Xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn Ấn Độ
Từ năm 1991, Ấn Độ đã mở cửa thị trường, cải cách kinh tế và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay, nghèo đói vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm chậm bước tiến của đất nước này trong nhiều lĩnh vực.
Thực trạng không sáng sủa
Biểu hiện dễ thấy nhất của nghèo đói tại Ấn Độ là thu nhập quốc dân chỉ mới đạt 820 USD/người trong năm 2006 và tính theo sức mua tương đương (PPP) mới đạt 3.800 USD/người. 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó chỉ có 56% hộ được sử dụng điện, 52% số hộ không có nhà vệ sinh, 85% số hộ được dùng nước sạch, 61% dân số biết chữ. Chỉ số về giáo dục của Ấn Độ là 0,61, trong khi đó, chỉ số này ở Dim-ba-bu-ê là 0,77, Trung Quốc là 0,84. Về chỉ số phát triển con người (HDI), Ấn Độ đứng thứ 126/177 nước. 47% trẻ em dưới 5 tuổi ở đây bị thiếu cân (Trung Quốc chỉ có 8%, Dim-ba-bu-ê là 13%). Chênh lệch thu nhập cũng là vấn đề lớn: 39% dân số nông thôn chỉ sở hữu 5% số tài sản, trong khi đó, 8% những người giàu có chiếm tới 46% số tài sản cả nước. Những người nghèo nhất ở nông thôn Ấn Độ chỉ chi tiêu 0,2 USD/ngày. Chỉ số đói toàn cầu (GHI) của Ấn Độ đứng thứ 96/119 nước, trong khi đó, Nê-pan đứng thứ 92, Pa-ki-xtan ở vị trí thứ 88. 80% dân số sống dưới 2 USD/người/ngày. Nghèo đói dẫn tới 15 triệu trẻ em Ấn Độ phải lao động kiếm sống - là mức cao nhất thế giới(1).
Nghèo đói dẫn đến chết đói, tự tử… đã diễn ra ở nhiều nơi tại Ấn Độ: Trong ngành chè, có ít nhất 700 công nhân chết đói trong năm 2006. Do nợ nần và sản xuất sa sút, từ năm 2001 đến năm 2005 đã có 86.922 nông dân tự tử, trong đó, riêng năm 2005, tình trạng này chiếm tỷ lệ 18,2/10.000 nông dân(2); năm 2006 và 2007, 16 trang trại tại bang Oét-xtơ Ben-gan (West Bengal) đóng cửa.
Trong 4 năm vừa qua, GDP Ấn Độ tăng 8,6%, nhưng sự tăng trưởng đó chưa đến với hàng triệu người nghèo, mà chỉ đem lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu, chỉ chiếm 15% dân số. Điều đó cho thấy, Ấn Độ cần một cuộc cách mạng mới để giảm đói nghèo ở nông thôn.
Căn nguyên của đói nghèo
Một điều quan trọng là khi nông nghiệp gặp khó khăn thì đời sống nông dân cũng sẽ khó khăn. Do vậy, nguyên nhân làm cho nông nghiệp chậm phát triển cũng chính là nguyên nhân làm cho nông thôn nghèo đói.
- Trước hết phải thừa nhận rằng, Ấn Độ đã có nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng các chương trình này không sát thực tế, quá trình thực hiện chưa tốt, thiếu sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức... Mặt khác, tình trạng quan liêu, tham nhũng, thiếu sự tham gia đầy đủ của người dân… đã làm cho các chương trình trên kém hiệu quả, thậm chí thất bại. Trong khi đó, đầu tư phát triển nhân lực chưa thỏa đáng. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế cao, nhưng tác động đến cuộc sống của đa số người dân còn thấp.
- Tiếp theo là vấn đề dân số quá đông. Tỷ lệ sinh thô của Ấn Độ hiện nay là 2,4% (Trung Quốc là 1,2%). Năm 1950, Ấn Độ có hơn 357 triệu người, với mật độ 109 người/km2. Năm 2000 là 1,007 tỉ người, với mật độ 478 người/km2 (trung bình của thế giới là 39 người/km2). Dân số đông dẫn đến thiếu việc làm và số lượng nông dân ra thành phố tìm việc làm ngày càng tăng, khiến đời sống thêm khó khăn. Đồng thời, sự tồn tại của một xã hội truyền thống với những thói quen, tập tục lạc hậu, mê tín, thậm chí trái pháp luật... đã cản trở sự phát triển kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khổ.
- Chính sách của Chính phủ còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay, giá cả nông sản tại Ấn Độ đang thấp hơn thế giới, nhưng do áp đặt cô-ta xuất khẩu, nên nông dân chưa thể khai thác được lợi thế này. Họ chỉ được hưởng từ 24% đến 58% giá bán cuối cùng nên đời sống vốn đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn.
- Một khó khăn khác là nông dân Ấn Độ rất thiếu đất canh tác: 41,5% nông hộ không có đất. Tại Ben-gan(3), 76,4% chủ đất chỉ có 1 ha; 16,8% có từ 1 đến 2 ha. Tháng 10-2007, hàng nghìn nông dân đã biểu tình vì không có đất canh tác. Ấn Độ chiếm 16,7% dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm 2,42% diện tích đất đai của thế giới. Thêm vào đó, 1/3 số nông hộ không có gia súc để cung cấp sức kéo, phân bón, sữa(4).
- Kết cấu hạ tầng nghèo nàn đã hạn chế sự tăng trưởng trong nông nghiệp của Ấn Độ. Do thiếu cơ sở vật chất nên tổn thất sau thu hoạch rau quả của Ấn Độ đã lên tới 3 tỉ USD/năm. Ấn Độ có thể vượt Bra-xin, trở thành nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, nhưng do thiếu kho dự trữ, thiếu phương tiện vận chuyển, nên phải xuất khẩu với giá thấp. Ấn Độ sản xuất 11% rau và 15% quả của thế giới, nhưng chỉ chiếm 1,7% và 0,5% xuất khẩu của thế giới, cũng do thiếu kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu, chi phí vận chuyển còn cao.
- Ngoài ra, nông nghiệp Ấn Độ gặp khó khăn là do giá cả phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc, thủy lợi còn cao. Tại đây, chỉ 30% nông hộ có đủ nước tưới. Do không đủ phân bón và thuốc trừ sâu, nông nghiệp Ấn Độ bị thất thu khoảng 31 tỉ USD trong năm 2007. Theo kết quả nghiên cứu, Trung Quốc sử dụng phân bón gấp 2,56 lần Ấn Độ (275 kg/ha so với 104 kg/ha), do vậy, năng suất của Trung Quốc cũng gấp đôi Ấn Độ. Năm 2006 - 2007, Ấn Độ phải nhập khẩu đến 1,25 tỉ USD phân bón. Đồng thời, việc áp dụng các công nghệ mới vào nông nghiệp còn chậm. Lao động nông nghiệp Ấn Độ phần lớn không có kỹ năng: 18,2% nữ và 31,9% nam là lao động giản đơn. Nông dân cũng rất thiếu vốn: hơn 70% nông dân không có quan hệ với ngân hàng.
Tình hình trên đã làm cho Ấn Độ dù là nước nông nghiệp, nhưng phải nhập khẩu khá nhiều lương thực. Chỉ tính trong 2 năm 2006 và 2007, Ấn Độ đã nhập khẩu 6,7 triệu tấn lúa mì. Dự kiến, đến năm 2009, Ấn Độ sẽ thiếu 20 triệu tấn lương thực. Về dầu ăn, năm 2007 Ấn Độ nhập khẩu 3 tỉ USD, tăng 26%, chiếm 11,2% lượng nhập khẩu của thế giới.
Tất cả những yếu tố trên đã làm cho sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ gặp trở ngại, khó khăn và rồi dẫn đến đời sống nông dân bị thiếu thốn.
Giải pháp xóa đói, giảm nghèo
Một trong những trọng tâm để Ấn Độ có mức tăng trưởng từ 9 đến 10% trong kế hoạch XI là phải cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Ấn Độ sẽ tăng vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn từ 3 tỉ USD năm 2007 lên 3,5 tỉ USD năm 2008. Bộ Tài chính cũng tăng tín dụng phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp từ 56,25 tỉ USD năm 2007-2008 lên 62,5 tỉ USD năm 2008-2009. Ngân hàng phát triển nông nghiệp Ấn Độ sẽ cung cấp 6,7 triệu USD cho quỹ phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn(7). Cũng về cơ sở hạ tầng, để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, Ấn Độ đang thúc đẩy thành lập 31 đặc khu nông nghiệp, 12 khu xuất khẩu nông sản (AEZ), một trung tâm trưng bày nông sản với chi phí hơn 5 tỉ USD và 30 công viên lương thực lớn (chi phí khoảng 4 tỉ USD). Các khu này sẽ tăng cường quản lý sau thu hoạch, cất trữ, kết nối sản xuất với các sân bay, bến cảng... để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Về thủy lợi, Ấn Độ đang có kế hoạch liên kết 14 sông lớn ở vùng Hi-ma-lay-a với 17 sông ở phía Nam, để phân bổ lại khoảng 173 tỉ m3 khối nước/năm, từ đó, đưa sản lượng lương thực của Ấn Độ từ hơn 200 triệu tấn hiện nay lên 450 triệu tấn vào năm 2050. Kết quả này sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, Chính phủ đã chi 3,3 tỉ USD cho 300 dự án, chương trình chống lũ lụt ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về năng lượng, Ấn Độ thực hiện ưu tiên điện khí hoá nông thôn và đang xây dựng hệ thống năng lượng cho khu vực này. Trọng tâm là khai thác năng lượng tái sinh như khí sinh học, năng lượng mặt trời, gió, thuỷ điện nhỏ, để trong 5 năm tới sẽ cung cấp điện cho 75 triệu nông hộ.
Ấn Độ cũng đã tăng chi cho xóa đói giảm nghèo và coi đây là mục tiêu quan trọng, là chương trình lớn trong các kế hoạch dài hạn. Ngày 15-8-1995, Ấn Độ đã đưa ra Kế hoạch quốc gia về hỗ trợ xã hội cho những người sống dưới mức nghèo khổ: những người nghèo trên 65 tuổi sẽ được trợ cấp 2 USD/tháng; hỗ trợ từ 130 đến 250 USD cho những gia đình nghèo có người chết; hỗ trợ 10 USD cho những phụ nữ trên 19 tuổi trong 2 lần sinh đầu. Từ năm 1999, Ấn Độ đã thực hiện hỗ trợ 10 kg lương thực cho những người già không có lương hưu. Gần đây, chương trình này đã mở rộng cho cả những người có lương hưu. Ngày 25-9-2001, Ấn Độ đưa ra chương trình bảo đảm lương thực và việc làm cho nông thôn, chương trình nhà ở, chương trình bảo đảm lợi ích người lao động trong khu vực nông nghiệp… Năm 2006, Chính phủ đã đầu tư 800 triệu USD vào những vùng lạc hậu; năm 2007, lập quỹ 700 triệu USD giúp những vùng nông thôn lạc hậu.
Trong kế hoạch lần thứ XI, Ấn Độ sẽ đưa ra chương trình đặc biệt để phát triển kinh tế cho 75 nhóm lạc hậu đang sống trong những điều kiện hết sức nghèo nàn. Cũng trong kế hoạch lần này, Ấn Độ sẽ chi 1 tỉ USD để xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em.
Tăng trợ cấp sản xuất nông nghiệp cũng là một biện pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ X, Ấn Độ đã hỗ trợ sản xuất nông nghiệp là 18 tỉ USD và kế hoạch lần thứ XI là 27 tỉ USD. Trợ cấp trong từng ngành là rất cụ thể: tháng 3-2007, trợ cấp vận chuyển đường là 37USD/tấn; Ngành chè được trợ cấp 22 triệu USD; Mỗi ha chuối được trợ cấp 700 USD để tăng cường sản xuất và xuất khẩu.
Chính phủ đã chi 11 tỉ USD để trợ giá phân bón trong năm 2007-2008 và năm 2008-2009 sẽ là 16 tỉ USD. Mỗi hộ nông dân sẽ được trợ cấp 150 USD tiền điện. Bảo hiểm nông nghiệp sẽ tăng từ 16% lên 80-90% số nông hộ. Năm 2008, Chính phủ sẽ xóa nợ cho nông dân 15 tỉ USD, giảm thuế cho những hộ có diện tích dưới 3 ha. Khoảng 30 triệu nông dân đang mắc nợ sẽ được lợi từ kế hoạch này(8).
Tạo việc làm là một trong những biện pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo. Chính vì thế, chương trình việc làm luôn luôn là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch của Chính phủ. Tháng 8-2005, Ấn Độ thông qua Luật Bảo đảm việc làm cho nông dân - một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất được ban hành từ khi Ấn Độ giành được độc lập. Luật này sẽ bảo đảm về pháp lý để mỗi nông dân có đủ 100 ngày có việc làm/năm, với mức lương 1,5 USD/ngày. Nếu không có việc làm, nông dân sẽ nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp. Giai đoạn đầu, chương trình này sẽ áp dụng trong 200 huyện; 4 năm tiếp theo sẽ mở rộng ra toàn Ấn Độ. Theo nhiều đánh giá, chương trình này được coi là có nhiều kì vọng nhất trên thế giới để xóa đói giảm nghèo. Triển khai Luật trên, năm 2005-2006 Ấn Độ đã chi 3 tỉ USD, năm 2006-2007 là 2,7 tỉ USD và năm 2007-2008 là 2,8 tỉ USD cho chương trình việc làm nông thôn. Gần đây, Ấn Độ đã mở rộng Luật trên, tăng chi tiêu để trong 7 năm tới tạo thêm 50 triệu việc làm(9).
Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Ấn Độ đã nhận được sự giúp đỡ hết sức tích cực của quốc tế. Ngân hàng thế giới (WB) đã cho Ấn Độ vay nhiều nhất, với 3,75 tỉ USD, bằng 15% tổng mức cho vay của WB trong năm 2007. Trong lượng vốn trên, một phần quan trọng đã được đưa vào nông nghiệp, nông thôn, vừa giúp Ấn Độ phát triển các lĩnh vực nói chung, vừa tăng cường công cuộc xóa đói giảm nghèo tại nông thôn. WB đã cấp 225 triệu USD để xóa đói giảm nghèo tại bang Mát-hi-a (Madhya). WB cũng giúp 463 triệu USD cho bang Bi-ha - bang nghèo nhất Ấn Độ, với 44% dân số nghèo khổ. Năm 2007, WB đã cho Ấn Độ vay thêm 600 triệu USD để trợ giúp các trang trại, 944 triệu USD để tăng cường hệ thống tài chính nông thôn, thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và các dự án quản lý nguồn nước(10). Cùng với WB, không kể các khoản vốn đã cấp, từ 2007-2010 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ cho các bang nghèo nhất của Ấn Độ vay 2,1 tỉ và sẽ đầu tư thêm 9,2 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng, nhất là cho những bang nghèo như Bi-ha (Bihar), Giắc-hen (Jharkhand). Thủ tướng Anh, trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 1-2008 đã tuyên bố viện trợ phát triển 1,6 tỉ USD cho những bang nghèo nhất của Ấn Độ.
Những thành tựu cơ bản
Nhờ những cố gắng trên, nghèo đói ở Ấn Độ đã giảm nhiều. Các chỉ số xã hội như thu nhập, giáo dục, y tế, giao thông, điện, nước uống… ở hầu hết những vùng nông thôn nghèo đã được cải thiện đáng kể từ năm 1991. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn đã giảm từ 45,76% trong năm 1983 xuống 37,26% trong năm 1994 và 29,18% trong năm 2005. Số lượng người nghèo tương ứng với các thời điểm trên là 252,05 triệu; 247,8 triệu và 232,16 triệu. Đa số nông dân đã có đủ lương thực, với tỷ lệ đủ ăn tăng từ 94,5% (năm 1994-1995) lên 97,1% (năm 2004-2005).
Những thành tựu nông nghiệp đã giúp Chính phủ cung cấp lương thực cho những người nghèo nhất. Phân phối lương thực đã tăng từ 10 kg, lên 20 kg và đến tháng 7-2001 là 25 kg/gia đình/tháng. Chính phủ cũng đã bỏ ra hàng triệu tấn lương thực để cứu trợ những vùng bị thiên tai. Việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đã giải quyết nhiều việc làm cho nông dân, qua đó, giúp họ cải thiện, ổn định đời sống.
Một trong những thành tựu đáng kể của công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ là đã thực hiện bữa ăn trưa miễn phí cho 120 triệu trẻ em, chủ yếu ở nông thôn. Chính phủ sẽ chi thêm 10,7 tỉ USD cho kế hoạch này. Về chương trình hỗ trợ xã hội, lương hưu cho người nghèo trên 65 tuổi sẽ tăng từ 1,5USD/tháng lên 4,5 USD/tháng. Sau 17 năm cải cách, mức tiêu dùng ở nông thôn Ấn Độ đã tăng lên. Số hộ dùng ga tăng gấp 6 lần. Chi tiêu cho giáo dục từ năm 1999-2000 đến năm 2004-2005 tăng từ 29% lên 44%(11).
(1) Báo The Financial Express, ngày 22-10-2007
Giá dầu đi-ê-zen giảm 450 đồng/lít  (16/09/2008)
Thế giới ứng phó với khủng hoảng tài chính ở Mỹ  (16/09/2008)
Thế giới ứng phó với khủng hoảng tài chính ở Mỹ  (16/09/2008)
Vốn FDI vào trung Trung bộ liên tục tăng  (16/09/2008)
500 giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài  (16/09/2008)
UIP cam kết thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha  (16/09/2008)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên