Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan có nguy cơ ngày càng trầm trọng và không tìm được lối thoát sau cuộc xung đột giữa cảnh sát với lực lượng chống đối ngày 7-10, làm 2 người chết và gần 400 người bị thương.

Theo phóng viên TTXVN tại Băng-cốc, Thủ tướng Thái Lan Xổm-chai Vông-xà-oặt đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ chức do ông bị cáo buộc đã ra lệnh cho cảnh sát sử dụng hơi cay đàn áp cuộc bạo động trên bên ngoài trụ sở Quốc hội.

Ngày 8-10, Đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất ở Thái Lan, đã gửi kiến nghị tới cơ quan điều tra cảnh sát, cáo buộc Thủ tướng Xổm-chai ra lệnh đàn áp biểu tình.

Cùng ngày, khoảng 30 hiệu trưởng các trường đại học công lập và tư thục đã yêu cầu Thủ tướng Xổm-chai giải tán Quốc hội, thành lập một ủy ban độc lập điều tra sự kiện trên để truy tố những người vi phạm luật pháp.

Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia cùng nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng khác cũng kêu gọi Chính phủ và Thủ tướng Xổm-chai nhận trách nhiệm về sự kiện trên và phải cam kết giải quyết các vấn đề chính trị thông qua đàm phán.

Nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Pra-oa-xi Oa-xi (Prawasi Wasi) đã kêu gọi ông Xổm-chai xin lỗi người dân và từ chức nhằm thể hiện trách nhiệm đối với vụ việc. Ông cũng cho rằng việc Thủ tướng từ chức có thể mở đường cho tiến trình cải cách chính trị ở Thái Lan. Tuy nhiên, ông không đồng tình với đề nghị giải tán Quốc hội vào thời điểm hiện nay vì cho rằng việc này sẽ gây tốn kém mà không bảo đảm chắc chắn rằng đất nước sẽ có đội ngũ các nhà chính trị mới thực sự đại diện cho nhân dân.

Trong khi đó, Thủ tướng Xổm-chai đã bênh vực biện pháp sử dụng vũ lực giải tán biểu tình, cho rằng việc cảnh sát sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình bao vây trụ sở Quốc hội là điều mọi quốc gia khác đều áp dụng. Mặt khác, việc nhiều cảnh sát bị thương chứng tỏ đoàn biểu tình không hề ôn hoà và có vũ trang, ngược lại với những điều lực lượng này đã tuyên bố.

Cùng ngày, lực lượng chống đối Chính phủ đã thề sẽ trả đũa vụ xung đột trên. Thủ lĩnh Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) Xôn-hi Lim-thông-kun (Sondhi Limthongkul) tuyên bố không đàm phán với Thủ tướng Xổm-chai và kêu gọi những người biểu tình tiếp tục gây sức ép với Chính phủ.

Tối cùng ngày, một nhóm ủng hộ PAD mang theo gậy gộc đã cướp một xe buýt và lái xe này tới địa điểm biểu tình gần trụ sở Chính phủ. Tài xế của chiếc xe trên đã nộp đơn kiện lên Cảnh sát thành phố Băng-cốc.

Sau sự việc này, cơ quan giao thông công chính Băng-cốc đã chỉ thị ngừng tất cả các chuyến xe buýt trong thời gian từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng nhằm đảm bảo an toàn cho lái xe.

Trước tình hình bất ổn kéo dài và có nguy cơ trầm trọng thêm nói trên, dư luận Thái Lan đã bày tỏ lo ngại sâu sắc. Ông Di Ung-pa-kon (Ji Ungpakorn), Giáo sư Đại học Chu-lal-ong-kon, đã chỉ trích phong trào đối lập PAD là phản dân chủ và âm mưu gia tăng sức ép để buộc quân đội tiến hành một cuộc đảo chính như năm 2006.

Theo ông, cuộc đấu tranh mà "tầng lớp trên" tại Băng-cốc khởi xướng đã làm đất nước "bại hoại" từ nhiều tháng qua, gây khó khăn cho các hoạt động của Chính phủ, gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và nông dân.

Giới phân tích chính trị quốc tế cũng tỏ ra bi quan về triển vọng tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng vì theo họ, hiện Thái Lan không có nhân vật nào đủ uy tín để đứng ra giải quyết tình hình.

Báo The Nation của Thái Lan cho rằng việc PAD tiếp tục làn sóng chống đối, chiếm đóng trụ sở Chính phủ và vụ bạo động trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thái Lan, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, chuẩn bị đăng cai Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào giữa tháng 12 tới.

Theo báo này, đàm phán là biện pháp duy nhất có thể giúp chấm dứt một cách hòa bình cuộc "đọ sức" hiện nay./.