Ba Hội nghị thượng đỉnh và các giải pháp kinh tế
TCCSĐT - Chỉ trong thời gian một tuần, thế giới đã chứng kiến 3 Hội nghị thượng đỉnh của các tổ chức khu vực và quốc tế được coi là rất quan trọng gồm: APEC 22 (từ ngày 10 đến ngày 11-11) ở Trung Quốc; ASEAN 25 (từ ngày 12 đến ngày 13-11) ở My-an-ma; và G20 (từ ngày 15 đến ngày 16-11) tại Ốt-trây-li-a.
Tăng cường liên kết
Tuy mức độ có sự khác nhau nhưng cả 3 Hội nghị thượng đỉnh đều quan tâm đến tăng cường liên kết sâu hơn giữa các thành viên trong khối, nhóm hoặc khu vực kinh tế. APEC 22 tập trung thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại, đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện; ASEAN lại nhấn mạnh việc thực hiện xây dựng Cộng đồng trên các chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin, quản lý thiên tai, cải thiện hệ thống dịch vụ công, nghiên cứu và phát triển năng lượng mới, thu hẹp khoảng cách phát triển; G20 thì đi sâu đòi hỏi các thành viên phải cải cách tài chính và tái cấu trúc kinh tế, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, cắt giảm rào cản thương mại, thúc đẩy cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm, hiện đại hóa hệ thống thuế, phục hồi thị trường năng lượng, củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, tiềm ẩn nguy cơ tái khủng hoảng, giới chuyên gia nhận định các hội nghị lần này đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì APEC sau 25 năm ra đời và giữ vai trò động lực tăng trưởng của thế giới, nhưng hai năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại hoặc suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhất là các nước thuộc nhóm mới nổi. ASEAN với vai trò trung tâm khu vực lại đang trước ngưỡng cửa của Cộng đồng AEC và G20 với 4 nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng…
Mặc dù vậy, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này đã thể hiện sự kiên định mục tiêu theo tuyên bố Bô-go, thông qua việc tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại - đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25%, 54 mặt hàng giảm thuế ở mức 5% trở xuống sẽ được thực hiện vào năm 2015.
Về liên kết khu vực ASEAN, các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa AEC vào năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tìm kiếm cơ chế
Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) là chủ đề được thúc đẩy thảo luận tại APEC 22 và nước chủ nhà Trung Quốc kêu gọi đưa ra cam kết thành lập khu vực này vào năm 2025. Các thành viên APEC tiếp tục coi trọng hợp tác trong khuôn khổ nội khối nên coi FTAAP là một trong những cơ chế không thể thiếu để xây dựng hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma kêu gọi các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết TPP, coi đây là công cụ chính để Mỹ thắt chặt quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi một số nước khác vẫn muốn ưu tiên cho cả TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
Tại Hội nghị APEC 22, nước chủ nhà Trung Quốc đề xuất hai nội dung quan trọng: Ngân hàng Đầu tư Kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) với nhiệm vụ tài trợ cho kết cấu hạ tầng trong khu vực, và “con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ XXI nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối thông qua Biển Đông. Đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc được cho là xuất phát từ nhu cầu cải thiện kết cấu hạ tầng qua đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực. Còn “con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ XXI tuy cũng có ý nghĩa mở rộng thương mại khu vực với toàn cầu, nhưng còn ẩn chứa tham vọng hợp pháp hóa quan điểm sai trái về chủ quyền trên biển của họ, khiến nhiều nước quan ngại.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 25 cùng các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với Ấn Độ lần thứ 12, với Nhật Bản lần thứ 17 và với Liên hợp quốc lần thứ 8, các bên đều đánh giá cao quan hệ hợp tác và nâng lên Đối tác chiến lược với Ấn Độ, đẩy mạnh thương mại và đầu tư với mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2022 với Nhật Bản và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan về xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc sau 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Hội nghị thượng đỉnh APEC 22 đã thảo luận việc thúc đẩy quan hệ thương mại nhằm tăng cường hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn, trong đó đáng chú ý là TPP và RCEP. Theo giới quan sát, tâm điểm của Hội nghị APEC lần này vẫn là các cuộc đàm phán thương mại tự do liên quan đến TPP, nhưng cơ chế này không có Trung Quốc tham gia. Còn Trung Quốc lại muốn thực thi một cơ chế trao đổi thông tin nội bộ nhằm minh bạch và tạo điều kiện cho cả TPP và RCEP.
TPP sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm tới 57% tổng lượng kinh tế và 46% tổng lượng thương mại, gần 40% GDP toàn cầu và giữ vai trò quan trọng về mặt chính trị trong chính sách “xoay trục” của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, các quan chức phụ trách việc đàm phán TPP của Nhật và Mỹ sẽ nối lại các cuộc thương thảo để giải quyết hai rào cản còn lại về thuế và thương mại ô tô.
Hiện thực hóa mục tiêu
Khi kết thúc Hội nghị G20, bản kế hoạch hành động Bờ-rít-bát-nơ (Brisbane) đã được thông qua, nhằm giúp các nền kinh tế tăng trưởng thêm 2% trong vòng 5 năm tới. Hai điểm phần trăm nêu trên sẽ tạo thêm khoảng 2.000 tỷ USD với 35 triệu việc làm mới và giúp kinh tế thế giới trở về quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Giải pháp chiến lược cho tăng trưởng được G20 đưa ra là tương đối toàn diện trong đó chống tham nhũng là 1 trong 7 vấn đề quan trọng hàng đầu được Hội nghị coi trọng. Theo tính toán, tham nhũng đang lấy đi của thế giới 5% GDP mỗi năm, tương đương 50% mức phấn đấu của nhóm trong vòng 5 năm tới. Vì thế, chống tham nhũng có tầm quan trọng không kém gì so với thúc đẩy tăng trưởng. Quan chức của Tổ chức minh bạch quốc tế - Bà Mác-giơ Muy-phi (Maggie Murphy) nói: “Trong bản hành động này, họ cam kết tiến hành các biện pháp chống tham nhũng thông qua 6 gói biện pháp”. Trong đó có việc phối hợp với các tổ chức tư nhân để chống tham nhũng trong các lĩnh vực. “Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như bảo vệ người tiết lộ tham nhũng hay phòng ngừa các vụ hối lộ của các công ty nước ngoài”.
Chống biến đổi khí hậu, cũng đạt được tiến bộ mới tại G20 lần này với việc Mỹ công bố tài trợ 3 tỷ USD, tiếp sau là Nhật Bản 1,5 tỷ USD cho quỹ khí hậu xanh, mặc dù nước chủ nhà Ốt-trây-li-a không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Hội nghị, nhưng đây cũng là giải pháp tích cực cho sự tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Trong nội khối ASEAN và các nước Đối tác cũng đã đề xuất nhiều biện pháp thiết thực trong việc thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực, tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa…; đồng thời, nhấn mạnh tăng cường phối chặt chẽ trong các ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng và lương thực, an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Vẫn còn những ý kiến khác nhau
Giới phân tích đang có những ý kiến khác nhau. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, con số 2% cho tăng trưởng kinh tế thế giới mà G20 nêu ra là khả thi, chỉ cần các quốc gia thực hiện đúng bản kế hoạch hành động vừa mới thông qua. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, đây là một kế hoạch tham vọng nhưng không phải không thực hiện được. Thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó phải kể đến TPP, RCEP các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA)… Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như giúp các cam kết kinh tế tiến gần nhau hơn.
Thủ tướng Đức, Mắc-ken khẳng định, nước Đức sẽ đi đầu trong việc thực hiện các cam kết, bà nói: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ gửi được một thông điệp rõ ràng về sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, một thông điệp rõ ràng về việc chúng tôi muốn thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Nước Đức sẽ luôn đi đầu trong cải cách và mong muốn thực hiện tốt các chính sách tài chính. Tôi nghĩ rằng đó là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhớ, Hội nghị thượng đỉnh hồi đầu năm nay, các lãnh đạo nhóm G20 cũng đã từng cam kết sẽ thúc đẩy GDP nhóm tăng thêm 2 điểm % tính đến năm 2018 - con số nêu trên lần này được nhắc lại, có thể coi là quá tham vọng và không thực tế, ít nhất đối với 4 nền kinh tế là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Nga trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước này đang suy giảm.
Theo con số thực tế và dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế IMF, WB, OECD… thì tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm nay chỉ đạt 7,3%/năm, được xem là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí quý III-2014 còn giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái… Đức là nền kinh tế lớn nhất EU trong năm nay cũng chỉ đạt 1,2% so với dự báo trước đó là 1,8%. Còn nền kinh tế Nga được dự báo là sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 12 tới, quý II và III năm nay chỉ đạt mức 0,7%.
Trong các báo cáo của WB và IMF đưa ra trong năm nay thì kinh tế toàn cầu đã phải 3 lần hạ mức tăng trưởng. Trong đó không ít nền kinh tế thuộc nhóm G20 có mức độ tăng trưởng không đáng kể, thậm chí có nền kinh tế còn về 0% vào năm 2015. Đây sẽ là điều tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới những cam kết, vốn đã không mấy chắc chắn của G20. Liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-mun tại Hội nghị còn cảnh báo về một sự chia rẽ kiểu chiến tranh lạnh và tình hình như hiện nay là đe dọa tới hòa bình cũng như sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Dư luận vẫn chưa quên, G20 đã từng phải đối mặt với chỉ trích là “nói suông” và những chính sách phát triển của G20 chỉ thiên hướng có lợi cho các nước giàu, đã và đang tạo ra một khoảng cách lớn về phát triển. Nên hiệu quả thực sự của các giải pháp để thực hiện mục tiêu mà G20 nêu ra tại Bờ-rít-bát-nơ vẫn còn đang ở phía trước.
Như vậy, tuy các điểm “nóng” về an ninh như: chống IS ở Trung Đông, khủng khoảng chính trị ở U-crai-na, những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông… tác động không nhỏ đến chương trình nghị sự của các Hội nghị thượng đỉnh, nhưng vấn đề kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn được đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp từ đẩy mạnh liên kết thông qua cơ chế hợp tác phát triển cả nội khối và toàn cầu. Mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận vẫn kỳ vọng vào những quyết sách kinh tế mà các Hội nghị thượng đỉnh vừa mới thông qua có thể đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu trong năm 2015./.
Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ  (17/12/2014)
Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ  (17/12/2014)
Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng  (16/12/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm