Dân chủ xã hội là một trong ba trào lưu lý luận chính trị - xã hội chủ yếu của thế kỷ XX. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, trào lưu dân chủ xã hội có những bước phát triển lớn, trở thành một lực lượng chính trị đương đại quan trọng tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt từ sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô, hai trào lưu dân chủ tự do và dân chủ xã hội xung đột với nhau trên phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa tự do ngạo mạn tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử” và sự toàn thắng của chủ nghĩa tự do; các lực lượng dân chủ xã hội đã chứng minh sự sai lầm, thiển cận của quan điểm đó và đưa ra đề án phát triển thay thế của mình trong bối cảnh mới của thế giới toàn cầu hóa.

Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lý luận đối với những vấn đề cơ bản của thời đại ngày nay và của thế giới đương đại, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các trào lưu lý luận và các thành tựu khoa học xã hội thế giới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương V khóa X (7-2007), Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản cuốn sách Tương lai của nền dân chủ xã hội của các tác giả: GS, TS Thomas Meyer (một trong những nhà khoa học và lý luận hàng đầu của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và Phong trào dân chủ xã hội châu Âu) và Nicole Breyer.

Cuốn sách là một tác phẩm khoa học lý luận gồm 10 chương. Tư tưởng lớn của cuốn sách là: phê phán chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tân tự do với những đặc trưng của nó là phát triển và bảo vệ sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường tự do, tự điều tiết, các quyền con người thụ động, nền dân chủ hình thức và không hoàn thiện.

Tư tưởng cốt lõi của cuốn sách là dân chủ xã hội ra đời và phát triển trên cơ sở sự không hoàn thiện của dân chủ tự do. Dự án dân chủ xã hội khác với chủ nghĩa tự do thuần túy, bao gồm một hệ thống các giá trị cơ bản, các quan điểm, nguyên tắc và giải pháp cải cách, xã hội vì mục tiêu phát triển và lý tưởng tự do, công bằng, bình đẳng và hạnh phúc của con người trong bối cảnh hiện nay của thế giới. Xuất phát từ lập trường, quan điểm dân chủ xã hội, các tác giả cố gắng lập luận về triển vọng sáng sủa của dân chủ xã hội so với dân chủ tân tự do trong sự phát triển của thế giới đương đại.

Cách nhìn nhận và đánh giá, kể cả một số quan điểm, luận điểm của các tác giả cuốn sách không thể tránh khỏi những khác biệt với cách tiếp cận của chúng ta, song cuốn sách là một tài liệu tham khảo bổ ích và gợi mở cho chúng ta suy ngẫm về những vấn đề mà thế giới đang đặt ra, đồng thời cũng là những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm giải quyết cả về lý luận và thực tiễn.