TCCS - Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, tỉnh Hà Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới.

Hà Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Nhận thức được văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần nâng cao trình độ dân trí, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế vốn có, cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 2-8-2021, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết xác định cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, bảo đảm phát triển bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc.

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; Đề án Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020… Bên cạnh đó còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm bằng nhiều tiếng dân tộc; tập trung tuyên truyền cổ động trực quan (pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu), tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư; nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Hà Giang còn tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô (huyện Mèo Vạc), dân tộc Dao (huyện Bắc Quang), dân tộc Tày (huyện Quang Bình); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông (huyện Bắc Mê); dân tộc Tày (thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên); xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương tham gia giáo dục văn hóa truyền thống, lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học với nhiều hình thức phong phú. Tỉnh cũng quan tâm phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Từ mô hình Hội nghệ nhân dân gian được thành lập đầu tiên tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào năm 2003, đến nay Hà Giang đã nhân rộng mô hình với 193 tổ chức hội cấp xã và 1 tổ chức hội cấp huyện với hơn 9.000 hội viên tham gia, trong đó có 18 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là mô hình tổ chức hội tự nguyện của các nghệ nhân được cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất, vận động thành lập nhằm quy tụ các nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng, thầy mo, thầy tạo… giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tạo đà cho du lịch phát triển

Vốn là mảnh đất với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phát triển du lịch. Tỉnh đã tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống để gắn với phát triển du lịch. Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch có sự chuyển biến đáng kể. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông… Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông. Các sở, ngành chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhờ đó vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Một số làng văn hóa du lịch thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (huyện Mèo Vạc). Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm.

Có thể thấy rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng, miền ngày càng nhiều. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo đó, Hà Giang chủ trương thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang luôn hướng tới mục tiêu phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, gắn kết sản phẩm du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Tỉnh còn chú trọng phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương, tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch thương mại, biên giới. Điều đặc biệt là du lịch Hà Giang đã khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, các sản phẩm du lịch được khai thác kéo dài quanh năm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình các làng văn hóa du lịch, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo.

Hiện nay, sản phẩm du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang được thực hiện xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhìn chung, các làng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động đều khai thác có hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể và huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, bảo đảm các lợi ích từ du lịch đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (homestay) có doanh thu từ 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Hà Giang còn có 106 điểm du lịch đang hoạt động, tập trung ở các loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Với lợi thế về cảnh quan, địa chất, chủ yếu nằm ở hai vùng là vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và vùng núi đất phía Tây với di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang đang phát triển thêm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Tỉnh triển khai thử nghiệm khai thác, tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm như giải đua môtô, ô tô địa hình tại huyện Yên Minh và Quản Bạ, khinh khí cầu, đi bộ chinh phục vách đá trắng, Giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh phúc; Chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế thám hiểm hẻm vực Tu Sản; bay dù lượn núi Pố Lổ (thị trấn Đồng Văn); Thám hiểm hang Sán Tớ và đu dây mạo hiểm Hố sụt thôn Tìa Chí Dùa (huyện Mèo Vạc). Trong thời gian tới tỉnh cho phép đoàn khách nước ngoài đến Hà Giang bằng máy bay trực thăng.

Hà Giang hướng đến sản phẩm du lịch thương mại, biên giới nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách; kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Đáng chú ý phải kể đến mô hình chợ 4.0 với hình thức thanh toán không cần dùng tiền mặt, chỉ cần quét mã Qrcode tại chợ thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần), chợ trung tâm thành phố Hà Giang; chợ đêm tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng không gian văn hóa chợ phiên gắn với khai thác phát triển du lịch tại chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ các xã Khâu Vai, Lũng Pù, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ..., góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Hà Giang đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, với nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc Hà Giang cũng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ độc đáo được nhiều du khách nhớ tới. Hà Giang có 4 món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: Cháo Ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp cùng 4 món lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ. Tháng 9-2023, Hà Giang có 3 món ẩm thực, gồm cá bỗng, cháo ấu tẩu và phở ngô, được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, làm cho các sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn.

Trong thời gian tới, Hà Giang cần có chính sách phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cùng với đó, quan tâm, đầu tư phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bền vững của các giá trị văn hóa và bản sắc riêng cho mỗi dân tộc; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở. Quan tâm làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tiến hành bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc ngay chính trong đời sống cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với việc giữ gìn văn hoá, tín ngưỡng truyền thống./