TCCSĐT - Ngày 01-10-2015, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: “Phát huy vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay”.

 

 Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Đề tài khoa học: Phát huy vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, có mã số KHBĐ (2013) - 34, do Tạp chí Cộng sản chủ trì và PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu làm chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu cấp Ban Đảng gồm 7 thành viên, do PGS, TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm chủ tịch.

Theo trình bày của PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, chủ nhiệm đề tài, đề tài được triển khai thực hiện đúng hợp đồng chuyên môn. Các sản phẩm của đề tài được thực hiện đầy đủ và trình Hội đồng nghiệm thu bao gồm: Báo cáo Tổng hợp, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo tài chính, Báo cáo kết quả khảo sát thực tiễn và Bản kiến nghị.

Đề tài “Phát huy vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay” có mục tiêu: Trên cơ sở khảo sát thực trạng vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua; nêu rõ một số phương hướng cơ bản và đề xuất một số giải pháp chủ yếu, kiến nghị một số vấn đề nhằm phát huy vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau: Làm rõ một số vấn đề lý luận chung về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Khảo sát thực trạng vai trò của báo chí (qua khảo sát Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân, báo Lao động, báo Thanh niên, báo Đại Đoàn kết) trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Chỉ rõ một số vấn đề đang đặt ra đối với việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; Nêu rõ một số phương hướng cơ bản và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; và, Đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

 

 PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, chủ nhiệm đề tài trình bày trước Hội đồng nghiệm thu

Theo trình bày của chủ nhiệm đề tài, Báo cáo Tổng hợp ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung gồm 3 chương và 12 tiết. Cụ thể: Chương I. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng với 5 nội dung: Khái niệm và một số vấn đề lý luận chung; Tính tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Một số nội dung cơ bản vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Kinh nghiệm báo chí một số nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Một số nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chương II. Thực trạng vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay được triển khai với 3 nội dung: Thực trạng vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay (Qua khảo sát thực trạng tại: Tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, Thanh Niên, Lao Động, Đại Đoàn Kết); Một số thành công, hạn chế và nguyên nhân của thành công và hạn chế đối với việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay; Một số vấn đề đang đặt đối với việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Chương III. Một số phương hướng cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay được triển khai với 3 nội dung cơ bản: Một số phương hướng cơ bản phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Một số giải pháp chủ yếu phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; Kiến nghị một số vấn đề nhằm phát huy vai trò của báo chí Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay (cụ thể, Kiến nghị với cơ quan Đảng; Kiến nghị với cơ quan Nhà nước; Kiến nghị với cơ quan báo chí).

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, đây là một đề tài mang vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thời sự nóng hổi. Đề tài thu hút được sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học mà cả các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, của đông đảo bạn đọc. Các kết quả đạt được cho thấy, nhóm nghiên cứu đã có nhiều cố gắng, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học, đã thực sự công phu, nghiêm túc trong triển khai thực hiện đề tài.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng, nhất là ý kiến của hai phản biện, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt mục đích và nhiệm vụ được giao, các kết quả đạt được bảo đảm chất lượng, có đóng góp mới về mặt khoa học và thực tiễn, đồng ý thông qua kết quả nghiệm thu. Tuy nhiên, để hoàn thiện các sản phẩm khoa học của đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu nhóm nghiên cứu: Cần chỉnh sửa cấu trúc một số tiết tại các chương cho phù hợp; chỉnh sửa sự cân đối, hài hòa về số trang giữa các chương; cần bổ sung, gia cố phần kinh nghiệm quốc tế cho sát với chủ đề nghiên cứu; cân nhắc tính đại diện của mẫu khảo sát; nên rút gọn một số tiết cho đỡ dàn trải; nghiêm túc chỉnh sửa các lỗi in ấn;…

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu cảm ơn các nhà khoa học đã đánh giá cao sự cố gắng của nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài; đồng thời, cam kết tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà khoa học sớm sửa chữa, hoàn thiện để kết quả nghiên cứu của đề tài được hoàn chỉnh, đáp ứng đúng yêu cầu của Hội đồng, xứng đáng là một sản phẩm khoa học công phu, nghiêm túc thiết thực góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của báo chí Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.