TCCS - Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội và đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định là, phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo nghề.

Tạp chí Cộng sản xin gửi tới độc giả quan điểm của một số nhà quản lý, nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

ThS. Trần Văn Thanh Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Bộ Công Thương
"Đẩy mạnh việc chỉ đạo và triển khai đào tạo theo nhu cầu các doanh nghiệp"

Hiện nay, Bộ Công Thương có gần 18 trường trực thuộc các tập đoàn và tổng công ty, trong đó có 1 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp, 9 trường cao đẳng nghề và 1 trường trung cấp nghề. Các tập đoàn như: Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam, Dệt - May đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập trường đại học trực thuộc tập đoàn. Số học sinh được đào tạo tại các trường thuộc các tập đoàn hoặc tổng công ty phần lớn được bố trí hoặc tìm được việc làm tại các doanh nghiệp.

Năm 2009, Bộ Công Thương chỉ đạo các trường tiếp tục tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và thực tập cho học sinh, sinh viên, đồng thời, thực hiện công khai chuẩn chất lượng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên để từng bước đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Bộ thành lập Ban Chỉ đạo về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2009 - 2015, gồm 15 thành viên, do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng Ban. Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác đã cùng Tổ công tác của Nhật Bản thảo luận, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sáng kiến chung Việt - Nhật, trong đó có chương trình khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ và chương trình đưa học sinh, sinh viên đi thực tập ở các doanh nghiệp tại Nhật Bản hoặc các doanh nghiệp do Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Đây sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.

Bằng hoạt động tổ chức các hội thảo, hội nghị giữa nhà trường với các doanh nghiệp, các trường đã quảng bá rộng rãi về công tác đào tạo của trường, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để từng bước hoàn chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế, tạo cơ hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Nhiều trường đã tổ chức đào tạo theo hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những chương trình đào tạo này được thiết kế tương đối phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp nên đạt hiệu quả đào tạo cao.

Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu các ban chủ nhiệm xây dựng chương trình, Hội đồng thẩm định mời các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nhiều kinh nghiệm công tác tại các doanh nghiệp tham gia nhằm không ngừng cải tiến nội dung đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ đã được Lãnh đạo Bộ đề ra năm 2009 và giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì thực hiện đó là xây dựng Đề án "Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các trường thuộc Bộ" nhằm tạo điều kiện cho các trường phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành và xã hội.

Ông Nguyễn Đức Hưng
Phó Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp
Hà Nội
"Xác định nhu cầu lao động làm cơ sở phục vụ hoạt động tuyển sinh và đặt nhiệm vụ đào tạo nhân lực đáp ứng đòi hỏi của các doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt"

Cho đến nay, hệ thống đào tạo của chúng ta vẫn chưa thực sự xác định được nhu cầu về nhân lực của thị trường lao động đang rất đa dạng và đang biến động. Chính vì vậy, việc tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy kế hoạch hóa đào tạo, phân phối chỉ tiêu từ trên xuống, sang tuyển sinh theo quy luật cung - cầu của thị trường lao động và theo khả năng của từng cơ sở đào tạo với yêu cầu bảo đảm chất lượng là việc cần làm hiện nay.

Để triển khai một chương trình đào tạo có hiệu quả, việc đánh giá nhu cầu là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Theo đó, cần khảo sát thị trường lao động để thu thập và cập nhật các thông tin về nhu cầu lao động ở các ngành nghề và trình độ khác nhau trong phạm vi của cả nước cũng như của từng địa phương. Bởi lẽ, có ngành nghề được đào tạo chung cho cả nước, nhưng có ngành nghề chỉ đáp ứng cho nhu cầu nhân lực của từng địa phương.

Các cơ sở đào tạo của chúng ta đều đang đào tạo đồng thời nhiều hệ, nhiều cấp. Không ít trường rất thiếu giáo viên, nhất là giáo viên có trình độ tay nghề thực hành. Hầu hết các trường chưa thực sự quan tâm hoặc muốn nhưng không có điều kiện để quan tâm đến học sinh tốt nghiệp có bảo đảm chất lượng và có khả năng tìm việc làm hay không. Chính điều này đã góp phần tạo ra tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" lao động kỹ thuật như hiện nay; mặt khác, làm giảm chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo.

Hiện nay, chúng ta chưa quan tâm đến việc học sinh tốt nghiệp phải làm được những việc cụ thể mà thị trường lao động đòi hỏi. Do vậy, học xong một chương trình đào tạo, học sinh có thể biết thêm được nhiều kiến thức mới, nhưng khi vào vị trí lao động thì lại không hoàn thành được các công việc cần thiết, có khi phải tập sự hoặc tiếp tục học việc tại chỗ một thời gian khá lâu mới có thể bắt đầu lao động thực sự.

Do đó, để đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, cần tăng cường đào tạo năng lực thực hành. Cần đặc biệt quan tâm đến việc hình thành cho học sinh, sinh viên những năng lực cần thiết của từng loại hình lao động ở từng trình độ và ngành nghề khác nhau mà thị trường lao động đòi hỏi để sau khi tốt nghiệp, họ có thể thực hiện được những công việc rất cụ thể, đáp ứng yêu cầu của những đơn vị hoặc người sử dụng lao động.

TS. Từ Đức Hòa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty THIKECO, Bộ Công Thương
"Đào tạo và đào tạo lại theo mục tiêu, theo chuyên đề"

Việc làm cần thiết và ngay tức thời của các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo là xác định mục tiêu cần đạt được và thực hiện việc đào tạo, tái đào tạo theo mục tiêu và theo chuyên đề nhằm tránh sự lãng phí, đồng thời đáp ứng ngay được nhu cầu nảy sinh từ thực tiễn.

Có thể thấy một số mục tiêu hoặc chuyên đề luôn luôn nóng trong ngành tư vấn như: tư vấn giám sát chất lượng xây lắp công trình, tư vấn đấu thầu, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát chất lượng môi trường...

Một trong những chuyên đề không thể thiếu được trong chương trình đào tạo nghề chính là Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Chuyên đề này nhằm cho học viên tự đánh giá kết quả làm việc của mình, thủ trưởng không phải là giám khảo, không cho điểm trực tiếp, nhưng nếu chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu thì tai hại khôn lường, qua đó loại bỏ được tâm lý đối phó thường có trong hệ thống quản lý chất lượng cũ.

Công ty THIKECO thường cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo của tổ chức như: Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng)... hoặc mời giảng viên về giảng dạy chuyên đề tại Công ty.

Đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ kỹ sư tư vấn là một hoạt động có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp tư vấn. Hoạt động này muốn đạt chất lượng cao phải có sự kết hợp giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về chương trình, nội dung, trình độ, đồng thời tận dụng được tiềm lực của mỗi bên, cũng như có thể kịp thời bổ sung, cập nhật thông tin từ cả hai phía.

Bên cạnh "đào tạo liên tục" về kinh tế, kỹ thuật, tin học hoặc ngoại ngữ, cũng cần quan tâm đào tạo bổ túc cho các kỹ sư tư vấn về kiến thức, kỹ năng xã hội, về chính trị, chính sách, pháp luật, kinh tế đối ngoại... nhằm thiết thực xây dựng nguồn nhân lực thực sự đủ khả năng hội nhập quốc tế.

Việc "đào tạo liên tục" theo mục tiêu, theo chuyên đề hoặc theo định kỳ cần được cân nhắc với từng tình huống cụ thể và cả từ nhiều phía (phía người sử dụng lao động và phía người được đào tạo) thì mới đạt được hiệu quả cao, đặc biệt cần chú ý tới các điều kiện ràng buộc, các cam kết giữa người được đào tạo với doanh nghiệp. "Đào tạo liên tục" theo mục tiêu, theo chuyên đề giúp cho người lao động và doanh nghiệp giải quyết được đòi hỏi cấp bách, tức thời của thị trường. "đào tạo liên tục" theo định kỳ là động lực khuyến khích người lao động vươn lên trình độ cao hơn, đồng thời là công cụ giúp doanh nghiệp sàng lọc nguồn nhân lực và nhìn thấy những tiềm lực mới.

TS. Hoàng Văn Điện Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

"Đặc biệt quan tâm tới phát triển mạnh mẽ mối liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo và mối liên kết giữa nhà trường và các cơ sở sản xuất"

Trong những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp luôn bám sát mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật có trình độ lý thuyết, có kỹ năng thực hành và đạo đức nghề nghiệp phục vụ quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong quá trình đào tạo, cùng với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới nội dung, chương trình học; mở thêm nhiều ngành nghề theo yêu cầu của thị trường lao động..., Trường đã đặc biệt quan tâm tới phát triển mạnh mẽ mối liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo và mối liên kết giữa nhà trường và các cơ sở sản xuất. Hiện nay, Trường đang thực hiện chương trình hợp tác với các trường đại học của Ô-xtrây-li-a đào tạo trình độ cao đẳng theo chương trình và tiêu chuẩn của Ô-xtrây-li-a với hai chuyên ngành: công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh cho gần 3.000 sinh viên đang học (và 1.500 sinh viên đã tốt nghiệp); hợp tác với Tập đoàn Giáo dục Aptech (ấn Độ) đào tạo lập trình viên quốc tế cho gần 200 học viên, hợp tác với Công ty Toyota đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa thân vỏ và sơn ô-tô. Ngoài ra, Nhà trường còn ký văn bản thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học của Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... để đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức.

Hằng năm, Trường đưa học sinh đi thực tập ở các cơ sở sản xuất để tiếp cận với thực tiễn mỗi trường làm việc tương lai, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp. Tổ chức kết hợp đào tạo với sản xuất ngay tại xưởng của trường, ký các hợp đồng gia công chế tác sản phẩm phù hợp với nội dung đào tạo và trình độ của học sinh, sinh viên. Trường còn nhận đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công nhân các doanh nghiệp; cử giáo viên tham gia giảng dạy, bồi dưỡng công nhân cho các cơ sở sản xuất để họ có điều kiện thường xuyên cập nhật, củng cố kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Anh hùng Lao động
Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, Hà Nội
"Cần chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và đào tạo qua thực tế"

Năm 1986, khi đưa công nghệ mới vào áp dụng sản xuất tại Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, lúc này đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật đã không làm chủ được dây chuyền sản xuất mới, vi phạm quy trình và đã để xảy ra những sai sót không đáng có. Từ bài học kinh nghiệm đó, chúng tôi cho rằng, có thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại vẫn chưa đủ mà vấn đề quan trọng hàng đầu là yếu tố con người.

Hiện nay, Công ty hết sức chú trọng tới việc đào tạo cán bộ, công nhân qua thực tiễn. Tất cả các kỹ sư, kể cả những người có bằng thạc sỹ, khi được tiếp nhận về Công ty, chúng tôi đều phân công xuống làm việc trực tiếp tại xưởng sản xuất. Thậm chí kể cả Phó Giám đốc, khi mới được đề bạt cũng được đưa về làm trưởng ca. Chính thời gian trải nghiệm thực tế đó sẽ cho họ điều kiện và môi trường nắm chắc các quy trình, cũng như công nghệ sản xuất. Sau này, khi ở cương vị lãnh đạo, sẽ có được những quyết sách đúng đắn giúp phát triển đơn vị.

Từ năm 2002 đến tháng 6-2009, Công ty tuyển 241 lao động, trong đó: 38 người có trình độ kỹ sư, cử nhân, 81 người có trình độ cao đẳng và trung cấp còn lại là công nhân kỹ thuật. Đại đa số anh chị em có tuổi đời trẻ, nhưng thời gian qua, được Công ty quan tâm, tạo điều kiện để họ lăn lộn với môi trường thực tế, vì vậy đã phát huy được năng lực sở trường, phát huy được tính làm chủ, sáng tạo.

Nhiều năm nay, Công ty có chủ trương không nhập thiết bị nước ngoài mà khuyến kích cán bộ, công nhân viên tự sáng chế. Hiện nay, 70% số thiết bị máy móc của Công ty là do chúng tôi tự chế tạo, 30% còn lại đặt các cơ sở ở trong nước sản xuất. Trong 10 năm qua, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã nghiên cứu đưa vào thực tế sản xuất hàng trăm giải pháp khoa học - kỹ thuật; trong đó, có 6 giải pháp kỹ thuật được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bằng Độc quyền Sáng chế, bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích. Những sáng kiến đó đã đem lại cho Nhà nước và Công ty hàng trăm tỉ đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, cải thiện được cảnh quan, môi trường làm việc trong nhà máy.

Hằng năm, Công ty chúng tôi đều hết sức tạo điều kiện cho sinh viên của các trường đến thực tập, hướng dẫn, giao việc cho sinh viên, tạo điều kiện sinh viên tìm hiểu thực tế, làm quen với môi trường làm việc mới. Theo tôi, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần có những định hướng, những chính sách rõ ràng, ưu tiên cho những doanh nghiệp có những đóng góp nhất định cho việc tham gia vào quy trình đào tạo./.