Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là một trong những vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng nước ta. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khu vực này là địa bàn chủ yếu cung cấp sức người, sức của, góp phần quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nông thôn vẫn là địa bàn rộng lớn, chiếm tới gần 80% dân số, trên 50% lực lượng lao động cả nước. Sản xuất nông nghiệp mặc dù chỉ đóng góp khoảng 20% GDP, nhưng sản xuất ra những sản phẩm nuôi sống con nguời, quyết định vấn đề an ninh lương thực, cũng như sự ổn định của xã hội.
Lịch sử gần 80 năm ra đời và phát triển, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngay từ khi thành lập, chủ trương "Người cày có ruộng" của Đảng là động lực to lớn đoàn kết, tập hợp nông dân đứng lên theo Đảng làm cách mạng. Trước thềm đổi mới, khi đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhờ có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về quản lý trong nông nghiệp và chủ trương đưa nông nghiệp là mặt trận hàng đầu đã khơi dậy tiềm năng to lớn trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần quyết định đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) xác định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng chỉ rõ: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân"; "...Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân". Cùng với những thành tựu sau 20 năm đổi mới, quá trình thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn cả nước nói chung, ở Vĩnh Phúc nói riêng còn nhiều bất cập, đồng thời đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Cũng như nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc chủ yếu vẫn ở trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, hàng hóa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Các hoạt động dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa nông sản chưa phát triển mạnh. Hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả thấp. Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong các khâu dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa nông sản và vai trò của Nhà nước trong công tác quy hoạch, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường chưa được phát huy, trong khi sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp, thoát nước, xử lý chất thải, vấn đề môi trường... Nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng ở khu vực nông thôn rất lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách của các địa phương lại rất hạn chế. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, địa bàn nông thôn và quỹ đất nông nghiệp có xu hướng ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ là rất lớn, trong khi với quy mô phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ như hiện nay chưa đủ điều kiện để có thể thu hút phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn thấp so yêu cầu; việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động ngay trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương, nhất là các xã trung du, miền núi còn cao. Khoảng cách thu nhập, chênh lệch đời sống, thu nhập giữa khu vực nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ, giữa nông thôn và thành thị có xu hướng ngày càng tăng. An ninh nông thôn, môi trường nông thôn, tệ nạn xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc.
Trong những năm qua, mặc dù khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được hưởng nhiều thành quả từ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng so với các khu vực khác thì hiện nay nông nghiệp, nông thôn vẫn là địa bàn khó khăn nhất. Là lực lượng đông đảo trong xã hội nhưng hiện nay nông dân vẫn là những ngưòi chịu nhiều thiệt thòi nhất về hưởng thụ các giá trị vật chất, văn hóa và tinh thần. Mặt khác, nông nghiệp, nông thôn là khu vực có nhiều tiềm năng, song cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra hiện nay. Vì vậy, cần thiết phải xác định đúng vai trò, vị trí, cũng như tính chất quan trọng của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, từ đó xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế .
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, Đảng bộ Vĩnh Phúc xác định, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo đường lối phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN hiện nay. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã đề ra nhiệm vụ có tính chiến lược từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là: Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn, nhằm tạo ra sự tăng trưởng nhanh và bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, ngày 27 tháng 12 năm 2006, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết chuyên đề về: Nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hiện đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện.
Hiện nay, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đặt ra 4 vấn đề trọng tâm cần quan tâm: Một là: Về sản xuất nông nghiệp, làm thế nào để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Hai là: Làm thế nào để phát triển mạnh các ngành, nghề, dịch vụ ở nông thôn, biến khu vực nông thôn thành thị trường sôi động, nhằm phát triển mạnh kinh tế nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới ngay trong nông nghiệp, nông thôn. Ba là: trong xu thế phát triển hiện nay, làm thế nào để đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ , từng bước khắc phục tình trạng dư thừa lao động, sử dụng thời gian lao động nông nhàn ở nông thôn hiện nay. Bốn là: Về xây dựng nông thôn mới, làm thế nào để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở nông thôn theo hướng hiện đại. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong nông thôn, gắn với xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nông dân, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa khu vực nông thôn với khu vực công nghiệp, dịch vụ và đô thị, từng bước thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Để giải quyết những vấn đề trên, trước hết cần có nguồn lực, trong đó hai yếu tố vốn và nguồn nhân lực có tính chất quyết định. Tuy nhiên, với quy mô, chất lượng và hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay thì rõ ràng, sự tăng trưởng của riêng ngành nông nghiệp không đủ điều kiện tích lũy vốn để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Về nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn hiện nay tuy rất dồi dào, nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.
