Địa Trung Hải là khu vực có vị trí địa - chiến lược quan trọng và là nơi hội tụ của những vấn đề toàn cầu mà loài người đang phải đối mặt. Chính vì vậy, việc thành lập Liên minh Địa Trung Hải (UPM) vào ngày 13-7 vừa qua với sự tham gia của 43 nước, gồm 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng 16 quốc gia Bắc Phi, Trung Đông và Tây Ban-căng đã đáp ứng nhu cầu hợp tác, phát triển của các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề đó. Với UPM, mô hình hợp tác địa - chính trị mới được mở ra cho các nước ven Địa Trung Hải và EU.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên của EU, Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di đã đề xuất ý tưởng thành lập UPM - phiên bản của “Tiến trình Bác-xê-lô-na” được EU khởi động năm 1995. Tuy nhiên, tiến trình này đã thất bại do cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin ngày càng căng thẳng.

Khác với ý tưởng thành lập cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 do Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Ke-vin Rút đề xuất - phỏng theo mô hình EU - thì sự thành lập UPM nhằm một phần trợ giúp phát triển cho các quốc gia Hồi giáo ở bờ Nam Địa Trung Hải và hỗ trợ cho tiến trình hòa giải giữa I-xra-en và thế giới A- rập; mặt khác, nhằm “tạo điều kiện để các bên tăng cường hợp tác, vượt qua các thách thức của thế kỷ mới: đó là các vấn đề thay đổi khí hậu, hủy hoại môi trường, tìm kiếm các nguồn năng lượng và nguồn nước, nhập cư, đối thoại giữa các nền văn hóa và nhân quyền”.

Trong bối cảnh liên kết kinh tế khu vực ngày càng phát triển nhanh chóng, các nước liên kết tự tìm con đường phát triển kinh tế riêng của mình thì sự ra đời của UPM là một thành công. Việc những người lãnh đạo các nước Pa-le-xtin, I-xra-en, Xi-ri, Li-băng, ngồi lại với nhau, đối thoại một cách hòa bình, mặc dù theo một số nhà phân tích, cuộc gặp này chỉ mang tính hình thức, nhưng cũng đã cho thấy UPM tỏ ra có sức hấp dẫn. Chính điều này đã góp phần nhen lên tia hy vọng hòa bình cho khu vực Trung Đông lâu nay vẫn chìm trong biển lửa xung đột. Cái được lớn nhất mà UPM mang lại không chỉ ở việc thành lập được liên minh với các quan hệ đối tác cân bằng, mà còn mang lại nhận thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho các nước thành viên.

Các nhà phân tích nhận định, sự kiện này còn là thắng lợi của ngoại giao Pháp vì đây sẽ là cơ hội để Pháp tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, thúc đẩy sự ra đời các thể chế của Liên minh và tăng cường vị thế, vai trò của mình trong Khối, mở rộng ảnh hưởng đối với các khu vực khác.

Theo dự kiến, Liên minh UPM sẽ có các đồng chủ tịch, mà đầu tiên sẽ là Pháp và Ai Cập; có Ban thư ký thường trực với các quan chức của cả hai bờ Bắc và Nam Địa Trung Hải.

Từ góc độ chính trị, nếu UPM phát triển, việc thành lập Liên minh này sẽ cung cấp mô hình mới cho sự hợp tác giữa các tập đoàn quốc gia khu vực. Địa Trung Hải ở cực Tây của đại lục Á - Âu, với tư cách là biển ở trong đất liền nối ba châu: châu Á, châu Phi và châu Âu lại với nhau. Đây vốn là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới với sự tụ hội của các nền văn minh phong phú nhiều màu sắc, khởi thủy của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Do tính đặc thù lịch sử của các điều kiện kết hợp với nhau nên sự liên kết của các nước ven biển Địa Trung Hải dẫn đến sự thay đổi mang tính cách mạng trên bản đồ địa - chiến lược thế giới.

Sự ra đời UPM đã phá vỡ những quan niệm, tư duy cứng nhắc về việc tổ chức các tập đoàn đa quốc gia theo địa lý; lấy trình độ phát triển kinh tế tương đồng làm giới hạn; lấy tiêu chí lợi ích chính trị làm ranh giới. Việc tham gia liên minh UPM chỉ trên cơ sở duy nhất là các nước thuộc ven biển Địa Trung Hải, vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn của UPM.

Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của UPM còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, sự da dạng, khác biệt lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo dẫn đến lợi ích và sự quan tâm của các nước thành viên không giống nhau.

Thứ hai, thông qua UPM, Pháp muốn khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông. Từ đó, trên một mức độ nhất định, Pháp và EU sẽ thay thế Mỹ giải quyết vấn đề Trung Đông. Tuy nhiên, ý đồ này vấp phải nhiều trở ngại, trong đó không thể không tính tới “nhân tố Mỹ”. Việc “qua mặt” Mỹ không dễ, nhất là trong bối cảnh nguồn “vàng đen” ngày một khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt. Sự thành lập UPM sẽ làm gay gắt thêm sự tranh giành lợi ích giữa các bên.

Thứ ba, mục đích duy nhất của UPM là “hòa hợp các quốc gia nằm hai bên bờ Địa Trung Hải, xóa đi những bất đồng do lịch sử để lại”. Tuy nhiên, tham vọng hàn gắn quan hệ giữa các nước đang có xung đột, giải quyết triệt để cội nguồn mâu thuẫn này còn phụ thuộc vào chính nỗ lực của các bên liên quan. Sự chùng chình lâu nay của tiến trình hòa bình Trung Đông cho thấy giới hạn của vấn đề không dễ vượt qua.

Thứ tư, việc thành lập UPM không suôn sẻ bởi sự phản đối của một số nước EU như Đức, Tây Ban Nha. Theo ý tưởng ban đầu của Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di, thành viên UPM chỉ giới hạn ở các nước ven bờ Địa Trung Hải, sẽ khiến một số nước thành viên quan trọng của EU, trong đó có Đức, bị gạt ra ngoài. Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken cho rằng điều này có thể gây chia rẽ EU.

Như vậy, việc các nước thành viên UPM có thể tăng cường hợp tác, đoàn kết nhất trí quán triệt chương trình Liên minh Địa Trung Hải hay không cần phải có thời gian./.