Nâng cao chất lượng các bài viết thực tiễn – kinh nghiệm trên các tạp chí nghiên cứu, lý luận của Đảng
TCCSĐT - Tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Trong hệ thống báo chí của Đảng, loại bài tổng kết thực tiễn góp mặt với tỷ lệ, tần suất lớn, được thể hiện thành các chuyên mục với những tên gọi khác nhau (sau đây, xin thống nhất gọi là loại bài thực tiễn - kinh nghiệm). Tuy nhiên, sức hấp dẫn của bài thực tiễn - kinh nghiệm trên các tạp chí nghiên cứu, lý luận của Đảng vẫn chưa thực sự ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ.
Những vấn đề đặt ra
Yêu cầu, nhiệm vụ về công tác tổng kết thực tiễn
Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã khẳng định: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng; đấu tranh với những khuynh hướng tư tưởng sai trái”(1).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, khi đánh giá về những yếu kém của công tác Đảng đã nêu một trong những nguyên nhân chính là: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu về tư tưởng, lý luận và báo chí chưa theo kịp sự phát triển của tình hình”(2). Hai trong số những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, báo chí được nêu có liên quan trực tiếp đến việc Đảng yêu cầu phải làm tốt công tác tổng kết thực tiễn:
- Đề cao trách nhiệm của toàn Đảng đối với công tác tư tưởng. Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng, tham gia tổng kết thực tiễn.
- Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về phát huy và thực thi dân chủ trong Đảng, nâng cao tầm trí tuệ và văn hóa, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tuy nhiên, đến Đại hội XI, Đảng tiếp tục nhận định: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.
Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 12-5-2003, về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới, nêu rõ mục đích của công tác tổng kết thực tiễn là: “khẳng định những thành tựu, tiến bộ, chỉ ra những hạn chế và thiếu sót trong quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng ta, phân tích nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm; phát hiện những nhân tố mới và những vấn đề mới về lý luận trong quá trình đổi mới; làm sáng tỏ hơn về lý luận một số vấn đề chủ yếu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; lý giải, kết luận một số vấn đề lý luận - thực tiễn còn ý kiến khác nhau hoặc mới nảy sinh trong quá trình đổi mới; góp phần bổ sung, hoàn chỉnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và cung cấp luận cứ khoa học cho việc soạn thảo các Văn kiện Đại hội X của Đảng”(3).
Tính đúng, trúng, hay của bài viết thực tiễn - kinh nghiệm
Các bài viết thực tiễn - kinh nghiệm là nơi cung cấp các nghiên cứu về những tình hình, diễn biến của thực tiễn cách mạng Việt Nam ở bộ, ban, ngành, các cấp địa phương, đơn vị. Tính lý luận chính trị của các bài viết được biểu hiện ở các khía cạnh: làm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện trong cuộc sống; thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí; nghiên cứu các mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng cũng như phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề tiêu cực; tổng kết thực tiễn; thông qua thực tiễn để đóng góp cho lý luận, phát hiện những vấn đề lý luận mới...
Tuy nhiên, trên thực tế, về nội dung, nhiều bài còn mang nặng tính báo cáo tổng kết công tác địa phương, không rút ra được bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn và phát triển lý luận; tính phát hiện trong các bài viết không cao; việc “tạp chí hóa báo cáo” diễn ra không ít,… Về hình thức, cách thức trình bày, bao gồm cả cách viết, biên tập, thiết kế mỹ thuật,... còn thiếu hấp dẫn và lạc hậu so với trình độ phát triển chung của báo chí và yêu cầu của đối tượng bạn đọc.
Theo chúng tôi, tính đúng, trúng, hay(4) của loại bài thực tiễn - kinh nghiệm trên các tạp chí của Đảng bao gồm:
* Đúng:
- Phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra; truyền tải được những vấn đề của cuộc sống sinh động.
- Đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; các nguyên nhân của thuận lợi, khó khăn, không né tránh mặt trái, điểm yếu, mặt chưa làm được.
- Đúng với trách nhiệm và quyền hạn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn trọng sự thật, cân nhắc lợi - hại của sự thật; lấy bảo vệ quyền lợi nhân dân, lợi ích quốc gia làm định hướng. Đúng với các chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp báo chí.
* Trúng:
- Trúng với ý Đảng. Cụ thể là những nhiệm vụ được Đảng giao cho mỗi cơ quan tạp chí. Bài viết vì thế cần thực hiện chức năng lý luận chính trị, gồm làm sáng tỏ lý luận trong cuộc sống, phản hồi những lý luận cách mạng - nhất là các chủ trương, đường lối mới, tổng kết thực tiễn, dự báo thực tiễn để phục vụ lý luận.
- Trúng với lòng dân. Bài viết là tiếng nói của nhân dân, của cơ sở trong thực tiễn cách mạng. Nội dung bài viết khái quát, tổng kết thực tiễn sinh động của địa phương, ngành, đơn vị; phát hiện cái mới nảy sinh của thực tiễn, cái mới về mặt lý luận,…
- Trúng với tình hình đất nước. Ở mỗi giai đoạn phát triển, cách mạng Việt Nam có những nhiệm vụ chiến lược khác nhau, có nhiều vấn đề chúng ta vừa làm, vừa tìm tòi. Vì thế, cần thiết chú trọng tới việc phản ánh những cái mới có liên hệ mật thiết với tình hình trong nước, đặt trong bối cảnh quốc tế. Sự chủ động, tiên phong của bài viết ở việc tổng kết thực tiễn, rút ra những cái mới, dự báo vấn đề mới.
* Hay:
- Bảo đảm các tiêu chí của ngôn ngữ báo chí - truyền thông hiện đại (cả về nội dung bài viết cũng như hình thức trình bày) để bạn đọc có thể tiếp nhận một cách hiệu quả.
- Có tính chất của một bài báo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có hàm lượng lý luận chính trị phù hợp để phân tích, đánh giá thực tiễn một cách khách quan, lý giải được thực tiễn bằng lý luận.
- Có bản sắc đặc trưng so với các chuyên mục khác, cá tính so với bài viết khác, góp phần tạo dựng thương hiệu tác giả trong công chúng.
Giải pháp phát triển các bài viết thực tiễn - kinh nghiệm
Để các bài viết thực tiễn - kinh nghiệm trên các tạp chí của Đảng thực sự phát triển đúng với vai trò của nó trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bảo đảm tính hấp dẫn, theo kịp trình độ phát triển của báo chí thế giới, việc nâng cao tính đúng, trúng, hay là yêu cầu khách quan, tất yếu. Trước hết, về mặt quan điểm, các bài viết thực tiễn - kinh nghiệm cần bảo đảm:
- Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí: Theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tạp chí của Đảng, các bài viết cần thể hiện được tiếng nói, sự tổng kết thực tiễn của cơ quan, lĩnh vực, phạm vi nhiệm vụ của cơ quan trong hệ thống các cơ quan Đảng. Bài thực tiễn - kinh nghiệm, vì thế, không phải là sự mô tả thực tiễn sinh động hằng ngày, cũng không chỉ dừng ở việc nêu những kinh nghiệm chung chung. Nó nhằm mục đích là nghiên cứu lý giải thực tiễn bằng lý luận và góp phần mở đường lý luận.
- Bảo đảm tính lý luận: Đây là sự khác biệt, cũng là đặc trưng, thế mạnh của tạp chí so với báo. Thiếu tính lý luận chính trị, nói khác đi là hạ thấp tiêu chí của bài viết trên tạp chí của Đảng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng bài thực tiễn - kinh nghiệm suy giảm.
- Đầu tư xứng đáng về chuyên môn, nghiệp vụ: bảo đảm tính hấp dẫn của một bài nghiên cứu thực tiễn về cả nội dung, hình thức, đáp ứng nhu cầu bạn đọc và các tiêu chí của báo chí hiện đại.
Trên cơ sở đó, chúng tôi xin đề xuất ba nhóm giải pháp phát triển loại bài thực tiễn - kinh nghiệm trên các tạp chí của Đảng:
Nhóm giải pháp mang tính chỉ đạo, định hướng:
- Các tạp chí xác định rõ tôn chỉ, mục đích của bài và chuyên mục thực tiễn - kinh nghiệm trong tổng thể tạp chí. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, định hướng cho các giải pháp khác, đồng thời là tiêu chí quan trọng nhất để các bài viết thực tiễn - kinh nghiệm cần đạt tới.
- Các tạp chí hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí về nội dung. Các bài viết thể hiện đúng và trúng thực tiễn của “ý Đảng, lòng dân”, thực tiễn sinh động của đất nước trên các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, với tính chất của tạp chí nghiên cứu, các bài thực tiễn - kinh nghiệm cần thể hiện các tiêu chí của một bài nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc bảo đảm các chuẩn chung quy định sự hấp dẫn của một tác phẩm báo chí.
- Xây dựng chương trình biên tập hiệu quả. Các ban biên tập đề ra và thực hiện quyết liệt kế hoạch biên tập cho chuyên mục về thực tiễn - kinh nghiệm trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của tạp chí. Bảo đảm các vấn đề “nóng” được xuất hiện có chiều sâu, toàn diện, từ nhiều địa phương, đơn vị một cách tương xứng với tầm vấn đề. Cần thiết có các hình thức xâu chuỗi các bài viết cùng chủ đề, như tập trung theo số, quý, năm, có bài tổng thuật về toàn bộ các bài viết,… Chương trình biên tập bám sát các nghị quyết của Đảng để đối chiếu vào thực tiễn, nhưng cũng cần được chỉ đạo để “đón lõng” trước các vấn đề mà Trung ương dự kiến đưa ra. Cơ cấu bài viết cần cân đối, tăng cường các bài viết mang tính điều tra - nghiên cứu về địa phương, cơ sở; các bài tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở cần có tính dài hạn,…
- Tạo chế độ, chính sách tài chính hợp lý hơn, bảo đảm để biên tập viên, các nhà khoa học có điều kiện thích đáng thực hiện các bài viết nghiên cứu sâu về tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Nhóm giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ:
- Về quy trình tiếp cận thực tiễn, xây dựng bài:
+ Nâng cao tư duy phát hiện vấn đề để phát hiện đúng vấn đề mà thực tiễn và lý luận đang đặt ra.
+ Xây dựng quy trình tiếp cận thực tiễn khoa học. Bài thực tiễn - kinh nghiệm cần gắn chặt với thực tiễn, có hơi thở cuộc sống nên đòi hỏi người viết cần tuân thủ các quy tắc hoạt động nghiệp vụ báo chí khi tiếp cận với thực tiễn; đồng thời nhìn nhận thực tiễn trên cơ sở lý luận mà nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nâng cao tính lý luận chính trị trong thực hiện biên tập. Dùng lý luận lý giải thực tiễn; và dùng thực tiễn làm sáng tỏ lý luận. Các vấn đề của thực tiễn được phân tích bằng các công cụ khác nhau với lý luận, đường lối của Đảng. Người viết, biên tập cần có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu về lĩnh vực thực tiễn.
- Nâng cao nghiệp vụ báo chí: Về nội dung, bài viết cần vừa có hơi thở của cuộc sống, vừa bảo đảm là một bài nghiên cứu khoa học chứ không phải là bài báo phản ánh; cần bảo đảm các tiêu chí của một bài báo khoa học. Về hình thức, đó là các kỹ năng đặt tít, sapo, tít xen, rút box, ngắt đoạn, minh họa… Cần xác định rõ các tiêu chí: viết về cái gì, viết cho ai và viết như thế nào? Điều đó đòi hỏi biên tập viên phải không ngừng trau dồi kỹ năng tác nghiệp; các ban biên tập thì cần “khó tính” hơn trong thẩm định bài viết.
Nhóm các giải pháp nâng cao trình độ nhân lực
- Nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ báo chí của biên tập viên. Đây là một quá trình đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ của các khâu khác, như tuyển chọn cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ, bồi dưỡng trình độ lý luận và trình độ nắm bắt thực tiễn cho cán bộ,... Khi và chỉ khi các tạp chí có đội ngũ cán bộ biên tập giỏi chuyên môn nghiệp vụ, say mê với công việc, sâu sát thực tiễn thì chắc chắn sẽ nâng cao được tính hấp dẫn của bài thực tiễn - kinh nghiệm. Cần chuẩn hóa trình độ của biên tập viên các tạp chí của Đảng với tiêu chí vừa là nhà báo, vừa là người làm khoa học.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên. Tăng cường bài viết của các nhà nghiên cứu khoa học bởi đó là những tác giả có trình độ chuyên sâu trong những lĩnh vực cụ thể, giúp bài viết thực tiễn - kinh nghiệm vừa khách quan, vừa sắc bén. Đối với bài viết của các nhà lãnh đạo, quản lý, cần xây dựng đơn đặt hàng phù hợp, chi tiết; có sự phối hợp thỏa đáng của biên tập viên hoặc thậm chí là nhà khoa học với các bài viết này.
- Tăng cường chất lượng đội ngũ thông tin viên ở tất cả các địa bàn, khu vực, lĩnh vực. Đội ngũ này là kênh phản hồi thường xuyên về chất lượng, giá trị của bài viết thực tiễn - kinh nghiệm; đồng thời là một kênh cung cấp thông tin quan trọng đối với các nhà báo. Cũng có thể phát triển đội ngũ thông tin viên thành các cộng tác viên cho cơ quan báo chí.
- Hoàn thiện cơ chế và nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ nhân lực, nhân tài; bao gồm các hình thức khen thưởng - kỷ luật, chế độ nhuận bút, bảo đảm điều kiện tác nghiệp, đi thực tế ở cơ sở,…/.
______________________
(1) Xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30621&cn_id=217347
(2) Xem: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới,
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30397&cn_id=94383
(3) Xem: Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 12-5-2003, của Ban Bí thư về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới,
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30597&cn_id=219991
(4) Tham khảo: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/523963/dung-trung-hay---thuoc-do-tinh-hieu-qua-cua-bao-dang
Thông báo số 1, về chương trình “Xuân Quê hương 2013”  (21/01/2013)
Tổng Bí thư thăm, nói chuyện với kiều bào tại Italy  (21/01/2013)
Chúc Tết quân và dân hai đảo tiền tiêu của Tổ quốc  (21/01/2013)
Phó Chủ tịch QH tiếp chức sắc các Hội thánh Cao Đài  (21/01/2013)
Quy định việc công dân Việt Nam du học nước ngoài  (21/01/2013)
Khởi công Ngôi nhà Xanh một Liên hợp quốc tại Việt Nam  (21/01/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên