Quảng Nam phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
TCCS - Khu vực nông thôn Quảng Nam có 210 xã, chiếm 93,8% số xã, phường của cả tỉnh (trong đó, có 115 xã miền núi) với 83% dân số sinh sống. Đây là khu vực có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh, thiên tai. Do kết cấu hạ tầng còn quá nhỏ bé nên nhiệm vụ xuyên suốt đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền tỉnh là ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực.
Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng, là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác ở nông thôn tăng trưởng nhanh, khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững trong kinh tế thị trường. Nhận thức đúng tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn, đồng thời quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Đảng bộ Quảng Nam đã có nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng và phải được thực hiện theo quy hoạch. Trong 5 năm (2006 - 2010) Quảng Nam tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng: Thúc đẩy đầu tư, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, phục vụ các yêu cầu dân sinh; tạo điều kiện phát triển ở những vùng khó khăn, nhất là miền núi.
Trên tinh thần đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách và kế hoạch cụ thể đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn.
Từ những chương trình, chính sách và kế hoạch...
Trước hết, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, tích cực huy động các nguồn đóng góp trong dân và các tổ chức xã hội. Vốn ngân sách đầu tư vào xây dựng các công trình hạ tầng, như: điện, đường, thủy lợi, trường học, trạm y tế... ở nông thôn đã không ngừng tăng trong các năm qua. Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 13.000 tỉ đồng xây dựng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế.... với trên 700 công trình hạ tầng vừa và nhỏ. Bên cạnh đầu tư trực tiếp từ ngân sách, tỉnh đã hình thành các nguồn vốn khác (như tín dụng đầu tư; các chương trình mục tiêu quốc gia...) nhằm thu hút, mở rộng thêm các hình thức đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào phát triển các công trình hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất - kinh doanh (như nhà xưởng, kho tàng phục vụ cho nông nghiệp...), trong đó có cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm ODA và FDI). Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có bước chuyển biến nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế nâng cao năng lực quản lý cộng đồng. Với cơ chế quản lý rõ ràng, đơn giản hóa cùng việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” Quảng Nam đã phát huy được sức người, sức của từ nhân dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân hiến đất, không nhận tiền đền bù đối với đất bị thu hồi để xây dựng các công trình giao thông và thủy lợi, bảo đảm tiến độ các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, thực hiện có hiệu quả phong trào bê-tông hóa giao thông nông thôn, chỉnh trang các trung tâm xã, cụm xã, từng bước hiện đại hóa nông thôn.
Thứ ba, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất là xóa đói, giảm nghèo ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Triển khai chương trình “xây dựng nông thôn mới” theo chủ trương của Trung ương, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước, tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện phong trào bê-tông hóa giao thông nông thôn, rút ra nhiều kinh nghiệm cần thiết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2009 - 2015.
Thứ tư, để nông dân thực sự được hưởng lợi từ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ tạo sức bật và diện mạo mới cho khu vực nông thôn và luôn xác định đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Với những nỗ lực trên, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách của tỉnh. Kết cấu hạ tầng ở khu vực này từng bước được cải thiện đáng kể. Về giao thông, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các tuyến đường lên miền núi. Trong 8 năm (2001 - 2008) tỉnh đã bê-tông hóa được 2.096 km đường các loại với tổng kinh phí đầu tư trên 510 tỉ đồng. Đã có 96,6% số xã, 92,7% số thôn và 95,3% số hộ nông thôn được sử dụng điện. Hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 85,6% diện tích gieo trồng lúa và 12.000 ha đất màu, 17 trung tâm cụm xã và 460 công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng ở miền núi từ nhiều nguồn vốn đã đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào. Đầu tư cho y tế và chăm sóc sức khỏe được quan tâm, bình quân có 4,6 bác sĩ/1 vạn dân, khoảng 25 gường bệnh/1 vạn dân; đầu tư xây dựng 15 bệnh viện đa khoa huyện, 16 trung tâm y tế dự phòng huyện, 236 trạm y tế tuyến xã. Về giáo dục: Hằng năm, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị cho hệ thống giáo dục. Quảng Nam là một trong những tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng cao nhất nước (đạt 29,25%, xếp thứ 4 toàn quốc). Các thiết chế văn hóa nông thôn được các cấp chính quyền đầu tư từ nhiều nguồn vốn, nhiều nơi đã huy động bà con Quảng Nam đang sinh sống ngoài tỉnh đóng góp cùng địa phương để xây dựng các công trình văn hóa, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các điểm phục vụ hoạt động thể thao... Đã có 224 bưu cục khu vực và bưu điện văn hóa xã; bình quân 100 người dân có 0,88 người sử dụng In-tơ-net và 17,44 người sử dụng điện thoại. Đời sống và việc làm ở nhiều vùng đã có bước cải thiện. Năm 2001, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 33.400 đồng/người/tháng, đến năm 2008 tăng lên gần 500.000đồng/người/tháng. Ngành nghề ở nông thôn có phát triển, thúc đẩy nhanh quá trình phân công lao động xã hội, chuyển dịch lao động sang công nghiệp và dịch vụ. Các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.
... Đến thực hiện những giải pháp cụ thể
Tuy kết cấu hạ tầng nông thôn có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, nhu cầu đầu tư cho thủy lợi, giao thông nông thôn còn rất lớn, vượt xa khả năng ngân sách các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 66 xã nghèo, trong đó có 53 xã đặc biệt khó khăn; còn 29 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010; Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn; trong đó, đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng được quan tâm và xem đó là điều kiện quan trọng để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Những giải pháp cụ thể là:
- Tập trung ưu tiên cho các chương trình thủy lợi để chủ động tưới tiêu và điều tiết lũ, giảm nhẹ các tác hại của thiên tai, lũ lụt. Xây dựng các hồ, đập thủy lợi, chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và nâng cấp, sửa chữa, kiên cố, mở rộng hệ thống kênh các công trình thủy lợi đã có để nâng cao năng lực tưới nước cho lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho dân cư, công nghiệp, dịch vụ. Gắn kết giữa phát triển kết cấu hạ tầng với việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Củng cố hệ thống đê, kè, bảo đảm quy trình quản lý, vận hành an toàn các hồ đập và hệ thống thủy điện bậc thang. Phấn đấu đến năm 2015 hoàn chỉnh việc nâng cấp, tu bổ và xây dựng các hồ, đập lớn; sắp xếp, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình; tiếp tục xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh một cách hiệu quả thiên tai.
- Bổ sung, sửa đổi cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn phù hợp theo từng vùng. Ưu tiên phát triển giao thông ở miền núi, bảo đảm việc đi lại thông suốt quanh năm ở các xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã. Có chương trình nạo vét các luồng lạch, cửa sông để phát triển giao thông đường thủy nhằm phục vụ du lịch và phòng chống thiên tai. Thực hiện dự án di dân, tái định cư ven biển; xây dựng và triển khai dự án tổng thể về xây dựng kết cấu hạ tầng vùng lũ lụt.
- Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn, các làng nghề truyền thống; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, cải cách thủ tục hành chính. Quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, bố trí đủ đất sản xuất, nhất là vùng miền núi, vùng bị ảnh hưởng và đe dọa bởi thiên tai, vùng nông dân bị mất đất sản xuất từ việc quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn.
- Phát triển hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho cư dân ở nông thôn. Phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân ở nông thôn, miền núi. Xây dựng chợ đầu mối nông sản và phát triển hệ thống chợ nông thôn.
- Đầu tư nâng cao năng lực khảo, kiểm nghiệm giống, khuyến nông. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; nâng tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn và tăng cường bác sĩ cho các trạm y tế ở cơ sở. Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học. Xây dựng các trung tâm, nhà văn hóa - thể thao thôn, xã; chăm lo đời sống tinh thần của nông dân.
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương.
Với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhóm các giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Quảng Nam, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với việc nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho đại bộ phận nông dân, góp phần khẳng định vị thế của tỉnh trong sự phát triển chung của đất nước./.
Thu hút FDI của cả nước đạt 6,68 tỉ USD  (26/05/2009)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 29 (5-2009)  (26/05/2009)
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9  (25/05/2009)
Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9  (25/05/2009)
Thông cáo số 5 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (25/05/2009)
Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai các dự án bô-xít  (25/05/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên