Sau hơn 2 tháng tiến hành kiểm toán (từ ngày 11-4-2007 đến ngày 21-6-2007), ngày 30-10, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Kết quả kiểm toán Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) giai đoạn 2001-2005. Bản Báo cáo đã trình bày nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán, nêu những đơn vị được kiểm toán, đánh giá những kết quả mà Đề án 112 đã thực hiện được; những sai sót, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến những sai sót, yếu kém đó.

Mục tiêu chung của Đề án

1. Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý của các cơ quan hành chính sự nghiệp, đến cuối năm 2005 đưa hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ vào hoạt động.

2. Bám sát các mục tiêu của chương trình cải cách hành chính nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện đại hóa công nghệ hành chính, thực hiện tin học hóa các quy trình cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân và doanh nghiệp.

3. Đào tạo tin học cho cán bộ công chức nhà nước, tạo khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ mới trong công việc thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu cao vì hiệu quả và chất lượng công việc.

Sau quá trình triển khai, Đề án giai đoạn 2001-2005 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận là: xây dựng được cổng thông tin điện tử của Chính phủ; hình thành được hệ thống thông tin điện tử triển khai rộng tới các bộ, ngành, địa phương; xây dựng thử nghiệm một số phần mềm dùng chung; xây dựng một số cơ chế đặc thù cho triển khai một số hạng mục của Đề án; phổ cập được kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho một số lớp cán bộ, công chức. Đề án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức về ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nói riêng; bước đầu tạo được hạ tầng công nghệ thông tin phục cụ công tác cải cách hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, Chương trình Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 triển khai chậm; hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tài sản thấp, một số bộ ngành có biểu hiện lãng phí, có khả năng thất thoát ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước.

1. Tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí

Tổng mức đầu tư được duyệt cho cả giai đoạn thực hiện Đề án 112 là: 3.836 tỉ 85 triệu đồng. Trong đó, dự toán ngân sách trung ương cho Đề án là 1.000 tỉ đồng; tổng kinh phí đã được cấp phát là 1.000 tỉ 325 triệu đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng cho Đề án là 1.159 tỉ 636 triệu đồng.

Kiểm toán nhà nước đã xác định: trong 555 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, có 55 tỉ 702 triệu đồng không đủ điều kiện quyết toán do chi sai phân cấp nguồn vốn đầu tư; trong 108 tỉ 507 triệu đồng thực nhận từ ngân sách nhà nước để chi phí thường xuyên có 43 tỉ 99 triệu đồng bị loại trừ quyết toán, xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước, loại khỏi quyết toán do chưa đủ điều kiện; trong 169 tỉ 918 triệu đồng vốn thực nhận từ khoản vay ADB có 103 tỉ 848 triệu đồng bị loại trừ quyết toán, xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước, loại khỏi quyết toán do chưa đủ điều kiện; xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước do chi vượt định mức, chi sai chế độ: 1 tỉ 315 triệu đồng trong tổng số 318 tỉ 209 triệu đồng đề nghị quyết toán từ nguồn ngân sách địa phương.

2. Hiệu quả đầu tư của Đề án

So với mục tiêu đã được đặt ra, Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng hiệu quả thấp, lãng phí và có khả năng thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Thể hiện ở chỗ:

- Hiện nay, trong cả nước đã xây dựng được 115 trung tâm tích hợp dữ liệu trong cả nước. Bên cạnh một số bộ, ngành đã có hoạt động nề nếp, một số bộ ngành mới chỉ ở giai đoạn đầu tích hợp dữ liệu. Hầu hết các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành chưa tích hợp được các thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, phục vụ công tác điều hành, quản lý hành chính của các cấp lãnh đạo; chưa thực sự phục vụ, thúc đẩy cải cách hành chính.

- Việc xây dựng phần mềm dùng chung của Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ là một ý tưởng đúng, nhưng những định hướng về cải cách hành chính để ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với công tác quản lý trên các lĩnh vực, ngành nghề chưa được chuẩn hóa, đồng bộ. Trong số 48 phần mềm dùng chung, mới có 3 phần mềm được triển khai, nhưng hiệu quả kém. 45 phần mềm còn lại một số phần mềm đã xong nhưng chưa triển khai thí điểm, một số đang triển khai, đa số các phần mềm mới xong giải pháp kỹ thuật, chưa phần mềm nào được triển khai trên diện rộng.

- Một số tỉnh đến nay chưa xây dựng xong các mạng cục bộ của các quận, huyện, sở, ban, ngành để kết nối với trung tâm tích hợp dữ liệu.

- Ban Điều hành Đề án 112 đã tổ chức được các khóa học đào tạo tin học và quản trị mạng cho các kỹ sư và chuyên viên công nghệ thông tin đang công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với 2.651 lớp học về tin học. Tuy nhiên, công tác đào tạo cán bộ tin học còn thiếu sót, lãng phí, hiệu quả thấp: đào tạo không đúng đối tượng; không phân loại cán bộ trước khi đào tạo nên chất lượng đào tạo thấp; số giáo trình tồn kho, không sử dụng sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo lớn, gây lãng phí ngân sách.

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án còn nhiều bất cập như: Ban Điều hành Đề án Chính phủ là cơ quan thẩm định kỹ thuật Đề án cho các bộ, ngành địa phương, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầ tư phân phối vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương cho các Đề án. Nhiệm vụ này đã tạo ra quyền hạn lớn trong quản lý và điều hành, dẫn đến tình trạng xử lý thiếu khách quan, công bằng; trong quá trình phân bổ vốn đầu tư không căn cứ vào dự toán, thiết kế mẫu Trung tâm tích hợp dữ liệu, không theo phân cấp nguồn vốn đầu tư, dẫn tới các bộ, ngành, địa phương bị động về vốn đầu tư từ ngân sách trung ương; kinh phí ngân sách nhà nước không được giải ngân kịp thời; còn lúng túng trong việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán của Đề án; Ban điều hành đề án 112 ở các địa phương triển khai thực hiện Đề án quá chậm..

Những khó khăn trong triển khai Đề án đã được nêu trong Báo cáo Kiểm toán là: trình độ tin học của cán bộ, công chức hành chính và nhận thức về sử dụng công nghệ mới trong nền hành chính điện tử còn thấp và không đồng đều; hạ tầng kỹ thuật tin học trong các cơ quan hành chính còn thiếu và bắt đầu lạc hậu; thủ tục hành chính còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính còn chồng chéo; thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án tin học hóa và vận hành hệ thống thông tin điện tử.

3. Nguyên nhân dẫn tới yếu kém, tồn tại khi thực hiện Đề án

- Chương trình tin học hóa quản lý hành chính nhà nước là một chương trình không có tiền lệ, vì thế Ban Điều hành 112 Chính phủ và Ban Điều hành 112 của các bộ, ngành, địa phương phải mất hơn 2 năm mới xác định được định hướng công nghệ và một số cơ chế đặc thù để triển khai Đề án 112.

- Nhận thức về Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, vai trò của tin học trong quá trình hiện đại hóa hành chính của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa triệt để.

- Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ làm việc với hình thức kiêm nhiệm, chưa đủ tầm để quyết định những vấn đề chủ yếu của Chương trình.

- Các mục tiêu của Đề án đặt ra là quá lớn, vượt quá khả năng thực hiện so với thời gian và nguồn lực. Phương pháp tiếp cận xây dựng nhiều nội dung của Đề án còn thiếu tính hệ thống.

- Đối tượng của Đề án 112 rất rộng, liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh Đề án 112 còn có nhiều đề án, dự khác về ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai song song với nhau, không có sự phối hợp, trao đổi khi cần thiết để có khả năng liên kết, tích hợp v.v.. dẫn đến hiệu quả sử dụng thiết bị, công nghệ thông tin không cao.

Báo cáo Kiểm toán đã đưa ra những kiến nghị đối với Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ; Ban Điều hành Đề án 112 các bộ, ngành, địa phương; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các chương trình Quốc gia cả về phương diện quản lý tài chính và quản lý, điều hành để có thể thực hiện được mục tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan trong quản lý, điều hành, sử dụng kinh phí, tiền và tài sản nhà nước của Đề án 112.