trạng chính trị Đông - Bắc Á

Khu vực Đông - Bắc Á hiện đối mặt với những bất ổn tiềm tàng về an ninh - chính trị, những điểm nóng, nguy cơ gây phá vỡ sự ổn định khu vực như: kết cấu quân sự chính trị thời “chiến tranh lạnh” vẫn tồn tại (vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vấn đề 4 hòn đảo phía Bắc Nhật Bản (Habomai, Shikotan, Etorofu, Kunashir), quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan; vấn đề biển đảo (đảo Điếu Ngư/Sencaku biển Hoa Đông, đảo Dokdo/Takeshima ở biển Nhật Bản...) đã khiến cuộc tranh chấp các biển đảo trở nên phức tạp, căng thẳng, quyết liệt hơn; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, nạn buôn người) đòi hỏi sự hợp tác toàn khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế, chính trị, quân sự không đồng đều, không cân đối trong từng nước và giữa các nước trong khu vực, dẫn tới khủng hoảng tài chính kinh tế, rối loạn chính trị, xã hội, nghiêm trọng hơn làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược(2).

Việc tìm kiếm giải pháp cho những điểm nóng này thực sự bế tắc bởi vị trí địa - chiến lược, địa - kinh tế của Đông - Bắc Á được các nước lớn coi là những tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng và thể hiện quyền lực trong khu vực.

Kỷ nguyên Đông - Bắc Á đang đến gần giữa dòng chảy của thời kỳ hậu “chiến tranh lạnh”, toàn cầu hóa, tri thức và thông tin. Đông - Bắc á là khu vực tập trung những quốc gia có nhiều mối quan hệ khu vực cũng như quốc tế tác động đáng kể tới toàn khu vực, như hợp tác song phương Nhật Bản - Mỹ, Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc - Nhật Bản; quan hệ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên; quan hệ đa phương trong cơ chế đàm phán 6 bên (Trung Quốc - Mỹ - Nga - Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc) về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên...

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản là mối quan hệ phức tạp, nhiều biến động, đầy mâu thuẫn và đều chịu tác động trực tiếp từ nhân tố Mỹ. Hai nước hiện đang cạnh tranh gay gắt về chính trị, đều muốn giành quyền chi phối rộng hơn tới khu vực Đông Á theo hướng ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương; xây dựng các định chế hợp tác cho toàn khu vực.

Với Nhật Bản, có thể thấy, quốc gia này tiếp tục duy trì vị trí là nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ, là nước cung cấp ODA lớn nhất thế giới, lớn mạnh về tiềm lực tài chính, với nền công nghệ phát triển hùng hậu. Đây là một trong những quốc gia phát triển nhất ở Đông Á, nước thực hiện thành công nguyên tắc chính trị “sống hòa thuận và biết kiến tạo”.

Qua hơn 50 năm thực tiễn quan hệ quốc tế, Nhật Bản chứng tỏ là một quốc gia bình ổn hóa về chính trị. Trong hợp tác quốc tế, quan hệ Nhật Bản - Mỹ là quan hệ đồng minh bền chặt, gắn bó về các lợi ích kinh tế, an ninh - chính trị. Đây là mối quan hệ trụ cột của Nhật Bản nhằm mục tiêu dựa vào Mỹ, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, từng bước khôi phục vị thế chính trị quốc tế. Chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ rằng, sự thịnh vượng về kinh tế cùng với chính sách can dự, đóng góp tài chính nhiều hơn cho các thể chế quốc tế sẽ giúp nước Nhật khai thông và mở rộng ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.

Hiện nay, Nhật Bản đang trở thành một trong hai động cơ chủ lực của con tàu kinh tế Đông Á. Nước này nhận thấy cần phải củng cố vị trí của mình ở khu vực Đông Á, nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, có tiếng nói đối trọng trong các diễn đàn và hội nghị của khu vực, tiếp tục thể hiện vai trò chi phối trong việc tiến tới thành lập Cộng đồng Đông Á. Do đó, từ nay tới năm 2012, Nhật Bản tiến hành thiết lập FTA lần lượt với các quốc gia ASEAN nhằm tận dụng tối đa mọi cơ hội. Theo các nhà phân tích, nếu vị trí thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Nhật Bản được thừa nhận, Nhật Bản không những là một nước có nền kinh tế lớn mà còn là một siêu cường chính trị.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Nhật Bản phải vượt qua ít nhất hai trở ngại chính: một là, lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc - một nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; hai là, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản phải từ bỏ các cuộc viếng thăm đền Y-a-su-ku-ni.

Với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền này sao cho có lợi nhất đối với họ bởi đây là công cụ hữu hiệu kiềm chế Nhật Bản. Trong những năm gần đây, những động thái trong chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản thể hiện rõ điều này.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Nhật Bản thì việc từ bỏ các cuộc viếng thăm đền Y-a-su-ku-ni thực sự khó khăn, khi mà người Nhật coi những cuộc viếng thăm này như một công cụ chính trị nhằm tăng cường ảnh hưởng hay thể hiện uy thế của một đảng cầm quyền, từ đó củng cố vị trí chính trị của đảng này trên chính trường trong nước. Như vậy, có thể thấy rằng, con đường tiến tới một “siêu cường chính trị” của Nhật Bản ở Đông - Bắc á còn nhiều trở ngại nếu cuộc cải tổ Liên hợp quốc không diễn ra như người Nhật mong muốn.

Trung Quốc hiện là nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ ba thế giới. Năm 2009, quốc gia này trở thành nước xuất khẩu và nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện đang tạo ra một cục diện phát triển mới, trong đó, bản thân Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ thế vượt trội trong việc xác định “luật chơi” cho khu vực(3):

Một là, đẩy nhanh Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), nỗ lực vượt trước Nhật Bản trong việc “tiếp cận” ASEAN, chủ động trong tiến trình Đông Á và thông qua các nước trong khu vực nhằm thiết định chiến lược “hòa bình phát triển”, đưa Trung Quốc trở thành một cực phát triển của thế giới hiện đại;

Hai là, bằng việc triển khai chiến lược “một trục, hai cánh”, Trung Quốc tích cực mở rộng không gian phát triển, lôi cuốn cả khu vực Đông - Nam Á, đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) vào “cực tăng trưởng mới của Trung Quốc - ASEAN” do Trung Quốc dẫn dắt để vươn ra thế giới;

Ba là, thay vì chỉ tiếp nhận đầu tư nước ngoài, Trung Quốc tích cực đầu tư ra thế giới. Những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, lao động và gây ô nhiễm môi trường sẽ “chuyển dịch” dần từ Trung Quốc sang các nước kém phát triển hơn trong khu vực;

Bốn là, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho một nền kinh tế khổng lồ, Trung Quốc sẽ phải đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguyên liệu, năng lượng, lao động... Chiến lược khai thác tài nguyên của Trung Quốc theo đúng phương châm của thời đại toàn cầu hóa: bảo toàn tài nguyên quốc gia, tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn lực bên ngoài...

Như vậy, có thể thấy, sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đặt ra nhiều thay đổi trong tư duy phát triển của các nước Đông - Bắc á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhìn tổng thể, người ta thấy ý thức cạnh tranh của Trung Quốc đối với Nhật Bản để xác lập quyền chủ đạo tại Đông á là trọng yếu. Có thể nói, trong việc thỏa thuận ký kết ACFTA, ASEAN “nhắm” cái lợi kinh tế, còn Trung Quốc “nhắm” cái lợi về chính trị.

Sự nổi lên của Trung Quốc có tác động sâu tới vành đai quyền lực trong khu vực Đông - Bắc Á bởi bất kỳ sự thay đổi nào về cân bằng các lực lượng kinh tế đều tác động tới sự ổn định trong khu vực.

Ngoài những nhân tố quốc gia riêng lẻ, các mối quan hệ song phương và đa phương của các nước này cũng tác động đáng kể tới an ninh - chính trị khu vực:

Quan hệ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên là quá trình phức tạp và lâu dài nhằm hòa giải, hợp tác hòa bình tiến tới thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người dân mà đã thành vấn đề quốc tế khi nơi đây có sự đan xen quyền lợi, ảnh hưởng, vai trò của các nước lớn. Do vậy, tình hình chính trị ở khu vực Đông - Bắc Á với sự gia tăng của cuộc khủng hoảng hạt nhân đã làm tăng thêm tính phức tạp và khó phán đoán.

Quan hệ đa phương sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên từ nhiều năm qua không mấy tiến triển do ý đồ và lợi ích chiến lược của các bên rất khác nhau. CHDCND Triều Tiên muốn duy trì sự tồn tại của chính quyền hiện nay, không muốn nó bị sụp đổ; Trung Quốc và Nga là hai nước lớn có biên giới chung với nước này, do vậy muốn giữ nguyên trạng trên bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, Trung Quốc tỏ ra quan ngại chương trình hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên sẽ châm ngòi phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, điều này sẽ làm thất bại cơ chế không phổ biến. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn bị đe dọa an ninh trực tiếp một khi CHDCND Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân bởi hai nước này đều là đồng minh của Mỹ.

Triển vọng chính trị ở Đông - Bắc Á

Tính đa dạng và phức tạp tại chính trường ở khu vực Đông - Bắc Á bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là do các mối quan hệ chính trị bên trong và bên ngoài khu vực cùng đồng thời chi phối. Đó là các mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nhật Bản - Mỹ, quan hệ đa phương sáu bên, trong đó, Mỹ đóng vai trò chi phối đối với phát triển chính trị của khu vực, tiếp đến là vai trò của Nhật Bản và Trung Quốc.

Sự phát triển chính trị hàm chứa tính cấp thiết và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các nước trước xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa đang tăng nhanh hiện nay; đồng thời cũng tác động đến đời sống quan hệ quốc tế tại khu vực Đông - Bắc Á nói riêng và châu á - Thái Bình Dương nói chung.

Những nguy cơ hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nước lớn, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tại các vùng biển Đông - Bắc Á, kể cả những mâu thuẫn có từ quá khứ lịch sử và trở ngại về “lòng tự hào và sự tổn thương dân tộc” luôn là những vấn đề nổi cộm mà các bên phải quan tâm giải quyết hòng duy trì quan hệ ổn định để cùng phát triển. Sự hợp tác kinh tế sẽ hóa giải những vấn đề an ninh chính trị giữa các nước Đông - Bắc Á. Chủ nghĩa khu vực Đông - Bắc Á mới sẽ được coi là “liều thuốc thần diệu” giúp các quốc gia này tìm ra giải pháp để “các bên đều thắng”, để khu vực Đông - Bắc Á trở thành đầu tàu phát triển của Đông Á.

Tuy nhiên, tại Đông - Bắc Á, nếu chỉ nói riêng về kinh tế, triển vọng về việc hình thành một FTA song phương giữa Nhật Bản - Trung Quốc, Nhật Bản - Hàn Quốc, Trung Quốc - Hàn Quốc có lẽ còn khá xa vời bởi tuy lãnh đạo ba nước đã đi đến nhất trí hình thành FTA gồm 3 nước tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 10-2003, song cho đến nay vẫn chưa có mấy tiến triển.

Liên kết kinh tế Đông Bắc Á - Đông Á thể hiện xu thế mang màu sắc chính trị đang phát triển nhưng còn nhiều trở ngại, thách thức ở phía trước. Các mô hình liên kết như ASEAN - AFTA, APEC, ASEAN + 3, và FTA cho cả Đông á liệu có thể hình thành trong tương lai hay không vẫn đang là mục tiêu cần đạt tới.

Từ những vấn đề an ninh - chính trị khu vực Đông - Bắc Á như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, vấn đề biển Đông và tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, sự gia tăng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong khu vực, sự hình thành các tôn giáo mới... có thể thấy xu hướng biến đổi chính trị Đông - Bắc Á trong thời gian tới vừa là ổn định hợp tác, vừa là cạnh tranh gay gắt; vẫn còn tiềm ẩn những căng thẳng, các nguy cơ làm xấu đi tình hình chính trị khu vực.

Trong bối cảnh đó, việc tham gia vào Hợp tác ASEAN + 3 (cơ chế hợp tác ba bên đầu tiên và duy nhất ở Đông - Bắc á cho tới nay) sẽ tạo thêm cơ hội để ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ba quốc gia hùng mạnh nhất ở Đông - Bắc Á, xích lại gần nhau tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ dần những cản trở, giúp cho các bên bước vào quỹ đạo phát triển thông qua đối thoại.

Ngoài cơ chế ASEAN + 3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Cộng đồng Đông Á sẽ đóng vai trò kiểm soát hành vi, đưa mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa các nước này vào xu thế ổn định và dễ đoán định hơn. ASEAN hiểu rõ tác dụng của cơ chế hợp tác tập thể đối với việc kiềm chế xung đột của các thành viên Đông - Bắc Á. Bởi ASEAN có vai trò đặc thù trong việc tạo thế cân bằng giữa các nước lớn và với chính sách linh hoạt, mềm dẻo đã được các nước trong khu vực coi như “động lực” chính nhằm điều hòa các hoạt động liên kết hợp tác kinh tế, an ninh, chính trị toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong tiến trình Đông Á với việc giành ưu thế lãnh đạo trong cơ chế hợp tác đầy tiềm năng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ASEAN được coi là hạt nhân cố kết các bên tham gia. Không những thế, ASEAN còn là tâm điểm của các hiệp định thương mại tự do. Không thể xây dựng một cơ chế hội nhập kinh tế, an ninh - chính trị châu Á giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước lớn khác mà thiếu vắng ASEAN ở giữa.

Bất chấp nhiều trở ngại, Hợp tác Đông Á là một tiến trình đã khởi động, giúp cho triển vọng hình thành Cộng đồng Đông Á sáng sủa hơn. Cộng đồng Đông Á, về thực chất là một ý tưởng mang đậm màu sắc chính trị. Về mặt lý thuyết, có 4 thuyết cho việc hình thành Cộng đồng Đông Á, đó là:

Thứ nhất, thuyết vai trò lãnh đạo “đàn sếu bay” của Nhật Bản. Theo thuyết này, Nhật Bản, một cường quốc kinh tế, được sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ đóng vai trò lãnh đạo liên kết kinh tế Đông Á. Song, thuyết này bị thách thức bởi sự trỗi dậy không đoán định trước được của Trung Quốc;

Thứ hai, thuyết vai trò đầu tàu của Trung Quốc tại khu vực. Trung Quốc sẽ nổi lên thành một siêu cường “Đại Trung Hoa” và sẽ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của khu vực Đông Á. Nhưng vai trò này gặp phải thách thức từ phía Mỹ và Nhật Bản;

Thứ ba, thuyết cân bằng quyền lực giữa các nước lớn. Sự cân bằng này dựa trên ba cơ sở: Một là, ASEAN thực hiện chính sách cân bằng quyền lực giữa các nước lớn. Hai là, các cơ chế đa phương trong khu vực lôi kéo các nước lớn tham gia, tạo sự đan xen quyền lợi cũng như cơ hội cân bằng quyền lợi. Ba là, các nước lớn trong sự kiềm chế lẫn nhau, tạo ra các cơ chế tham vấn nhằm bảo đảm lợi ích của nhau, tránh đối đầu.

Thứ tư, thuyết vai trò chủ đạo của ASEAN. Với thuyết này, Cộng đồng Đông Á sẽ được hình thành vào khoảng những năm 2025 - 2030 sau Cộng đồng ASEAN và khu vực thương mại - đầu tư Đông Á.

Quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á sẽ là quá trình tiệm tiến và nòng cốt vẫn là ASEAN. Song, sự thành công của Cộng đồng Đông Á không thể không tính đến triển vọng mang tính quyết định trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Theo thuyết cân bằng quyền lực, hai nền kinh tế lớn này sẽ hỗ trợ nhau trong hệ thống dây chuyền cung - cầu của thế giới. Hai nước này, mặc dù có thái độ khác nhau về chính trị, song đều muốn thúc đẩy sự phát triển Đông Á, coi đó là cơ hội hòa hữu.

Chúng ta hy vọng rằng, các nước Đông - Bắc Á vượt qua các bất đồng về lịch sử, về chính trị, các xung đột phi truyền thống để tìm đến một giải pháp chung cho sự phát triển bền vững và ổn định của khu vực nói riêng và của châu Á nói chung./.
 

(1) Khu vực Đông - Bắc Á trong bài viết này hiểu theo nghĩa hẹp, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc

(2) Xem: Trần Bá Khoa: Tiến tới một Cộng đồng Đông á: hợp tác chính trị an ninh, thách thức và triển vọng, Hội thảo khoa học quốc tế, Hà Nội, tháng 9-2006

(3) Xem: Trần Đình Thiên: Bốn mươi năm ASEAN: những tình huống phát triển mới của khu vực và triển vọng cho Việt Nam, Hội thảo khoa học đã dẫn