Vì vậy, quan điểm của Vĩnh Phúc: để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn hiện nay, là:
- Thứ nhất: đẩy mạnh phát triển công nghiệp, coi công nghiệp làm nền tảng, lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Lý do thứ nhất: chỉ có phát triển công nghiệp mới tạo ra sự tăng trưởng cao, cho thu nhập cao, tạo ra sức mua và nhu cầu tiêu dùng lớn, từ đó kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp và đô thị phát triển. Lý do thứ hai: chỉ có phát triển công nghiệp, cùng với quá trình phát triển dịch vụ và đô thị sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần chuyển dịch phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, từ đó tăng bình quân diện tích sử dụng đất canh tác, tăng khả năng tích tụ ruộng đất ở nông thôn để tạo điều kiện sản xuất hàng hóa tập trung, quyết định nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Lý do thứ ba: chỉ có phát triển công nghiệp, tỉnh mới thu được nhiều ngân sách để tái đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân.
Ở đây, xét về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra ở các nước, cũng như ở nước ta, là quá trình phát triển nông nghiệp để phục vụ công nghiệp. Giai đoạn hiện nay, khi công nghiệp phát triển với tốc độ và quy mô ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế thì công nghiệp phải có nhiệm vụ quay trở lại phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ nông thôn, nông dân. Thực tiễn ở Vĩnh Phúc trong những năm qua, do công nghiệp phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hằng năm tăng trên 16%/năm, thu ngân sách tăng trên 30%/năm, vì vậy, tỉnh có điều kiện dành một khoản lớn ngân sách để tái đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ cho nông dân. Chỉ tính riêng giai đoạn 2001 - 2005, tỉnh đã huy động từ các nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ cho nông dân, với tổng số vốn gần 1.650 tỷ đồng. Cũng do phát triển mạnh công nghiệp đã kéo theo nhiều ngành dịch vụ phát triển, hình thành thêm nhiều khu đô thị mới, góp phần cùng với công nghiệp, hằng năm tạo thêm từ 24.000 - 25.000 việc làm mới, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, với tốc độ bình quân hằng năm chuyển dịch khoảng 5% lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.
- Thứ hai: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, trước hết phải phát triển mạnh lực lượng sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng 5 yếu tố: Đất đai, hạ tầng kỹ thuật, vốn, khoa học - công nghệ và phát huy nguồn lực con người, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần phần kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm khai thác tốt các tiềm năng, phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người ở ngay khu vực nông thôn. Nhà nước cần ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân, ưu đãi nông nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở xã hội hóa cao, kết hợp với tăng đầu tư của nhà nước về xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, về hỗ trợ sản xuất... theo đó, nhà nước chỉ làm những việc nông dân không có khả năng làm, đồng thời khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của nông dân theo cơ chế bao cấp cũ; Có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên đất đai; tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; đào tạo nông dân có kỹ thuật, biết kinh doanh, có đời sống văn hóa. Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, phải coi trọng phát triển kinh tế hộ, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, phát triển các hợp tác xã chuyên ngành, khuyến khích các tổ hợp tác và các doanh nghiệp dân doanh phát triển, phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
- Thứ ba: Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, trong đó chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phòng, chống tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu ở nông thôn, quan tâm người nghèo, hộ nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa...
- Thứ tư: Quá trình phát triển, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập, đời sống giữa nông thôn với thành thị, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Gắn phát triển kinh tế với củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với phương châm chỉ đạo là: giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, tỉnh chủ trương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, chuyển phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, theo hướng đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn, đô thị hóa nông thôn.
Về quản lý và sử dụng đất đai, tỉnh chỉ đạo giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản cho hộ nông dân có nhu cầu sử dụng ổn định, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay theo Luật Đất đai năm 2003. Khuyến khích tích tụ, chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng ruộng đất để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Tiến hành quy hoạch và có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng các khu sản xuất tập trung, từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về giao đất dịch vụ cho hộ nông dân ở những nơi dành đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Khuyến khích nông dân góp cổ phần vào các doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất.
Về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, hằng năm tỉnh dành một nguồn ngân sách thỏa đáng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở khu vực nông thôn như: xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, trụ sở làm việc, trạm y tế, điện, cấp thoát nước, thu gom rác thải... hỗ trợ về khoa học - công nghệ và khuyến nông, hỗ trợ các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện miễn thủy lợi phí, thành lập các trung tâm đào tạo nghề, huấn luyện cho nông dân; hỗ trợ về giải quyết việc làm, hỗ trợ lương và tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non, miễn học phí cho các cháu học sinh mầm non ở nông thôn; hỗ trợ về phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể, phát triển doanh nghiệp dân doanh, về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, tạo môi trường thuân lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch trung tâm đô thị - công nghiệp Vĩnh Phúc, định hướng đến năm 2025, làm cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thu hút các nguồn lực cho đầu tư và phát triển. Tiếp tục quy hoạch phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trước hết là phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển đô thị, làm động lực lôi kéo, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng hàng chục chương trình, đề án, dự án, trong đó có 8 chương trình, đề án đã được HĐND tỉnh thông qua, ra Nghị quyết để tổ chức thực hiện. Theo đó, từ năm 2007 - 2011, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% thủy lợi phí cho sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 100% học phí cho các cháu học sinh mầm non, hỗ trợ lương (bằng mức lương khởi điểm theo trình độ đào tạo) và chế độ đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên ở các trường Mầm non, mẫu giáo nông thôn ở các trường thuộc các xã, phường, thị trấn, được các cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập, đồng thời hỗ trợ từ 700.000 - 1.000.000 đồng/ tháng/ trường cho hoạt động giáo dục tại các trường mầm non.
Tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ lãi suất tiền vay hằng tháng với mức 100% đối với với hộ nghèo thuộc diện chính sách, người có công, 50% đối với những hộ nghèo còn lại, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng, THCN và dạy nghề, những người đã hết hạn chấp hành hình phạt tù, người vi phạm tệ nạn xã hội đã cai nghiện, chữa khỏi bệnh. Trong 2 năm (2007 - 2008) đầu tư hỗ trợ chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức lần đầu cho 20 vạn nông dân, trong 4 năm huấn luyện nghề ngắn hạn cho 9 vạn nông dân; đồng thời tỉnh có chính sách hỗ trợ chương trình giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa, khu sản xuất tập trung, hỗ trợ chương trình giao thông nông thôn, chương trình kiên cố hóa kênh mương...
Theo tính toán sơ bộ, từ năm 2007 đến năm 2010, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh cho vực khu nông nghiệp, nông thôn khoảng 3.700 tỉ đồng, trong đó đầu tư hỗ trợ sản xuất 1.060 tỉ đồng, chiếm 28%, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nông thôn 2.135 tỉ đồng, chiếm trên 57%, hỗ trợ nông dân 539 tỉ đồng, chiếm 14% so với tổng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2008 - 2010, tỉnh dành riêng khoảng 1.000 tỉ đồng (bình quân mỗi năm từ 320 - 330 tỉ đồng) để đầu tư triển khai các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Từ quan điểm đến hệ thống các giải pháp chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc thể hiện cách nhìn mới, quyết tâm mới của Đảng bộ về giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến hiện thực cuộc sống, bên cạnh những thuận lợi, còn không ít những khó khăn, thách thức. Song với truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Một số suy nghĩ về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới  (16/11/2007)
Mỗi thày cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo  (16/11/2007)
Cách mạng Tháng Mười và những hoạt động khởi đầu của V.I.Lê-nin cho văn hóa, văn nghệ Xô-viết  (15/11/2007)
Ngày hội truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc  (15/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên