TCCSĐT - Ngày 11 và 12-11-2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo khoa học “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Đến dự có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Xuân Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch; Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương; Hữu Thỉnh, Chủ tich Hội Nhà văn Việt Nam; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồng Vinh đánh giá: từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 đến nay, đi đôi với nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta ngày càng coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học - nghệ thuật, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo ra sức mạnh nội sinh quan trọng, to lớn của đất nước nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển đất nước, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.

Hội thảo đã tập trung bàn thảo các vấn đề căn cốt. Thứ nhất, vấn đề đạo đức xã hội, với tư cách là đối tượng phản ánh của văn học - nghệ thuật được thể hiện trong lịch sử văn học - nghệ thuật ở Việt Nam. Thứ hai, về thực trạng vấn đề đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay - những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật. Thứ ba, trách nhiệm của văn nghệ trong việc tham gia tạo dựng những giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thứ tư, là những đề xuất nhằm phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay.

Các ý kiến, đề xuất tại Hội thảo hướng tới tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật với các yêu cầu cụ thể sau: Thứ nhất, tham gia định hướng hoạt động sáng tạo, góp phần tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, thể hiện và ngợi ca cái mới, lên án sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong xã hội. Thứ hai, theo dõi tình hình và kết quả sáng tác, chọn lọc những tác phẩm phù hợp để sử dụng trong các chương trình giáo dục và rèn luyện, đặc biệt sử dụng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thứ ba, chỉ đạo đưa những tác phẩm tốt giới thiệu, quảng bá, phân tích, định hướng dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ tư, tổ chức, bồi dưỡng, định hướng và nâng cao năng lực tiếp nhận thẩm mĩ cho công chúng. Các nhà lý luận, phê bình, truyền thông đại chúng có vai trò cực kỳ quan trọng và cần dành riêng cho công việc này cả nhân lực, vật lực, tài lực.

Cần có sự chung tay của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, chấn hưng đạo đức xã hội và thiết thực góp phần vào quá trình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.