Nhớ và quên

10:43, ngày 18-05-2011
Sáng 16-3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ đã tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách “Nhớ và quên” (Hồi ức và chân dung) của vợ chồng Trung tướng – Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Sơn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Anh Đào. Cuốn sách gồm hai phần, với nhân vật chính là Trung tướng Phạm Hồng Sơn và những sự kiện lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 mà ông từng chứng kiến và trải nghiệm. Phần I “Nửa đời chiến trận” do Trung tướng Phạm Hồng Sơn viết (tạm dừng ở mốc chiến thắng ngày 7/5/1954) gồm những hồi ức về gia đình, tuổi thơ, quá trình tham gia cách mạng của Trung tướng từ những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, qua những trận đánh còn bỡ ngỡ thuở ban đầu, tiến tới các chiến dịch lớn của Đại đoàn Quân tiên phong trải dài suốt chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) mà ông là một trong số những nhân vật chỉ huy quan trọng. Có thể thấy ở đây những trăn trở, xót xa của một vị chỉ huy trưởng thành từ chiến sĩ, thấu hiểu chiến sĩ; những bài học kinh nghiệm xương máu rút ra từ sau mỗi trận đánh cũng như niềm tự hào dõi theo từng bước trưởng thành đối với đơn vị mà mình gắn bó: Trung đoàn 36 – Trung đoàn Quyến chiến Quyết thắng, thuộc Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những ngày đầu, Trung đoàn Bắc Bắc (tiền thân của Trung đoàn 36) nổi tiếng với các chiến sĩ và cách đánh “cảm tử” phá cầu và tàu địch. Trong chiến dịch Biên giới 1950, Trung đoàn đã tiêu diệt Binh đoàn Bay-a, bắt sống Bộ Chỉ huy binh đoàn. Năm 1952, Trung đoàn thắng lớn trong trận Châu Mộng - Trạm Thản (Phú Thọ). Năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn đã tiêu diệt và bức hàng bốn cứ điểm: Bản Kéo, 106, 206, 311B và là đơn vị sáng tạo ra chiến thuật “đánh lấn” hiệu quả cao… Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 36 được thưởng Huân chương quân công hạng Ba và nhận Giải thưởng cờ luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch. Phần II “Vầng trăng khuyết” (tái hiện khoảng thời gian từ 1954 – 1975) do Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Anh Đào chắp bút, dựa trên những tư liệu chiến trận, gồm những cuốn sổ tay ghi chép cá nhân, những thư từ giao dịch… trong kháng chiến chống Mỹ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Đây là giai đoạn chiến tranh xen lẫn hoà bình, nhiều tư liệu “đời thường” đan xen tư liệu chiến trận dệt nên bức chân dung sinh động về một vị tướng – giáo sư; một người chồng - người cha trong gia đình nhỏ… Điểm đặc biệt, ở phần này, các nội dung ghi trong sổ tay của vị chỉ huy được giữ nguyên vẹn (các kí hiệu, lối viết tắt, ghi tắt…), gợi lên những thời điểm căng thẳng, gấp rút hoặc không khí cụ thể - lịch sử của các trận đánh, chiến dịch: Chiến dịch Đắc Tô 2, CZ Buprăng - Đức Lập 1969 – 1970, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên, Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân năm 1975… Có thể nói, tập hồi ức và chân dung “Nhớ và quên” cung cấp một lượng tư liệu lịch sử khá phong phú, khách quan và tin cậy về những trận chiến đấu, những chiến dịch lớn của Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, cho thấy phần nào sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam (qua sự lớn mạnh của một trung đoàn và một đại đoàn). Cuốn sách cũng cho thấy tâm tư và trăn trở của một vị tướng, tình cảm đối với chiến sĩ và tình yêu gia đình ở ông. Tập sách cũng là tặng phẩm tình yêu gửi gắm tình cảm trìu mến của người vợ tới người chồng, bởi những nỗ lực thức dậy những vùng sáng ký ức mà “người lính già đầu bạc” đã phong kín trong những lá thư, những cuốn sổ nhật ký chiến trường giấy đã ố vàng.../. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam