Bộ mặt thật của "Những tổ chức đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam"
Một số phần tử ở trong nước và tổ chức phản động nước ngoài đang lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chiêu bài đó được một số thế lực thù địch ở nước ngoài phụ họa. Đây là việc làm sai trái cần đấu tranh, phê phán và vạch mặt kịp thời để mọi người thấy được bản chất xấu xa, bộ mặt thật của họ, nhằm góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Gần đây, một số người đã nhen nhóm tổ chức ra những cái gọi là "Đảng Dân chủ nhân dân", "Đảng Thăng tiến", Tổ chức 8406, Hội kêu oan, Hội nối vòng tay lớn..., ra Tuyên ngôn tự do, dân chủ cho Việt Nam, v.v và v.v..
Vậy họ là ai? Đó là một số người có quan điểm chính trị cơ hội một cách rõ ràng, hệ thống, có tham vọng chính trị lớn, trong đó có cả những kẻ đội lốt tôn giáo; một số người bất mãn, dao động về chính trị; một số người có nhận thức mơ hồ, không phân biệt được phải trái, đúng sai, bị kích động, lôi kéo, ngày càng lún sâu vào con đường lầm lạc.
Nhìn chung, mục tiêu chủ yếu của họ vẫn là những hoạt động nhằm phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tấn công vào Cương lĩnh, đường lối đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Họ tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; bôi nhọ quá khứ cách mạng, xuyên tạc lịch sử, hòng chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với Nhà nước; cô lập, "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang; kích động một số trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh nhẹ dạ cả tin; kích động một số người từng tham gia hoạt động cách mạng trước đây có tâm trạng bất mãn; chia rẽ tôn giáo, dân tộc, chia rẽ miền Bắc với miền Nam... hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục đích cơ bản của họ là làm suy yếu Đảng, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; thực hiện đa nguyên, đa đảng, lập các đảng phái phản động nhằm đưa đất nước đi theo con đường khác.
Để đạt mục tiêu đó, họ thực hiện sự kết hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nước, nhưng hướng chính là khơi dậy từ bên trong, tiến tới xây dựng lực lượng chống đối từ trong nước, tạo dựng ngọn cờ, chờ thời cơ để thành lập các tổ chức phản động, công khai đối lập với Đảng Cộng sản. Họ chủ trương tiến dần từng bước: từ nhen nhóm hoạt động bí mật chuyển dần sang hoạt động công khai, từ hoạt động bất hợp pháp chuyển dần sang hoạt động nửa hợp pháp rồi hợp pháp. Họ tạo dựng mối liên hệ giữa các nhóm phản động trong nước, cũng như giữa các nhóm này với những tổ chức phản động của một số người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch ở nước ngoài để vừa phát triển lực lượng, vừa phối hợp hành động, vừa tạo thêm thanh thế, vừa có thêm viện trợ tài chính, vừa để bảo vệ lẫn nhau.
Gần đây nhất, họ tìm mọi cách phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân, dân tộc ta qua 20 năm đổi mới, xuyên tạc, bóp méo, bôi đen bức tranh xã hội, hòng gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Họ đặt ra những điều kỳ quặc như: "Có bao giờ nhân dân Việt Nam lại sống trong cảnh tủi nhục, đau thương như hiện nay không?". "Có bao giờ dân tộc Việt Nam lại bị chia rẽ, nghi kỵ nhau, hận thù nhau sau những năm tháng cai trị của một chế độ như bây giờ không"? Từ đó, họ đưa ra những điều xuyên tạc, vu cáo trắng trợn: "Hơn nửa thế kỷ áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đất nước ta, Đảng Cộng sản đã thực hiện chính sách cai trị bằng thủ đoạn và bạo lực. Nhân dân chỉ được phép cúi đầu sợ hãi và sống trong mòn mỏi, tuyệt vọng". Họ nhắm mắt nói bừa rằng, tất cả những quyền thiêng liêng của dân tộc được nói trong "Tuyên ngôn độc lập" "đều bị chà đạp thô bạo ngay sau đó, khi mà chính quyền cộng sản được dựng lên!"
Họ đã lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để nhen nhóm tổ chức ra những đảng phái; thảo ra những "điều lệ", "tuyên ngôn", "cương lĩnh" và đề ra những hình thức, phương pháp hoạt động, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống phá Nhà nước, chế độ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó chính là bộ mặt thật của cái gọi là "những tổ chức đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam" và đó cũng chính là những hành động vi phạm pháp luật. Việc xét xử nghiêm minh những người vi phạm pháp luật là việc làm bình thường, theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một số thế lực thù địch ở nước ngoài tìm cách tiếp tay, kích động những phần tử chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá Nhà nước và chế độ ta. Khi các phần tử này bị xử lý theo pháp luật thì họ kêu la, hò hét rằng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đó là sự xuyên tạc thô bạo, đổi trắng thay đen nhằm che giấu những âm mưu đen tối của họ.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền tại các nước trên thế giới năm 2006. Bản phúc trình đề cập đến việc thực thi nhân quyền cũng như những hạn chế của nó tại 196 quốc gia. Đánh giá chung về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2006, bản phúc trình đưa ra nhận định mơ hồ, vô văn cứ: "Thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu". Rằng, "vẫn có việc bắt giữ người vì hoạt động chính trị và đánh đập các nghi phạm".
Ngày 5-4-2007 vừa qua, đi cùng đoàn Hạ nghị sĩ Mỹ đến thăm Việt Nam có bà L.Xan-chét. Bà ta đã diễn màn kịch về nhân quyền do một nhóm người Việt Nam lưu vong quá khích, lỗi thời trong cái gọi là Đảng Việt Tân dàn dựng trước. Những lời nói và việc làm của bà ta nhằm "kích động" các phần tử đang chống đối lại nhân dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, người trực tiếp tham gia đoàn Quốc hội Việt Nam làm việc với đoàn Hạ nghị sĩ Mỹ, phê phán việc làm này như sau: bà L. Xan-chét đến Việt Nam không phải để tìm hiểu và trao đổi ý kiến, mà để thực hiện một chương trình "can dự" riêng, theo sự xúi giục của một nhóm cử tri cực đoan tại bang Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ) vẫn đang chìm đắm trong quá khứ. Bà ta đã trở thành con tin của nhóm cử tri lỗi thời.
Để tiếp tay cho việc làm thiếu thiện chí của bà L. Xan-chét, trong phiên điều trần về vấn đề nhân quyền của Tiểu ban Tài chính Hạ viện Mỹ vừa qua, dân biểu F.U-ôn-tơ đã đặt câu hỏi: Vì sao ông Đại sứ M. Mơ-rin không lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, cụ thể là vụ bắt giữ và xét xử cha Lý?
Phải chăng vì những sức ép trên mà ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam M. Mơ-rin mới lên tiếng kêu gọi Nhà nước ta cởi mở hệ thống chính trị độc đảng và trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, trong đó có linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý? Ông ta còn lên giọng kẻ cả rằng: "Vì sự hội nhập quốc tế và phát triển sâu rộng hơn của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần trả tự do cho những người này và các cá nhân khác ngay...". Tiếp đó, ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ khuyến nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ C. Rai-xơ đưa Việt Nam trở lại danh sách "những quốc gia đặc biệt quan tâm về tôn giáo" (CPC). Quả là những đòi hỏi ngang ngược và phi lý. Thử hỏi, nếu có những kẻ nhen nhóm tổ chức ra những lực lượng chống lại cái gọi là "dân chủ" như ở nước Mỹ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, hòng lật đổ chế độ đương thời, thì liệu Chính phủ Mỹ có chịu ngồi yên?
Chúng ta đều biết, bất cứ một nền dân chủ nào cũng gắn với kỷ cương, pháp luật của Nhà nước. Bất cứ sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nào của mỗi công dân trong một xã hội tự do, dân chủ đều không được làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị - xã hội và quyền tự do, dân chủ của những công dân khác cũng như của cộng đồng. Do đó, mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tất cả những hành động vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử. Trong những nơi lưu giữ phạm nhân ở nước ta hiện nay, có người nguyên là tu sĩ, chức sắc tôn giáo và cũng có những người vốn không phải là tu sĩ, tín đồ nào, thậm chí có những người trước đây là cán bộ, đảng viên, nhưng tất cả đều bị xử lý theo pháp luật, vì họ là những người phạm pháp, chứ không phải vì lý do nào khác.
Thật ra, chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo được một số thế lực chính trị ở Mỹ sử dụng từ lâu. Muốn trấn áp một dân tộc, quốc gia không chịu khuất phục trước quyền uy của mình, họ thường quy chụp cho cái mũ "vi phạm dân chủ, nhân quyền, tôn giáo" để tạo cớ gây khó dễ mà thôi.
Có thể nói, tôn giáo là một hiện tượng xã hội rất tế nhị, nhạy cảm, bám rễ sâu trong đời sống tư tưởng, tình cảm của nhiều dân tộc và của nhiều thế hệ. Tôn giáo không chỉ quan hệ đến "việc đạo mà cả việc đời", không chỉ liên quan đến "thế giới bên kia", mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống hiện thực. Trong điều kiện lịch sử hiện nay, sự tồn tại của tôn giáo trong đời sống xã hội vẫn còn là một tất yếu. Tôn trọng niềm tin tôn giáo là tôn trọng quyền con người, quyền công dân của đồng bào tôn giáo. Song, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng phải gắn với việc chống lại những kẻ lợi dụng quyền ấy vào mục đích phi tôn giáo. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng là tôn trọng niềm tin, nghi thức thờ phụng, những sinh hoạt tôn giáo phù hợp với giáo lý kinh thánh, với truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đạo đức, nhân cách của con người, chứ không thể chấp nhận những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo để làm những điều phi pháp, phản văn hóa, phi nhân tính, đi ngược lại những lời răn dạy của Chúa và những yêu cầu chính đáng của đồng bào tôn giáo, mà điển hình là những việc làm của cha Nguyễn Văn Lý vừa qua. Mỗi tín đồ tôn giáo vừa là thành viên của cộng đồng, vừa là công dân của đất nước, được hưởng quyền tự do tín ngưỡng chính đáng của mình, đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng và chấp hành pháp luật, làm tròn trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước, thực hiện sống "tốt đời đẹp đạo". Đây là điều mà mỗi công dân, mỗi tín đồ tôn giáo ở nước ta đều ý thức rõ, nên đã và đang thực hiện tốt trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều hiểu rằng, chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để nhân dân phát huy quyền dân chủ của mình trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Song, về thực chất, nước ta đã thực hiện và bảo vệ dân chủ, nhân quyền tốt hơn hẳn một số nước vẫn rao giảng về dân chủ, nhân quyền.
Từ một nước thuộc địa, dân bị nô lệ, chúng ta đã giành được cái nhân quyền lớn nhất là quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chúng ta đã phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, nâng trình độ phát triển kinh tế lên ngày một khá hơn. Từ một nước có mặt bằng dân trí thấp, Việt Nam đã là một quốc gia có trình độ văn hóa phổ thông cao hơn mức trung bình của thế giới và là quốc gia đạt chỉ số phát triển con người (HDI) vào hàng cao so với nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Rõ ràng, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển đi lên với triển vọng tốt đẹp.
Gần đây, báo chí nước ngoài đã phản ánh nhiều điều "mắt thấy tai nghe" của du khách quốc tế sau khi tới Việt Nam: Việt Nam ngày nay không chỉ đã khắc phục được những tàn tích của chiến tranh, mà còn chứng tỏ là một quốc gia thiên đường cho du khách quốc tế. Sẽ là hết sức sai lầm nếu ai đó luôn gắn hình ảnh Việt Nam với chiến tranh và sự nghèo đói, mất tự do, dân chủ. Ngược lại, có đến mới biết Việt Nam xinh đẹp và trù phú ra sao. Du lịch chính là cầu nối sự hiểu biết cho những ai vẫn tồn tại quan điểm lệch lạc về Việt Nam. AON, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất toàn cầu, đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia có địa điểm du lịch an toàn nhất thế giới. Chính vì vậy, hằng năm số lượng người Việt Nam sống xa Tổ quốc về thăm đất nước luôn luôn tăng; số lượng người nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch và ký kết hợp tác làm ăn cũng ngày càng nhiều, thậm chí có không ít người đến hẳn Việt Nam sinh sống và làm việc. Điều đó chứng tỏ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam luôn được tôn trọng. Mọi người có đủ quyền tự do, dân chủ để cảm thấy mình thoải mái khi sống ở Việt Nam.
Như vậy, nhân quyền không phải là một khái niệm trừu tượng, lại càng không phải là một khái niệm theo hình mẫu áp đặt của ai đó. Chúng ta không tuyệt đối hóa những gì chúng ta đã đạt được, nhưng chúng ta có quyền tự hào chính đáng về sự phát triển vừa lớn lao, vừa cơ bản trong tiến trình đi lên của dân tộc. Điều này ngày càng có nhiều người Mỹ thừa nhận, trong đó có cả những người bình thường, những học giả, có cả những chính khách. Do đó, sự nhận xét sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam của một số Hạ nghị sĩ Mỹ không thể đại diện cho tiếng nói của một nước Mỹ chân chính.
Đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được những tiến bộ quan trọng theo hướng xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Vì vậy, điều cần làm hiện nay là hai bên cùng nhau đối thoại thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo nhằm tăng cường hiểu biết giữa hai bên và không để những khác biệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Mặt khác, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam.
Một số vấn đề của lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình hiện nay  (13/06/2007)
Cuộc vận động lớn và có ý nghĩa sâu rộng  (13/06/2007)
Phát triển những nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên  (13/06/2007)
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (13/06/2007)
Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ  (13/06/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên