Sự phát triển các tiềm năng và tự do cá nhân; sự hợp tác và thịnh vượng về kinh tế; sự đồng thuận, dân chủ và gắn kết về xã hội trong một thế giới ngày càng “phẳng”, hòa hợp và thân thiện hơn với môi trường đang và sẽ ngày càng được coi là 3 trụ cột chủ yếu của văn minh nhân loại đương đại.

1. Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp - lợi ích của các bên

Nhu cầu hợp tác bắt nguồn từ tầm quan trọng của giáo dục; yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như là điều kiện nền tảng, tiên quyết để duy trì và phát triển sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, nhà trường, của cả nền kinh tế, cũng như là điều kiện để người lao động tìm thấy, khẳng định và củng cố được vị thế cá nhân trong cộng đồng, cải thiện chất lượng sống của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Từ góc độ thực tiễn của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển, thì sớm hay muộn, ít hay nhiều đều đứng trước nhu cầu đòi hỏi chất lượng lao động phải ngày được nâng cao. Hiện nay đang có một nghịch lý rất đáng quan tâm là trong khi việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, thì lượng sinh viên đã tốt nghiệp của các trường đại học còn thất nghiệp cũng ngày càng tăng. Bản thân các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước càng hoạt động lâu năm, thì càng tồn tại nhiều cán bộ và lao động có trình độ “dưới chuẩn”, cần gấp rút “thanh lý” hoặc tái đào tạo. Hiện nay, tại nhiều cơ quan khoa học hàng đầu ở nước ta luôn có từ 25-30% nhân sự biên chế lúc nào cũng có thể giảm mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và kết quả nhiệm vụ được giao, mà thậm chí, nhiều khi nhờ đó cơ quan còn hoạt động hiệu quả hơn.

Từ phía nhà trường, đa số sinh viên giỏi ra trường cũng phải mất dăm tháng đến vài ba năm mới thực sự hội nhập vào công việc được giao, bởi trong thực tế, từ trước đến nay, về cơ bản, các trường đại học và chuyên nghiệp chỉ đào tạo cái mình có, theo chương trình của mình, chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần trong thực tiễn hiện tại và tương lai. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo không biết, chưa biết và có lẽ cũng chưa bao giờ có nhu cầu và động lực buộc phải biết những “sản phẩm” mình làm ra - là những người lao động được thị trường chấp nhận, được “xã hội hóa” đến đâu…Vì vậy, cùng với các lý do cộng hưởng khác, nhiều sinh viên khi ra trường vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp đúng với nhu cầu thị trường và sở trường cá nhân, thiếu kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp, còn lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, yếu kém về ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực làm việc…

Bối cảnh hội nhập và yêu cầu cạnh tranh cả trên thương trường, lẫn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đang buộc các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ thường xuyên với nhà trường, đồng thời cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm đào tạo sinh viên đáp ứng ngay với vị trí công việc được tuyển dụng. Nói cách khác, chính sự cạnh tranh của thị trường và hội nhập quốc tế đã quy định tính tất yếu của sự hợp tác qua lại giữa doanh nghiệp với nhà trường. Yêu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao đã và đang trở thành những đòi hỏi cấp bách đối với ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam.
 
Sự gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường và các doanh nghiệp như là một phần của cơ chế học tập suốt đời và là một quá trình tương tác không thể tách rời. Điều này tạo ra cơ hội cũng như thách thức mới về đánh giá và hỗ trợ học tập tại nơi làm việc, về cơ hội tiếp cận và nội dung của chương trình học, về vai trò của người dạy và quan hệ của họ với người lao động, người sử dụng lao động, cũng như vai trò của doanh nghiệp trong việc cung cấp các cơ hội và mô hình học tập trong quá trình học tập suốt đời, không ngừng hoàn thiện kỹ năng người lao động phù hợp nhu cầu thị trường, tiến bộ khoa học - công nghệ, đáp ứng sự phát triển chung của doanh nghiệp và xã hội...

Trước các cơ hội và thách thức đó, các giai đoạn và cấu trúc học tập truyền thống sẽ phải trở nên linh hoạt hơn, sát hợp hơn với thực tế thị trường. Đặc biệt, cùng với những người học mới - “vừa làm vừa học”, và, “học để làm” - sẽ xuất hiện những người dạy mới, các công nghệ, phương pháp truyền thụ mới và các cơ hội thiết lập quan hệ mới giữa nhà trường và doanh nghiệp… Đồng thời, để những cái mới này xuất hiện và cộng hưởng, phát huy hiệu quả cao, thì điều kiện cần thiết là chúng phải được hậu thuẫn bởi những thay đổi trong nhận thức và tổ chức của hệ thống giáo dục - đào tạo; bởi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các đối tượng hữu quan và sự đầu tư tốt hơn từ phía Chính phủ, cũng như người sử dụng lao động; bởi những cải cách và phát triển mới, hiện đại hơn trong quản lý, thông tin, tư vấn và cơ sở vật chất kỹ thuật có liên quan đến công tác đào tạo…

Rõ ràng, sự hợp tác này mang lại lợi ích hấp dẫn và đầy tiềm năng cho tất cả các bên hữu quan:

- Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ khiến doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn và nâng cấp các “sản phẩm” - lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội...

- Về phía các nhà trường, sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên “có đầu ra’ vững chắc, và nhất là, góp phần phát hiện, phát triển và trọng dụng nhân tài cho doanh nghiệp và đất nước, giảm thiểu được các tiêu cực và kém hiệu quả trong giáo dục - đào tạo, đồng thời, giúp nhà trường tăng tự chủ hơn về tài chính, cũng như sử dụng hiệu quả vốn đầu tư...

- Về phía sinh viên, sự hợp tác trên sẽ cho phép họ tự điều chỉnh nhận thức, nâng cao động lực và kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thực tiễn cuộc sống, tăng cơ hội tìm việc và giảm thiểu những phí tổn học hành cả về tài chính, thời gian và tâm sức…Ngoài ra, bên cạnh cơ hội có được học bổng của doanh nghiệp tài trợ, khi có cơ sở tin cậy về triển vọng nơi làm việc và yêu cầu nghề nghiệp tương lai, rất có thể sinh viên và gia đình sẽ tự nguyện tăng học phí và đầu tư nhiều, sâu, hiệu quả hơn cho các môn, trường học có uy tín và thương hiệu tốt mà họ lựa chọn. Đây cũng là cơ hội để nhà trường có thể đưa ra các “gói dịch vụ” đào tạo khác nhau, đa dạng về nội dung, phương thức, công nghệ truyền tải, cũng như về mức học phí phù hợp với nhu cầu và năng lực của người học, người sử dụng lao động. Từ đó cải thiện chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật, thu nhập tài chính, và nâng cao thương hiệu của nhà trường.

- Về tổng thể xã hội, sự hợp tác này còn cho phép tăng hiệu quả đầu tư xã hội trong giáo dục - đào tạo nói riêng, trong đầu tư phát triển nói chung, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo hướng kinh tế tri thức và phát triển bền vững, nhất là dưới góc độ chất lượng phát triển, coi con người là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển.

2. Làm thế nào để hợp tác hiệu quả?

Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không thể diễn ra đơn phương, đơn điệu, đơn giản và nhất thời, lại càng không thể để diễn ra một cách hạn hẹp, khô cứng, hình thức và tự phát. Sự hợp tác này phải không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa cả về đối tác, danh mục, nội dung, hình thức cũng như tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác. Các hình thức hợp tác có tính khả thi và phổ biến cao giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhà trường cung cấp cho doanh nghiệp những sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp; tổ chức đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn, cũng như đào tạo chính quy dài hạn theo hợp đồng đặt hàng có quy định nội dung, thời gian và kinh phí cần thiết, cụ thể, linh hoạt. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác về trao đổi, tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, sinh viên thực tập, mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, ứng dụng, triển khai và tư vấn khác…

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội đưa ra những đề nghị hợp tác với Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội như: điều tra thị trường, tập hợp, tư vấn nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp về lao động sinh viên và lao động đương nhiệm để xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình đào tạo của nhà trường; lập Quỹ phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ sinh viên; tổ chức bảo đảm cho sinh viên giỏi hoặc có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo và làm việc ổn định sau tốt nghiệp theo hợp đồng tài trợ của doanh nghiệp; tổ chức hợp tác xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, quản trị doanh nghiệp... Đó là những sáng kiến rất có giá trị, thiết thực và có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu, khả năng và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan; hơn nữa, chúng còn mang tính đại diện cao. Nếu nhà trường trực tiếp hoặc phối hợp với bên thứ ba thực hiện cung cấp các “gói” dịch vụ hỗ trợ quản trị nhân lực, vốn, kế toán, tư vấn pháp lý, môi giới đối tác, tạo việc làm thêm cho sinh viên tại doanh nghiệp theo hợp đồng song phương và đa phương lâu dài, ổn định, hoặc theo đề nghị cụ thể cho từng trường hợp mục tiêu riêng biệt của mỗi bên v.v..; và nếu sự phối hợp này được triển khai nghiêm túc trên thực tế, thì sẽ có thể trở thành mô hình thành công về sự hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp nói chung trên địa bàn Thủ đô, cũng như trên phạm vi cả nước, trong cả hiện tại và tương lai ...

Để tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sự hợp tác, cũng như hoạt động của nội bộ nhà trường, có thể xem xét ứng dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào nhà trường như lập các công ty, doanh nghiệp và trung tâm trực thuộc quản lý của trường, nhưng có quyền tự chủ cao, hoạt động như một doanh nghiệp khoa học.
 
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu quá nhấn mạnh một chiều quan điểm coi nhà trường như một doanh nghiệp hoạt động vì mục đích thương mại thông thường, mà thiếu những quy định giới hạn an toàn và cơ chế thiết yếu để hạn chế, trung hòa và “giảm sốc”, giảm thiểu tác động mặt trái của nó, thì về lâu dài, trực tiếp hay gián tiếp, sẽ không tránh khỏi việc nhà trường và các thành viên của nó chạy theo một số lợi ích cơ hội ngắn hạn, chủ đích hoặc vô tình hình thức hóa và tầm thường hóa khoa học; dẫn đến sự lạm dụng, thậm chí cả tội mua bán điểm và bằng cấp, giảm sút chất lượng đào tạo - điều có thể khiến các nhà trường trở nên xa lạ với mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của mình, giảm sút hiệu lực, sức hấp dẫn của các nguyên tắc đặc thù và thiêng liêng trong hoạt động giáo dục - đào tạo, cũng như trong khoa học (như sự trung thực, khách quan, vì lợi ích nhân văn, mục tiêu xã hội và nhân loại dài hạn…). Khi đó, chẳng những sự tin cậy và lợi ích của hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường không giữ được, mà bản thân uy tín, thậm chí sự tồn tại hay không tồn tại của nhà trường cũng có thể phải đặt ra.
 
Nói cách khác, xu hướng phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi và cho phép phải “đại học hóa” (hay tri thức hóa) ngay cả các doanh nghiệp thương mại thuần túy vì lợi nhuận; song vế ngược lại, tức “doanh nghiệp hóa” các trường đại học hoạt động trong lĩnh vực công ích cao không phải bao giờ, ở đâu và bằng cách nào cũng đúng, nhất là theo nghĩa đen tuyệt đối, toàn diện của cụm từ đa nghĩa và còn khá “mờ” này!./.