Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hội nhập quốc tế
16:31, ngày 09-03-2012
TCCSĐT - Vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đã được khẳng định ở nhiều nước trên thế giới với ý nghĩa là động lực hay là khu vực tạo sức bật cho nền kinh tế bởi tính hiệu quả cũng như khả năng thích ứng rất cao của nó.
1- Kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển đất nước
Ở Việt Nam trước đây trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, kinh tế tư nhân hầu như không có chỗ đứng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp (năm 2005), thì từ chỗ chỉ có 4.086 doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1992), đến tháng 7 - 2011 tổng số doanh nghiệp tư nhân đăng ký ở nước ta đã lên tới con số hơn 500.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thành lập mới trong giai đoạn 2000 - 2010 tăng trung bình khoảng 22%/năm. Với sự phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam vào cuối tháng 11-2010, giáo sư Michael Porter (Mỹ) khẳng định: "Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu trong phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải nhìn nhận nó như là một tài sản cực kỳ quan trọng. Và, nếu không dẫn đầu thì tối thiểu khu vực tư nhân cũng phải là người tham gia cực sâu trong quá trình phát triển kinh tế”. |
Các doanh nghiệp tư nhân còn góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho nhà nước nhờ chi phí tạo một việc làm mới rẻ hơn so với chi phí như vậy trong doanh nghiệp nhà nước (theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ hết 224 triệu đồng so với 436,5 triệu đồng).
Với ý nghĩa như vậy các doanh nghiệp tư nhân rất cần được khuyến khích phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta vào nền kinh tế thế giới.
2- Đánh giá năng lực cạnh tranh hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
2- Đánh giá năng lực cạnh tranh hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Tuy nhiên, khi đánh giá về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tuy ngày càng phát triển về số lượng, có quy mô ngày càng tăng, nhưng điều đó chưa nói lên được chất lượng phát triển của họ. Bởi vì, nhìn chung năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt còn yếu, chưa thể “ngang ngửa” với các đối tác nước ngoài ngay trên thị trường nội địa, chứ chưa nói trên thị trường quốc tế. Sự yếu kém về năng lực cạnh tranh thể hiện ở khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng với mức giá hợp lý, cũng như những yếu tố khác, như quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối... còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, sau những cơn sóng gió của khủng khoảng kinh tế, chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân còn có thể đứng vững trên thị trường và làm ăn có lãi, còn phần nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm cự.
Một thực tế khác là, tỉ suất lợi nhuận của khối doanh nghiệp tư nhân có xu hướng ngày càng giảm sút gây bất lợi cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Theo Báo cáo năm 2011 của VNR500, tỷ suất lợi nhuận của khối doanh nghiệp tư nhân trong nhóm 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam liên tục giảm. Điều đó được thể hiện ở 2 chỉ số ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản) giảm từ 3,1% (năm 2007) xuống còn 2,4% (năm 2011) và ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) giảm từ 34,9% (năm 2007) xuống còn 16% (năm 2011).
Ngoài ra, có rất ít các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, như: trong vận tải, bến bãi, thông tin, liên lạc chỉ khoảng 6%, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo khoảng 0,5%, y tế 0,2%, văn hóa - thể thao 0,4%, còn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ chỉ có chưa đầy 0,1%, cho thấy năng lực của các doanh nghiệp tư nhân còn rất yếu kém nếu nhìn từ góc độ xây dựng nền kinh tế tri thức và chủ động hội nhập quốc tế.
Lý giải vì sao các doanh nghiệp tư nhân trải qua hơn 10 năm (kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực) mà vẫn chưa “lớn”, chưa vững vàng có nhiều, song có thể kể ra một số nguyên nhân chính như sau:
- Trước hết, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay thời gian chưa phải là dài để có thể có một lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, đó là sự tất yếu khách quan.
- Thứ hai, là nguyên nhân thuộc về chủ quan do trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện. Trong đó, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhận thức của xã hội về vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế, vì vậy vẫn còn rất nhiều tâm lý e ngại chưa thật tin tưởng vào các doanh nghiệp này. Điều đó dẫn đến việc chưa có những chính sách thực sự tạo thuận lợi về môi trường pháp lý, cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân yên tâm làm ăn phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp rất nhiều sức ép trong việc tiếp cận vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất... do luôn vấp phải nhiều yêu cầu thủ tục phức tạp, phải thuê chỗ làm cơ sở sản xuất với giá cao. Họ cũng hầu như không được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ.
- Thứ ba, chủ trương của Nhà nước thời gian qua vẫn là tập trung nguồn lực cho một số ngành công nghiệp, hướng những ưu tiên, ưu đãi vào các các tập đoàn kinh tế với kỳ vọng đây sẽ trở thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế, hoặc dành những ưu đãi “bằng mọi giá” để thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, nguồn lực xã hội vốn đã ít ỏi lại bị “hút” vào những doanh nghiệp này, nên không còn để nuôi dưỡng những doanh nghiệp tư nhân.
Theo kết quả điều tra năm 2010 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 89% doanh nghiệp nhà nước có địa điểm kinh doanh ổn định, trong khi 51% doanh nghiệp tư nhân phải sử dụng nhà của mình làm nơi sản xuất, kinh doanh, chỉ có 2% doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được các khu - cụm công nghiệp. |
- Thứ năm, bản thân doanh nghiệp tư nhân bao gồm những người xuất thân từ nhiều tầng lớp lao động xã hội khác nhau, nhiều người chưa được đào tạo kinh doanh bài bản, chưa tích lũy được nhiều vốn, chưa chú trọng nâng cao kiến thức quản lý, kinh doanh, dễ thỏa mãn với những điều đạt được, thiếu hiểu biết và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, còn có tâm lý dựa dẫm ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do đó, không tạo được sức bật trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp để phát triển lâu dài.
- Thứ sáu, do xuất phát điểm kinh tế của nước ta thấp, các doanh nghiệp tư nhân có nguồn vốn ít bởi chủ yếu huy động từ những người thân trong gia đình, trong khi lợi nhuận không nhiều, nên năng lực tích lũy để đổi mới công nghệ rất chậm. Thực tế, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân thấp hơn nhiều so với yêu cầu và so với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới, đã làm hạn chế lớn tới khả năng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp.
- Thứ bảy, hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức nhằm cung cấp thông tin kinh tế, thị trường, hiểu biết về pháp luật, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ... ở nước ta còn yếu kém, nên không hỗ trợ được đáng kể cho các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, các doanh nghiệp này (nhất là những hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ) thường phải tự “bươn chải”, làm ăn theo kiểu tin tưởng giữa những người thân với nhau, do đó, họ dễ bị gặp rủi ro dẫn đến phá sản khi một mắt xích trong chuỗi làm ăn bị đổ vỡ.
Riêng trong năm 2011, giá đất của Nhà nước tăng lên ở hàng loạt các địa phương kể cả Hà Nội, với mức tăng khá cao tới 30% - 50%. Chính quyền địa phương tăng giá đất như vậy không ảnh hưởng bao nhiêu tới lợi ích của giới đầu cơ, giới kinh doanh địa ốc, song ảnh hưởng rất lớn tới những doanh nghiệp phải thuê lại đất vì đất đai là một nhân tố lớn đóng góp vào mức tăng chi phí của doanh nghiệp dẫn tới tỉ suất lợi nhuận giảm. |
3- Làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và phát triển khu vực kinh tế tư nhân là xu hướng tất yếu, thì việc phải hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp ở khu vực này nâng cao sức cạnh tranh là một điều cần thiết và cấp bách. Quan điểm này cũng đã được xác định rất rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tại Đại hội XI của Đảng: Hoàn thiện thể chế để tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại doanh nghiệp... Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Cụ thể, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, thiết nghĩ cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, trong chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, rất cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước vì như trên đã đề cập, việc này sẽ góp phần phân bổ nguồn lực xã hội hợp lý và công bằng hơn cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân có khả năng phát triển và đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế.
Hai là, cần cải cách mạnh mẽ về thể chế, tạo lập được môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Để thực hiện được điều này, nên nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, làm cho sớm có hiệu lực những quy định vẫn còn chưa rõ ràng, chồng chéo, thiếu bình đẳng, gây trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân. Xóa bỏ cơ chế “xin - cho” luôn làm tăng nhiều chi phí trung gian đối với doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất và yên tâm làm ăn.
Ba là, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn bằng cách xác định các khung pháp lý, điều kiện tài chính và năng lực chuyên môn mà doanh nghiệp cần bảo đảm để đủ tiêu chuẩn tiếp cận được những người vốn vay với lãi suất thấp như vốn ODA. Đồng thời, khuyến khích phát triển hình thức hợp tác công tư, thành lập các mô hình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tư nhân...
Bốn là, một mặt, có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân về nghiên cứu, ứng dụng triển khai các thành tựu khoa học, mặt khác, có những chế tài đủ mạnh buộc các doanh nghiệp hằng năm phải trích một phần lợi nhuận cho đổi mới công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước nên thường xuyên tổ chức các khóa học ngắn nâng cao trình độ về quản trị doanh nghiệp, kiến thức kinh tế, thị trường, pháp luật cho các chủ doanh nghiệp, cũng như cập nhật những thông tin liên quan mới nhất để các doanh nghiệp biết và làm ăn hiệu quả.
Năm là, cùng với công tác truyền thông tôn vinh những doanh nhân giỏi có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, xã hội, thì cũng đặt ra những yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải làm ăn nghiêm túc, minh bạch, tôn trọng pháp luật vì điều này không chỉ bảo đảm kỷ cương, mà còn là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.
Sáu là, bản thân từng doanh nghiệp cần luôn có ý thức điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không ngừng học hỏi, cố gắng khắc phục những khó khăn, dám nghĩ, dám làm để không ngừng phát triển./.
Giới thiệu “Triển lãm - Hội chợ: Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long”  (08/03/2012)
Nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran  (08/03/2012)
Việt Nam-Campuchia họp SOM chuẩn bị cho hội nghị biên giới  (08/03/2012)
Việt Nam đạt nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người  (08/03/2012)
Tổng thư ký Quốc phòng Italy làm việc tại Việt Nam  (08/03/2012)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay