Tìm nguồn lực mới cho tăng trưởng bền vững: Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ngành vận tải và kho vận của Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 07-01-2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã công bố 2 báo cáo về “Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh và ít khí thải - tuyến đường thủy nội địa và đường biển ở Việt Nam” và “Kho vận hiệu quả - chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Công, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Víc-to-ri-a Qua-qua và các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thực trạng ngành vận tải và logistics ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, ngành vận tải và logistics (*) đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và khi hội nhập kinh tế càng sâu thì vai trò của vận tải và logistics càng quan trọng. Khi ngành logistics phát triển tốt, có khả năng giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh. Ở Việt Nam, logistics ở giai đoạn đầu của sự phát triển.
Sau khi Luật Thương mại năm 2005 ban hành, các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, năng lực còn hạn chế và manh mún. Theo thống kê có khoảng 1.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có thương hiệu, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Chiếm thị phần lớn vẫn là doanh nghiệp logistics có vốn nước ngoài. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tạo điều kiện để phát triển ngành logistics ở Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra.
Báo cáo “Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh và ít khí thải - tuyến đường thủy nội địa và đường biển ở Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những phát hiện chính về tình hình vận tải ở Việt Nam. Trước thực trạng mạng lưới vận tải đường bộ còn nhiều hạn chế về công suất và chi phí môi trường cho việc sử dụng đường bộ để vận chuyển hàng hóa, việc khai thác thế mạnh của vận tải đường thủy là một cách hiệu quả để giải quyết thách thức song song giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo đó, vận tải đường thủy nội địa và vận tải biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 52% tổng trọng tải lưu thông trên cả nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại cho những người nghèo và cận nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều tuyến đường thủy còn hạn chế về chiều sâu và bề rộng, bờ bãi không được bảo vệ và không có đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng, tàu bè được sử dụng trên các tuyến đường thủy còn nhỏ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, do vậy, làm giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho mỗi tấn hàng được vận chuyển.
Ở Việt Nam, tải trọng trung bình của tàu bè lưu thông trên sông là 100 tấn, rất thấp so với mức trọng tải trung bình là 2.500 tấn ở Tây Âu. Tàu tải trọng càng lớn thì càng mang lại hiệu quả kinh tế, do giảm được chi phí vận tải và lượng khí thải, lượng khí nhà kính tính trên một đơn vị tấn - ki-lô-mét. Phí vận chuyển cho mỗi tấn - ki-lô-mét cho một tàu trọng tải 700 tấn sẽ thấp hơn 60% so với tàu có trọng tải 100 tấn và lượng khí thải CO2 cũng giảm tương tự. Lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào giao thông đường thủy nội địa sẽ được thể hiện qua việc gia tăng năng suất, hiệu quả hoạt động trong ngành, thay vì thay đổi hình thức vận chuyển từ đường bộ sang đường thủy.
Báo cáo “Kho vận hiệu quả - chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh” chỉ ra rằng: chi phí cho các hoạt động kho vận ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan,… chủ yếu do thiếu khả năng dự báo trong chuỗi cung ứng, qua đó, làm tăng chi phí kho vận do các doanh nghiệp phải tích trữ nhiều hàng tồn kho hơn mức cần thiết để quản lý hoạt động hằng ngày. Nguyên nhân của sự thiếu ổn định trong chuỗi cung ứng là những quy định còn thiếu thống nhất; thiếu tự động hóa trong các quy trình liên quan đến thương mại; việc lập kế hoạch cho các phương thức vận tải còn rời rạc; sự mất cân bằng cung - cầu trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng…
Nhiệm vụ và giải pháp
Các báo cáo trên cũng đưa ra những nhóm giải pháp và khuyến nghị cho việc thúc đẩy giao thông vận tải và kho vận của Việt Nam phát triển một cách bền vững. Để thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa và ven biển có sức cạnh tranh và ít khí thải, cần ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các hạng mục đã quy hoạch để tăng khả năng lưu thông hàng hóa của những hành lang vận tải nội địa chính, như: Hành lang 1 ở đồng bằng sông Cửu Long (nối Vĩnh Long với Thành phố Hồ Chí Minh), Hành lang 1 ở đồng bằng sông Hồng (nối Quảng Ninh với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); xem xét việc thành lập Quỹ bảo trì đường thủy để chi trả cho những chi phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống vận tải thủy huyết mạch thông qua thu kinh phí đăng kiểm tàu, bè; khuyến khích các sáng kiến hợp tác công - tư, theo mô hình thực nghiệm để thúc đẩy nâng cấp đầu máy cho các tàu chở hàng cỡ lớn; tạo điều kiện cho việc vận chuyển đa phương thức bằng cách nâng cấp các kết nối vận chuyển đa phương thức và cung cấp các dịch vụ hậu cần phụ trợ có giá trị gia tăng; phổ biến kiến thức rộng hơn về điểm mạnh, yếu, chi phí hậu cần của vận tải hàng hóa đường thủy, bộ cho các công ty vận tải đường thủy vừa và nhỏ.
Để nâng cao hiệu quả công tác kho vận, cần bảo đảm áp dụng, thực thi các quy định của Nhà nước một cách công khai, minh bạch và nhất quán, nhất là trong các hoạt động liên quan đến thương mại quốc tế; hiện đại hóa ngành hải quan thông qua việc áp dụng cơ chế thương mại điện tử; quy hoạch các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đa phương tiện áp dụng mô hình hành lang tổng hợp; nâng cao liên kết giữa nội địa và các cảng nước sâu ở các cổng giao dịch quốc tế của miền Bắc và miền Nam; xây dựng và thực thi kế hoạch cân bằng giữa cung - cầu trong các dịch vụ xử lý bốc dỡ hàng hóa công-ten-nơ ở các cổng giao dịch quốc tế; thúc đẩy sự cân bằng cung - cầu một cách bền vững hơn trong ngành vận tải đường bộ…
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, thời gian tới, ngành giao thông vận tải Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: hoàn thiện các thể chế chính sách về logistics; tạo nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng cho giao thông đường thủy nội địa, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics phát triển; tạo điều kiện cho sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics của Việt Nam học hỏi, tiếp thu, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình phát triển…/.
-------------------------------
(*) Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Thay đổi lớn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc 2013  (08/01/2014)
Năm 2013 - Sự nổi bật của nước Nga  (08/01/2014)
"Phải khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp đồng bộ"  (08/01/2014)
Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8  (07/01/2014)
Kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia  (07/01/2014)
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên