1. Ấn Độ có chính phủ mới

Ngày 18-5-2009, Liên minh tiến bộ thống nhất cầm quyền do Đảng Quốc đại đứng đầu giành thắng lợi với 261 ghế, riêng Đảng Quốc đại được 205 ghế.Kết quả trên được Ủy ban Bầu cử Ấn Độ công bố ngày 17-5 sau khi hoàn thành việc kiểm phiếu của cuộc tổng tuyển cử, kéo dài gần 1 tháng, kết thúc ngày 13-5 vừa qua. Dù chiến thắng, song Liên minh tiến bộ thống nhất không giành đủ số ghế tối thiểu là 272 để chiếm đa số tại Quốc hội. Do vậy để thành lập Chính phủ mới, Đảng Quốc đại phải liên minh với một số đảng nhỏ hơn. Ngay sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, ngày 19-5-2009, Thủ tướng đương nhiệm Man-mô-han Sinh đã được Quốc hội Ấn Độ tái cử giữ chức Thủ tướng của nước này. Ngay sau đó, tân Thủ tướng M.Sinh đã có cuộc tiếp kiến với Tổng thống Pra-típ-ha Pa-tin về việc chuẩn bị thành lập nội các mới. Chính phủ mới do Đảng Quốc đại lãnh đạo ở Ấn Độ sẽ tuyên thệ nhâm chức nhiệm kỳ 2 vào ngày 22-5-2009.

2. Lit-va có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố ngày 17-5 cho thấy, bà Dalia Grybauskaite Uỷ viên Liên minh châu Âu phụ trách ngân sách giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống ở Lit-va.Với 96% phiếu bầu được kiểm, bà Dalia giành được 68% số phiếu so với chỉ có 12% phiếu của người về thứ hai, ông Buskevisius thuộc đảng Xã hội - Dân chủ. Kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trong vòng một tuần tới. Phát biểu ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, bà Dalia tuyên bố sẵn sàng gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó và nỗ lực để nhanh chóng giải quyết các vấn đề bức thiết mà Lít-va đang phải đối mặt. Bà Dalia sinh năm 1956, là một nhà kinh tế, thông thạo tiếng Nga, Anh, Ba Lan và Pháp, đã quyết định tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống Lit-va sau khi người dân nước này phẫn nộ trước tình trạng kinh tế đất nước suy sụp, đã gây ra nhiều cuộc bạo loạn đường phố và tấn công tòa nhà Quốc hội hồi tháng hai vừa qua. Mặc dù không thuộc đảng phái chính trị nào, nhưng bà Dalia đã từng nắm giữ các chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Tài chính và sau đó được bầu làm Ủy viên EU phụ trách vấn đề ngân sách. Theo kế hoạch, bà Dalia chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 12-7 tới.

3. Hội nghị quốc tế về chống cướp biển có vũ trang

Hội nghị quốc tế về chống cướp biển và tội phạm trên biển đã khai mạc tại thủ đô Ku-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a. Tham dự hội nghị có các chuyên gia an ninh hàng hải và quan chức từ 40 quốc gia, cũng như đại diện của các tổ chức liên chính phủ. Hội nghị diễn ra trong hai ngày với mục tiêu trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong việc đối phó và ngăn chặn nạn cướp biển, đặc biệt tại vùng biển Xô-ma-li; thảo luận những vấn đề đang gây tranh cãi như nên hay không nên vũ trang cho thủy thủ, cần xử lý như thế nào những tên cướp biển bị các lực lượng hải quân bắt giữ... và liệu các biện pháp an ninh ngắn hạn hay các sáng kiến an ninh dài hạn là cách thức tốt nhất để ngăn chặn nạn cướp biển. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Xô-ma-li Mohamed Mohamoud đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này chống cướp biển.

4. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đep ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban chống lại những mưu toan xuyên tạc lịch sử

Ngày 19-5-2009, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga nhằm chống lại những mưu toan xuyên tạc lịch sử làm phương hại đến lợi ích của Nga. Trước đó, phát biểu nhân kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít 9-5-2009, Tổng thống Đ.Met-vê-đep nêu rõ Nga ngày càng phải đối mặt với nhiều mưu toan thâm độc và trắng trợn nhằm xuyên tạc hoặc bôi nhọ lịch sử. Do ngày càng có ít những người trực tiếp tham gia hoặc được chứng kiến cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) còn sống đến ngày nay nên ngày càng có nhiều cách lý luận và quan điểm gây tranh cãi liên quan đến Chiến tranh thế giới lần thứ II, thậm chí người ta cố tình đưa ra những quan điểm mới về cuộc chiến này. Vì vậy, nhiệm vụ của nước Nga hiện đại là phải bảo vệ chân lý lịch sử. Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep nhấn mạnh: "Chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ trước sự thật khủng khiếp của chiến tranh, nhưng mặt khác, chúng ta cũng không cho phép bất kỳ ai nghi ngờ về chiến công vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc chiến đó".

5. Nga và Gru-di-a nối lại đàm phán an ninh ở Giơ-ne-vơ

Ngày 19-5-2009, Nga và Gru-di-a nối lại đàm phán an ninh ở Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sỹ) sau khi các trung gian hoà giải quốc tế cùng một báo cáo của Liên hợp quốc đã giúp thuyết phục được đại diện của Mát-xcơ-va quay trở lại bàn thương lượng. Trước đó, các phái đoàn của Nga và Nam Ô-xê-tia đã tuyên bố rút khỏi những cuộc thương lượng kéo dài 2 ngày tại Giơ-ne-vơ do bất đồng với Gru-di-a. Báo cáo lần này của Liên hợp quốc có tên chính thức là "Sứ mệnh quan sát viên Liên hợp quốc tại Gru-di-a" với nội dung tránh đề cập tới vấn đề nhạy cảm rằng Áp-kha-di-a có được coi là một phần thuộc Gru-di-a hay không. Đây là vòng đàm phán thứ 5 giữa Nga và Gru-di-a kể từ cuộc chiến ngắn ngủi đầu tháng 8-2008. Căng thẳng vẫn chưa chấm dứt quanh các vùng đất ly khai. Liên hợp quốc đang triển khai 129 quan sát viên quân sự và 16 cảnh sát ở Áp-kha-di-a. Báo cáo của Liên hợp quốc đề xuất thiết lập các khu vực an ninh không có lực lượng vũ trang hoặc trang thiết bị quân sự, rộng 12 km cũng như các khu vực giới hạn không có vũ khí quân sự hạng nặng rộng 12 km nữa về cả hai phía đường ranh giới ngừng bắn.

6. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn họp báo về nỗ lực ngoại giao "quyền lực khôn ngoan"

Ngày 19-5-2009, tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tổ chức họp báo thông báo về nỗ lực của chính quyền Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma nhằm thực hiện cách tiếp cận "quyền lực khôn ngoan" và khẳng định, Mỹ cam kết thực hiện chính sách ngoại giao mới dựa trên các nguyên tắc chủ nghĩa thực dụng và các mối quan hệ đối tác. Theo bà Hi-la-ri Clin-tơn, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan; tìm kiếm các giải pháp mang tính chất xây dựng thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực Trung Ðông; tích cực hỗ trợ việc triển khai các lực lượng an ninh của I-rắc. Ðối với I-ran, Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận mới dựa trên tất cả các công cụ của "sức mạnh" Mỹ, đi đầu là nỗ lực ngoại giao. Mỹ đang tăng cường quan hệ với các đồng minh chủ chốt và các đối tác truyền thống ở Mỹ La-tinh, châu Âu, châu Phi và châu Á. Mỹ cũng đang can dự một cách mạnh mẽ với các "nhân tố khu vực" đang nổi lên, thật sự nghiêm túc về việc thiết lập các mối quan hệ thẳng thắn và xây dựng với cả Nga và Trung Quốc.

7. Sri Lan-ka tổ chức mừng chiến thắng chấm dứt 26 năm nội chiến

Ngày 18-5, không khí tưng bừng, náo nhiệt dã diễn ra trên các đường phố ở thủ đô Cô-lôm-bô (Sri Lan-ka) khi nhiều người dân giương cao quốc kỳ Sri Lan-ka, hô vang khẩu hiệu chúc mừng đất nước kết thúc nội chiến. Chính phủ Sri Lan-ka yêu cầu các cơ quan nhà nước treo quốc kỳ 1 tuần để chúc mừng thắng lợi quân sự của quân đội Chính phủ. Trước đó, cùng ngày, quân đội Sri Lan-ka tuyên bố đã phá bỏ cứ điểm cuối cùng của lực lượng li khai Những con hổ giải phóng Tamin, tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của tổ chức này, chấm dứt 26 năm nội chiến đầy chết chóc và mất mát ở quốc gia này. Trong một diễn biến liên quan, ngày 18-5, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ tới thăm Sri Lan-ka từ ngày 22 đến 23-5-2009 để xem xét tình hình cứu trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại chính trị ở nước này sau khi nội chiến kết thúc. Cộng đồng quốc tế kêu gọi thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Sri Lan-ka. Trung Quốc, Nhật Bản và Ca-na-đa... kêu gọi Sri Lan-ka tìm một giải pháp chính trị lâu dài để tạo dựng một nền hòa bình bền vững nhằm đáp ứng nguyện vọng của toàn thể người dân nước này.

8. I-ran thử thành công tên lửa thế hệ mới

Ngày 20-5-2009, Tổng thống I-ran tuyên bố, I-ran đã thử thành công tên lửa thế hệ mới với tầm bắn khoảng 2.000 km. Theo Tổng thống A-ma-đi-ne-dat, tên lửa này đủ để tấn công I-xra-en và các nước Đông Nam châu Âu cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh. Tên lửa đất đối đất Sajjil2 sử dụng nhiên liệu rắn là thế hệ mới của loại tên lửa Sajjil mà Iran đã phóng thử thành công vào cuối năm ngoài với cùng tầm bắn. Một phóng viên BBC ở I-ran cho rằng, Saajil-2 là một trong những loại tên lửa tầm xa nhất của I-ran. Tuyên bố này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố khả năng sẵn sàng tìm kiếm thêm sự trừng phạt của quốc tế mạnh mẽ hơn đối với I-ran nếu nước này phớt lờ những nỗ lực của Mỹ trong việc tiến hành đối thoại về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran.

9. Cam-pu-chia công bố sách giáo khoa về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

Ngày 20-5, Cam-pu-chia đã chính thức công bố sách giáo khoa đầu tiên của nước này viết về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Tại buổi lễ công bố cuốn sách tại Trường trung học Hun Sen Ang Snuol ở thủ đô Phnôm Pênh, các quan chức Cam-pu-chia đã trao hàng nghìn cuốn cho học sinh và giáo viên của trường. Khoảng 500.000 cuốn sách khác cũng sẽ được trao cho học sinh hơn 1.000 ngôi trường trong cả nước Cam-pu-chia. Phát biểu tại buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.000 học sinh và giáo viên, Thứ trưởng Giáo dục Cam-pu-chia, bà Tun Sa Im nói: "Cuốn sách sẽ giúp các bạn hiểu rõ về nỗi đau và sự tàn bạo đã xảy ra dưới chế độ Khmer Đỏ". Cam-pu-chia công bố cuốn sách trên đúng vào "Ngày Căm phẫn" - ngày lễ tưởng niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng. Các tội ác dã man của Khmer Đỏ đã được người dân Cam-pu-chia tái hiện tại một trong những "cánh đồng chết" khét tiếng ở ngoại ô thủ đô Phnôm Pênh. Theo số liệu thống kê, trong thời gian từ năm 1975-1979, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã sát hại khoảng 2 triệu dân thường Cam-pu-chia.

10. Hội nghị cấp cao Trung Quốc - EU

Ngày 20-5-2009, Hội nghị cấp cao Trung Quốc EU lần thứ 11 đã diễn ra ở Thủ đô Pra-ha, Cộng hoà Séc. Ngoài các vấn đề thương mại song phương, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu..., vấn đề biến đổi khí hậu cũng là nội dung chính được đề cập tại hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi ý kiến về các mối quan hệ song phương cùng các vấn đề nổi bật của thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Theo kế hoạch, Trung Quốc và EU sẽ ký các hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, bảo vệ khí hậu và kinh tế - thương mại, đặc biệt là hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. EU hiện là thị trường lớn nhất của Trung Quốc trong khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU. Tại Hội nghị, hai bên đã ra Tuyên bố chung, khẳng định lại cam kết của hai bên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Các nhà lãnh đạo hai bên cùng cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang biến động phức tạp hơn bao giờ hết, quan hệ Trung Quốc - EU cần phải vượt qua khuôn khổ song phương để có thể đảm nhận được một phần các công việc quốc tế, và cam kết sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu toàn cầu. Hai bên đã ký ba thỏa thuận về hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học và năng lượng sạch, đặc biệt là hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

11. Bế mạc Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 15

Ngày 22-5-2009, sau 2 ngày làm việc, Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 15 do báo Níc -cây tổ chức tại thủ đô Tô-ky-ô Nhật Bản đã bế mạc. Nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận. Các đại biểu tham dự nhất trí cho rằng, không nước nào tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhưng châu Á đang biến thách thức thành cơ hội. Hội nghị khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khu vực nhằm hướng tới tương lai tươi sáng hơn cho châu lục. Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí rằng, mặc dù thách thức là rất lớn, nhưng xét trên một số khía cạnh thì cuộc khủng hoảng hiện nay đang tạo cơ hội mới cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước trong khu vực. Sự hợp tác đó cần được thực hiện từ cấp chính phủ đến hợp tác giữa các doanh nghiệp và trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: phối hợp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở châu lục, khôi phục lòng tin của giới đầu tư và người tiêu dùng, phát triển hệ thống giao thông, thúc đẩy tăng trưởng xanh ...

12. Hội nghị cấp cao Nga - Liên minh châu Âu

Ngày 21-5-2009, Hội nghị cấp cao Nga - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 23 đã khai mạc tại Khabarovsk (Nga) nhằm thảo luận toàn bộ mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu. Dẫn đầu phái đoàn Nga là Tổng thống Mét-vê-đép, lãnh đạo phái đoàn Liên minh châu Âu là ông Vaslav Clause, Tổng thống Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ngày 22-5, Hội nghị đã kết thúc mà không giúp hàn gắn được mối quan hệ vốn không còn "cơm lành, canh ngọt" giữa hai bên do có quá nhiều bất đồng. Phát biểu tại cuộc họp báo chung về kết quả hội nghị, Tổng thống Nga Mét-vê-đép nêu rõ Nga đã phát triển quan hệ đối tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng cuộc xung đột vừa qua tại khu vực Cáp-ca-dơ đã khiến hình thức đối tác đó bộc lộ những mặt yếu kém và quan hệ đối tác này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục. Tổng thống Nga lo ngại về khả năng xuất hiện thêm cơ cấu tương tự với sự tham gia của những nước có tâm lý chống Nga và các nước châu Âu khác. Trong khi đó, Tổng thống Vaclav Kalaus của Cộng hòa Séc - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng chương trình "Đối tác phương Đông" nhằm tăng cường các quan hệ kinh tế và chính trị giữa 27 nước thành viên EU với 6 nước ở Đông Âu, chứ không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào.