Suy thoái kép hay vẫn đang suy thoái?
TCCSĐT - Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ đang lo ngại suy thoái kép đe doạ nền kinh tế Mỹ. Sự phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới dường như mới chỉ xuất hiện trong lợi nhuận của giới chủ mà chưa từng thấm đến những người lao động. Với họ, cuộc suy thoái chưa từng dừng lại.
Trong những ngày gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Mỹ đang nói nhiều về khả năng suy thoái kép của nền kinh tế Mỹ. Cha-lơ E-van (Charle Evans), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Chi-ca-gô cho rằng, nguy cơ về việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép đã tăng lên trong 6 tháng qua. Mắc Dan-đi (Mark Zandi), Kinh tế gia trưởng tại hãng đánh giá chỉ số tín nhiệm Moody Analytics, nhận định khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện là 33%, cao hơn so với con số 20% do chính ông đưa ra cách đây 12 tuần. Nu-ri-em Ru-bi-ni (Nouriel Roubini), người đã dự báo chính xác về thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính lần này, cũng khẳng định xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lần hai đã lên tới 40%. Giô-dep Xtíc-glít (Joseph Stiglitz), nhà kinh tế đạt giải Nobel, còn lo ngại suy thoái kép không chỉ diễn ra tại Mỹ, mà còn có thể lôi kéo cả châu Âu vào vòng xoáy này.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng đã có một sự phục hồi kinh tế và giờ đây một lần nữa nó lại quay đầu đi xuống. Các số liệu thống kê khẳng định điều này. Sản lượng đã thực sự tăng lên, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cũng tăng lên đáng kể, thổi một luồng gió mới vào thị trường chứng khoán khiến “trái tim của nền kinh tế” rạo rực tin rằng sự phục hồi đã xuất hiện. Giờ đây, có vẻ như là sự phục hồi ấy đang chững lại. Nền kinh tế bị đe doạ sẽ suy thoái thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn sâu hơn vào thực chất của cái gọi là sự phục hồi ấy, người ta sẽ lập tức phát hiện ra rằng tuy sản lượng có tăng lên, nhưng mức hữu nghiệp không tăng. Mức hữu nghiệp bắt đầu giảm trong thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng và tiếp tục giảm kể từ đó đến nay. Trong tháng 7/2010, số người thất nghiệp đã tăng thêm 131.000, gấp đôi so với mức dự báo trước đó. Khu vực tư nhân chỉ tạo thêm 71.000 việc làm mới, bằng 2/3 so với dự báo và kém xa mức 200.000 chỗ làm mới cần thiết để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức "đỉnh" là 9,5%.
Các nhà kinh tế Mỹ còn dựng lên hẳn một khái niệm kinh tế mới là “tăng trưởng không việc làm” (jobless recovery, jobless growth) để mô tả quá trình hồi phục nói trên. Họ cho rằng nguyên nhân là do các ngành kinh tế hiện đại cần lao động tay nghề cao chứ không cần số đông. Thêm nữa, các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng di chuyển nhà máy hoặc việc làm ra nước ngoài nhằm giảm bớt chi phí. Những công việc như vậy sẽ không quay trở lại khi nền kinh tế hồi phục.
Tuy nhiên, điều không thể tranh cãi là chỉ số việc làm hàng tháng là một trong những chỉ số kinh tế chủ chốt về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Việc làm, mà hệ quả của nó là tiền lương, sẽ làm tăng tổng cầu bằng việc tăng mức độ chi tiêu của các hộ gia đình cho nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, quần áo, đi lại, nhà ở... Tổng cầu tăng sẽ kéo nền kinh tế đi lên. Tuy nhiên, mức hữu nghiệp thấp ở Mỹ hiện nay đồng nghĩa với sức kéo này là rất hạn chế.
Té ra các gói kích thích kinh tế nhiều tỷ USD được rót cho giới chủ đã không “thấm được tới người lao động” như chính phủ Mỹ mong muốn. Báo Bưu điện oa-sinh-tơn (Washington Post) viết: “Những gói kích thích kinh tế đã làm cho lợi nhuận các công ty tăng lên. Các ông chủ đang ngồi trên hàng tỷ đô la. Nhưng họ không thuê thêm lao động, không mở rộng đầu tư - những yếu tố cần thiết cho sự phục hồi kinh tế. Họ chỉ cố gắng vơ vét để bồi đắp cho những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng đã gây ra cho chính họ”.
Tờ Thời báo Niu Oóc (New York Times) cho rằng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã chỉ suy luận dựa trên mô hình toán học thuần tuý, bơm một lượng tiền vào nền kinh tế và ngồi chờ nó phục hồi mà không hiểu rằng trong thực tế, hiệu quả của các chính sách đó rất nhỏ, ít nhất cũng vô ích trong lĩnh vực việc làm. Trong tương lai gần, điểm tăng trưởng mới của nền kinh tế Mỹ sẽ còn chưa xuất hiện. Làm sao để ngăn chặn thất nghiệp, hiện đang là một vấn đề kinh tế, không biến thành một vấn đề xã hội, sẽ còn tiếp tục làm đau đầu chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma hiện nay.
Thực ra chưa bao giờ có sự phục hồi kinh tế đối với đại bộ phận người Mỹ. Chỉ có các doanh nghiệp có được sự phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế của chính phủ và giờ đây đang phải đối mặt với nguy cơ "suy thoái kép". Đối với đại đa số người lao động, cuộc suy thoái vẫn đang tiếp diễn vì nó chưa từng hồi phục. Tuy nhiên, rồi các doanh nhiệp cũng sẽ tìm cách đẩy gánh nặng của họ lên vai người lao động. Và giống như mọi khi, “quýt” vẫn làm, và “cam” vẫn chịu./.
"Ngô Bảo Châu là tấm gương về nỗ lực trong học tập"  (30/08/2010)
Đình chỉ chức vụ thêm hai lãnh đạo của Vinashin  (30/08/2010)
Đình chỉ chức vụ thêm hai lãnh đạo của Vinashin  (30/08/2010)
Kỷ niệm 80 năm phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh  (29/08/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên