Vai trò quản trị toàn cầu trước những thách thức hiện nay

Hoàng Thị Thanh Nhàn
10:21, ngày 01-07-2009

Nhận thức về thách thức toàn cầu

Ba làn sóng toàn cầu hóa về kinh tế diễn ra từ năm 1870 đến nay(1), với những đặc trưng khác nhau, đã mang đến cho nhân loại một thế giới tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn nhưng bên cạnh đó cũng chứa đựng không ít rủi ro, phức tạp, đa dạng và khó đoán định.

K. Ô-ma, tác giả cuốn “Thế giới không biên giới” (1995) đã đưa ra nhận định: thị trường toàn cầu đã được tái định dạng bởi dòng vốn, người tiêu dùng, các công ty xuyên quốc gia và mạng liên lạc viễn thông. Các yếu tố này kết hợp với nhau đã tạo ra tính hiệu quả của nền sản xuất hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Thứ nhất, rủi ro hệ thống tài chính. Tiến sĩ G. Xti-glit, người nhận giải Nô-ben kinh tế năm 2001 cho rằng, hệ thống kinh tế và tài chính có sự ràng buộc chặt chẽ. Các ngân hàng trên toàn thế giới vay mượn lẫn nhau, mua và bán các công cụ tài chính phức tạp. Đây là lý do cắt nghĩa vì sao khi các thực hành quản lý tồi ở một quốc gia sẽ dẫn tới các khoản nợ xấu lại có khả năng lây nhiễm hệ thống toàn cầu. Đầu tư tài chính đã như thỏi nam châm hút mạnh dòng vốn chảy vào, khiến cho ngành tài chính biến thành quả bong bóng lớn. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng thiếu bền vững do lỗi điều hành và cả những hệ lụy từ chủ nghĩa tự do kinh tế thái quá (như điều hành cầm cố và thế chấp bất động sản yếu kém, thiếu độ minh bạch; tính phức tạp của các sản phẩm dịch vụ tài chính; sự bất cẩn của các dịch vụ đánh giá tín nhiệm; các định chế tài chính trong nước còn yếu kém trong quản lý rủi ro; sự mạo hiểm của thị trường cho vay thứ cấp...). Kết quả là quả bong bóng “xì hơi”, gây tâm lý hoảng loạn, dẫn tới sự sụp đổ hệ thống.

Sự di chuyển nhanh và khối lượng lớn của dòng vốn quốc tế đã xuất khẩu vốn và sử dụng vốn theo cách hiệu quả nhất nhưng khi không được quản lý chặt chẽ, mặc nhiên người ta xuất khẩu cả những khoản nợ xấu từ nước này qua nước khác. Đó thực sự là thách thức toàn cầu. Tình trạng rủi ro này được thể hiện qua các cuộc khủng hoàng tài chính dây chuyền, kéo theo sự suy giảm mạnh mẽ của giá trị tài sản và hoạt động kinh tế liên quan. Những biểu hiện cụ thể của khủng hoảng là phương tiện thanh toán bị hao hụt, chu chuyển thị trường bị đứt quãng, những lây lan xuyên thị trường gia tăng mạnh mẽ, các tổ chức tài chính chao đảo dữ dội, thị trường bất ổn hệ thống... Rủi ro hệ thống là nhân tố thường trực của hệ thống tài chính toàn cầu và khi lâm nạn, nó sẽ kéo nền kinh tế vào suy thoái mà hậu quả không thể lường hết. Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua.

Thứ hai, an ninh lương thực. Theo báo cáo nghiên cứu quốc tế, chỉ trong vòng 3 năm 2006 - 2008, giá lương thực thế giới tăng lên 83%. Năm 2007, giá của nhiều loại lương thực tăng đến mức kỷ lục (ngô tăng hơn 50% so với 1 năm trước đó; lúa mì tăng gấp đôi); dự trữ lương thực toàn cầu tụt xuống mức thấp nhất. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2008, giá danh nghĩa của các mặt hàng lương thực thiết yếu tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Tất cả cho thấy dấu hiệu thời kỳ giá lương thực giảm và thấp đang dần kết thúc. Bên cạnh đó, cung lương thực không đủ, giá lại tăng cao, khiến cho việc tiếp cận lương thực của nhiều nước nghèo gặp nhiều trở ngại.

An ninh lương thực được coi là ngưỡng mà ở đó tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được lương thực đủ dinh dưỡng và an toàn trên phương diện kinh tế cũng như trong đời sống hằng ngày. Theo ngưỡng này, cuộc khủng hoảng lương thực lan sang nhiều quốc gia đang phát triển khiến cho 73 triệu người ở 78 nước phụ thuộc vào chương trình cứu trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), 36 nước đang đối mặt với khủng hoảng lương thực do thu nhập thấp hơn so với giá nông sản, do thiên tai, chính sách nông nghiệp yếu kém...

Có 5 yếu tố chủ yếu khiến cho cung cầu lương thực không cân bằng, an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa, đó là: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; số lượng cũng như chất lượng nguồn nước bị suy giảm; dân số gia tăng và nhu cầu sử dụng lương thực theo cách lạm dụng tăng mạnh (chế biến ethanol, chăn nuôi gia súc lấy thịt...); chiến tranh xuyên biên giới, nội chiến và những biến động chính trị bất lợi cho sản xuất lương thực; diện tích trồng trọt lương thực bị thu hẹp, năng suất lương thực không được chú trọng đầy đủ.

Có một điểm đặc biệt là an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của các nước nghèo như muôn thuở mà đã xuất hiện ở ngay cả các nước giàu khi lương thực đã trở thành nguyên liệu chế biến nhiên liệu sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch và là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành, như ngành chăn nuôi, sản xuất đồ uống...

Thứ ba, vấn đề an ninh năng lượng. Năng lượng là yếu tố đầu vào then chốt của kinh tế toàn cầu. An ninh năng lượng được tiếp cận theo nghĩa bảo đảm đầy đủ cung ứng năng lượng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được giá cả hợp lý khi gặp biến động của khủng hoảng kinh tế. Theo cách tiếp cận này, an ninh năng lượng hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trong khi chưa có bất cứ nhiên liệu nào có thể thay thế được dầu lửa thì sự nổi lên của các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc hay ấn Độ đang đặt áp lực rất lớn lên nguồn cung năng lượng toàn cầu, kéo theo giá cả nhiên liệu khó có thể giảm mà chỉ có thể tăng lên trong tương lai. Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, trong vòng 2 thập kỷ tới, cầu năng lượng dưới tất cả các dạng (dầu lửa, than đá, khí đốt, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện) sẽ tăng khoảng 65%, trong khi cung không thể đủ đáp ứng.

Thứ tư, biến đổi khí hậu toàn cầu và an ninh môi trường. Tình trạng nóng lên của trái đất và mực nước biển dâng - biểu hiện chính của biến đổi khí hậu toàn cầu - khiến thiên tai xảy ra với tần suất nhiều hơn, diễn biến phức tạp và mức độ tàn phá nặng nề hơn. Theo dự đoán của Tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu, cứ 1oC ấm lên trên toàn cầu sẽ khiến ngành nông nghiệp giảm sút 10% sản lượng. Biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều ngành kinh tế khác. Đây là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa, sự thiếu nhận thức về tăng trưởng bền vững, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ năm, tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu. Toàn cầu hóa kinh tế đã làm chuyển đổi hoạt động kinh doanh cũng như quản trị công. Thuê nguồn lực bên ngoài (Outsourcing) đang trở thành tâm điểm động lực của sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu và được thực hiện thông qua phân bổ nguồn lực vốn khan hiếm sang các địa dư và hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất. Chuỗi cung ứng toàn cầu được hiểu như những móc xích trong cả dây chuyền sản xuất hàng hóa và những chuỗi cung ứng tốt cần hội tụ đủ 3 yếu tố bắt đầu bằng chữ “A”: Agile - nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với thay đổi cung cầu; Adapt - thích nghi theo thời gian và thay đổi chiến lược; Align - phù hợp với lợi ích công ty trong mạng lưới cung ứng nhằm tối ưu hóa hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, hiện nay quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng. Khi hầu hết các công ty và các chính phủ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thì chỉ cần một hoặc một vài điểm bị xáo trộn, gây tắc nghẽn, tất yếu cả chuỗi bị tổn thương. Những xáo trộn trong gần 2 năm qua từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra là bài học đắt giá không chỉ đối với những nhà quản trị chuỗi cung ứng mà còn với nhiều chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Hành động quản trị toàn cầu

Đối phó với rủi ro tài chính. Đã có nhiều cuộc thảo luận nhằm xây dựng thiết chế tài chính mở, theo đó quyền quyết định những vấn đề tài chính toàn cầu không tập trung vào một vài nước đầu tàu mà được chia sẻ với nhiều nước. Thời đại quyền lực mở có thể bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng này. Các quốc gia đóng vai trò quan trọng trên “bàn cờ” kinh tế thế giới đã đi đến nhất trí tập trung mọi biện pháp nhằm khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu; hoàn thiện vai trò điều tiết của các thể chế tài chính quốc tế, trước hết là WB và IMF; phối hợp chính sách tài chính tiền tệ trên cấp độ quốc tế; khuyến khích tự do hóa thương mại, chống lại chế độ bảo hộ cục bộ đồng thời củng cố quản trị công, đề cao chức năng giám sát rủi ro hệ thống trong quản trị toàn cầu, ngăn chặn và phát hiện sớm những khuyết tật của thị trường tài chính mở.

Có thể nói, định hướng bảo đảm công bằng cho các thành viên trong các tổ chức tài chính quốc tế là yếu tố then chốt. Thế giới cần xây dựng một hệ thống ngăn ngừa rủi ro bột phát, đặc biệt những rủi ro chu kỳ của nền kinh tế thị trường toàn cầu. Hệ thống này dựa trên cơ sở dữ liệu đã được giám sát nghiêm ngặt, tránh hoạt động đầu cơ hoặc thổi bong bóng vào hoạt động tài chính không có thực, phối hợp chính sách tài chính liên chính phủ nhằm bảo đảm an ninh kinh tế.

Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Nghị định thư Ki-ô-tô là biểu hiện tập trung của nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia cũng như khó khăn trong cấu trúc lại nền kinh tế, nhiều nước chưa sẵn sàng tham gia cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Quản trị toàn cầu với thể chế mới cần phải tính đến vấn đề này một cách toàn diện và ráo riết hơn. Hiện nay, Mỹ đang đẩy mạnh chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và tăng cường tái chế. Hàn Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về sử dụng nguyên liệu giấy tái chế cho ngành công nghiệp giấy và in (chiếm khoảng 50%). Bảo vệ diện tích rừng thông qua giảm khai thác gỗ làm nguyên liệu giấy và chất đốt đang là một chủ đề trong quản trị quốc gia theo hướng tăng trưởng bền vững.

Đối phó với sự bất ổn về năng lượng và rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong điều kiện cung cầu năng lượng còn bất cập, thậm chí tình trạng thiếu năng lượng có thể còn kéo dài đến năm 2030, việc toàn thế giới phải đối phó với vấn đề này là chủ đề nóng trong quản trị toàn cầu. Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn cung dầu lửa mới, việc tìm giải pháp phát triển năng lượng mới và tái tạo, năng lượng thay thế, năng lượng sạch, bảo tồn năng lượng truyền thống cần đạt tới ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng dân cư... Quản trị toàn cầu khó có thể huy động khối lượng tiền lớn (700 tỉ USD cho đến năm 2030) để đầu tư mới các cơ sở cung ứng năng lượng, vì thế, đề cao vai trò của tiết kiệm triệt để năng lượng, đồng thời bảo tồn các nguồn năng lượng hiện có là một trong những đòi hỏi cấp bách. Nhu cầu về quản trị toàn cầu đối với an ninh năng lượng đang đặt ra nhiều vấn đề phối hợp hành động không chỉ liên chính phủ mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các tổ chức dân sự toàn cầu.

Đối phó với rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với quản trị toàn cầu. Các công ty xuyên quốc gia, công ty địa phương, các chính phủ, công đoàn, hiệp hội sản xuất cần nhìn nhận vấn đề này theo góc độ của mình để bảo đảm cho hoạt động cung ứng thông suốt vì lợi ích chung của chuỗi toàn cầu.

Quản trị toàn cầu nhìn từ góc độ Việt Nam

Từ góc độ quốc gia, Việt Nam cũng phải đối phó với nhiều thách thức, bài viết chỉ đề cập tới hai vấn đề chủ yếu sau:

Về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sống. Những trận bão lớn, lũ lụt bất thường, nước biển dâng cao, triều cường, mặn hóa đất nông nghiệp, tình trạng ô nhiễm nước sông hồ, đất đai cạn kiệt màu mỡ... đã gây nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng. Chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn giữa tăng trưởng và bảo đảm môi trường bền vững. Căn nguyên của tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Hiện nay, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, chưa có chương trình thống nhất hành động và việc kiểm soát ô nhiễm môi trường còn rất nhiều yếu kém. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB), Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan sẽ chịu tác động mạnh bởi tình trạng thời tiết khô hạn trong vòng 2 - 3 thập kỷ tới; thêm vào đó, nguy cơ nước biển dâng cao có thể nhấn chìm hàng chục vạn héc-ta đất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo của Việt Nam - ngành xuất khẩu chủ lực hiện nay - có thể bị giảm mạnh.

Về bảo đảm an ninh năng lượng. Đây hiện là thách thức lớn đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Hiện tại, chúng ta chưa có chiến lược an ninh năng lượng tổng thể và dài hạn. Đó là điểm hạn chế rất lớn và càng chậm khắc phục càng khó tháo gỡ, khó tránh được tình trạng bất cập cung cầu năng lượng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta không chỉ suy nghĩ đến chiến lược cung ứng năng lượng cho nền kinh tế nội địa mà còn cần tính đến góp phần an ninh năng lượng trong khu vực khi nhu cầu hội nhập kinh tế Đông Á đang hình thành nhanh chóng. Vấn đề này cần có sự quan tâm tích cực hơn nữa của Chính phủ và có chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào sản xuất năng lượng; khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn./.
 
-------------------------------------------------- 

(1) Làn sóng thứ I (1870 - 1914) với đặc trưng là sự di chuyển mạnh mẽ lao động từ châu Âu sang các miền đất chưa được khai phá ở Mỹ La-tinh, châu á; làn sóng thứ II (1945 - 1980) với sự phát triển vận tải hàng không, cước vận tải biển hạ thấp và mạng điện thoại quốc tế mở rộng, dòng vốn di chuyển nhanh hơn và rộng hơn đã tạo ra nhóm công ty chuyên chế tạo cùng chủng loại sản phẩm và kết nối với nhau theo chiều dọc trên thế giới; làn sóng thứ III (từ 1980 đến nay) được đặc trưng bởi sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và liên lạc viễn thông. Dựa trên nền tảng quan trọng này, các nền kinh tế đã kết nối tạo thành thế giới liên thông khổng lồ, theo đó, lợi ích cũng như rủi ro luôn song hành