Ngày 17-8, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và các cực trị khí hậu ở Việt Nam" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; tiến sĩ Rajendra K. Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Liên hợp quốc, cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, các loại thiên tai ở Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp, khôn lường. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, cập nhật, chi tiết hóa và công bố các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các năm 2009 và 2012.
Các kịch bản này được xây dựng trên cơ sở các phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và các kết quả do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố. Đây là thông tin quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong quá trình xây dựng, thẩm định và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Những thông tin về cực trị khí hậu, thiên tai cùng với các kịch bản đã được xây dựng, công bố sẽ giúp Việt Nam chủ động thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao việc tổ chức hội thảo công bố báo cáo đặc biệt của Ủy Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu về “Quản lý rủi ro các cực trị và thiên tai nhằm đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở báo cáo đặc biệt này, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học quốc tế cụ thể hóa báo cáo về cực trị khí hậu và thiên tai cho Việt Nam để phục vụ tốt cho việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia, vùng và các địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tiến sĩ Rajendra K. Pachauri cho biết: Những vùng hạ lưu và đô thị lớn có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất về sự biến đổi khí hậu lụt bão, thiên tai. Chúng ta cần hợp tác và phối kết hợp chặt chẽ từ cấp chính phủ đến mọi người dân, để cảnh báo sớm và cần có nơi trú ẩn cho người dân; chuẩn bị phương án, phương tiện để đối phó với mọi tình huống khi xảy ra thiên tai...

Trọng tâm của Hội thảo là nội dung báo cáo đặc biệt của IPCC “Quản lý rủi ro các cực trị và thiên tai nhằm đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu”, với các thảo luận bàn tròn gồm: Chiến lược của Việt Nam về biến đổi khí hậu trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam; giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển nông thôn trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam; nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu của các ngành và phát triển đô thị trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam./.