TCCSĐT - Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã bế mạc ngày 6-5 tại thủ đô Hà Nội, sau 4 ngày làm việc và đồng thuận với một quyết tâm cao sao cho mọi thành viên trong “ngôi nhà chung châu Á”, kể từ những người nghèo nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng. Đây cũng là nội dung chính được đại diện 67 quốc gia thành viên ADB tập trung thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị.

Các đại biểu cũng thống nhất địa điểm tổ chức hội nghị thường niên tiếp theo tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) vào tháng 5-2012, đồng thời tiến hành nghi thức chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ 2011-2012 cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phi-líp-pin.  

Lần đầu tiên đăng cai – Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện

Là thành viên của ADB từ năm 1966 khi tổ chức này mới thành lập, song đây là lần đầu tiên Việt Nam được chọn làm nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thường niên của ADB. Đăng cai hội nghị, Việt Nam tự hào đã có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như đã hội tụ nhiều kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng. Hội nghị lần thứ 44 diễn ra tốt đẹp và bế mạc trong sự hài lòng của ADB, cũng như được các nước thành viên đánh giá cao. Điều đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của đất nước ta, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng - một thủ đô của sự năng động, cởi mở, mến khách, ân tình và hòa bình với bạn bè quốc tế. Điều này được ghi nhận trong phát biểu tại lễ bế mạc của Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-cô Cu-rô-đa (Haruhiko Kuroda) khi ông đánh giá cao vai trò tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam.

Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 thành công còn thể hiện ở con số kỷ lục về số lượng ngườitham dự, lên tới gần 4.000 đại biểu, gồm các Bộ trưởng Tài chính và các nhà hoạch định chínhsách quan trọng, các lãnh đạo doanh nghiệp và học giả đến từ 67 quốc gia thành viên và các tổ chức khu vực và quốc tế. Hội nghị cũng thu hút được số lượng lớnđại diện từ các tổ chức xã hội dân sự và giới truyền thông tham gia. Ngoài ra còn có đại diện Nhóm G20, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...

Trong 4 ngày hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm như giá lương thực và năng lượng tăng cao, cơ sởhạ tầng và khả năng liên kết; biến đổi khí hậu; vượt bẫy thu nhập trung bình; vấn đề cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; những chiến lược tốt nhất mà ADB cần phối hợp với khu vực công và tư nhân nhằm giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, bảo đảm để châu Á - Thái Bình Dương có một tương lai thịnh vượng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ADB cũng đã trình bày những kết quả ban đầu của bản báo cáo châu Á đến năm 2050 - Hiện thực hóa một thế kỷ châu Á, trên phương diện nhân khẩu học, xã hội, môi trường, những thách thức về kinh tế ở phía trước và những gì khu vực này cần làm để bảo đảm một tương lai thịnh vượng trong vòng 40 năm tới. Báo cáo này cũng cho thấy nếu châu Á-Thái Bình Dương giải quyết tốt các vấn đề của mình thì năm 2050, khu vực này có thể chiếm tới 1/2 sản lượng kinh tế toàn cầu thay vì tỷ lệ 1/4 hiện nay.

Hội nghị thường niên ADB năm 2011 bao gồm gần 40 sự kiện như các phiên họp toàn thể, các cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính, các phiên họp nhóm giữa các đoàn đại biểu các nước và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, gần 20 cuộc hội thảo và thuyết trình quốc gia có quy mô lớn, đặc biệt là chương trình “Ngày Việt Nam” với sự kiện nổi bật là “Dấu ấn Việt Nam”,\ đã thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp, các diễn giả trong và ngoài nước.

Đây cũng là cơ hội tốt để nước chủ nhà cũng như các thành viên tham dự được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Thành tựu và cơ hội học hỏi

Tại Hội nghị lần thứ 44 này, nước chủ nhà Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào như lời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam sau 25 đổi mới là đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình (năm 2008) và về đích trước thời hạn một số Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội khi lần đầu tiên đăng cai một hội nghị khu vực lớn như Hội nghị thường niên ADB. Theo quy định, Hội nghị thường niên là nơi thống đốc các nước thành viên có thể đề xuất các định hướng về những ưu tiên hoạt động, ưu tiên tài trợ cũng như ưu tiên về quản lý hành chính của ADB. Nắm rõ quy định này, Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội của nước chủ nhà, nêu cao vai trò chủ đạo, đề xuất các nội dung thảo luận quan trọng, mang ý nghĩa quyết định thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà là của tất cả các thành viên ADB. Một trong những chủ đề ấy là “vấn đề lạm phát và các giải pháp kiềm chế lạm phát tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chia sẻ kinh nghiệm rằng ngay từ đầu năm nay, trước tình hình lạm phát có xu hướng tăng cao, Việt Nam đã chấp nhận giảm giá đồng nội tệ để giảm cầu và giảm tổng cầu; đồng thời thực hiện thắt chặt tín dụng (tăng trưởng dưới 20%); tiết kiệm tiêu dùng 10%, giảm bội chi ngân sách và giảm 10% vốn đầu tư Nhà nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những biện pháp này đã được Chi nhánh ADB tại Việt Nam đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, tất cả các chính sách đều cần có thời gian để phát huy hiệu quả. ADB cho rằng “Việt Nam cần kiên định thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát đã đề ra, cho dù một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng”.

Bên cạnh đó, “Việt Nam cũng là một quốc gia tiêu biểu cho bài học thành công trong phát triển và là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trên toàn thế giới”. Đây là khẳng định của Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-cô Cu-rô-đa khi phát biểu tại các phiên họp. Theo ông, sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong xóa đói giảm nghèo. Hiện Việt Nam cũng đang củng cố đà khôi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác ở châu Á không thể lơ là trước những thách thức trong phát triển như giá dầu và giá lương thực tăng cao; tác động từ thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản... Đặc biệt, sự tăng trưởng kinh tế quá nóng ở châu Á cũng dẫn tới những vấn đề về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là nước dễ bị tổn thương do thường xuyên phải chịu những trận bão, lũ, hạn hán. Chính vì vậy, ADB luôn chú trọng hỗ trợ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với những tác động xấu có thể xảy ra.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ ADB

Là quốc gia thành viên của ADB từ năm 1966 và trong suốt thời gian 18 năm kể từ khi nối lại quan hệ với ADB từ năm 1993 đến nay, ADB đã cung cấp cho Việt Nam hàng trăm khoản vay chính phủ với tổng trị giá gần 10 tỉ USD và nhiều khoản viện trợ khác. Việt Nam cũng tham gia vào một loạt các dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư thuộc Tiểu vùng Mê-công mở rộng. Việt Nam là một trong ba quốc gia vay vốn ưu đãi nhiều nhất của ADB, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, y tế và xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra. ADB còn hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực khác như môi trường, tư vấn chính sách. Trong những năm tới, ADB vẫn cam kết thu xếp cho Việt Nam 1,3 tỉ USD/năm, cho dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, ADB cũng tư vấn và giúp Việt Nam mở rộng một số hình thức vay vốn khác như: hợp tác công tư, vay vốn thông qua bảo lãnh… nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Trong lần đầu tiên đăng cai Hội nghị thường niên ADB, Việt Nam đã không bỏ lỡ “cơ hội vàng” của nước chủ nhà - không chỉ tranh thủ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật với các quốc gia thành viên, chúng ta còn giành được các khoản cho vay tài chính không nhỏ từ ADB.

Ngày 5-5, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ký với ADB về gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,38 tỉ USD đầu tư cho nước sạch, bảo vệ rừng và giao thông đô thị tại Việt Nam. Tổng giá trị của ba khoản vay này đạt gần 4,5 tỉ USD. Với gói hỗ trợ tài chính này, Việt Nam hy vọng sẽ đạt được mục tiêu, đúng như lời phát biểu của ông Ha-ru-hi-cô Cu-rô-đa Chủ tịch ADB rằng: sự “hỗ trợ của ADB nhằm bảo đảm có thêm nhiều người dân Việt Nam được tiếp cận với nguồn nước sạch, nhiều thành phố có điều kiện sống tốt hơn, những cánh rừng đa dạng về sinh học sẽ được bảo vệ cho thế hệ Việt Nam tương lai”. Ngoài ra, ADB còn dành cho Việt Nam một loạt khoản vay trị giá 190 triệu USD để xây dựng Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội- một mô hình đại học mới hỗ trợ công tác nghiên cứu, cải cách công nghệ kỹ thuật và phát triển trình độ kỹ thuật chuyên môn...

Tuy nhiên, không trông chờ ỷ lại vào các khoản tài chính trên, nét nổi bật tại Hội nghị lần này là Việt Nam nhấn mạnh: đã quyết định “mở cửa” cho hình thức “Đối tác công - tư” (PPP) từ đầu năm nay, để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Theo tính toán, để duy trì tốc độ tăng trưởng 7%-8%/năm, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 16 tỉ USD/năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong khi nguồn vốn từ FDI, ODA cũng như ngân sách nhà nước không thể đủ. Vì vậy, “mở cửa” cho hình thức PPP sẽ không chỉ giúp hiện thực hóa khả năng “gọi” vốn vào những dự án công cộng thiết yếu, mà còn giúp Việt Nam giảm gánh nợ công. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nên những khoản vay ưu đãi và viện trợ đang dần bị cắt giảm và mức độ ưu đãi về lãi suất cũng thay đổi. Thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP sẽ không chỉ là mang lại lợi ích về nguồn vốn mà còn là trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của khu vực tư nhân, qua đó, nâng cao hiệu quả đầu tư và kiểm soát nợ công trong hạn mức an toàn. Đây chính là những kinh nghiệm thực tế mà Việt Nam cần học hỏi tại nhiều nước đang phát triển trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin... những nước đã từng áp dụng thành công PPP.

Chìa khóa tiến tới một “châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và không có đói nghèo”

Cuối cùng, để cùng nhau xây dựng một “châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và không có đói nghèo” theo đúng kỳ vọng của Chủ tịch ADB, các đại biểu tham gia hội nghị đã đóng góp rất nhiều ý kiến và khuyến nghị chính phủ các nước cần quan tâm nhiều hơn đến hoạch định và thực thi các chính sách phát triển toàn diện và bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với những tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt là vấn đề xóa đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới... Trên phương diện này, nhiều đại biểu cho rằng, dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo và Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm quý có thể chia sẻ với các nước khác trong khu vực.

Rõ ràng Hội nghị ADB lần thứ 44 là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, một nền kinh tế mới nổi đầy năng động và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực, đúng như đánh giá của Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-cô Cu-rô-đa: "Việt Nam là một đối tác rất mạnh đối với sự phát triển của khu vực", “xứng đáng là một tấm gương của các nước đang phát triển trên thế giới”./.

 

Các sự kiện Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44

*3-5-2011

- Ngày Việt Nam/ Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư của Việt Nam

-Hội thảo Hợp nhất thị trường vốn và tài chính Châu Á giai đoạn hậu khủng hoảng

- Hội thảo Rủi ro về khí hậu và khả năng ứng phó: Bảo đảm tương lai khu vực

- Hội thảo Nối liền khoảng cách: Đẩy mạnh sử dụng vốn tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng

* 4-5-2011

- Hội thảo của các Thống đốc châu Á năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng

- Hội thảo Thay đổi xu hướng tăng trưởng toàn cầu và các dòng vốn vào châu Á (do Học viện Tài chính quốc tế tài trợ)

- Hội thảo: Đánh giá mức độ thành công : Kết quả hoạt động ADB năm 2010

- Hội thảo của các Thống đốc châu Á năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng

- Hội thảo Thay đổi xu hướng tăng trưởng toàn cầu và các dòng vốn vào châu Á (do Học viện Tài chính quốc tế tài trợ)

- Hội thảo Hợp tác vì một nền tài chính được quản lý tốt hơn và ổn định hơn ở châu Á

-Hội thảo Hợp tác vì một nền tài chính được quản lý tốt hơn và ổn định hơn ở châu Á

- Hội nghị về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế do ADB, IMF, đại diện Nhật Bản trong ASEAN + 3 và Chủ tịch G20 (Bộ trưởng Tài chính Pháp) đồng chủ tọa

*5-5-2011

- Phiên khai mạc Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc ADB

- Hội thảo do Standard and Poor's tài trợ Các nhà đầu tư cho sự phát triển châu Á: Tác nhân của sự thay đổi

- Hội thảo Hội nhập ASEAN: Đẩy mạnh kết nối

- Phiên họp toàn thể đầu tiên

- Hội thảo Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập thương mại và cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia

* 6-5-2011

- Hội thảo do ADB và IMF đồng tổ chức Nuôi dưỡng những động lực mới cho tăng trưởng

- Hội thảo Bảo vệ một tỷ người có mức sống thấp nhất- cách thức của khu vực tư nhân

- Hội thảo Nuôi dưỡng một môi trường sạch: Thị trường Carbon và sự hội nhập các biện pháp an toàn về môi trường

- Phiên họp toàn thể thứ hai

- Hội thảo: Phát triển cơ sở hạ tầng cho sự liên kết châu Á: Những kết quả đạt được, thách thức hiện tại và những con đường phía trước

- Hội thảo châu Á có mức thu nhập trung bình: Các thách thức chính sách

- Hội thảo chung của ADB-AFD-JICA Đầu tư vào phát triển “môi trường thông minh”: Sự thức tỉnh của Đông Nam Á.