Vị thế của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tùy thuộc một phần vào chính mô hình tổ chức và năng lực của các cá nhân làm công tác xây dựng Đảng
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là tập đoàn kinh tế đầu tiên được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép hoạt động theo mô hình đảng bộ toàn ngành. Tất cả các đảng bộ cơ sở, chi bộ đều trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn, chứ không phân tán như trước kia (ngoài thuộc Đảng bộ Tập đoàn còn thuộc đảng bộ các tỉnh, thành phố, các khối…).
Tính ưu việt của mô hình trên là sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của tổ chức Đảng, không bị cắt đoạn, phân khúc như trước kia. Sự tập trung này là điều kiện tối quan trọng để Đảng ủy Tập đoàn lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, mô hình này cũng có hạn chế là nguy cơ về sự chồng lấn hoặc không phân định rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo giữa Đảng ủy, Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) và Ban Tổng Giám đốc. Sự trùng lặp hoặc không rõ trên cũng đồng nghĩa với vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong tập đoàn có thể bị lu mờ.
Để giải quyết vấn đề trên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ban hành quy chế về quan hệ công tác giữa Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc. Trong quy chế phân định rõ những nội dung, phạm vi, phương thức giải quyết, xử lý công việc rất cụ thể của từng bộ phận, nên các bên liên quan sẽ thuận lợi trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình. Hiện nay, mô hình đảng bộ toàn ngành của tập đoàn vận hành theo cơ chế cấp ủy Đảng lãnh đạo, Hội đồng thành viên quản lý, Tổng Giám đốc điều hành.
Mặc dù vậy, theo chúng tôi, mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế là một vấn đề mới, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Mặt khác, nên giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở một cách chính thức, đối với những đơn vị vẫn đang thực hiện thí điểm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Bởi tại các đảng bộ này hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng đảng bộ cơ sở lại nằm trong đảng bộ cơ sở!
Hiện nay, cũng còn tình trạng đảng viên của nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của Nhà nước khi làm việc tại nước ngoài vẫn thuộc sự quản lý của tổ chức đảng ở trong nước. Nếu chiếu theo quy định, thì như vậy đã là vi phạm. Song, ở một góc độ khác, cách quản lý trên lại phát huy được sự lãnh đạo theo ngành dọc, nhất là khi giải quyết những tình huống biến động nhanh trong kinh doanh, cần sự chỉ đạo trực tiếp và tức thời của Đảng ủy tập đoàn đối với các công ty con làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Khắc phục khoảng cách về địa lý, việc sinh hoạt Đảng có thể tận dụng các phương tiện công nghệ thông tin, internet để sinh hoạt trực tuyến từ xa… Thực tiễn trên cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về đổi mới quản lý đảng viên làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp đặc thù.
“Sự lãnh đạo của Đảng phát huy cao độ ở mô hình tập đoàn kinh tế có đảng ủy thay thế hội đồng quản trị”
Đồng chí Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel
Là tập đoàn kinh tế của Nhà nước duy nhất ở Việt Nam thực hiện mô hình Đảng ủy thay thế chức năng Hội đồng quản trị lãnh đạo tập đoàn, theo đó, cơ quan lãnh đạo của Viettel chỉ có Đảng ủy và Ban Giám đốc, mà không có Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) như các tập đoàn kinh tế khác.
Thực hiện mô hình trên, do đặc thù của Viettel là tập đoàn kinh tế của quân đội, nên sự lãnh đạo của Đảng là trực tiếp và tuyệt đối. Thực tiễn khi hoạt động theo mô hình này, sự lãnh đạo của Đảng đã được phát huy cao độ, từ việc đưa ra các chiến lược phát triển của tập đoàn cả trong ngắn hạn và dài hạn, chiến lược về cán bộ và nguồn nhân lực, cũng như các vấn đề về tài chính, đầu tư. Những vấn đề lớn của tập đoàn đều do Đảng ủy xem xét và quyết định. Mặt thuận lợi là, các đồng chí Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc đều là thành viên của Đảng ủy, nên thực hiện những chiến lược, nhiệm vụ phát triển của tập đoàn cũng là chính là thực hiện và triển khai nghị quyết của Đảng ủy.
Dù thuận lợi là chủ yếu, song thực hiện cũng có những hạn chế đòi hỏi cần nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, với mô hình trên, thì các đồng chí trong Đảng ủy dễ đồng thuận và thống nhất với nhau khi bàn bạc, quyết định về một vấn đề nào đó, nhưng nếu không cẩn thận, sẽ mất tính phản biện trong việc đưa ra các quyết sách, nhất là khi các đồng chí đảng ủy viên không có sự quyết liệt trong đấu tranh xây dựng. Trong khi đó, với mô hình tổ chức có Hội đồng thành viên, thì các ủy viên của Hội đồng thành viên có sự tham gia rất rộng của các đồng chí bên ngoài tập đoàn, chẳng hạn các đồng chí là lãnh đạo quản lý nhà nước, ngân hàng… Các đồng chí này có sự phản biện rất tốt đối với các quyết sách khi được đưa ra bàn bạc và quyết định, nhất là những vấn đề có liên quan tới lĩnh vực chuyên môn của mình.
“Công tác cán bộ - yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp”
Đồng chí Vũ Tiến Duật, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
Vị thế một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam của Vietcombank do hơn 11.500 cán bộ, nhân viên tạo dựng nên. Thành hay bại của Vietcombank được quyết định bởi chính đội ngũ nhân lực này.
Đặc thù của ngành ngân hàng đòi hỏi tính nhạy bén và chuyên nghiệp rất cao trong tác nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Sức ép cạnh tranh buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc, trong đó có điều chỉnh mô hình và chính sách quản lý, đào tạo nhân lực. Quan niệm của Đảng ủy, Lãnh đạo Vietcombank là, nguồn nhân lực không chỉ là những người thực thi công việc thuần túy, mà còn là những nhân tố đóng góp xây dựng thương hiệu của toàn hệ thống và tạo ra lợi thế cạnh tranh, bởi vậy, phải đủ tầm và có tâm.
Tầm là độ “chín” về trình độ chuyên môn. Trong môi trường làm việc hiện đại, chuyên môn yếu tất yếu bị đào thải. Tuy nhiên, muốn thu hút được người tài, thì môi trường làm việc phải có sức hấp dẫn. Vietcombank đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc như vậy. Không chỉ có tầm, đội ngũ nhân lực còn phải có tâm, gắn với văn hóa doanh nghiệp của Vietcombank - vốn là kết tinh những tinh hoa trong giao tiếp, ứng xử, tác phong làm việc chuyên nghiệp qua các thế hệ cán bộ, nhân viên ngân hàng tạo dựng nên trong 50 năm qua. Những nét văn hóa này đang tiếp tục được bồi đắp, trong đó một nội dung cốt lõi là: nhân văn - trọng đức, trọng người. Trọng người, đãi ngộ xứng đáng, nhưng không đồng nghĩa với dung túng cho những sai phạm.
Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ được thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo đến bổ nhiệm, luân chuyển. Vietcombank gắn công tác cán bộ với công tác phát triển Đảng, yêu cầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị trong toàn hệ thống phải là đảng viên. Tiêu chí này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ không chỉ về chuyên môn, mà còn về bản lĩnh chính trị, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bồi dưỡng và đào tạo con người là công việc lâu dài, căn cơ, không thể một sớm, một chiều. Bởi vậy, nguồn nhân lực của Vietcombank bên cạnh những thế mạnh, cũng còn những khuyết thiếu cần được khắc phục. Song, chặng đường 50 năm cùng những bước phát triển vượt bậc của một ngân hàng hàng đầu đất nước, cũng đủ khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy Vietcombank đối với công tác cán bộ, biến nguồn nhân lực thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh mũi nhọn của mình trong phát triển.
“Vai trò đầu tàu của đồng chí bí thư cấp ủy”
Đồng chí Phạm Đình Vận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam
Tổ chức đảng lãnh đạo dựa vào trí tuệ của tập thể ban chấp hành, nhưng linh hồn vẫn là đồng chí bí thư. Theo tôi, nếu đồng chí bí thư cấp ủy có năng lực, thì tổ chức đảng nơi đó mạnh, doanh nghiệp phát triển và ngược lại. Là linh hồn của tổ chức đảng, trách nhiệm đương nhiên phải đặt cao hơn, nhiều hơn quyền lợi và đòi hỏi về năng lực, phẩm chất với đồng chí bí thư là rất lớn. Thương trường khốc liệt, người đứng đầu cấp ủy không có trình độ chuyên môn, không nhanh nhạy ứng biến thì khó dẫn dắt con thuyền doanh nghiệp của mình cập bến an toàn. Nhưng nếu chỉ có trình độ chuyên môn, trong khi trình độ chính trị, nghiệp vụ về công tác Đảng kém thì cũng không thể lãnh đạo được. Trình độ chuyên môn và chính trị giống như tay trái, tay phải, thiếu một trong hai đều khiếm khuyết.
Hiện nay, trong công tác xây dựng Đảng, Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam rất coi trọng việc bồi dưỡng và lựa chọn đội ngũ các đồng chí đứng đầu cấp ủy. Đồng thời, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, gắn sự lãnh đạo của tổ chức đảng với nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh, mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị hay Giám đốc công ty, theo chúng tôi là tối ưu nhất. Tất nhiên, để tránh nguy cơ độc quyền, độc đoán, thì đòi hỏi đồng chí bí thư cũng phải là người có tinh thần cầu thị và tập thể ban chấp hành cũng phải mạnh, theo cả hai nghĩa, mạnh về năng lực chuyên môn và mạnh về tính Đảng, sẵn sàng đấu tranh, phản biện để bảo vệ sự đúng đắn của các quyết sách.
“Nên luật hóa và cụ thể hóa một số chủ trương của Đảng đối với doanh nghiệp”
Đồng chí Ngô Thanh Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thiết bị điện (THIBIDI)
Các chủ trương của Đảng rất đúng đắn, nhưng nếu được cụ thể hóa hoặc thể chế hóa thì sẽ đi vào cuộc sống nhanh hơn, cũng như có sơ sở về mặt pháp lý để giải quyết khi nảy sinh các mối quan hệ liên quan tới pháp luật.
Chẳng hạn, việc đồng ý kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng là chủ trương rất đúng, kịp thời động viên đội ngũ doanh nhân có cống hiến thực sự cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, cùng với chủ trương đó, phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục… để việc thực hiện dưới cơ sở không lúng túng.
Hay như chủ trương tạo điều kiện cho đại diện Công đoàn tham gia Hội đồng quản trị, để thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và để người lao động được nói tiếng nói của mình trong các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp - nơi họ gắn bó và cống hiến cả cuộc đời. Tuy nhiên, chủ trương hợp lý này cũng đang rất khó trong triển khai, vì thiếu các quy định cụ thể hoặc có quy định rồi nhưng lại không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đến nay, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa, việc có cơ chế để tổ chức công đoàn được mua cổ phần ưu đãi với mức 5% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn, có đủ điều kiện tham gia vào Hội đồng quản trị vẫn thiếu tính khả thi, do vướng về cơ chế tạo nguồn và sử dụng tài chính của Công đoàn, cách thức tổ chức... Theo tôi, nên luật hóa vấn đề này và việc tham gia của đại diện Công đoàn tại Hội đồng quản trị phải là một lẽ đương nhiên./.
Công bố kết quả nghiên cứu Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô”  (19/12/2011)
Những “điểm sáng” và một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long  (19/12/2011)
Hiệu quả, kinh nghiệm và giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  (19/12/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thăm chính thức Myanmar  (19/12/2011)
Hội thảo: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  (19/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên