Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai các dự án bô-xít
Chính phủ xin báo cáo các vị Đại biểu Quốc hội một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc triển khai quy hoạch phát triển các dự án khai thác bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm như sau:
I. VỀ QUY HOẠCH PHÂN VÙNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG BÔ-XÍT GIAI ĐOẠN 2007-2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025 ĐÃ ĐƯỢC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 167/2007/QĐ-TTg NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 2007
1. Nguồn tài nguyên bô-xít
Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô-xít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bô-xít đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ 3 thế giới), trong đó khu vực miền Bắc khoảng 91 triệu tấn, còn lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam khoảng 5,4 tỷ tấn. Trữ lượng đã xác định khoảng 4,4 tỷ tấn, dự báo khoảng 1 tỷ tấn. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và nhôm kim loại Việt Nam.
Nguồn tài nguyên bô-xít của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó Đăk Nông khoảng 3,4 tỷ tấn (chiếm 63% tổng trữ lượng); Lâm Đồng khoảng 975 triệu tấn (chiếm 18%); Gia Lai - Kon Tum khoảng 806 triệu tấn (chiếm 15%) và Bình Phước khoảng 217 triệu tấn (chiếm 4%). Mặc dù Tây Nguyên là địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng lại là khu vực có lợi thế về nguồn tài nguyên bô-xít chiếm 98,2% tổng trữ lượng và tài nguyên bô-xít.
2. Quan điểm phát triển
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã xác định quan điểm phát triển như sau:
- Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bô-xít phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và phát triển mạng hạ tầng cơ sở liên quan (giao thông vận tải, cảng biển, điện…). Đảm bảo thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên bô-xít tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp việc phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bô-xít, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
- Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô-xít với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Hình thức chủ đạo là doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng, kêu gọi các đối tác trong và ngoài nước tham gia góp vốn cổ phần trên nguyên tắc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (đối với các khu vực bô-xít tại Tây Nguyên) nắm giữ cổ phần chi phối để đảm bảo sự chủ động và phát triển bền vững, tham gia vào thị trường alumin và nhôm thế giới.
- Phát triển ngành công nghiệp sản xuất alumin và luyện nhôm phải đảm bảo phát triển hài hoà kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các địa phương liên quan.
3. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 với mục tiêu khai thác bô-xít, sản xuất alumin đạt chất lượng cho điện phân nhôm, sản xuất hydroxit nhôm và nhôm kim loại. Quyết định phê duyệt Quy hoạch được công bố công khai trên Công báo theo đúng quy định hiện hành, đồng thời được đưa tin rộng rãi trên báo chí ngay sau đó.
a) Về sản lượng và tổ chức thực hiện:
- Về sản lượng:
Dự kiến đến năm 2010 sản lượng alumin khoảng 0,7-1,0 triệu tấn/năm; hydroxit nhôm khoảng 0,6 triệu tấn/năm.
Năm 2015: alumin khoảng 6,0-8,5 triệu tấn/năm, nhôm điện phân khoảng 0,2-0,4 triệu tấn/năm; hydroxit nhôm khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Năm 2025: alumin khoảng 13-18 triệu tấn/năm, nhôm điện phân khoảng 0,4-0,8 triệu tấn/năm.
Giai đoạn trước năm 2015, sản phẩm alumin dự kiến xuất khẩu; giai đoạn sau 2015, sản lượng alumin cung cấp cho điện phân nhôm trong nước và xuất khẩu.
- Về tổ chức thực hiện:
Giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư thực hiện quy hoạch các dự án bô-xít tại Tây Nguyên.
b) Về số lượng các dự án:
Giai đoạn 2008 - 2010: dự kiến triển khai 03 dự án alumin, gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1) và Kon Hà Nừng (Gia Lai); 01 dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các dự án này đều do Việt Nam tự đầu tư.
Giai đoạn 2011-2015: Quy hoạch dự kiến triển khai đầu tư tiếp 03 dự án là Đăk Nông 2, Đăk Nông 3 và Đăk Nông 4. Cả 3 dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư, bao gồm Chalco (Trung Quốc), Alcoa (Mỹ) và BHPB (Anh) với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumin/năm. Các đối tác trên đều là các nhà sản xuất alumin-nhôm hàng đầu trên thế giới, có kinh nghiệm, có thị phần cao trên thị trường alumin-nhôm thế giới, có đủ năng lực tài chính, sở hữu công nghệ tiên tiến, có mong muốn bao tiêu sản phẩm alumin, đây là các yếu tố cơ bản để đảm bảo sự thành công của dự án.
Giai đoạn 2016-2025: dự kiến duy trì và mở rộng 06 dự án alumin của giai đoạn 2008-2015; tuỳ theo khả năng thị trường, dự kiến mở rộng nâng công suất các dự án này lên gấp đôi. Đầu tư thêm 01 dự án alumin Bình Phước với công suất 1-1,5 triệu tấn/năm. Dự kiến tổng công suất của giai đoạn này đạt khoảng 13-18 triệu tấn alumin/năm. Giai đoạn 2016-2025 chủ yếu mang tính chất định hướng, tuỳ theo khả năng thị trường, tài chính, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và khu vực, trên cơ sở kinh nghiệm vận hành cụ thể của các dự án giai đoạn 2008-2015 cũng như mức độ ảnh hưởng môi trường trong khu vực để xác định và điều chỉnh tiến độ cũng như quy mô các dự án.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRONG QUY HOẠCH
1. Dự án Tổ hợp bô-xít - nhôm Tân Rai ( Lâm Đồng)
Dự án đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại công văn số 303/CP-CN ngày 29 tháng 3 năm 2000; Báo cáo nghiên cứu khả thi được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2005 (công văn số 808/TTg-CN ngày 17 tháng 6 năm 2005). Chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu thiết kế-mua sắm-xây dựng và đào tạo (EPC) nhà máy alumin với nhà thầu CHALIECO (Trung Quốc) thông qua đấu thầu quốc tế công khai, gói thầu đã được khởi công ngày 26 tháng 7 năm 2008. Hiện tại Nhà thầu đã cơ bản hoàn thành Thiết kế kỹ thuật của gói thầu theo đúng hợp đồng và đã chuyển cho Chủ đầu tư để thẩm định làm cơ sở phê duyệt. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết kế công trình đang được nhà thầu thực hiện đúng theo tiến độ của hợp đồng. Ngày 18 tháng 11 năm 2008, Nhà thầu đã tiến hành đào móng các hạng mục chính có thời gian thi công dài, dự kiến trong mùa khô năm 2008 - 2009 (khoảng 5 tháng) sẽ thi công hoàn chỉnh phần móng để triển khai lắp đặt kết cấu thép và thiết bị. Dự kiến cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011 sẽ đưa nhà máy vào sản suất.
2. Dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông 1)
Chủ trương lập dự án bô-xít - alumin Nhân cơ đã được thông qua tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bô-xít. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nâng công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm (công văn số 2728/VPCP-HTQT ngày 02 tháng 5 năm 2008). Hiện nay, chủ đầu tư đang hoàn chỉnh và trình duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và rà soát lại hiệu quả kinh tế của Dự án để trình Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.
3. Các dự án khai thác, chế biến bô-xít khác
Đối với một số dự án chế biến quặng bô-xít khác (alumin, hydroxit nhôm, nhôm điện phân), hiện nay các chủ đầu tư đang tiến hành thủ tục xin giấy phép thăm dò, triển khai thăm dò đối với các dự án đã có Giấy phép thăm dò, nghiên cứu lập dự án đầu tư để đánh giá khả năng và hiệu quả đầu tư, đồng thời làm cơ sở để đàm phán, tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư với một số Tập đoàn nhôm lớn trên thế giới.
4. Dự án tuyến đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận
Hiện nay, Chủ đầu tư-TKV đang khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Tư vấn công trình giao thông (TEDI) và Tư vấn Nhật-Úc hoàn chỉnh Báo cáo đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm 2009, trình các cấp thông qua chủ trương theo quy định.
5. Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng Kê Gà - Bình Thuận
Hiện nay, Chủ đầu tư-TKV đang điều chỉnh lại Dự án đầu tư theo hướng cảng đa chức năng (hàng chuyên dùng và hàng tổng hợp), dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm 2009 để triển khai các bước tiếp theo.
III. MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH VÀ CÁC DỰ ÁN BÔ-XÍT
Sau cuộc hội thảo bô-xít tại Đăk Nông do Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Tư vấn phát triển tổ chức ngày 22 tháng 10 năm 2008, trên một số báo in, báo mạng và website cá nhân đã đăng tải nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, lịch sử bày tỏ sự lo ngại đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007; quan ngại về hiệu quả kinh tế-xã hội cũng như tác động tiêu cực của các dự án bô-xít đến môi trường, văn hoá và an ninh-quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có thư gửi lãnh đạo Chính phủ về việc trên. Các ý kiến góp ý nhiều chiều đăng tải trên các phương tiện thông tin nói trên đã tạo nên sự chú ý và quan tâm lớn của xã hội.
Tóm tắt các ý kiến góp ý như sau:
1. Về chủ trương và quy hoạch phát triển các dự án bô-xít
- Chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin-nhôm Việt Nam là vội vã; triển khai các dự án bô-xít là không cần thiết. Chủ trương phát triển ngành công nghiệp bô-xít và các dự án bô-xít có ý nghĩa quan trọng nhưng lại không trình Quốc hội.
- Việc trình và phê duyệt Quy hoạch bô-xít không tuân thủ đúng Luật, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.
- Quy hoạch định hướng xuất khẩu alumin-nguyên liệu thô là sai lầm, không tuân thủ Luật Khoáng sản; sản xuất nhôm trong bối cảnh thiếu điện là không thực tế; quy hoạch các nhà máy alumin tại Tây Nguyên là không hợp lý và không hiệu quả kinh tế.
- Quy hoạch có nhiều tham vọng không có cơ sở về sản lượng và số lượng dự án; nhiều bất cập, rủi ro về tài nguyên, thị trường, kỹ thuật-công nghệ v.v...
2. Về việc triển khai các dự án
- Triển khai các dự án bô-xít là không phù hợp với năng lực của TKV; không làm tăng ngân sách địa phương; không có hiệu quả kinh tế.
- Để xuất khẩu alumin phải đầu tư một hệ thống đường sắt là không hiệu quả.
- Quá trình triển khai các dự án bô-xít là không minh bạch, trong khi các vấn đề về công suất, xử lý bùn đỏ, lựa chọn nhà thầu EPC (không có công nghệ nguồn) của dự án Tân Rai chưa được làm rõ, các dự án bô-xít là bán rẻ tài nguyên đất nước v.v.
- Triển khai các dự án bô-xít là không an toàn về môi trường sinh thái, không đảm bảo sinh kế cộng đồng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên và không đảm bảo phát triển bền vững Tây Nguyên, ảnh hưởng đến an ninh-quốc phòng khu vực v.v...
IV. BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC Ý KIẾN GÓP Ý
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 13 tháng 01 năm 2009, ngày 09 tháng 4 năm 2009, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của công nghiệp khai thác bô-xít-sản xuất alumin-nhôm đối với phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực” nhằm mục đích làm rõ những vấn đề mà dư luận và xã hội quan tâm, làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa của khu vực các dự án bô-xít, cũng như đưa ra những lưu ý mà các nhà quản lý, chủ đầu tư cần quan tâm trong quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch cũng như các dự án đầu tư cụ thể.
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành liên quan; các Hiệp hội, Viện, Trường; một số Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuộc lĩnh vực khai thác-chế biến bô-xít (87 cơ quan, đơn vị) và 47 nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội và văn hoá. Đông đảo các phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình đã tham dự và đưa tin về hội thảo.
Ngày 16 tháng 4 năm 2009, Bộ Chính trị đã họp để nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ, Văn phòng Trung ương và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025 và đã ra bản kết luận quan trọng về các vấn đề bô-xít tại Thông báo số 245-TB/TW ngày 24 tháng 4 năm 2009 (Thông báo 245) .
Chính phủ xin báo cáo Quốc hội về việc làm rõ các ý kiến góp ý như sau:
1. Về chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm
Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bô-xít, trong đó có yếu tố quan trọng và quyết định là tài nguyên bô-xít (5,5 tỷ tấn, đứng thứ 3 thế giới). Trong nhiều năm nay, Tây Nguyên đã có tốc độ phát triển KTXH nhanh, tuy vậy, vẫn còn rất khó khăn, cần phát huy mọi tiềm năng hiện có, không những phát triển các vùng cây công nghiệp, mà còn cần phát huy cả các tiềm năng khác như công nghiệp chế biến nông-lâm sản, thủy năng, khoáng sản bô-xít v.v.
Trên thế giới, quặng bô-xít chỉ có ở một số nước với tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 29,3 tỷ tấn. Các nước có tài nguyên bô-xít đều phát triển trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Thế giới đã có 100 năm phát triển ngành công nghiệp nhôm mà theo các nghiên cứu cho đến nay thì chưa có loại vật liệu nào thay thế được. Trong những năm gần đây, do nhu cầu nhôm tăng mạnh dẫn đến tăng nhu cầu alumin trên thế giới.
Trên cơ sở trữ lượng, chất lượng tài nguyên bô-xít của nước ta cũng như nhu cầu và thị trường nhôm, alumin trên thế giới, có thể khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít và nếu được phát triển một cách bền vững, sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong một thời gian dài. Việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác bô-xít, chế biến alumin tại Tây Nguyên là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên trước mắt và lâu dài là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ Đại hội IX cho đến Đại hội X.
Tại Thông báo 245 của Bộ Chính trị đã kết luận “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên nói riêng”.
2. Về việc lập và phê duyệt Quy hoạch
Trong quá trình lập, thẩm định và trình duyệt Quy hoạch, Bộ Công nghiệp trước đây và sau này là Bộ Công Thương đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và một số nhà sản xuất alumin và nhôm lớn trên thế giới. Quy hoạch đã được gửi lấy ý kiến góp ý chính thức của các Bộ, ngành và địa phương liên quan, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, góp ý và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để triển khai các dự án khai thác bô-xit, sản xuất alumin dự kiến trong Quy hoạch, sẽ phải tiến hành nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho từng Dự án và trình duyệt theo quy định hiện hành.
Việc lập, thẩm định và trình duyệt Dự án quy hoạch đã đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai và phù hợp quy định hiện hành. Tuy chưa có một Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) riêng (do tại thời điểm xây dựng quy hoạch năm 2005-2006 chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và kinh phí lập ĐCM), nhưng trong dự án Quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của ĐCM và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là đảm bảo đúng Luật.
Về việc Quy hoạch bô-xít không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đã được làm rõ tại Hội thảo khoa học ngày 09 tháng 4 năm 2009 như sau: Theo quy định tại Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khoá 11 (Nghị quyết 66), chỉ có các dự án, công trình quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quy hoạch bô-xít cũng như nhiều quy hoạch khác (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, quy hoạch các ngành kinh tế - kỹ thuật như ngành Điện, Dầu khí, Khoáng sản, Thép v.v.) không phải là dự án đầu tư, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 66. Theo luật pháp hiện hành, thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành là Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, trong bối cảnh có những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lại Quy hoạch bô-xít. Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 650 /TTg-KTN ngày 29 tháng 4 năm 2009, Bộ Công Thương đang tiến hành công tác triển khai việc rà soát tình hình triển khai các dự án; cập nhật tình hình và dự báo mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, từ đó đề xuất điều chỉnh dự án Quy hoạch bô-xít cùng với việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược để trình duyệt theo quy định.
3. Về việc triển khai các dự án bô-xít
Các dự án bô-xít đã và đang triển khai đều có trong danh mục và tuân thủ theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tuân thủ quy chế quản lý dự án đầu tư hiện hành.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới thông qua chủ trương thực hiện hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông 1). Dự án Tân Rai đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Đối với dự án Nhân Cơ chỉ triển khai thực hiện sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kết quả tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế cho thấy dự án có hiệu quả.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumin Nhân Cơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo 245: “Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”.
4. Về lựa chọn sản phẩm của các dự án
Ngành công nghiệp nhôm là ngành sản xuất sử dụng nhiều điện năng và yêu cầu vốn đầu tư lớn; suất đầu tư nhà máy điện phân nhôm trung bình khoảng 4.500-5.500 USD/tấn công suất, trong khi suất đầu tư nhà máy alumin khoảng 800-1.400 USD/tấn công suất; tiêu hao điện năng cho 1 tấn nhôm điện phân khoảng 13.000-14.000 kWh/tấn, cho 1 tấn alumin khoảng 200-256 kWh/tấn. Các nước sản xuất nhiều alumin là Úc, Trung Quốc, Mỹ, Brazin và Jamaica. Sản lượng alumin sản xuất trên thế giới năm 2007 đạt 72 triệu tấn, dự kiến năm 2010 đạt khoảng 80 triệu tấn.
Việt Nam có nguồn bô-xít lớn, nhưng nguồn tài chính có hạn, nguồn điện năng hiện còn thiếu, giá điện công nghiệp bình quân hiện ở mức lớn hơn 5 US cent/kWh; với giá điện như trên và nhu cầu điện cho toàn bộ nền kinh tế dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, việc điện phân ra nhôm kim loại sẽ không khả thi. Vì vậy, trước mắt, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất alumin, đó là hướng đi đúng và phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bô-xít-alumin-nhôm trên thế giới; bản thân alumin đã là sản phẩm chế biến của quặng bô-xit, không phải nguyên liệu thô. Việc đầu tư nhà máy điện phân nhôm cũng đã được dự kiến trên cơ sở đầu tư đồng bộ Tổ hợp Nhà máy điện-Nhà máy điện phân nhôm (TKV đang triển khai các công tác chuẩn bị cho dự án thuỷ điện Đồng Nai 5 phục vụ cho dự án luyện nhôm).
5. Về quy hoạch sản lượng các dự án
Quy hoạch được lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang trong giai đoạn tăng trưởng, nhu cầu và giá cả sản phẩm nhôm và alumin cao và tăng liên tục; các đối tác hợp tác đầu tư đều thể hiện mong muốn bao tiêu sản phẩm alumin. Mặc dù Quy hoạch đã phân tích, dự báo diễn biến của thị trường, song trước tình hình cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay thì sơ bộ thấy rằng về số lượng và sản lượng các dự án alumin đưa ra có phần thiên cao, cần phải được rà soát, đánh giá lại. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng Chính phủ mới đồng ý cho triển khai hai dự án tại Tân Rai và Nhân Cơ theo phương thức TKV tự đầu tư để thử nghiệm công nghệ và thị trường. Các dự án khác (quy mô dự kiến hầu hết đều lớn hơn so với dự án Tân Rai và Nhân Cơ) đều đang ở giai đoạn điều tra, thăm dò và nghiên cứu lập dự án.
Chính phủ thống nhất với ý kiến góp ý về việc cần thiết phải xem xét, điều chỉnh và thời sự hóa một cách thích hợp các mục tiêu và giải pháp đầu tư khai thác chế biến quặng bô-xit trong Quy hoạch. Ngoài 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, các dự án đầu tư sau này cần được xem xét phù hợp với các điều kiện về thị trường có tính đến tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và yếu tố môi trường, xã hội.
Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận “rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít và triển khai 2 dự án nói trên. Trong đó, lưu ý chỉ đạo chặt chẽ về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động nước ngoài và trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án”.
6. Về địa điểm đặt nhà máy alumin
Một số ý kiến góp ý đề nghị xem xét chuyển địa điểm nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên ra khu vực ven biển. Phương án này đã được tính đến khi xây dựng dự án, song xét hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế-xã hội đối với toàn vùng thì đặt nhà máy tại Tây Nguyên hợp lý hơn. Chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng phát triển ngành sản xuất alumin trước hết nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên - địa bàn đang hết sức khó khăn về kinh tế-xã hội.
Phương án bố trí nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên có thể có hiệu quả kinh tế thấp hơn so với phương án bố trí tại khu vực ven biển (vận chuyển tinh quặng bằng đường ống), nhưng đảm bảo yếu tố tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt đa dụng, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các loại hình dịch vụ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, Quy hoạch đã định hướng địa điểm các nhà máy alumin đặt tại khu vực Tây Nguyên là hợp lý, phù hợp với với chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Một số ý kiến vẫn tỏ ra nghi ngại về tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của việc bố trí các nhà máy alumin tại Tây Nguyên và đề nghị xem xét phương án bố trí nhà máy alumin tại khu vực ven biển. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng chính việc phát triển các nhà máy alumin tại Tây Nguyên tuy có giảm bớt hiệu quả kinh tế của dự án nhưng lại đạt được hiệu quả tổng hợp, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống các dân tộc Tây Nguyên, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội.
Về vấn đề này, tại Thông báo số 14-TB/TW ngày 15 tháng 8 năm 2006 thông báo kết luận của Bộ Chính trị về dự án khai thác bô-xít, sản xuất alumin tại Đăk Nông đã xác định: “các nhà máy chế biến alumin và luyện nhôm cần đặt tại tỉnh Đăk Nông, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân Tây Nguyên nói chung và Đăk Nông nói riêng”.
7. Về diện tích chiếm đất, rừng của các dự án
Về ý kiến góp ý cho rằng khai thác bô-xit chiếm nhiều đất rừng, Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV đã báo cáo về vấn đề này như sau:
Đối với tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích dự kiến sẽ khai thác trong cả đời dự án của toàn bộ các mỏ bô-xit khoảng 52.200 ha, chiếm 8,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh (6515,3 km2). Trước mắt, khi chỉ triển khai dự án Nhân Cơ thì diện tích khai thác mỏ bô-xit chỉ chiếm 1,53% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nếu tính theo năm giai đoạn 1 của dự án Nhân Cơ thì diện tích khai thác mỏ bô-xit (khoảng 50-60 ha/năm ở nơi thân quặng dày và 70-100 ha/năm ở nơi thân quặng mỏng) chỉ chiếm 0,01% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nếu tính tối đa theo năm cho các dự án ở Đắk Nông thì diện tích khai thác mỏ bô-xit (khoảng 800-900 ha/năm) cũng chỉ chiếm 0,14% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích các mỏ bô-xit dự kiến sẽ khai thác chiếm 1,4% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh (9772,2 km2). Riêng dự án Tân Rai thì diện tích khai thác mỏ bô-xit chỉ chiếm 0,3% diện tích toàn tỉnh. Nếu tính theo năm của giai đoạn 1 dự án Tân Rai thì diện tích khai thác mỏ bô-xit (khoảng 50-60 ha/năm ở nơi thân quặng dày và 70-100 ha/năm ở nơi thân quặng mỏng) chỉ chiếm 0,006% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.
Ngoài ra, do đặc điểm cấu tạo địa chất-thổ nhưỡng của các khoáng sàng bô-xit, nơi có quặng bô-xit thực tế hầu như không thể tồn tại được các cây có giá trị công nghiệp mà chủ yếu là các cây dạng bụi và cỏ dại mọc cằn cỗi trên lớp đất phong hóa dày 0,5 – 1m. Cây có giá trị kinh tế chỉ mọc được ở những nơi có tầng phủ dày và giàu chất mùn. Như vậy, việc khai thác các mỏ bô-xit không phải là yếu tố tác động lớn đến việc làm mất đất rừng hoặc đất trồng cây công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thẩm định kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch thu hồi đất và giao đất của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, phù hợp với tiến độ thi công cuốn chiếu và hoàn thổ của dự án này, hạn chế ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, bảo vệ môi trường; hướng dẫn địa phương và Chủ đầu tư thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định để thực hiện dự án khai thác bô-xit; kiểm tra, giám sát việc di dân tái định cư theo quy định của pháp luật.
8. Về công nghệ áp dụng
Về các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không phù hợp; đối tác Trung Quốc không có công nghệ nguồn, không chuyển giao công nghệ tiên tiến v.v…
Thực tế, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer hoà tách bô-xít ở nhiệt độ 1450C - áp suất 5 atm cho hiệu suất hoà tách đạt 85,5% và hiệu suất thu hồi alumin toàn bộ đạt 83,6%. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm alumin và mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng đều lấy theo tiêu chuẩn quốc tế của các nước có ngành công nghiệp alumin-nhôm tiên tiến. Đây là loại công nghệ ít phức tạp nhưng có hiệu quả. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ này vẫn là công nghệ chính để sản xuất alumin.
Cơ sở để lựa chọn công nghệ này dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ thực tế. Quặng bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ đều đã được lấy mẫu, thử nghiệm công nghệ và cho kết quả tốt. Trong hợp đồng dự án đều yêu cầu các đối tác cam kết thực hiện đúng hồ sơ mời thầu (công nghệ Bayer tiến tiến, sản phẩm đủ tiêu chuẩn điện phân nhôm và xuất khẩu).
Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin (kể cả đối với quặng gipxit là loại quặng khó xử lý hơn) và là một trong các nhà sản xuất alumin-nhôm hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm alumin và nhôm sản xuất theo công nghệ thực tế đang áp dụng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, công nghệ Trung Quốc đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở Việt Nam.
Tập đoàn TKV cam kết có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ theo đúng như hồ sơ mời thầu, đảm bảo công nghệ tiên tiến.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
9. Về hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn lực cho dự án
a) Cung cấp nước:
Tập đoàn TKV đã giải trình về nguồn nước cấp nước cho các dự án alumin chủ yếu là nước mặt.
Theo phương án thiết kế, cung cấp nước cho 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sử dụng 100% nước mặt (không sử dụng nguồn nước ngầm). Theo tính toán, nhu cầu nước cho nhà máy alumin với công suất 0,6 triệu tấn/năm yêu cầu khoảng khoảng 28 triệu m3/năm (đã tính dự phòng 15%), trong đó nước tuần hoàn khoảng 12 triệu m3/năm, lượng nước cần cấp bổ sung hàng năm khoảng 16 triệu m3/năm. Với lượng mưa trung bình ở Đăk Nông và Lâm Đồng khoảng 2.000-2.500 mm/năm và nếu không lưu giữ một phần lượng nước mặt này thì lượng nước trên cũng chảy về Sông Đồng Nai và đổ ra biển; về mùa mưa, lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khu vực là dư thừa.
Bằng giải pháp tôn cao đập của các hồ hiện có Nhân Cơ và Cầu Tư (đối với dự án Nhân Cơ) để tăng dung tích chứa nước và tận dụng các thung lũng để đắp đập tạo hồ chứa mới Cai Bảng (đối với dự án Tân Rai) cùng với việc sử dụng khoảng 50-60% nước tuần hoàn; theo tính toán của cơ quan tư vấn chuyên ngành thuỷ lợi, lượng nước tích tụ trong các hồ chứa theo thiết kế (đã tính đến các yếu tố bốc hơi và thấm) không những đủ cho sản xuất mà còn dư thừa để cấp bổ sung cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực, cụ thể như sau:
- Đối với dự án Tân Rai:
Hồ Cai Bảng thiết kế có diện tích lưu vực 134 km2 , diện tích hồ 222 ha, dung tích chứa nước 17,2 triệu m3 (đã trừ lượng nước bốc hơi, thấm v.v.).
- Đối với dự án Nhân Cơ:
Với giải pháp tôn cao đập của các hồ Nhân Cơ và Cầu Tư hiện có, sẽ tăng dung tích chứa nước của 2 hồ trên từ 2,08 triệu m3 lên 21,8 triệu m3. Đảm bảo đủ nguồn nước cho dự án, không ảnh hưởng đến nước sản xuất và nước sinh hoạt của địa phương.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đánh giá cân bằng nước cho toàn khu vực có tính tác động đến lưu vực sông Đồng Nai trong quá trình rà soát điều chỉnh Quy hoạch bô-xít.
b) Vận chuyển alumin:
Do Nhà máy alumin đặt tại Tây nguyên, cảng biển dự kiến xây dựng tại Khu vực Kê Gà (Bình Thuận), do đó, để vận chuyển sản phẩm alumin ra cảng biển chỉ có phương án bằng đường bộ; sử dụng đường ô tô trong giai đoạn đầu (dự kiến đến năm 2014-2015) và chuyển sang vận chuyển đường sắt (giai đoạn sau năm 2015); như vậy, việc xem xét đầu tư tuyến đường sắt và cảng biển là cần thiết; Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao TKV làm chủ đầu tư, kết hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đối tác nước ngoài hợp tác đầu tư về bô-xit cùng hợp tác nghiên cứu để xây dựng và vận hành tuyến đường sắt trên. Hiện nay, TKV và Tư vấn TEDI đang khẩn trương hoàn tất Báo cáo đầu tư (Báo cáo tiền khả thi) dự án tuyến đường sắt, dự kiến cuối năm 2009 trình duyệt.
Các dự án alumin công suất lớn chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi xây dựng xong tuyến đường sắt trên. Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thiết kế tuyến đường sắt đa dụng, ngoài việc vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của các dự án alumin, sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung Nam Bộ.
Việc xem xét và so sánh phương án đầu tư tuyến đường sắt đi cảng ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt lựa chọn sẽ được đề cập trong Báo cáo đầu tư và sẽ trình Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (nếu thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29/6/2006).
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tập đoàn TKV lập phương án vận tải sản phẩm đối với các dự án Tân Rai và Nhân Cơ tối ưu nhất để triển khai thực hiện khi dự án đi vào hoạt động.
c) Cung cấp điện:
Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV đã làm rõ: Nhu cầu tiêu hao điện cho sản xuất alumin không lớn, bình quân khoảng 200 - 256 kWh/tấn; cho sản lượng 600.000 tấn alumin cần khoảng 150 triệu kWh/năm (tương đương nhà máy điện công suất 30 MW); Tại các nhà máy alumin sẽ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tự dùng với quy mô khoảng 30 MW; chỉ sử dụng nguồn điện lưới trong giai đoạn thi công dự án và là nguồn dự phòng cho sản xuất.
Tuy nhiên, việc luyện nhôm lại yêu cầu một sản lượng điện rất lớn, khoảng từ 13.500 – 14.000 kWh/tấn nhôm (để sản xuất 100 ngàn tấn nhôm, yêu cầu lượng điện của Nhà máy có công suất 200 MW). Chỉ có những nước có tiềm năng dồi dào về thuỷ điện hoặc có nguồn điện giá rẻ khác mới có thể triển khai điện phân nhôm có hiệu quả, vì vậy, ý kiến góp ý về việc cần phải phát triển hạ nguồn (luyện nhôm) trước là không hợp lý và không thực tế.
Chính phủ nhất trí với ý kiến góp ý là trong bối cảnh nước ta còn thiếu điện như hiện nay thì việc xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 phải được cân nhắc hết sức thận trọng.
d) Về nguồn lực cho các dự án:
Lao động cần cho mỗi dự án Tân Rai (hoặc Nhân Cơ) cần khoảng 1.500-1.700 người. Trong đó phần nhà máy alumin là 700 - 800 người. Phần mỏ- tuyển khoảng 800 - 900 người. Để đáp ứng nhu cầu này, TKV đã và đang tích cực và chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực theo các hướng: cử đi đào tạo ở nước ngoài (gồm cả thông qua các hợp đồng EPC - có nội dung đào tạo và chuyển giao công nghệ) và đào tạo trong nước bằng kinh phí của TKV, trên nguyên tắc ưu tiên trước hết đào tạo con em đồng bào dân tộc địa phương;
Về vấn đề này, TKV đã ký kết Chương trình phối hợp hành động phát triển bền vững công nghiệp Nhôm gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đăk Nông với UBND tỉnh Đăk Nông và sẽ ký kết với UBND tỉnh Lâm Đồng bản Chương trình hành động tương tự và cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc thoả thuận trên.
Tại cuộc Hội thảo khoa học ngày 09 tháng 4 năm 2009, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận và đánh giá cao trách nhiệm của TKV đã thực hiện trong công tác đào tạo chuẩn bị nguồn lực cho dự án, công tác xã hội và hỗ trợ đồng bào địa phương.
10. Về hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án
Hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án bô-xit là vấn đề then chốt và có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
a) Hiệu quả kinh tế:
Nhiều ý kiến góp ý tỏ ra nghi ngại về kết quả tính toán hiệu quả kinh tế của TKV đối với 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ và cho rằng TKV chưa tính đủ các yếu tố chi phí (đặc biệt là chi phí cho môi trường), giá bán chưa hợp lý (tính thiên cao), các dự án Tân Rai và Nhân Cơ có rủi ro lớn v.v.
Tập đoàn TKV đã báo cáo làm rõ thêm vấn đề này như sau: Hiệu quả kinh tế của 2 dự án đã được phân tích, tính toán và cập nhật theo tình hình mới, tính đủ các chi phí; kết quả cho thấy Dự án Tân Rai và Nhân Cơ với phương thức vận tải bằng ôtô trong giai đoạn đầu là có hiệu quả kinh tế: giá trị hiện tại thực (NPV) là 1.477 tỷ đồng (Tân Rai) và 1.010 tỷ đồng (Nhân Cơ); tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) là 11,4% (Tân Rai) và 10,6% (Nhân Cơ). Đây là các chỉ tiêu có thể chấp nhận được; hơn nữa, phần tài chính của dự án đã được các tổ chức tín dụng thẩm định và đồng ý cho chủ đầu tư vay (khoảng 70% tổng vốn đầu tư). Khi chuyển sang phương thức vận tải đường sắt thì các Dự án trên sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn (vì chi phí vận tải đường sắt rẻ hơn so với vận tải ôtô); thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm; những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch), tuy nhiên đánh giá cả đời dự án là có hiệu quả kinh tế. So với một số dự án alumin đang xây dựng và mới đưa vào vận hành ở một số nước như Trung Quốc và Braxin thì dự án Việt Nam có nhiều lợi thế hơn về điều kiện khai thác, vận chuyển, chi phí vận hành thấp. Ngoài ra, hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC-Russal vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam v.v…, vì vậy có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế.
Về giá bán alumin: Giá nhôm trên thị trường hiện nay đang ở mức giá sàn rất thấp (1.426 USD/tấn, giá giao 3 tháng), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006-2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời dự án trên 50 năm, vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án 362 USD/tấn là phù hợp với quy định. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố mang tính quy luật của thị trường kim loại thế giới - đó là giá cả diễn biến có tính chu kỳ, sau một chu kỳ giảm sẽ tiếp đến chu kỳ tăng. Về nhu cầu, xu hướng gia tăng sử dụng nhôm kim loại trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục, chưa có loại vật liệu mới nào thay thế hoàn toàn được nhôm; ngược lại nhôm và hợp kim nhôm đang dần thế chỗ cho thép và các loại vật liệu truyền thống trong rất nhiều ngành, vì thế nhu cầu về nhôm sẽ còn tiếp tục duy trì và gia tăng trong nhiều năm tới.
Sau giải trình của Tập đoàn TKV, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngại về hiệu quả kinh tế và tính rủi ro của dự án.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumin Nhân Cơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Hiệu quả xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên:
Một số ý kiến góp ý bày tỏ lo ngại việc triển khai các dự án bô-xit không có hiệu quả xã hội, làm xói mòn bản sắc văn hoá Tây Nguyên.
Tại Hội thảo khoa học, đại diện các địa phương Lâm Đồng, Đăk Nông và Tập đoàn TKV đã báo cáo làm rõ thêm hiệu quả xã hội của các dự án bô-xit Tây Nguyên thông qua các tác động tích cực to lớn như sau:
Sự hình thành cụm kinh tế công nghiệp bô-xit-alumin trong khu vực sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng, phát triển đô thị, thương mại, khách sạn và du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống... Đây là tác nhân quan trọng để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó công nghiệp-dịch vụ là thành phần kinh tế cơ bản.
Hoạt động khai thác bô-xit và sản xuất alumin sẽ tạo ra những cộng đồng dân cư mới, những đô thị mới. Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn con em dân tộc địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần ổn định tình hình an ninh-chính trị trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.
Để phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên, không thể chỉ dựa vào phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè và cao su, mà phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Tây Nguyên, đặc biệt là lợi thế về thuỷ điện và khoáng sản (chủ yếu là bô-xit) mà các địa phương khác không có. Do bô-xit được khai thác trên những diện tích không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, mật độ rừng che phủ thấp và với chu kỳ sử dụng-hoàn thổ-cải tạo đất ngắn (4-5 năm), vì vậy công nghiệp khai thác và chế biến bô-xit tuy có ảnh hưởng nhưng không thể là yếu tố cản trở việc phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, ở chừng mực nhất định, dự án khai thác và chế biến bô-xit ở Tây Nguyên - giống như phát triển công nghiệp nói chung - cũng sẽ tác động đến đời sống kinh tế, phong tục - tập quán và văn hóa xã hội của một bộ phận nhỏ người dân bản địa.
Theo số liệu của hai dự án thí điểm thì dự án Tân Rai có tổng số hộ bị ảnh hưởng là 1.639 hộ, trong đó có 404 hộ đồng bào dân tộc; cần tái định cư 700 hộ trong đó có 230 hộ đồng bào dân tộc. Dự án Nhân Cơ có 861 hộ bị ảnh hưởng trong đó có 15 hộ đồng bào dân tộc và cần tái định cư là 83 hộ, không có hộ đồng bào dân tộc cần tái định cư.
Việc phát triển một nền công nghiệp bô-xit-alumin có hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn bản sắc văn hoá khu vực Tây Nguyên.
Các địa phương Lâm Đồng và Đăk Nông đều thể hiện mong muốn và ủng hộ việc triển khai nhanh dự án
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn địa phương và Chủ đầu tư thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng để thực hiện dự án khai thác bô-xit theo quy định; kiểm tra, giám sát việc di dân tái định cư theo quy định của pháp luật Đồng thời giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh có hoạt động khoáng sản bô-xít chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, bảo đảm đời sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển phong tục, tập quán và giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc trong quá trình bố trí tái định cư.
11. Về tác động môi trường của các dự án bô-xit
Đây là vấn đề có nhiều ý kiến góp ý bày tỏ sự lo ngại và quan tâm lớn.
Qua việc trình bày các giải pháp bảo vệ môi trường và hoàn thổ đã áp dụng tại Úc và Trung Quốc của các Tập đoàn nước ngoài Alcoa, Chalco và giải trình bổ sung của Tập đoàn TKV tại cuộc Hội thảo khoa học cho thấy:
Kết quả phân tích bùn đỏ của bô-xit Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm. Tuy nhiên trong phần dung dịch bùn đỏ còn lượng kiềm dư nhất định, độ PH≥ 12,5, lượng kiềm này có thể thẩm thấu, gây tác hại cho đất xung quanh và làm ô nhiễm nguồn nước, vì vậy phải xử lý huyền phù bùn đỏ theo tiêu chuẩn xử lý chất thải nguy hiểm.
Hiện nay, công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối đối với môi trường và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.
Phương pháp thải ướt bùn đỏ dự kiến áp dụng cho dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ tuy đã được áp dụng thành công ở một số nước (Úc, Trung Quốc) với các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm đồng bộ như chống thấm hồ bùn đỏ, thu hồi nước từ hồ bùn đỏ, kiểm tra nguồn nước và tái tạo sinh thái hồ bùn đỏ và TKV cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các giải pháp trên; tuy nhiên vấn đề này vẫn gây sự lo ngại của không ít người. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập các tổ giám sát công tác môi trường ngay từ khi xây dựng nhà máy alumin Tân Rai (và Nhân Cơ). Khai thác và chế biến bô-xit Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định, tuy nhiên kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy những tác động môi trường này hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế tới mức an toàn cần thiết, vấn đề quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường ngay trong quá trình xây dựng cũng như trong suốt quá trình vận hành các dự án alumin.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo 245, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
- Thẩm định thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ, đảm bảo an toàn lâu dài đối với môi trường.
- Phối hợp với Chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp môi trường đối với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
- Lập và trình duyệt Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
12. Về vấn đề người lao động nước ngoài tại dự án
Theo báo cáo của Tập đoàn TKV, sự tham gia của lao động nước ngoài và Việt Nam đối với dự án Tân Rai như sau:
a) Giai đoạn xây dựng dự án:
- Phần xây dựng mỏ bô-xít và khai thác quặng bô-xít: Toàn bộ sẽ do lao động Việt Nam thực hiện.
- Phần xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít: Toàn bộ sẽ do lao động Việt Nam thực hiện
- Phần xây dựng Nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện, một phần do lao động Việt Nam thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.
b) Giai đoạn dự án đi vào vận hành:
Toàn bộ lao động là người Việt Nam.
Trong trường hợp cần thiết, thời gian đầu vận hành của nhà máy alumin có thể thuê thêm chuyên gia nước ngoài hướng dẫn (người Trung Quốc hoặc nước khác). Thực tế nhiều dự án EPC đã và đang thực hiện theo hình thức này (như lọc dầu Dung Quất, một loạt nhà máy điện…), giai đoạn đầu thuê một số chuyên gia nước ngoài hướng dẫn vận hành, sau một năm các cán bộ và công nhân Việt Nam đã tự vận hành được, không phải thuê chuyên gia nước ngoài nữa.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát Chủ đầu tư (TKV) thực hiện đúng quy định hiện hành về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
13. Vấn đề ảnh hưởng đến an ninh-quốc phòng của các dự án bô-xít
Có một số ý kiến cho rằng Tây Nguyên là địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo như kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245-TB/TW, như vậy, dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Về vấn đề trên, Chính phủ xin báo cáo như sau: Theo tiêu chí thứ 4 trong Nghị quyết 66 của Quốc hội thì “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh” thuộc dự án quan trọng quốc gia.
Thông báo số 245-TB/TW ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị xác định: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài…”. Đến nay, chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ về “đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh” và được điều chỉnh bởi Nghị quyết 66. Bởi vì nếu như vậy, thì được hiểu là tất cả các dự án ở Tây Nguyên, không trừ một dự án nào, không phụ thuộc vào quy mô, tính chất cũng sẽ đều phải trình ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư.
Xin làm rõ thêm về vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của 2 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ như sau:
- Cả 2 dự án trên đều do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam - Doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong ngành khoáng sản làm chủ đầu tư, không phải dự án liên doanh với nước ngoài. Đối với dự án Nhà máy alumin Tân Rai, Công ty Chalieco, Trung Quốc chỉ là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu EPC Nhà máy alumin với thời hạn thi công 24 tháng, sau khi hoàn thành xây dựng (kèm theo việc đào tạo, chuyển giao công nghệ) nhà thầu Chalieco sẽ bàn giao cho phía Việt Nam tiếp nhận để quản lý, vận hành và rút toàn bộ lao động, trang thiết bị thi công về nước. Dự kiến nhà máy alumin Tân Rai sẽ đưa vào sản xuất cuối năm 2010 hoặc đầu 2011.
- Đối với dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ (cũng như các dự án khai khoáng khác ở Tây Nguyên), trong quá trình khoanh định và bố trí diện tích thăm dò, khai thác và xây dựng các công trình công nghiệp phục vụ khai thác, chủ đầu tư đều phải xin ý kiến thoả thuận của các Bộ và địa phương (trong đó có cơ quan quốc phòng) về việc dự án không thuộc phạm vi diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, di tích lịch sử-văn hoá và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ quốc phòng v.v… Chỉ khi có văn bản thoả thuận và xác nhận của các Bộ và địa phương liên quan, Bộ Tài Nguyên và Môi trường mới cấp Giấy phép thăm dò và khai thác.
- Đến nay, đã có nhiều dự án công nghiệp đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên (các dự án thuỷ điện, khai khoáng, chế biến nông-lâm sản v.v…) và các dự án trên đều phải thực hiện nguyên tắc nêu trên.
Như vậy có thể khẳng định rằng 2 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ do một doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam tự đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên, đã được địa phương và các Bộ ngành liên quan thoả thuận về vị trí, địa điểm (trong đó có liên quan đến an ninh, quốc phòng) đáp ứng các yêu cầu về an ninh, quốc phòng quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư thời gian tới là phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung.
Chính phủ hoan nghênh và với tinh thần cầu thị đã tiếp thu các ý kiến góp ý đúng đắn, tâm huyết và có tính xây dựng để chỉ đạo việc điều chỉnh Quy hoạch bô-xít, cũng như chỉ đạo các Bộ ngành, điạ phương liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề bô-xít.
V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Căn cứ văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực thực hiện các công tác thăm dò, nghiên cứu và lập qui hoạch, dự án đầu tư để triển khai thực hiện. Quá trình này đã được thực hiện trong nhiều năm, công khai, minh bạch, hoàn toàn phù hợp với các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) đã được chuẩn bị để triển khai.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245-TB/TW ngày 24 tháng 4 năm 2009 về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025; tiếp thu các ý kiến đúng đắn, tâm huyết của một số nhà hoạt động khoa học, quản lý... về các vấn đề quy hoạch, môi trường, công nghệ, hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng ..., Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp bô-xít hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội - văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực quan trọng này của đất nước (văn bản số 650/TTg-KTN ngày 29 tháng 4 năm 2009).
Chính phủ xin báo cáo Quốc hội và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thường xuyên giám sát quá trình thực hiện các dự án bô-xít./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 18-5-2009 đến 24-5-2009)  (25/05/2009)
Vĩnh Long chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn  (25/05/2009)
Phân bổ 20.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009  (25/05/2009)
Các thể chế toàn cầu trước thách thức mới  (25/05/2009)
Hỗ trợ người thất nghiệp học nghề tối đa 300 ngàn đồng/tháng  (25/05/2009)
Hỗ trợ tối thiểu 7,2 triệu đồng/hộ nghèo xây nhà ở  (25/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên