Quan điểm về công nghiệp hóa của V.I.Lê-nin và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam hiện nay
Hơn 90 năm đã trôi qua, những thành tựu, kết quả từ bước đi ban đầu trong thời kỳ công nghiệp hóa của chính quyền Xô-viết vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta suy ngẫm và vận dụng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
I- Tình trạng kinh tế của Liên Xô trước và sau Cách mạng Tháng Mười
Trước năm 1917, nước Nga đã chuyển lên giai đoạn của chủ nghĩa đế quốc như các nước tư bản khác, nhưng về trình độ phát triển kinh tế chỉ ở mức trung bình. Năm 1914, tổng sản lượng công nghiệp của Nga đứng thứ năm trên thế giới, sau các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng công nghiệp thế giới, nhưng dân số đông, nên bình quân thu nhập đầu người thấp. Ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, trang thiết bị và công cụ sản xuất hiện đại của nước Nga chỉ bằng 1/4 của Anh, 1/5 của Đức và 1/10 của Mỹ. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp chủ yếu của Nga nằm trong tay tư bản nước ngoài. 90% dân số là nông dân, nông nghiệp chiếm hơn 50% trong tổng sản phẩm quốc nội. Các tàn dư của quan hệ sản xuất phong kiến, thậm chí của những hình thái kinh tế - xã hội trước đó vẫn tồn tại nặng nề. Kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài, mất cân đối giữa các ngành, đời sống đã khó khăn lại thêm khó khăn do hậu quả của chiến tranh thế giới thứ nhất để lại. V.I.Lê-nin đã nhận định về kinh tế nước Nga lúc bấy giờ: “một bên là chế độ sở hữu ruộng đất lạc hậu nhất cùng với tình trạng nông thôn dốt nát nhất và một bên là chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tài chính tiên tiến nhất"(1).
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, song song với việc xây dựng chính quyền vô sản, nhân dân Xô-viết bước vào xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà nhiệm vụ khó khăn nhất là xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh chồng chất khó khăn của đất nước khi mới giành được chính quyền, nhà nước Xô-viết đã thực hiện chính sách cộng sản thời chiến. Tuy đạt được những thành công nhất định, nhưng chính sách cộng sản thời chiến cũng để lại những hậu quả nặng nề.
Cuối năm 1920, đầu năm 1921, nội chiến kết thúc, chính quyền Xô-viết bước sang xây dựng nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn. Nền kinh tế của nước Nga lúc bấy giờ vốn đã lạc hậu lại thêm suy sụp bởi chiến tranh tàn phá. Về công nghiệp, ước tính 1/4 tổng sản lượng bị mất, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều bị giảm, nguyên vật liệu dự trữ hầu như không còn. Sản xuất nông nghiệp giảm; sản lượng ngũ cốc bình quân đầu người chỉ còn hơn 50% so với trước chiến tranh. Nền tài chính, tín dụng rơi vào tình trạng rối loạn, giá cả tăng mạnh, đồng rúp mất giá, xu hướng hiện vật hóa trong nền kinh tế tăng dần.
Tất cả những khó khăn về kinh tế và chính trị (bạo loạn, bất mãn, trật tự an toàn xã hội...) đã dẫn đến sự ra đời của Chính sách kinh tế mới (NEP). Nước Nga bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa đất nước bằng những chính sách cụ thể do những vấn đề cấp bách đang đặt ra. Đây thực sự là một bước chuyển biến lớn trong nhận thức.
Có thể nói, Chính sách kinh tế mới là bước khởi đầu của công cuộc công nghiệp hóa đất nước, bắt đầu từ những chính sách kinh tế, bao gồm chính sách thuế lương thực và các chính sách khôi phục, phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Trong công nghiệp, trước hết quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng bậc nhất là Kế hoạch điện khí hóa toàn quốc. Tiếp đến chú trọng khôi phục thương nghiệp, lưu thông hàng hóa, vai trò của các tổ chức thương nghiệp quốc doanh, cuối cùng là ổn định tài chính - tiền tệ. Khôi phục và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Từ di sản quý báu đó, Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Xô-viết đã thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Từ một quốc gia lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một cường quốc lớn, có một vị thế quan trọng trên thế giới. Mức tăng sản xuất công nghiệp trung bình hàng năm trong giai đoạn 1926-1928 là 21,7%, rất cao so với những năm trước đó. Từ năm 1923 đến 1924, công nghiệp xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và tập thể) chiếm 76,3% trong tổng sản phẩm công nghiệp, lợi nhuận của công nghiệp quốc dân tăng lên 4 lần. Đó là những thành tựu lớn lao không thể phủ nhận của công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nhân dân Xô-viết.
II- Quan điểm của V.I.Lê-nin về công nghiệp hóa
Có thể khẳng định rằng, V.I.Lê-nin, Đảng Cộng sản bôn-sê-vích và chính quyền Xô-viết đã nhìn nhận vấn đề về công nghiệp hóa rất sớm và cụ thể. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thắng lợi khi xây dựng được một nền sản xuất hiện đại, dựa trên một cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, có năng suất lao động cao hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Do đó, khi đất nước Xô-viết bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, V.I.Lê-nin đã coi công nghiệp hóa là bước đi quan trọng và đầu tiên để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Người xác định, cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp. Trong công nghiệp hóa thì điện khí hóa là không thể thiếu, điện khí hóa là một bước đi quan trọng nhất trên con đường tiến tới tổ chức đời sống kinh tế, của xã hội theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa, điện khí hóa là nhiệm vụ quan trọng nhất trong tất cả những nhiệm vụ vĩ đại đang đặt ra.
Vì vậy, xây dựng và phát triển ngành điện lực là yêu cầu cấp bách và hàng đầu đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa ở Liên Xô lúc bấy giờ. Do đó, hàng loạt nhà máy nhiệt điện, thủy điện lớn được hình thành, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước. V.I.Lê-nin đã đưa ra câu khẩu hiệu nổi tiếng khi nói về tầm quan trọng của việc phát triển ngành điện: "Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn(2).
Sự phát triển ngành công nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các ngành khác mà Liên Xô có nhiều lợi thế: khai thác than đá, dầu mỏ, chế tạo máy, giao thông vận tải. Trong việc phát triển các ngành công nghiệp, Liên Xô cũng theo tư tưởng phát triển mạnh các ngành sản xuất tư liệu sản xuất, vì theo V.I.Lê-nin, sự tiến bộ về kỹ thuật trong thời đại máy móc đòi hỏi phải gấp rút phát triển ngành sản xuất khai thác than đá và sắt là những tư liệu sản xuất "thật sự để chế tạo tư liệu sản xuất"... Kỹ thuật càng phát triển càng lấn át lao động thủ công của con người và đem những máy móc ngày càng phức tạp để thay thế lao động thủ công. Trong toàn bộ nền sản xuất của đất nước, máy móc và những tư liệu cần thiết để chế tạo máy móc sẽ ngày càng chiếm vị trí lớn hơn.
Song song với việc phát triển các ngành công nghiệp, Liên Xô cũng rất chú trọng tới việc phát triển nông nghiệp. Là một đất nước rộng lớn, Liên Xô có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Có thể nói, ở giai đoạn đầu của Liên bang Xô-viết, V.I.Lê-nin cùng với Đảng Cộng sản thực hiện Chính sách kinh tế mới, tiếp đến là công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Điểm xuất phát của công cuộc công nghiệp hóa ngành nông nghiệp là hình thành những vùng chuyên canh, chuyên con rộng lớn và các nông trường quốc doanh bên cạnh các hợp tác xã nông nghiệp. Các loại hình kinh doanh này có điều kiện để tập trung ruộng đất, thuận lợi cho việc ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.
Cũng về vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp, V.I.Lê-nin rất đề cao vai trò của việc mua bán nông sản, Người coi đây là điều kiện tiên quyết để thực sự công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Vai trò của lưu thông hàng hóa, đặc biệt là lưu thông nông sản là thiết lập liên minh giữa công nhân và nông dân, giữa công nghiệp và nông nghiệp. Do vậy, khi đất nước Xô-viết bước vào giai đoạn thời bình, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, thì chính sách thuế lương thực là một trong những chính sách được ưu tiên hàng đầu trong việc khôi phục và phát triển kinh tế. Chính nhờ việc thực hiện chính sách thuế lương thực, tự do lưu thông hàng hóa (đặc biệt là nông sản) đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển nông nghiệp của Liên Xô: mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, thị trường...
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải xóa bỏ dần các quan hệ sản xuất tư bản chủ yếu, do vậy, V.I.Lê-nin khẳng định phải xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Nét đặc trưng của thời kỳ này là vẫn tồn tại những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội. Sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga vẫn tồn tại 5 thành phần kinh tế khác nhau:
- Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên.
- Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó gồm đại đa số là nông dân bán lúa mỳ).
- Chủ nghĩa tư bản tư nhân.
- Chủ nghĩa tư bản nhà nước.
- Chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, thời kỳ này, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, V.I.Lê-nin đã đưa ra những lập luận về sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà nước Xô-viết cho phép các thành phần kinh tế vào phát triển lực lượng sản xuất, các ngành kinh tế cần nhiều vốn, tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là các ngành công nghiệp đòi hỏi phải có những công nghệ hiện đại, năng suất lao động. Bởi lúc đó, các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa mới được hình thành, chưa đủ sức phát triển cạnh tranh và chiếm lĩnh được nền kinh tế. Đây là một bài học rất quý giá cho chúng ta trong việc sử dụng các thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Quan điểm của V.I.Lê-nin là, để cải tạo và sử dụng được thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì phải làm cho lực lượng sản xuất phát triển, năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. Người đã nhấn mạnh tính khác biệt về bản chất của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong chủ nghĩa xã hội khác với chủ nghĩa tư bản ở những nước mà giai cấp tư sản nắm quyền cai trị. Đây là điểm nhấn hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu và sử dụng các loại hình kinh doanh này cho hiệu quả. Người khẳng định, năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho sự thắng lợi của một chế độ xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng có dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn khi chủ nghĩa xã hội đã tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn nhiều. Đó là sự nghiệp rất khó khăn và lâu dài, nhưng sự nghiệp đó đã bắt đầu và đây là điều chủ yếu.
Do vậy, thời gian này, chính quyền Xô-viết luôn coi trọng phát triển các ngành sản xuất có công nghệ hiện đại và đào tạo các cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo trong nước, Nhà nước Xô-viết đã bỏ ra hàng triệu rúp để cử người đi học ở nước ngoài với nhiều hình thức khác nhau (vì lúc này, bọn đế quốc vẫn tìm cách bao vây và cô lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết).
Điều trăn trở của V.I.Lê-nin là, làm thế nào sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước vào phát triển kinh tế của nước Nga lúc bấy giờ. Người cho rằng, đối với một nước từ nền sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, vì điều kiện để chuyển tiếp trực tiếp chưa có nên trong một mức độ nào đó phải sử dụng chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi. Do vậy, chúng ta phải lợi dụng, bằng đủ mọi cách lợi dụng họ hơn nữa và thật nhanh chóng bằng cách thực hiện chính sách tô nhượng và trao đổi hàng hóa với họ.. Sử dụng chủ nghĩa tư bản, bằng cách hướng nó vào chủ nghĩa tư bản nhà nước, làm mắt xích trung gian giữa nền sản xuất nhỏ và nền sản xuất khoa học - công nghệ, làm phương tiện để phát triển lực lượng sản xuất là một trong những khâu quan trọng. Năm 1922, V.I.Lê-nin tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình về sự cần thiết phải sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước để rồi sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, chủ nghĩa tư bản nhà nước, phải được hiểu là do nhà nước của giai cấp công nhân kiểm soát, điều tiết bằng luật pháp. Đặc trưng của nó là phải theo quy luật của thị trường có sự quản lý của nhà nước; đó là loại hình thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau, quan hệ kinh tế mở, cạnh tranh. Nhờ chọn đúng hướng đi, sau khi thực hiện quá trình công nghiệp hóa, nước Nga đã trở thành một cường quốc có sức mạnh lớn lao để chiến thắng phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, và trở thành một trong những nước có nền kinh tế tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
* * *
Việc nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước, đặc biệt kinh nghiệm thực tiễn của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết là rất cần thiết. Những di sản quý báu của Liên Xô từ những bước đi ban đầu của giai đoạn xây dựng nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, trong môi trường bị bao vây, cấm vận, thực sự rất quý báu. Tuy không phải thời kỳ đó, Liên Xô đã thành công như mong muốn của những người cộng sản Xô-viết, nhưng những thành tựu đạt được là không thể phủ nhận, những bài học kinh nghiệm vẫn còn mang tính thời sự cho chúng ta học tập, để tránh mắc những sai lầm trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Với tình hình lúc bấy giờ, bị bao vây, Liên Xô buộc phải thực hiện công nghiệp hóa đất nước, phải tự lực cánh sinh. Tư tưởng độc lập, tự chủ chiếm vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật: từ công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ (sản xuất hàng tiêu dùng) đến phát triển nông nghiệp. Dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu, do vậy, cả một thời gian dài trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội (công nghiệp hóa), Liên bang Xô-viết đã phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng trong sản xuất, chưa quan tâm đến phát triển chiều sâu, chưa ứng dụng được những thành tựu khoa học tiên tiến. Điều này không thể nói là sai lầm, nhưng cũng cho chúng ta rút ra một bài học là: phải tận dụng được lợi thế so sánh của đất nước; biến ngoại lực thành nội lực. Trong bối cảnh một nước nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ lệ cao như ở nước ta, thì lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta thực hiện: "Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp, vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra"(3). Và, không phải ngẫu nhiên Đảng ta nhấn mạnh, thực chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là điểm đột phá của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là sự vận dụng những tư tưởng của V.I.Lê-nin và kinh nghiệm của chính quyền Xô-viết về sử dụng và liên kết các thành phần kinh tế (trong đó có kinh tế tư bản nhà nước), phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lưu thông hàng hóa, phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, then chốt với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
(1) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t 16, tr 530
(2) C. Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin: Về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, t 2, tr 72
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t 10, tr 180
Hợp tác ASEAN + 3: thành tựu sau hơn 10 năm phát triển  (02/11/2007)
Bình Định xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, thị trấn  (02/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên