Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008
1. Bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hoá trên bản đảo Triều Tiên
Ngày 22-9-2008, ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây (Mohamed El Baraei), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) báo cáo với Hội đồng quản trị IAEA tại Viên rằng, CHDCND Triều Tiên yêu cầu các thanh sát viên của cơ quan này tháo gỡ các thiết bị niêm phong và trang thiết bị theo giám sát ra khỏi cơ sở hạt nhân của họ. Yêu cầu này được đưa ra sau 3 ngày, kể từ khi Bình Nhưỡng khẳng định cho tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Dông Piên và không còn muốn Mỹ nhượng bộ như nước này đã hứa. Đến ngày 24-9-2008, phía CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các chuyên gia giám sát ra khỏi tổ hợp hạt nhân Dông Piên và có kế hoạch tái hoạt động lò phản ứng này để tiếp tục tinh chế plu-tô-ni, nguyên liệu có thể dùng để làm bom nguyên tử. Cùng ngày 24-9-2008, chính quyền của Tổng thống G.W.Bu-sơ cảnh báo rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ tự cô lập mình với cộng đồng thế giới nếu họ tiếp tục khởi động lò phản ứng hạt nhân Dông Piên. Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ nói: "Chúng tôi tin rằng nếu CHDCND Triều Tiên làm như vậy, họ sẽ chỉ tăng thêm sự cô lập". Oa-sinh-tơn cho rằng, cách tiếp cận bằng ngoại giao như hiện nay là cách giải quyết tốt nhất đối với vấn đề này.
2. Đoàn tàu chiến Nga thuộc Hạm đội biển Bắc lên đường sang Mỹ La-tinh
Ngày 22-9-2008, Đoàn tầu chiến Nga thuộc Hạm đội biển Bắc đã khởi hành từ căn cứ ở Xe-ve-rô-mô-xcơ bắt đầu chuyến hành quân xuyên đại dương để tới biển Ca-ri-bê chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự với hải quân Vê-nê-xu-ê-la. Dẫn đầu đoàn chiến hạm này là tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng mang tên “Pi-e Đại Đế”. Cùng đi, có chiến hạm chống tàu ngầm mang tên “Đô Đốc Chu-ba-nen-cô” và 2 tàu yểm trợ tác chiến khác. Theo ông Đu-ga-lô, Trợ lý Tổng tư lệnh hải quân Nga, các cuộc tập trận được lên kế hoạch trong cả năm 2008 và được thỏa thuận về nguyên tắc trong cuộc gặp của Tổng thống Nga và Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la hồi tháng 7-2008, không nhằm chống lại các nước thứ ba và không mang tính xâm lược, cũng không mang các ẩn ý chính trị. Ông Đu-ga-lô nhấn mạnh, sự trở lại thế giới đại dương của hải quân Nga là xu hướng khó có thể đảo ngược. Các cuộc tập trận chung giữa hải quân Nga với hải quân Vê-nê-xu-ê-la sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 10-11 đến ngày 14-11-2008 tại biển Ca-ri-bê. Trong chuyến hành quân xuyên đại dương lần này, Đoàn chiến hạm của Nga ghé qua cảng Tac-tút của Xy-ri ở Địa Trung Hải - một căn cứ hải quân có ý nghĩa chiến lược.
3. Ông Ta-rô A-xô được chọn làm Thủ tướng Nhật Bản
Ngày 22-9-2008, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã bầu Tổng Thư ký Ta-rô A-xô làm Chủ tịch đảng, một bước đệm để nghị sĩ này trở thành tân Thủ tướng. Ông Ta-rô A-xô được đánh giá là người ủng hộ chi tiêu và cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy kinh tế. Sau khi nắm giữ vai trò lãnh đạo Chính phủ, ông sẽ phải cố gắng vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiến hành bầu cử Quốc hội sớm, một cuộc bầu cử được đánh giá là “có nguy cơ cao”. Ông Ta-rô A-xô là Thủ tướng thứ 3 của Nhật Bản trong vòng hai năm, hai người tiền nhiệm của ông buộc phải ra đi do đối mặt với sự bế tắc ở Quốc hội, nơi đảng cầm quyền nắm đa số ở Thượng viện và có quyền ngăn không cho thực thi các đạo luật.
4. Bước tiến mới trong quan hệ Nga-Ca-dắc-xtăng
Ngày 22-9-2008, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã thăm và làm việc tại Ca-dắc-xtan. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ca-dắc-xtan, Na-da-ba-ép, hai bên đã trao đổi về các vấn đề bức thiết trong quan hệ Nga - Ca-dắc-xtăng như tăng cường hội nhập trong phạm vi các tổ chức khu vực như SNG, Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể và Tổ chức hợp tác Thượng hải (SCO)... Sau cuộc gặp, Tổng thống hai nước đã dự Lễ khai mạc Diễn đàn “Cách tân và công nghệ cao” lần thứ 5, thảo luận vấn đề an ninh lương thực và năng lượng; dự triển lãm sản xuất hàng hóa Nga - Ca-dắc-xtan với chủ đề “Công nghệ cao-khu vực. Hợp tác các tỉnh dọc biên giới” hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên ký 7 văn kiện về biên giới quốc gia Nga - Ca-dắc-xtan, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hợp tác giữa các địa phương và ngân hàng liên chính phủ. Các động thái trên chứng tỏ, Nga nghiêm túc quan tâm đến quan hệ với Ca-dắc-xtan. Nga có tham vọng đạt được vai trò là một trong những trung tâm chủ đạo hình thành thế giới đa cực.
5. Chuyến thăm Cu-ba, Trung Quốc và Nga của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét
Ngày 22-9-2008, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét bắt đầu chuyến thăm Cu-ba, Trung Quốc và Nga. Tại Cu-ba, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu-ba, ông Ra-un Ca-xtrô và lãnh tụ cách mạng Cu-ba Fi-đen Ca-xtrô. Sau đó, ngày 23-9-2008, Tổng thống Hu-gô Cha-vét tới Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nhằm tăng cường phát triển quan hệ kinh tế, đặc biệt là việc bán cho Trung Quốc dầu lửa - một mặt hàng trọng yếu của Vê-nê-xu-ê-la mà từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường Mỹ. Trung Quốc hứa sẽ giúp Vê-nê-xu-ê-la phóng vệ tinh đầu tiên vào tháng 11-2008. Vê-nê-xu-ê-la dự định sẽ mua máy bay quân sự K-8 của Trung Quốc để huấn luyện phi công. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hu-gô Cha-vét đã làm tăng thế đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung Quốc - Vê-nê-xu-ê-la sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Vê-nê-xu-ê-la cũng như giữa Mỹ - Trung Quốc. Ngày 26-9-2008, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đã tới thăm Nga. Trong buổi tiếp Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, Thủ tướng V.Pu-tin cam kết sẽ đưa quan hệ với khu vực Mỹ La-tinh thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Hai bên còn thảo luận về việc bán thêm vũ khí cho Vê-nê-xu-ê-la cũng như khả năng Nga giúp đỡ quốc gia Nam Mỹ này phát triển năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Nga khẳng định, Mỹ La-tinh đang trở thành bộ phận đáng chú ý trong chuỗi mắt xích của thế giới đa cực. Và cả hai nhà lãnh đạo đều đề cập tới việc hai nước cùng hợp tác để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
6. Nội các mới của Thái Lan được thông qua
Ngày 24-9-2008, nội các mới của Thái Lan gồm 36 thành viên đã được Quốc vương Bhu-mi-bôn thông qua. Trong đó, ông Xôm-chai làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Cựu Thủ tướng Thái Lan thời kỳ khủng hoảng năm 1997, ông Cha-va-lit làm Phó Thủ tướng. Ngoại trưởng mới là ông Xôm-pông A-môn-vi-oat (Sompong Amornwiwat), một nhà chính trị kỳ cựu, đã từng là cố vấn cho cựu Thủ tướng Thạc-xỉn từ năm 2001 đến 2005. Tân Bộ trưởng Tài chính là ông Xu-chat Tha-đa Tham-rông-oet (Suchart Thada Thamrongwech), người từng là thành viên trong Chính phủ vừa từ nhiệm. Ông Cha-lem Y-u-bam-rung, người thuộc phe cánh của cựu Thủ tướng Thạc-xỉn, được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Y tế. Ngày 25-9-2008, nội các mới đã làm lễ tuyên thuệ nhậm chức trước Quốc hội Thái Lan. Theo các nhà phân tích, thành phần nội các mới lần này thiếu vắng các nhân tài và có thể sẽ không tồn tại được lâu trước những khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại Thái Lan.
7. Thêm nhiều sản phẩm sữa của Trung Quốc bị thu hồi trên toàn cầu
Ngày 24-9-2008, Pháp quyết định ngừng nhập các loại bánh hoặc sản phẩm có thể bắt nguồn từ sữa Trung Quốc với lý do đây là một biện pháp phòng ngừa. Tiếp đến là Hàn Quốc tuyên bố sẽ cấm nhập các sản phẩm thực phẩm có sữa làm từ Trung Quốc vì Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này phát hiện hàm lượng chất Mê-la-min (Melamine) cao trong hai sản phẩm bánh quy nhập từ Trung Quốc và Hồng Công. Cũng trong ngày, In-đô-nê-xi-a công bố danh sách 28 sản phẩm mà quốc đảo này cho là có thể chứa sữa nhiễm bẩn của Trung Quốc, trong đó có loại bánh Oreo, Snickers và kẹo sô-cô-la M&M. Hệ thống siêu thị Tesco của Anh đã dỡ bỏ loại kẹo kem Thỏ Bạch ra khỏi các kệ hàng. Đến lượt một loạt các nước châu Phi cũng có quyết định tương tự như Bu-run-di, Ga-bông và Tan-da-ni-a quyết định ngừng nhập tất cả mọi sản phẩm sữa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc do lo ngại các sản phẩm này mang lại nhiều nguy cơ cho sức khoẻ trẻ em. Các nước Nhật Bản, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a cũng có quyết định ngừng nhập sản phẩm sữa từ Trung Quốc. EU, một thị trường nhập khẩu rất lớn củaTrung Quốc đã quyết định quay lưng với hàngTrung Quốc, kể cả bánh kẹo và thực phẩm.
8. Tàu sân bay hạt nhân của Mỹ đến neo đậu ở Nhật Bản
Ngày 25-9-2008, tàu sân bay đời mới của Hải quân Mỹ USS Gioóc Oa-sinh-tơn (George Washington) tới thả neo tại cảng Y-ô-cô-su-ca (Yokosuka), gần Tô-ky-ô, để chuẩn bị thay thế tàu sân bay Kít-ti Hác (Kity Hawk) thuộc thệ hệ “cựu chiến binh” sắp phải “về vườn”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang lo ngại về kế hoạch hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tân Thủ tướng Nhật Ta-rô A-xô hoan nghênh chiếc tàu chiến trên tới Nhật và tuyên bố: “Tình hình xung quanh Nhật Bản hiện nay, gồm cả bán đảo Triều Tiên, là rất gay go. Tôi cho rằng sự có mặt của tàu hạt nhân là yếu tố tích cực trên cơ sở Mỹ và Nhật là liên minh an ninh". Gần 50.000 quân Mỹ hiện đang đóng tại Nhật Bản theo thỏa thuận về liên minh an ninh giữa hai nước. Riêng ở Y-ô-cô-su-ca có 2.800 lính Mỹ đang đóng quân. Hàng trăm người Nhật Bản đã biểu tình phản đối tàu sân bay chạy bằng hạt nhân của Mỹ cập cảng nước này và yêu cầu cần phải có các biện pháp bảo đảm an toàn chặt chẽ hơn. Lo ngại của người Nhật về tàu chạy bằng hạt nhân tăng lên sau khi trên chiếc tàu chiến Kít-ti Hác đã từng xảy ra một vụ hỏa hoạn hồi tháng 5-2008. Tiếp đó, tới tháng 8-2008 có tin, ở Nhật Bản có chứa một lượng nhỏ phóng xạ đã bị rò rỉ từ một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Mỹ neo đậu tại một hải cảng của Nhật.
9. Lính Mỹ và binh sỹ Pa-ki-xtan bắn nhau
Ngày 25-9-2008, một cuộc đọ súng đã nổ ra giữa các binh sỹ Pa-ki-xtan và các binh sĩ liên quân gồm Mỹ và Áp-ga-ni-xtan, sau khi các lực lượng vũ trang Pa-ki-xtan tiến công hai máy bay do thám Mỹ đột nhập vào vùng trời biên giới giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan đầy bất ổn. Trận giao tranh diễn ra trong khoảng 5 phút, không có ai bị thương. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ khẳng định, các binh sỹ của họ hoạt động trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan “không hề vượt qua biên giới vào Pa-ki-xtan”. Vụ việc này như lửa đổ thêm dầu, làm gia tăng căng thẳng vào thời điểm Mỹ đang tăng cường các chiến dịch xuyên biên giới tại khu vực được coi là nơi trú ẩn của Ta-li-ban và An Kê-đa. Sự kiện tuy nhỏ này rất có thể khơi mào cho một cuộc xung đột lớn hơn. NATO tuyên bố, các máy bay thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) bị bắn từ một chốt kiểm tra Pa-ki-xtan. Người phát ngôn của Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ thông báo, lính Pa-ki-xtan nã súng vào hai chiếc trực thăng OH-58 Kiowa của Mỹ khi chúng đang bay hộ tống đoàn tuần tra của liên quân Mỹ trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, Bộ chỉ huy của I-xla-ba-mat khẳng định, các binh sĩ của họ chỉ bắn cảnh cáo về phía máy bay Mỹ khi chúng đột nhập vào không phận Pa-ki-xtan. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pa-ki-xtan Da-đa-ri nhấn, không phép cả “những người bạn của Pa-ki-xtan” xâm phạm lãnh thổ của họ.
10. Trung Quốc tiến một bước rất xa trong công cuộc chinh phục vũ trụ
Với phi thuyền Thần Châu 7 được phóng lên không gian hôm 25-9-2008 mang theo 3 phi hành gia trong đó có một người rời khoang tàu ra đi bộ ngoài vũ trụ, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc xác lập vị trí cường quốc không gian của mình trong cuộc rượt đuổi theo Nga và Mỹ. Theo giới quan sát, việc đưa người ra ngoài phi thuyền khi ở trên không gian nhằm chuẩn bị cho các bước kế tiếp trong chương trình không gian đầy cao vọng của Trung Quốc: đó là thành lập một trạm vũ trụ của chính mình, làm căn cứ cho các thám hiểm khác. Bước tiến đều đặn của Trung Quốc trong lãnh vực không gian đã khiến cho một phần dư luận Mỹ lo ngại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bước tiến công nghệ học sẵn có của Mỹ, ngân sách khổng lồ của cơ quan không gian Mỹ NASA, các yếu tố này sẽ cho phép Oa-sinh-tơn duy trì ưu thế của mình trong một thời gian lâu dài.
11. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua Nghị quyết mới về I-ran
Ngày 26-9-2008, 6 cường quốc, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức đã nhất trí với bản dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp trừng phạt đối với I-ran nếu nước này từ chối ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Theo Nghị quyết mới, nếu Tê-hê-ran từ chối ngừng chương trình hạt nhân của họ, thì I-ran sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an đã thực thi 3 đợt cấm vận đối với I-ran do nước này từ chối tuân thủ yêu cầu ngừng làm giàu u-ra-ni. Chính quyền ở Tê-hê-ran luôn quả quyết rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hoà bình. Nga và Trung Quốc ủng hộ cả 3 đợt cấm vận I-ran của Hội đồng Bảo an nhưng chỉ sau khi đã làm giảm sức nặng của các biện pháp trừng phạt. Nội dung những nghị quyết trừng phạt I-ran trước đây bao gồm lệnh cấm đi lại và phong toả tài sản đối với các cá nhân và công ty của I-ran. Tuy nhiên, ngày 27-9-2008, I-ran tuyên bố Dự thảo Nghị quyết mới của Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của nước này là “thiếu tính xây dựng”. /.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 15-9 đến 21-9-2008
Cà Mau tận dụng mọi thời cơ, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển  (29/09/2008)
Giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ do nhu cầu mới  (29/09/2008)
Bão số 7 hoạt động trên biển Đông  (29/09/2008)
FDI toàn cầu năm 2008 có dấu hiệu giảm sút  (29/09/2008)
Hơn 1.200 tỉ đồng cho viễn thông công ích  (29/09/2008)
Đoàn nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam đến Niu Oóc  (29/09/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên