TCCSĐT - Những nét ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu năm 2012 đã trực tiếp tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam. Việc dự báo kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới, vì thế, cũng không thể thoát ly khỏi những biến động diễn ra trên thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh…

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 7-12 vừa qua, rất nhiều con số thống kê, nhiều phân tích, lập luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu… đã được đưa ra trao đổi, bàn thảo để phân tích bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012; nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu; thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2012, những giải pháp đã thực thi, những kết quả đạt được, cùng những khó khăn đang trở thành thách thức đối với đà tăng trưởng trong năm tới; trên cơ sở đó đưa ra dự báo chiều hướng phát triển của nền kinh tế thế giới trong năm 2013 và các khả năng tăng trưởng của nước ta trong năm tới, cùng những đề xuất, những hàm ý chính sách đáng quan tâm đối với công tác điều hành của Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan.

Kinh tế thế giới năm 2012 vận hành theo một chiều hướng trì trệ

Đánh giá bức tranh chung nền kinh tế thế giới năm 2012, TS. Lương Minh Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế  - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cộng sự cho rằng, nền kinh tế thế giới năm 2012 vận hành theo một chiều hướng trì trệ và kém khả quan hơn nhiều so với kỳ vọng và dự báo. Những vật cản của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại dai dẳng, tác động lan tỏa của nó cộng hưởng với những vấn đề tồn tại âm ỉ nay bùng lên trong đời sống kinh tế - chính trị thế giới, thử thách đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở những nền kinh tế đang nổi (đặc biệt là Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và đang phát triển khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị mất động lực tăng trưởng như từng được hỗ trợ mạnh mẽ trong những năm 2010 - 2011. Độ trễ của tác động giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở những thị trường chủ chốt  (Liên minh châu Âu - EU, Mỹ) cộng hưởng với khả năng hạn chế trong việc mở rộng nhu cầu nội địa (đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ) đã tác động mạnh tới khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Phân tích các dự báo của một số tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, nhóm nghiên cứu đã khái quát một số vấn đề như:

- Tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đi xuống đã tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI toàn cầu giảm 8% (tương đương 61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2011. Mức sụt giảm này chủ yếu do do FDI vào Mỹ giảm 37 tỷ USD, vào BRIC giảm 23 tỷ USD. Bên cạnh đó, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) toàn cầu của các nước phát triển  dành cho các nước đang phát triển, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tháng 4-2012, giảm gần 2,7% trong năm 2011. Những rủi ro về tài chính - tiền tệ có xu hướng tăng lên kể từ tháng 4-2012 làm niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu suy giảm; thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, do vậy, chính sách tài khoá thắt chặt vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là đối với các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tình trạng việc làm chưa được cải thiện. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp năm 2012 tăng hơn 4 triệu người so với năm 2007, và dự báo, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2012 sẽ vào khoảng 6,2% (năm 2011, con số này là 6,1%), tương đương 202 triệu người. Trong số những người đang có việc làm, khoảng 900 triệu người phải chật vật để nuôi sống bản thân và gia đình có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

- Tình hình kinh tế của một số nền kinh tế dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế thế giới không mấy khả quan. Tại Mỹ, kinh tế phục hồi nhẹ với tăng trưởng quý II đạt 2,5%, thị trường nhà đất đang dần ổn định, nhưng thị trường lao động chậm được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, theo ILO, đến tháng 10-2012 là 7,9%. Tại châu Âu, năm 2012, nền kinh tế vẫn chìm trong tình trạng trì trệ kéo dài. So với cùng kỳ năm 2011, GDP quý 3 năm 2012 của 17 nước thuộc Eurozone tăng trưởng -0,6%, GDP của 27 nước EU tăng trưởng -0,4%. Chỉ có một số nước trong Eurozone duy trì được tăng trưởng dương trong 3 quý. Tỷ lệ thất nghiệp của các nước thuộc OECD là 7,9%, tại 17 nước thuộc khu vực Eurozone là 11,5%. Suy thoái kinh tế đang hiện hữu đối với nền kinh tế Nhật Bản trong nửa cuối năm 2012. Kinh tế Trung Quốc – đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã hạ nhiệt tăng trưởng cao.

Kinh tế thế giới năm 2013: đà phục hồi chịu nhiều sức ép

Tình hình kinh tế thế giới không mấy khả quan trong năm 2012 sẽ có những tác động không thuận tới sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế chủ yếu. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, trong năm tới, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ ở mức 4,5%. Tại các nền kinh tế phát triển: tốc độ xuất khẩu sẽ tăng ở mức 1,5%, tốc độ nhập khẩu tăng 0,4%; còn  ở các nước đang phát triển, con số tương ứng là 3,5% và 5,4%. Dòng vốn FDI và kiều hối tuy được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2013, nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, tốc độ phục hồi sẽ chậm lại và không loại trừ có nhiều rủi ro đe dọa sự phục hồi này. FDI toàn cầu, theo con số của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), có nhiều khả năng, sẽ chỉ đạt ở 1,65 nghìn tỷ đến 1,75 nghìn tỷ USD, thấp hơn mức 1,8 nghìn tỷ được UNCTAD đưa ra trước đây. Dòng kiều hối vào các nước đang phát triển, dự báo, sẽ tiếp tục tăng lên 430 tỷ USD trong năm tới, còn dòng vốn ODA toàn cầu có thể sẽ chững lại. Theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng lên 6,2%, tình hình lao động  - việc làm đối với thanh niên càng kém khả quan hơn, thậm chí tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên toàn thế giới khó có khả năng giảm trong vòng 4 năm tới.

- Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% trong năm 2013, trong khi đó, con số mà OECD đưa ra là 3,4%. Những bất ổn về tài chính tại các nền kinh tế phát triển gây nên tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư, tác động tiêu cực tới thương mại và đầu tư toàn cầu. Trong khi đó, sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển lại phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư với các nước phát triển. Do vậy, triển vọng của các nền kinh tế này sẽ phụ thuộc vào động thái chính sách của các nước phát triển.

Trên cơ sở phân tích những dự báo do các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đưa ra, những động thái chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhóm nghiên cứu của TS. Lương Minh Khôi cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 sẽ phụ thuộc vào những yếu tố chính sau:

- Các nhà lãnh đạo EU khó có thể tìm được giải pháp hiệu quả để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công tại đây, trong khi đó hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp sẽ “hụt hơi” do phải cứu trợ các nền kinh tế đang “nguy kịch”, khiến nhiều nền kinh tế châu Âu có thể tiếp tục suy thoái trong năm 2013;

- Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc ngăn chặn vách đá tài chính và nâng trần nợ công đúng lúc.  Kinh tế Mỹ tiếp tục được cải thiện nhờ tiêu dùng tăng, thị trường nhà đất phục hồi, thị trường việc làm được cải thiện ở mức nhẹ;

- Chính sách nới lỏng tiền tệ ở nhiều nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới, tuy nhiên, do cầu thế giới yếu nên khả năng tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế này khó xảy ra;

- Nền kinh tế Nhật Bản có nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái, đầu tư thương mại Nhật Bản - Trung Quốc có thể sẽ suy giảm;

- Các nền kinh tế mới nổi sẽ hồi phục nhờ tác động tích cực của những chính sách kích thích kinh tế, song sẽ chỉ hồi phục ở mức nhẹ do cầu thế giới yếu;

- Lạm phát và giá cả của phần lớn các hàng hóa trên thế giới (trừ năng lượng) tăng do tác động của các chính sách nới lỏng tiền tệ và tình trạng hạn hán kéo dài khiến giá lương thực tăng, song do cầu thế giới yếu nên sẽ phần nào kìm hãm đà tăng của giá cả hàng hóa và dịch vụ;

- FDI tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ chậm hơn so với các dự báo trước đây;

- Thương mại thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng ở mức nhẹ;

- Thị trường lao động khó được cải thiện ở châu Âu.

Kinh tế Việt Nam 2012: chưa khởi sắc như mong đợi

Đây là nhận xét khái quát của ThS. Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế  - xã hội quốc gia cùng nhóm nghiên cứu khi phân tích những nét lớn của nền kinh tế Việt Nam năm 2012.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%, là mức thấp so với mục tiêu đề ra (6,0%). Nếu tính trong 20 năm trở lại đây, tốc độ này chỉ cao hơn năm 1999 và 2009. Điều đáng lưu ý là, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta tuy phù hợp với xu thế chung của tăng trưởng thế giới, nhưng lại ngược với xu hướng của các nước xung quanh. Các động lực tăng trưởng truyền thống đối với nền kinh tế nước ta, như vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn, tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp, dịch vụ, có sự suy giảm. Trong khi đó, những nhân tố, “điểm sáng” thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như tăng trưởng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu tuy được duy trì, thậm chí có sự bứt phá, nhưng lại chưa đủ mạnh.

- Ổn định kinh tế vĩ mô tuy đạt được nhưng còn mang tính nhất thời, chứa đựng nhiều nguy cơ, thể hiện ở các chỉ tiêu diễn biến thất thường theo tháng, nhạy cảm với những động thái điều hành, hay còn kèm theo những diễn biến thất thường, gây khó khăn và tâm lý bất ổn đến đời sống kinh tế. Chẳng hạn, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng lại biến động thất thường; cung tiền cao hơn tín dụng nhiều, hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản nhưng một bộ phận lớn doanh nghiệp lại thiếu vốn; nhập siêu thấp kỷ lục trong bối cảnh xuất khẩu của nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, là điều gây lo ngại, bởi một trong những nguyên nhân là do đơn hàng xuất khẩu giảm, do khó khăn của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, làm giảm nhu cầu về nguyên liệu đầu vào.

- Việc điều hành của Chính phủ tuy bám sát với diễn biến kinh tế nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi. Chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua đã song hành trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, cải thiện thị trường vốn, giảm lãi suất và ổn định thị trường ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán tổng thể. Tuy nhiên, chính sách này cũng bộc lộ những hạn chế, thể hiện ở chỗ, tổng tài sản ngân hàng giảm và nợ xấu tăng cao; chính sách tín dụng còn ít hiệu lực; việc xử lý mối quan hệ trong tăng tín dụng và lạm phát còn lúng túng. Trong trợ giúp doanh nghiệp, các giải pháp đã tập trung vào 3 nhóm chính sách giảm chi phí đầu vào, giải quyết khó khăn về vốn lưu động, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra và yêu cầu “giải cứu” doanh nghiệp thì hiệu quả thực thi chính sách chưa đạt được như kỳ vọng. Số doanh nghiệp giải thể vẫn tăng, khó khăn của doanh nghiệp chưa giảm nhiều, một số chính sách còn bị coi là “làm khó” thêm cho doanh nghiệp, … Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế chưa có tác động rõ ràng trên thực tế. Có ý kiến còn cho rằng, những hành động tái cơ cấu đang diễn ra phần lớn mang nặng tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, chưa bài bản, chưa hệ thống và triệt để, chưa đủ mạnh để tạo sự xoay chuyển căn bản trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia. 

- Cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2012, như suy giảm cầu trong nước và trên thế giới, cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa do hàng nhập khẩu ồ ạt tràn vào, … làm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phục hồi của nền kinh tế không cao. Tính đến tháng 10-2012, tổng số doanh nghiệp đã giải thể hoặc dừng hoạt động trong năm là 41.300 doanh nghiệp, dự báo đến hết năm nay, con số này sẽ vào khoảng 50.000 doanh nghiệp. Phần lớn số doanh nghiệp còn lại ở trong tình trạng khó khăn và tỏ ra không mấy lạc quan vào tương lai. Trên 60% số doanh nghiệp được điều tra cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 sẽ không thay đổi, thậm chí còn xấu hơn.

Đối với người dân, lạm phát tuy giảm mạnh nhưng không ổn định, giá cả hàng thiết yếu và phi lương thực vẫn tăng; trong khi đó, việc làm giảm sút, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, làm gia tăng nguy cơ nới rộng khoảng cách thu nhập bình quân của nước ta với các nước xung quanh.

Ba kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2013

Trong năm 2013, Chính phủ vẫn kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ưu tiên ổn định vĩ mô, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp hợp lý. Giải quyết nợ xấu ngân hàng và thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới vẫn là tiếp tục duy trì và giữ vững thành tích ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012, đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Dựa trên ước tính tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2012, bối cảnh kinh tế nước ta năm 2013, và một số kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của một số tổ chức quốc tế, PGS, TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cùng các nhà nghiên cứu trong nhóm cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào vốn đầu tư và hàng xuất khẩu sang các nước. Nhóm nghiên cứu này đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam:

Kịch bản thứ nhất (tăng trưởng thấp), khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa tìm ra lối thoát; tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chưa được cải thiện; xung đột chính trị, tranh chấp chủ quyền biển đảo trở nên căng thẳng; tăng trưởng kinh tế thế giới, do vậy, sẽ chỉ đạt 2,8%. Khi đó, vốn đầu tư phát triển tăng 5,5%. Mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ vào khoảng 5% so với năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 29%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 12,8% và nhập siêu trên xuất khẩu ở mức 24%.

Kịch bản thứ hai, khủng hoảng nợ công ở châu Âu tìm ra lối thoát, kinh tế Mỹ phục hồi khá, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản tương tự như năm 2012, xung đột chính trị, tranh chấp chủ quyền biển đảo dịu bớt,… tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt mức 3,3%, khi đó vốn đầu tư phát triển tăng 11%. Mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ vào khoảng 5,68% so với năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 30,5%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,6%.

Kịch bản thứ ba (tăng trưởng cao), khủng hoảng nợ công ở châu Âu được giải quyết cơ bản, xung đột chính trị, tranh chấp chủ quyền biển đảo hứa hẹn được giải quyết, kinh tế thế giới khả quan, thương mại thế giới tăng trưởng khá, Chính phủ có chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời hiệu quả,… khi đó tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ vào khoảng 6,34%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 16,3%, nhập siêu trên xuất khẩu ở mức 6,6%.

PGS, TS. Đỗ Văn Thành và nhóm nghiên cứu cho rằng, kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra nhất, đồng thời đưa ra một số hàm ý chính sách để kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,68%. Đó là, thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công.

Thứ hai, có giải pháp khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất, như thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí,… hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tập trung vào đối tượng có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội; thu hút các nguồn vốn trong nước vào sản xuất.

Thứ ba, có giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản nhằm giải quyết nợ xấu, nhất là nợ ngân hàng; lành mạnh hóa thị trường tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp,...

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là chính sách về đất đai, đầu tư,… nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển FDI, định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư,…

Thứ năm, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện nghiêm túc, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhằm giảm thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau./.