TCCSĐT - Ngày 03-01-2014, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo: Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay.
Các đồng chí: GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và TS. Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm đề tài Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, mã số KHBĐ (2013)-17, Chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, còn có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, nhiều nhà khoa học...

TS. Tô Quang Thu, trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, cho rằng, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, cán bộ ở các cương vị công tác nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau và các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, bổ sung thêm những tri thức về một lĩnh vực vừa mới, vừa bức xúc ở Việt Nam hiện nay, đó là “lợi ích nhóm”.

TS. Tô Quang Thu đã lược qua một số ý kiến về “lợi ích nhóm”, đồng thời, nhấn mạnh sự khác nhau hoàn toàn giữa nội hàm hai cụm từ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”, nhằm tránh cách hiểu nhầm lẫn giữa hai cụm từ này. Theo TS. Tô Quang Thu, “nhóm lợi ích” hàm nghĩa là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó tác động vào các chính sách của chính phủ. Trên thực tế, trong xã hội có nhiều “nhóm lợi ích” tồn tại một cách khách quan, chúng có tác động hai mặt đến xã hội. Mặt tích cực của “nhóm lợi ích” là truyền tải thông tin giữa nhóm lợi ích và chính phủ, cũng như là đầu mối vận động ủng hộ các hoạt động, chính sách của chính phủ. Mặt tiêu cực của “nhóm lợi ích” là vì mục tiêu cục bộ của nhóm có thể làm sai lệch chính sách của chính phủ và làm tha hóa công chức quản lý nhà nước.

Còn “lợi ích nhóm” cũng có vai trò, tác động từ hai hướng: tích cực và tiêu cực. Ở đây, Hội thảo quan tâm nghiên cứu sâu hơn mặt trái của hiện tượng này. “Lợi ích nhóm” mà Hội thảo này đề cập hàm nghĩa là một nhóm người nào đó lấy “lợi ích nhóm” mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội, nguồn gốc sâu xa của nó chính là chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết đến mình, đến nhóm, bộ phận của mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người khác, của tập thể, quốc gia, dân tộc…

Đồng tình với cách phân biệt hai cụm từ “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” của TS. Tô Quang Thu, với tham luận Quan hệ giữa “lợi ích nhóm” với độc quyền và cơ chế “xin - cho”, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu và phân tích cụ thể hơn nội hàm của hai cụm từ này; đồng thời, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của quan hệ giữa “lợi ích nhóm” với độc quyền và cơ chế “xin - cho”...; từ đó, PGS, TS. Vũ Văn Phúc đưa ra một số giải pháp để từng bước xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, như: Cần phải công khai, minh bạch; giảm và tiến tới không còn cơ chế “xin - cho”; phải kiểm soát quyền lực của những người có quyền “cho”…

Đồng tình với quan điểm của PGS, TS. Vũ Văn Phúc, trong tham luận của mình, TS. Lê Văn Giảng - nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra một số nội dung chủ yếu Hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước để ngăn chặn và phòng ngừa hoạt động của “nhóm lợi ích”, như: Hoạch định chương trình xây dựng pháp luật toàn diện, tổng thể, có tầm nhìn chiến lược; hoàn thiện pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; quy định về tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức; vấn đề công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán…

Đề cập Một số vấn đề về mâu thuẫn, xung đột “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, như: mâu thuẫn giữa “nhóm lợi ích trục lợi” với “nhóm lợi ích bị thiệt hại”; mâu thuẫn giữa “nhóm lợi ích trục lợi” với thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng và dân tộc; mâu thuẫn giữa “nhóm lợi ích trục lợi” với việc thể chế hóa, ban hành các chính sách quản lý kinh tế - xã hội; mâu thuẫn giữa “nhóm lợi ích trục lợi” với thực hiện các chương trình mục tiêu... PGS, TS. Ngô Văn Thạo - Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra cái nhìn khái quát về tác hại của “nhóm lợi ích trục lợi” ở nước ta. Theo PGS, TS. Ngô Văn Thạo, thứ nhất, là trở lực lớn trong quá trình thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm méo mó chính sách, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thứ hai, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, xã hội, tập thể và công dân, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân; thứ ba, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội; thứ tư, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thứ năm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ...

Với tham luận Kinh nghiệm một số nước trong vấn đề xử lý “lợi ích nhóm”, PGS, TS. Lê Ngọc Tòng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đã góp phần nhận dạng thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay.

Nhìn chung, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề chính: “Nhóm lợi ích” - cách tiếp cận và nhận diện cơ bản; Ảnh hưởng của “lợi ích nhóm” đến sự lãnh đạo của Đảng và sự suy thoái của cán bộ, đảng viên; Nhận diện “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công; Biểu hiện của “lợi ích nhóm” được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước; “Lợi ích nhóm” trong các vụ án tham nhũng điển hình; Kinh nghiệm một số nước trong vấn đề xử lý “nhóm lợi ích”; Nhóm lợi ích và giải pháp hạn chế sự thao túng của “nhóm lợi ích”...

Bên cạnh đó, các đại biểu còn đưa ra một số giải pháp khác để phòng chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, như: nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu; xây dựng các chính sách, hạn chế kẽ hở; cần có cơ chế luân chuyển một cách rõ ràng; quan tâm đến việc giáo dục nhận thức, giáo dục đạo đức, lối sống; coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến…

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Tô Quang Thu khẳng định: Việc chưa có sự thống nhất trong “nhận diện” “lợi ích nhóm” không chỉ gây khó khăn cho những người làm công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra của Đảng mà bản thân những người làm công tác nghiên cứu khoa học cũng gặp khó khăn. Qua gần 20 tham luận gửi tới Hội thảo (trong đó có 9 tham luận phát biểu trực tiếp), mỗi người cần có nhận thức đúng hơn về “lợi ích nhóm” để có thể truyền tải đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 của Đảng.

Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay, mã số KHBĐ (2013)-17 sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến thẳng thắn, có giá trị của các đại biểu tham dự để đưa vào các sản phẩm của đề tài và có những đề xuất với cấp trên./.