Hệ thống tổ chức hành chính của nước ta từ trước đến nay bao gồm 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, chế độ chính sách đối với những người làm việc tại cơ quan hành chính các cấp lại không thống nhất: những người làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên được hưởng lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác theo quy định của Nhà nước, nhưng những người làm việc tại các cơ quan cấp xã, phường, thị trấn trước năm 2003 không được xếp lương, chỉ được hưởng sinh hoạt phí và trước năm 1998 chưa có chế độ hưu trí, chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ việc. Từ năm 1998 trở đi, những người làm việc ở cơ quan hành chính cấp xã đã được tham gia đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định chung của Điều lệ Bảo hiểm xã hội và từ năm 2003 trở đi những người này được công nhận là cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và được xếp lương theo thang, bảng lương của Nhà nước. Do đó, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã khi đang làm việc và khi nghỉ việc theo các giai đoạn là rất phức tạp.

Để giúp các cấp, các ngành và người lao động nắm vững các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm việc ở cấp xã, phường, thị trấn, Nhà xuất bản Thống kê đã xuất bản cuốn sách Hỏi đáp về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn của TS. Nguyễn Thị Hải Vân - Lê Xuân Từ.

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần:

Phần thứ nhất: Những vấn đề chung

Phần thứ hai:Chế độ, chính sách về tiền lương, sinh hoạt phí và phụ cấp

Phần thứ ba: Chế độ bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật

Phần thứ tư: Chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác

Phần thứ năm: Một số văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn