TCCSĐT - Ngày 24-9-2014, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống (1949 - 2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Đến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng.

Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể trung ương; Bí thư, Chủ tịch một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các đại biểu quốc tế có Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Đại sứ các nước tại Việt Nam: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Cu-ba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Liên bang Nga, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU).

Các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Về phía Học viện, có các đồng chí: GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; GS, TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện; GS, TS. Nhà giáo nhân dân Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện, nguyên Phó Giám đốc Học viện; Giám đốc các Học viện trực thuộc; các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu giáo chức Học viện; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; thủ trưởng các đơn vị thuộc Trung tâm Học viện, đại biểu Hội cựu giáo chức, đại biểu các công chức, viên chức đương nhiệm và đại diện các lớp học viên.

 
 GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc buổi lễ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn cho biết: Trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hành trăm nghìn cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện đang được đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ cả về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.

Về công tác nghiên cứu khoa học, trong công cuộc đổi mới đất nước, Học viện coi trọng và đẩy mạnh cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu tổng kết và nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một thành tựu quan trọng nữa là Học viện đã tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học phát triển không ngừng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu nghề, gắn bó với Học viện, có phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích mà Học viện đã đạt được trong 65 năm qua; hoan nghênh và tán thành với Báo cáo mà Giám đốc Học viện đã trình bày. Tổng Bí thư nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau.

Thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020). Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa 13 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013). Đây là những văn kiện và quyết định quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng của đất nước. Chúng ta ra sức phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đó, một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng là phải đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn cao, có khả năng tổ chức công việc giỏi ở tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược. Vai trò của Học viện rất quan trọng, đòi hỏi Học viện không ngừng nỗ lực, sáng tạo, thực hiện trọng trách là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội.

Thứ hai, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - nhiệm vụ trung tâm của Học viện - Học viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; cả về phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức, tác phong, phương pháp công tác.

Muốn thế, Học viện phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, công tác tuyển sinh, quản lý học viên, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập; chú ý việc đào tạo theo chức danh, gắn học tập kiến thức lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng,… phù hợp với từng đối tượng, từng chức danh cán bộ; phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học. Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, Học viện cũng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị…

Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay, Học viện cần coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra; kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch và những luận điệu sai trái, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Học viện cần tổ chức lại hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của Học viện, bám sát chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, xuất phát từ thực tế công việc của Học viện để chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu bài bản, hệ thống. Trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng nghiên cứu, tăng cường phối hợp ban, bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu trung ương và địa phương…

Thứ tư, Học viện cần quan tâm xây dựng toàn diện, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ cao về chuyên môn, có vốn sống thực tế, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, chú trọng phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong và ngoài Học viện; đồng thời, coi trọng, khuyến khích các tài năng trẻ, tạo cơ hội và động lực cho cán bộ trẻ phát triển; Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao chất lượng các công tác khác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng trong Học viện…

Thứ năm, các đồng chí học viên từ mọi miền đất nước về học tập, nghiên cứu tại trường Đảng mang tên Bác Hồ là một vinh dự lớn, cần ý thức sâu sắc rằng: vào Học viện học tập là để nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học nhằm vận dụng sáng tạo trong thực tiễn; đồng thời, phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác. Mỗi học viên cần tranh thủ mọi thời gian, tận dụng mọi điều kiện để đọc, để nghe, để trao đổi, thảo luận, nỗ lực phấn đấu, phát huy tính chủ động, tích tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; “học đi đôi với hành” để sau khi hoàn thành chương trình khóa học, các học viên có thể vận dụng những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, xử lý đúng các tình huống trong thực tế và hơn nữa để trở thành cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, có sức lan tỏa trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

 
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Cũng trong dịp này, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. Nhiều đơn vị trực thuộc Học viện cũng được tặng các phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động…/.