TCCSĐT - Sáng 8-8, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Tọa đàm khoa học: Những giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường thảo luận, trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về lý luận chính trị trên Tạp chí Cộng sản trong khuôn khổ Đề án: “Tăng cường thảo luận, trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về lý luận chính trị trên Tạp chí Cộng sản”.

Đến dự có đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tạp chí Cộng sản; các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, các nhà báo, nhà quản lý trong và ngoài Tạp chí Cộng sản. PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm Đề án chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu gợi mở các vấn đề trao đổi, PGS, TS. Vũ Văn Phúc nêu rõ, Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của Tạp chí là nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, những kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, rút ra những vấn đề lý luận, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục.

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” và nhằm đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, các nhân sĩ, trí thức, các nhà hoạt động thực tiễn tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân được trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn những vấn đề lý luận - thực tiễn đang cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; Tạp chí Cộng sản triển khai thực hiện Đề án: “Tăng cường thảo luận, trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về lý luận chính trị trên Tạp chí Cộng sản” làm tiền đề, căn cứ để đổi mới, nâng cao chất lượng các mục “Nghiên cứu - Trao đổi”, “Thông tin lý luận”, “Quan điểm - Đối thoại” của Tạp chí.

Đề dẫn của Ban Chủ nhiệm Đề án tại Tọa đàm nêu lên 6 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường thảo luận, trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về lý luận chính trị trên Tạp chí Cộng sản, bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Nắm chắc và kịp thời các vấn đề lý luận được Đảng và xã hội quan tâm, đã, đang và sẽ được tổng kết trong nhiệm kỳ Đại hội XI, chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng.

Nhóm giải pháp thứ hai: Bám sát các chương trình, đề tài khoa học xã hội cấp Nhà nước.

Nhóm giải pháp thứ ba: Xác định các chủ đề cần tập trung xây dựng tin, bài để đăng trong các chuyên mục “Nghiên cứu - Trao đổi”, “Thông tin lý luận”, “Diễn đàn - Đối thoại” trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản.

Nhóm giải pháp thứ tư: Xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập có bản lĩnh chính trị kiên định, sâu về lý luận, vững về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ.

Nhóm giải pháp thứ năm: Xây dựng đội ngũ cộng tác viên nòng cốt.

Nhóm giải pháp thứ sáu: Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học thực sự có chất lượng.

Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm hoan nghênh nội dung các vấn đề mà Đề án đặt ra, bởi lẽ Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, có nhiệm vụ nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền các vấn đề lý luận. Trong hoạt động của mình, Tạp chí phải bám sát các vấn đề lý luận đang đặt ra, phải có những bài viết có tính nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, phê phán, phản biện thật sự thuyết phục. Nội dung đặt ra của Đề án phù hợp với chủ trương chung của Đảng là tăng cường trao đổi, thảo luận, phát huy trí tuệ của tập thể, cá nhân trong nghiên cứu lý luận.

Về giải pháp, các ý kiến cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp tăng cường thảo luận, trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về lý luận chính trị trên Tạp chí Cộng sản do Ban Chủ nhiệm Đề án đưa ra, đồng thời, nhấn mạnh một số đề xuất, giải pháp sát hợp với Tạp chí Cộng sản với tư cách là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng:

- Ban Biên tập cần nhận diện rõ giá trị và thách thức của các vấn đề lý luận mà thực tiễn đang đặt ra để định hướng các nội dung cần trao đổi, thảo luận; từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch biên tập cụ thể. Xử lý tốt các vấn đề trong thảo luận để xem xét, đăng tải; chủ động tham gia tranh luận, thảo luận.

- Cần có nguyên tắc hay tiêu chí trong trao đổi, thảo luận. Đối với việc mở diễn đàn trao đổi, thảo luận nói chung hay với từng chuyên đề thảo luận nói riêng, Ban Biên tập cần có bài đề dẫn, định hướng, nêu rõ quan điểm, mục đích, yêu cầu về loại bài này, sau thảo luận, có bài tổng kết, kết luận.

- Tổ chức, xây dựng đội ngũ cộng tác viên chiến lược, những “cây bút” lý luận sắc sảo, trụ cột của tòa soạn. Xây dựng chế độ, chính sách động viên, khích lệ đối với đội ngũ này.

- Thường xuyên theo dõi ý kiến đánh giá, phản hồi của dư luận về các bài viết, các chuyên đề thảo luận đã đăng tải để nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong công tác biên tập.

- Định kỳ tiến hành tổng kết theo các vấn đề đã thảo luận. Những nội dung tốt, có thể tập hợp xuất bản thành sách chuyên đề.

Kết thúc buổi Tọa đàm, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Chủ nhiệm Đề án phát biểu đánh giá các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm là những gợi ý thiết thực để Ban Chủ nhiệm Đề án tiếp thu, hoàn thiện Đề án và triển khai trong hoạt động xuất bản của Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới./.