TCCSĐT - Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng với những nét đặc thù trong hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở mỗi địa phương, đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng này, đặc biệt là trong tuyên truyền các giá trị văn hóa của nó.

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian, tạo thành nét đặc sắc trong nền văn hóa dân tộc. Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu, loại hình tín ngưỡng dân gian gắn với sự tôn sùng, thờ cúng những nữ thần, có vị trí hết sức đặc biệt. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, cùng với những tác động của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành lớp tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ tương đối thống nhất và hệ thống, đồng thời, có nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc (như nghi lễ hát văn - hầu đồng, các lễ hội tín ngưỡng,…), thu hút đông đảo quần chúng nhân dân.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy một kho tàng văn học dân gian đa dạng, phong phú, với những loại hình như văn chầu, truyền thuyết, thơ, câu đối,… Cho đến nay, mặc dù số lượng và chất lượng của mảng văn học này vẫn chưa được khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng giá trị tâm linh và giá trị văn học của nó là không thể phủ nhận. Tín ngưỡng này còn hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật cổ và nghệ thuật dân gian. Chẳng hạn, có thể thấy bóng dáng của nghệ thuật kiến trúc cổ thông qua các công trình đền, điện, phủ với lối bài trí, các hoa văn, những bức tượng được chạm, khắc tinh tế; nghệ thuật sân khấu dân gian cổ qua nghi lễ hát văn - hầu đồng, một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc, được tổng hợp từ rất nhiều yếu tố: âm nhạc, ca từ, vũ đạo mô phỏng,… Ngoài ra, có thể thấy được nhiều nét đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, tính cộng đồng, tình đoàn kết,… Và đặc biệt, còn thấy được mong ước về cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân ta từ bao đời. Do đó, việc tuyên truyền những giá trị văn hóa của tín ngưỡng này là một việc làm cần thiết và quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, trong công tác quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, việc tuyên truyền chủ yếu là nhằm: 1- Góp phần thực hiện và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; 2- Bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng tuân thủ các quy định của pháp luật; 3- Phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong các hoạt động tín ngưỡng; 4- Góp phần tăng cường vai trò của Nhà nước trong điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung.

Có thể thấy, việc tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa thật sự được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong bản thân tín ngưỡng này.

Qua nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể thấy, thời gian qua, một số nội dung tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, được lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trên địa bàn, cụ thể là các phong trào, cuộc vận động như: “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,… Theo số liệu khảo sát mà chúng tôi tiến hành vào năm 2013, với 100 phiếu hỏi, có trên 70% số người được hỏi khẳng định đã từng đến các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ; 55% số người được hỏi trả lời là có người thân trong gia đình hoặc bản thân họ thường xuyên tham gia các hoạt động của tín ngưỡng này; thế nhưng, có tới 41% số người được hỏi trả lời sai, hoặc không biết đến ngay cả vị thần chủ của tín ngưỡng này. Điều này cho thấy, mặc dù người dân rất quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng nhận thức của họ về tín ngưỡng này vẫn còn rất hạn chế.

Qua trao đổi với một số cán bộ hiện tham gia công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở thành phố Hà Nội, hầu hết đều khẳng định những giá trị tốt đẹp cũng như sức hút mạnh mẽ của tín ngưỡng này đối với nhân dân thành phố, nhưng họ cũng chỉ ra nguy cơ lợi dụng các sinh hoạt tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan hòng trục lợi,… dẫn đến những đánh giá thiếu thiện chí, làm sai lệch những giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng nói chung, hoạt động tuyên truyền trên lĩnh vực này nói riêng, chủ yếu thuộc về ngành văn hóa các cấp. Trong quá trình triển khai, ngành văn hóa đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, như cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, lực lượng an ninh văn hóa; bên cạnh đó, còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn ở các địa phương. Ngày 28-10-2013, Ban Tôn giáo Chính phủ chính thức có Công văn số 995/TGCP-TGK, về hoạt động thờ Mẫu, trong đó nêu rõ: Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm một số vấn đề sau: Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn và quản lý các hoạt động nghiên cứu về thờ Mẫu, nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của thờ Mẫu. Đồng thời, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn người đại diện hoặc ban quản lý kiện toàn công tác quản lý các cơ sở tín ngưỡng nói chung và thờ Mẫu nói riêng; gửi bản thông báo các hoạt động tín ngưỡng dự kiến vào năm sau tại cơ sở tín ngưỡng đến ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Văn bản này đang được đưa vào triển khai thực hiện, qua đó, sẽ góp phần quy định rõ hơn về sự tham gia của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tại thành phố Hà Nội, một trong những nơi mà hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra sôi nổi, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng này thời gian qua có vai trò không nhỏ của các tổ chức xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội trực thuộc Hội, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam,... Đối với nghi lễ hát văn - hầu đồng, nghi lễ quan trọng bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều hoạt động sân khấu, nghệ thuật nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nghi lễ này được tạo điều kiện tổ chức, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Việc sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng cũng được tiến hành và phổ biến ở trên sân khấu của Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát chèo Hà Nội,… góp phần đưa hình thức sinh hoạt tín ngưỡng này vượt ra khỏi các điện thờ, đến với nhiều đối tượng người dân hơn. Tuy nhiên, để các hoạt động đó đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt hiệu quả trong tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng này, cần có sự quan tâm, quy hoạch một cách tổng thể, có sự đổi mới tư duy nhất quán.

Có thể nói, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cơ bản là:

Thứ nhất, việc tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu còn mang tính tự phát, thiếu định hướng, các phương thức tuyên truyền đạt hiệu quả thấp.

Ngày 30-6-2015, trên trang tìm kiếm Google, nếu gõ từ khóa “hầu đồng”, sẽ cho ra khoảng 1.140.000 kết quả tìm kiếm; với từ khóa “hầu đồng biến tướng”, sẽ thu được 17.900.000 kết quả tìm kiếm (con số này vào năm 2013 là khoảng 6.760.000). Từ những con số này, có thể thấy, một mặt, sự quan tâm của dư luận xã hội đối với tín ngưỡng thờ Mẫu; mặt khác, dường như nhiều phương tiện truyền thông đang đưa tin thiếu định hướng về những giá trị cơ bản của tín ngưỡng này,vô tình tập trung và làm nổi lên những hiện tượng “biến tướng” - vốn không phải là bản chất của các hoạt động tín ngưỡng.

Trong thời gian gần đây, mặc dù nhiều cơ quan thông tấn, báo chí có những bài báo, phóng sự phản ánh tương đối toàn diện về tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là về nghi lễ hát văn - hầu đồng, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc, nhưng nội dung nhiều bài báo, phóng sự chưa sâu sắc, hình thức thể hiện chưa thật hấp dẫn, trong khi những thông tin một chiều, phiến diện, phủ nhận các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu lại xuất hiện ồ ạt, đến mức hình thành nên những “ác cảm”, thiếu thiện chí của dư luận đối với tín ngưỡng này.

Phương pháp, cách thức tuyên truyền trong quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu vẫn mang tính hành chính, như gửi văn bản, hướng dẫn về các nội dung có liên quan. Các hình thức tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua mặc dù tương đối phong phú, thông qua các phương tiện truyền thông, các hoạt động sân khấu, nghệ thuật,… nhưng nhìn chung, còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý tổng thể. Ở các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu hết đều có những bảng giới thiệu về lịch sử của nơi thờ tự và Thánh tích, nhưng cách tuyên truyền này được rất ít người dân quan tâm.

Như vậy, để thu hút được sự quan tâm, chú ý của người dân, nâng cao nhận thức cho họ về các giá trị của tín ngưỡng, các nhà quản lý cần phải tìm ra được những biện pháp thiết thực, phù hợp với tâm lý của họ, trước hết là với những người vốn có sẵn mối thiện cảm đối với tín ngưỡng này.

Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu còn chưa rõ ràng, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu.

Như đã nói ở trên, hiện nay, ngành văn hóa vẫn là cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng lĩnh vực chủ yếu mà ngành quản lý vẫn chỉ ở mảng lễ hội tín ngưỡng và các di tích. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, chính những nơi dễ phát sinh tiêu cực trong hoạt động, làm sai lệch những giá trị văn hóa của nó lại chưa được quản lý (như ở các đền, điện tư nhân). Trong việc phối hợp quản lý và tuyên truyền của ban tôn giáo các cấp, chưa có quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp và nội dung tuyên truyền,…

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương còn mỏng, đặc biệt là cán bộ chuyên trách. Trong lĩnh vực quản lý hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, ở nhiều nơi, hiểu biết của họ về tín ngưỡng này vẫn còn hạn chế, nên việc tuyên truyền về các giá trị văn hóa của nó chưa cao. Thêm vào đó, lĩnh vực theo dõi của họ chủ yếu là các hoạt động lễ hội tín ngưỡng và hoạt động hằng năm của các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng được xếp hạng di tích, cho nên chưa bao quát được hết các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn.

Thứ ba, những khó khăn do các đặc điểm tín ngưỡng và đặc điểm tâm lý của đội ngũ thực hành tín ngưỡng.

Cũng như bất cứ tín ngưỡng, tôn giáo nào khác, tín ngưỡng thờ Mẫu mặc dù có những giá trị đặc sắc về đạo đức và văn hóa, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển đã nảy sinh những hiện tượng đi ngược lại với bản chất tốt đẹp của mình. Quá trình thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu lại chủ yếu được lưu truyền dân gian, truyền miệng từ người này sang người khác, hoặc nhiều khi từ các “con nhang”, “đệ tử” chạy theo “phong trào” mà chưa hiểu hết các bước nghi lễ, thủ tục, làm giảm giá trị văn hóa ban đầu của nó. Một số hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính thương mại hóa, với mục đích trục lợi kinh tế. Sự nhiễu loạn, biến tướng trong các nghi lễ của tín ngưỡng này đang là một thực tế phức tạp, làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của nó.

Để việc tuyên truyền được đồng bộ, nhất quán, yêu cầu đặt ra là phải có một hệ thống các tiêu chí cụ thể để “làm chuẩn” trong hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng do đặc điểm lưu truyền dân gian nên điều này là rất khó khăn. Ngay như trong nghi lễ hầu đồng, việc phân định rạch ròi thế nào là “hầu đồng văn hóa”, thế nào là “hầu đồng biến tướng”, không chỉ các nhà quản lý, mà cả các nhà khoa học và những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng cũng không thể đưa ra những số liệu nhất quán để làm tiêu chí. Trong văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu là Nghị định số 75/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó có quy định “không đốt vàng mã quá nhiều”, nhưng “nhiều” là bao nhiêu, “nhiều” đến mức nào thì bị xử lý vi phạm,… không phải là câu hỏi dễ trả lời.

Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có những nét tâm lý rất riêng. Họ có niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt, rất nhiệt tâm và số đông chịu ảnh hưởng lớn từ việc “bắc ghế hầu Thánh”. Họ thường có xu hướng bảo thủ trong các vấn đề tín ngưỡng, giàu cảm xúc và dễ bị kích động, tuy nhiên, họ rất trọng cổ, dễ bị thuyết phục bởi những người có uy tín trong đội ngũ thực hành tín ngưỡng,... Do đó, cần phải chú ý đến những đặc điểm tâm lý của đội ngũ này để có cách tuyên truyền hiệu quả.

Bốn là, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người còn mang tâm lý e ngại đối với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nhận thức của người dân về tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến những hiện tượng tiêu cực và hành vi lệch lạc. Đến các đền, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy dường như ai cũng cầu mong sự tốt đẹp cho bản thân và gia đình mình, nhưng không phải ai cũng hiểu những điều mang tính hướng thiện của tín ngưỡng này, do đó, có không ít điều cầu mong không bắt nguồn từ thiện tâm, đi ngược lại tinh thần của tín ngưỡng.

Ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân hiện nay còn chưa cao, dư âm của quan niệm cũ về tín ngưỡng thờ Mẫu và các hoạt động lệch lạc của tín ngưỡng này hiện vẫn còn tồn tại, dẫn đến tâm lý bàng quan, hoặc e ngại khi đánh giá, ghi nhận những giá trị văn hóa truyền thống của nó. Chính điều đó khiến cho người dân khi tham gia các hoạt động của tín ngưỡng này dễ bị những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, thậm chí bị làm cho hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần,…

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần tuyên truyền có hiệu quả, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, xin được đề xuất một số giải pháp như sau:

1- Nghiên cứu, điều tra, hệ thống lại một cách đầy đủ, nhất quán về sự vận động, biến đổi của những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong thực tế hiện nay. Trong các nghiên cứu, một mặt, khẳng định những nét đẹp, các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cần được bảo tồn và phát huy; mặt khác, chỉ rõ những yếu tố trong hoạt động của tín ngưỡng này đang bị làm cho biến tướng hoặc bị lợi dụng vì mục đích trục lợi và những đặc điểm, nội dung của nó hiện đã lỗi thời, lạc hậu, cần phải được thay đổi;… Các kết quả nghiên cứu sau khi được cụ thể hóa cũng cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để đông đảo quần chúng nhân dân được biết.

2- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân trên địa bàn trong hoạt động tuyên truyền.

3- Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, ở các địa phương, cơ sở. Nâng cao nhận thức của người dân về những nét đẹp truyền thống, giá trị văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua việc quản lý tốt các hoạt động của tín ngưỡng này, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của họ khi tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tránh để kẻ xấu lợi dụng.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cung cấp cho nhân dân, dư luận xã hội những thông tin đầy đủ, khách quan về các biểu hiện tiêu cực trong thực tiễn hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời định hướng dư luận, giúp nhân dân có được sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, không đánh đồng các giá trị văn hóa với các biểu hiện mê tín, dị đoan trong hoạt động của tín ngưỡng này,...

4- Đổi mới, sáng tạo trong các phương pháp, phương thức tuyên truyền về giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Giảm bớt các phương pháp tuyên truyền mang tính hành chính, thay vào đó, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp trong tuyên truyền các nội dung về quản lý nhà nước đối với hoạt động của tín ngưỡng này. Sử dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, phát thanh, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật,…; nêu cao vai trò của đội ngũ đảng viên, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể nhân dân để tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn.

5- Đánh giá đúng và có biện pháp thích hợp để phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là những người có uy tín trong đội ngũ đó, trong tuyên truyền nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này, bài trừ các hiện tượng mê tín, dị đoan, các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng. Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ thực hành tín ngưỡng, làm cơ sở để định hướng cho các hoạt động của tín ngưỡng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, các hiện tượng mê tín, dị đoan trong quá trình thực hành tín ngưỡng./.