Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
với các nghệ sĩ tham gia Lễ hội

“Ngày hội Giao lưu bản sắc văn hoá các vùng, miền toàn quốc” - dịp để tôn vinh những giá trị văn hoá tốt đẹp nhất của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc; góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy sự tự hào về truyền thống văn hoá, tự tôn dân tộc trong các thế hệ người Việt.

Quy mô hoành tráng

Với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ, nghệ nhân từ 20 tỉnh, thành phố các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Nam Trung bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ…từ Lạng Sơn, Cà Mau đến Bình Phước, Kiên Giang. Liên hoan bao gồm các hoạt động: Triển lãm “Một số hình ảnh lễ hội và trang phục dân tộc Việt Nam”; Giới thiệu và giao lưu VHNT truyền thống các vùng, miền bao gồm: Lễ hội và trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng; Trình diễn trang phục dân tộc và giới thiệu ẩm thực Thăng Long. Mở đầu trong hoạt động quan trọng này là khu trưng bày triển lãm “Không gian văn hoá Hà Nội xưa và nay”. Hình ảnh Hà Nội xưa được tái hiện qua hàng trăm hình ảnh, mô hình mô tả không gian sống của người Hà Nội. Đặc biệt sự mở rộng của thủ đô Hà Nội với nét đặc trưng bản sắc của văn hoá Thăng Long và văn hoá xứ Đoài cũng được thể hiện tại đây. Khu vực triển lãm “Bản sắc văn hoá các vùng, miền Việt Nam” lựa chọn giới thiệu về văn hoá các tộc người ở các vùng văn hoá từ đồng bằng Bắc bộ, núi cao phía Bắc tới miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ… Tất cả được trưng bày theo phương pháp hiện đại. Mỗi vùng được khắc hoạ bởi các đặc điểm văn hoá đặc sắc kết hợp với âm thanh, ánh sáng kỹ thuật số nhằm làm nổi bật bản sắc văn hoá vốn có. Ngoài ra, còn có triển lãm “Sưu tập tranh dân gian Việt Nam” – trưng bày một phần trong bộ sưu tập quý giá về di sản nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Bộ tranh dân gian, tranh thờ của các làng tranh: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, Làng Sình… 
 
Tối 7-10, tại Quảng trường Nhà hát Lớn diễn ra Đêm hội “Văn hoá Thăng Long - Hội tụ và toả sáng” - đây là nơi tập trung trình diễn những nét văn hoá đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó, vào các buổi sáng, chiều, tối từ ngày 6 - 9 tháng 10 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật đều có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, trò chơi dân gian của các vùng, miền: Lễ hội cầu mùa (Yên Bái), lễ hội cầu ngư (Quảng Nam), lễ hộ Katê (Ninh Thuận), lễ hội Ok om Bok (Kiên Giang), lễ cắm nêu cúng lúa (Đăc Nông…).

Phần Giao lưu văn hóa nghệ thuật và trình diễn trang phục các dân tộc truyền thống các vùng miền được tổ chức tại nhiều nơi trong thành phố vào tối qua 8-10: Sân khấu triển lãm Vân Hồ, Quảng trường Nhà hát Lớn, Đền Bà Kiệu, sân khấu Hà Đông, sân khấu Sơn Tây…Tại đây, các tỉnh, thành phố trình diễn các loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của địa phương: Nhạc cụ dân tộc, sử thi, hát Then, Si li, múa xoè Thái, cồng chiên Mường, quan họ, chèo, ca trù, hò sông Mã, dân ca xứ Nghệ, các điệu lý ba miền, hát bội, hát xoang Tây Nguyên…

Ban tổ chức Ngày hội cho biết, hoạt động này được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về không gian cũng như địa điểm…

Sự kiện văn hoá – xã hội sâu sắc trong năm 

Múa sư tử

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Ngày hội cũng là dịp để tôn vinh những giá trị văn hoá tốt đẹp nhất của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc. Ngày hội còn góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy sự tự hào về truyền thống văn hoá, tự tôn dân tộc trong các thế hệ người Việt. Cũng chính bởi vậy mà khác với các lễ hội khác, Ban tổ chức đã rất chú trọng việc kêu gọi tầng lớp học sinh, sinh viên tham gia; coi họ là đối tượng đặc biệt mà các chương trình, hoạt động của ngày hội cần hướng tới. “Đây là một trong những sự kiện văn hoá – xã hội sâu sắc trong năm.
 
Hy vọng thành công của hoạt động này sẽ là bài học cho việc tổ chức “Ngày hội giao lưu bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam” luân phiên tại các địa phương, trước mắt là hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nộ tại thủ đô vào năm 2010. Thông qua Ngày hội, thúc đẩy hoạt động văn hoá trên cả nước, nhất là đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, hướng các hoạt động văn hoá phát triển ngày càng đa dạng, chất lượng, đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn với phát huy, kế thừa và phát triển” - ông Ái cho biết thêm./.