TCCSĐT - Nhà nước bao giờ cũng được xây dựng trên những cơ sở lịch sử, kinh tế, văn hóa, truyền thống của một xã hội nhất định. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc sâu xa từ các quan điểm trong lịch sử về nhà nước pháp quyền, đồng thời xuất phát từ bản chất của chế độ, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vì vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa có phê phán và phát triển sáng tạo trong điều kiện mới.

Nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  

Một số vấn đề về nhà nước pháp quyền

Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” (rule of law) hay “chế độ pháp trị” để chỉ một mô hình nhà nước trong đó mọi biểu hiện về quyền lực đều có khả năng đo đếm được theo các tiêu chuẩn pháp luật và có khả năng chống lại mọi nguy cơ và ảnh hưởng xấu bằng những phương tiện tri thức để bảo đảm trật tự. Cơ sở của nhà nước pháp quyền là ý tưởng về công lý, công bằng dựa trên sự công nhận và tiếp nhận hoàn toàn giá trị tối thượng của nhân cách con người, được bảo đảm bởi các thể chế làm khuôn khổ của trật tự tự do, dân chủ và quyền con người, an toàn cho các công dân. Nhà nước pháp quyền với định nghĩa cơ bản nhất là không ai ở trên luật hay mọi người phải tuân theo luật (Wikipedia); là toàn thể một quốc gia có trách nhiệm thực hiện công lý, phục tùng pháp luật và quan tâm đặc biệt đến việc tôn trọng các quyền con người và nguyên tắc tương ứng. Nội dung căn bản của lý thuyết nhà nước pháp quyền là sự đề cao pháp luật trong mối tương quan với nhà nước, pháp luật là công cụ để hạn chế quyền lực nhà nước. Dưới góc độ quản lý, nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; trong đó, các cá nhân, tập thể, tổ chức và cơ quan công quyền đều phải tuân theo pháp luật. Những yếu tố trung tâm, cốt lõi lịch sử của ý tưởng về nhà nước pháp quyền là: sự thượng tôn pháp luật, bảo vệ nhân quyền và phân quyền (không có quyền lực độc đoán, phân lập các quyền lực nhà nước theo các chức năng hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp) và bình đẳng trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Qua từng thời kỳ, tư tưởng đó có những bước tiến mới thể hiện sự phát triển tư duy nhân loại về trình độ tổ chức quản lý xã hội, phản ánh nguyện vọng khát khao của con người sinh ra vốn có quyền tự do, bình đẳng; có quyền làm chủ bản thân và làm chủ đời sống xã hội. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đối lập với sự chuyên quyền, độc đoán, áp bức nhân dân, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa một bên là nhà nước pháp quyền (dựa vào pháp luật để hành động) và một bên là xã hội công dân (bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật). Là một giá trị hình thành sớm trong lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý, tư tưởng nhà nước pháp quyền đã được nhân loại thử nghiệm, chọn lọc qua nhiều thế kỷ, ngày càng được bổ sung nội hàm mới phát triển thành học thuyết; đến thời đại cách mạng tư sản, mô hình nhà nước pháp quyền đã trở thành hiện thực ở nhiều nước phương Tây và đang trở thành hình thức phổ biến trong thế giới đương đại.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

“Tư tưởng và học thuyết nhà nước pháp quyền hiện đại của phương Tây được truyền bá vào Việt Nam từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam”(1). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người khởi xướng những quan điểm về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân gắn với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện tinh thần xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhưng ngay sau khi giành được độc lập, nước ta lại rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, đồng thời do nhận thức khác nhau cùng với những định kiến sai lầm trong quan niệm về pháp quyền, đồng nhất một cách máy móc nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản nên đến trước khi tiến hành công cuộc đổi mới, các tư tưởng, học thuyết và nguyên tắc pháp quyền vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu kịp thời và đầy đủ. Từ nhận thức lý luận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền nói chung và từ thực tiễn lãnh đạo quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua các văn kiện Đại hội của Đảng, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: 1/ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. 2/ Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. 3/ Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. 4/ Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. 5/ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo(2).

Những tác động của truyền thống và hiện tại

Những ảnh hưởng, tác động của truyền thống dân tộc

Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, như truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước thương nòi, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.. Việt Nam là đất nước đã trải qua hàng ngàn năm chế độ phong kiến, gần 100 năm dưới chế độ thuộc địa, lại tập trung vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, tư tưởng phong kiến còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội cũng như nhận thức, kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật và quản lý xã hội theo pháp luật của nước ta còn nhiều yếu kém. Một đặc điểm quan trọng trong điều hành xã hội ở nước ta là sự tồn tại song hành trên thực tế một dạng thức kép giữa những nguyên tắc quản lý xã hội được ghi thành văn bản với những nguyên tắc được quy ước và công nhận không thành văn bản. Các chuẩn mực về hoạt động và hành vi của con người không phải chỉ được quy định trong pháp luật mà còn trong rất nhiều quy ước, thông lệ, tập tục, tập quán, đạo đức, giáo lý.... Vai trò của luật pháp trong nhiều trường hợp lại không phải là chủ yếu. Bên cạnh luật lệ do địa phương làng, xã đặt ra và được ghi chép trong hương ước, con người với tư cách cá nhân còn bị ràng buộc bởi những phong tục, tập quán, lề thói khá nặng nề. Hành vi, cử chỉ của con người thường gắn bó chặt chẽ với những thang bảng của giá trị đạo đức xã hội hơn là với luật lệ. Trên thực tế, không ít trường hợp, người dân tôn trọng đạo đức hơn tôn trọng pháp luật.

Đặc biệt, từ thế kỷ thứ X trở đi, Nho giáo có nguồn gốc Trung Hoa nhưng đã trở thành vũ khí để người Việt Nam chống lại sự xâm lược và đồng hóa, đồng thời nó cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng để tổ chức quản lý xã hội và xây dựng nhà nước độc lập, vì sự phát triển của dân tộc. Nho giáo du nhập vào Việt Nam không còn là Nho giáo nguyên thủy mà đã được cải biến phù hợp với truyền thống dân tộc và nhu cầu của đất nước để trở thành nhân tố của chính nền văn hóa và hệ tư tưởng thống trị ở Việt Nam. Cùng với bảo vệ quyền lực tuyệt đối của nhà vua và triều đình, các bộ luật phong kiến Việt Nam phản ánh rõ nét bản chất là công cụ bảo vệ lợi ích giai cấp thống trị, bóc lột và đàn áp các giai cấp đối địch; được thể hiện ở nhiều quy định bất bình đẳng và bất công, như bảo vệ những nguồn thu nhập và bóc lột của Nhà nước, củng cố cơ sở kinh tế tập quyền, bộ máy quan liêu; đề cao quyền lực và thứ bậc xã hội; bảo vệ lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến, đặc quyền, đặc lợi của quan lại và tầng lớp quý tộc quan liêu; bảo vệ sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, quy định khắt khe đối với người phụ nữ. Một vấn đề nổi lên là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng: trong truyền thống do lịch sử để lại, quan hệ và lợi ích cộng đồng mang tính chi phối và bao trùm tất cả. Cá nhân chỉ được tôn trọng và bảo vệ khi tự ghép mình trong cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt luật tục với nhiều đẳng cấp và cấp độ cộng đồng chồng xếp lên nhau. Con người cá nhân chưa bao giờ được coi là thực thể độc lập với quyền tồn tại và phát triển nhân cách của mình. Do sự phát triển của nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo, nên không phải pháp luật mà là đạo đức và phong tục, tập quán đóng vai trò thống trị trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Qua các chế độ phong kiến, thực dân, nhân dân lao động là người thực thi pháp luật nhưng chưa phải là tác giả của luật pháp; luật pháp cũ chỉ có lợi cho thực dân phong kiến. Mặt khác, tính cộng đồng (họ hàng, làng xóm, nghề nghiệp...) cũng thường tạo nên cách xử lý nặng về tình và nhẹ về lý (truyền thống đặt lý thấp hơn tình) cũng như pháp luật phong kiến (và cả pháp luật tư sản sau này) cho phép dựa vào đạo đức để che giấu bản chất giai cấp. Tư tưởng tôn ti, trật tự xã hội đẳng cấp nặng nề, phi dân chủ, thiếu pháp luật và pháp luật chưa nghiêm... là những khuyết tật phổ biến, hạn chế lớn đã và đang in đậm trong tâm lý, thói quen và cách nghĩ, cách làm người Việt Nam cũng như triết lý “có lý, có tình” như một tổng kết trong quản lý có lúc, có nơi đã mâu thuẫn với pháp chế, với lý tính. Tâm lý dân tộc từ ngàn năm nay gây không ít khó khăn để hình thành và phát triển một tinh thần pháp quyền trong xã hội. “Có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu hụt trong lịch sử hệ thống chính trị Việt Nam là tính chất pháp quyền của bộ máy nhà nước”(3).

Ngày nay, các tàn dư tư tưởng và lề thói phong kiến tiểu nông vẫn tồn tại, đặc biệt là hai căn bệnh gia trưởng và thói tự do vô kỷ luật đã và đang cản trở quá trình đi lên sản xuất lớn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những tác động của bối cảnh hiện tại

Trong những năm đầu triển khai đổi mới, việc quản lý xã hội trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được quan tâm thích đáng; còn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội tồn tại từ lâu và mới nảy sinh cần được giải quyết tích cực và hiệu quả. Việc phân định rành mạch các chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động giữa Đảng và Nhà nước trong điều kiện Đảng lãnh đạo xã hội là một vấn đề phức tạp; chúng ta vẫn đang tìm tòi, thử nghiệm nhiều hơn là đạt được những kết quả thực tế. Trong bước ngoặt chuyển đổi, cơ chế quản lý xã hội mới đang hình thành, phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Hệ thống quản lý hành chính, trật tự và đạo đức xã hội, xây dựng nền dân chủ và phát huy sức sáng tạo trong nhân dân còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống chính sách, pháp luật, các công cụ quản lý chưa đạt hiệu quả cao. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước chưa phát huy hết năng lực quản lý và hiệu lực điều hành của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều khâu trung gian trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; bất cập về trình độ, năng lực quản lý, kiến thức nghề nghiệp. Tổ chức và hoạt động còn nặng nề, chưa phân định tốt trách nhiệm, quyền hạn, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan quyền lực; chưa bảo đảm tính độc lập tương đối của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; mối quan hệ phân cấp giữa trung ương và địa phương còn một số mặt chưa cụ thể. Các cơ quan dân cử chưa đủ thực quyền, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính và chuyên môn còn thấp. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đang đặt ra nhiều vấn đề cần được bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong bộ máy nhà nước. Mặc dù có nhiều nỗ lực đổi mới và cải cách nhưng tổ chức và hoạt động của hệ thống hành pháp còn nhiều nhược điểm, nhiều mặt chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước. Bộ máy nhà nước chưa thật sự trong sạch, vững mạnh; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, hiệu lực quản lý điều hành chưa nghiêm; kỷ cương xã hội bị buông lỏng có khả năng làm lu mờ bản chất tốt đẹp của chế độ, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, vấn đề trật tự và kỷ luật đang là yếu kém của hệ thống chính trị.

Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta vẫn trong giai đoạn đầu, còn phải tiếp tục và thường xuyên hoàn thiện để pháp luật đáp ứng được sự phát triển của đời sống xã hội và nhu cầu tăng cường quản lý nhà nước. Nhiều lĩnh vực bức xúc của đời sống xã hội vẫn chưa có luật mà điều chỉnh chủ yếu bằng văn bản dưới luật, thậm chí chưa có văn bản dưới luật điều chỉnh. Hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo vệ các quyền tự do của con người, của công dân, cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta. Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, còn tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa lỏng lẻo kỷ cương; vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện coi thường pháp luật. Pháp luật chưa khẳng định mạnh mẽ vai trò là công cụ đắc lực của Nhà nước để quản lý xã hội, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường. Hiệu lực của pháp luật chưa được phát huy đầy đủ, hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý còn thấp. Quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước còn bộc lộ không ít khuyết điểm, yếu kém; chưa ngang tầm với nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại. Sự lạc hậu và những bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đã tạo ra kẽ hở trong sản xuất, kinh doanh và các mặt hoạt động khác, làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật và phần nào làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài ra, công cuộc đổi mới và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn gặp những lực cản khách quan, như mặt trái của cơ chế thị trường, bệnh quan liêu và tệ tham nhũng trong hệ thống chính trị, những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến. Ngoài tác động tích cực, kinh tế thị trường cũng hàm chứa cả những mặt tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, là nơi phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, tác động không nhỏ đến sự biến đổi của đạo đức theo chiều hướng xấu. Cơ chế thị trường đề cao giá trị của đồng tiền đã tác động mạnh đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đạo đức của xã hội. Thực tế cho thấy, có nhiều mâu thuẫn giữa phát triển vật chất và suy thoái tinh thần, giữa kinh tế và đạo đức văn hóa xã hội. “Nguyên tắc tối đa hóa lợi ích cá nhân”, lấy lợi ích vật chất là hàng đầu, kinh tế thị trường đã và đang đẩy con người vào “vòng xoáy” của lợi nhuận, nảy sinh lối tư duy thực dụng, “kích thích” tính phi đạo lý, kiểu làm ăn gian dối, bất chấp dư luận xã hội, chà đạp lên luân lý, luật pháp, làm sai lệch các chuẩn mực đạo đức và đảo lộn bậc thang giá trị xã hội. Trong quá trình hội nhập quốc tế, hợp tác và giao lưu văn hóa với các nước, chúng ta tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh nhân loại, làm phong phú nền văn hóa dân tộc; song cũng chịu ảnh hưởng của sự du nhập ngoại lai không lành mạnh. Hội nhập quốc tế cũng tạo ra những tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.

Tóm lại, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu thiết kế phù hợp với đặc điểm, truyền thống dân tộc và trình độ phát triển của xã hội. Đặc biệt, phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp truyền thống - hiện đại trong quản lý bao hàm cả xây dựng và cải tạo, gạn lọc kế thừa và phát huy trên tinh thần đổi mới; khắc phục những lực cản về tư tưởng, tâm lý, tập quán thói quen của quá khứ đối với sự phát triển, phù hợp yêu cầu của đất nước và thời đại để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn trong quản lý xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

------------------------------------------

1. ThS. Nguyễn Xuân Tùng: Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới ánh sáng Đại hội Đảng lần thứ XI (http://moj.gov.vn/BTP_UserControls/NewsBTP/pFormPrintBTP.aspx?UrlListProcess=/ct/tintuc/Lists/Nghin%20cu%20trao%20i&ListId=02795d04-4013-4137-aa46-447acd7f3860&SiteId=ec9fcd69-4db2-4651-982b-a3120dd1d9b0&ItemID=4376&OptionLogo=0&SiteRootID=63d81917-c1c4-48e4-bebb-f2afcd9691e5)

2. Khái niệm Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa được hiểu bao gồm các yếu tố: quyền làm chủ của nhân dân; thượng tôn hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo vệ nhân quyền; quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, sự khác biệt giữa quan niệm về Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với nhận thức chung về nhà nước pháp quyền trên thế giới được thể hiện ở hai yếu tố cơ bản: quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc chung và chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa.

3. Vũ Minh Giang: Lịch sử Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr. 83