Hà Nội: Tâm thế mới, vóc dáng mới trong điều kiện mới
TCCS - Ngày 10-10-1954, Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Đây không chỉ là thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc của người dân Thủ đô, mà còn là một ngày hội lớn của nhân dân cả nước, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung. Trải qua gần 70 năm thăng trầm, Hà Nội giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững theo hướng hiện đại, luôn tự hào là trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, xứng tầm khu vực và thế giới.
Kinh tế tăng trưởng khá
Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung cả nước. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm; giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) đạt 6,67%/năm, gấp 1,12 lần so với mức tăng chung của cả nước. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, gấp 1,45 lần mức trung bình cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2008 - 2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Mặc dù, chỉ chiếm 1% diện tích và 8% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đã đóng góp 12,6% về GRDP, 17,1% về thu ngân sách nhà nước và 4,6% kim ngạch xuất khẩu.
Kể từ khi đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Hà Nội luôn đứng hàng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, Hà Nội đã thu hút mới hơn 4.500 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 33 tỷ USD. Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; hằng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Trong các ngành kinh tế, du lịch là một trong những lĩnh vực được Hà Nội chú trọng phát triển nhất và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Tính đến tháng 9-2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần; số lượng khách nội địa đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh du lịch, hoạt động thương mại trên địa bàn Hà Nội cũng duy trì mức tăng trưởng tốt. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 xuống còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021 - 2022 tăng 9,3%. Hạ tầng thương mại được quan tâm phát triển với 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm...
Nngành công nghiệp cũng được Hà Nội cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Nhiều khu đô thị mới cũng được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô Hà Nội. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 02/05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.
Trung tâm văn hóa của cả nước
Trong sâu thẳm từ thuở Thăng Long, Thủ đô Hà Nội đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Đó là những giá trị trường tồn, là nguồn lực nội sinh to lớn trên hành trình xây dựng và phát triển. Năm 2008, việc Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành cuộc kiến tạo đặc biệt, vừa định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô, vừa làm dày thêm nền văn hóa Hà Nội, nhất là sự bổ sung của văn hóa xứ Đoài; qua đó, đưa Hà Nội tiếp tục giữ vị trí vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có và hấp dẫn nhất cả nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú cùng lớp lớp nhân tài là văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa.
Nhiều thiết chế văn hóa cũng được Hà Nội đẩy mạnh xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử… Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô. Vai trò và giá trị của văn hóa được thấm nhuần, đã và đang thể hiện rõ nét qua tinh thần, diện mạo của Hà Nội ngày nay. Những việc làm, hành động vì tình yêu Hà Nội góp phần đẩy lùi những hành vi phản văn hóa, mang lại một môi trường văn hóa an toàn và hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng và du khách. Một nền hành chính phục vụ, hành chính “nụ cười” đang tạo dấu ấn đậm nét nơi công sở, đưa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội vào nhóm dẫn đầu cả nước.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện thể hiện qua việc Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường, lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, cũng như số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước.
Lĩnh vực y tế cũng có bước phát triển vững chắc khi Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Cùng với đó, Hà Nội tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tích cực. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội trong năm 2022 giảm còn 0,095%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Hà Nội đã hỗ trợ hơn 515.000 người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch với tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng. Các nhu cầu thiết yếu về điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện.
Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); tất cả 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại; các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy. Đặc biệt, Hà Nội luôn thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến rõ rệt; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đạt trên 85%. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt trên 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,8 tuổi.
Vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao
Trong những năm qua, Hà Nội luôn đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại, từ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, cđến tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị,… góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trên trường quốc tế.
Đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với khoảng 110 thủ đô, thành phố, địa phương của các nước trên thế giới, bao gồm các nước Hiệp quốc các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Á - Thái Bình Dương (Australia, New Zealand…), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Đông Âu (Nga, Séc, Ba Lan…); các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Bỉ…). Trong đó, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố của các nước. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội. Về hợp tác đa phương, Hà Nội là thành viên của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế, tham gia nhiều dự án chung, dự án hỗ trợ, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, trao đổi chuyên gia… Hà Nội hiện là thành viên chính thức và tham gia tích cực các hoạt động của Hiệp hội Thị trưởng các thành phố sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis), Mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời (LHC), Mạng lưới các thành phố lớn châu Âu thế kỷ XXI (ANMC21).
Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, như Tọa đàm “Gặp gỡ Canada”; Tọa đàm “về phát triển thành phố thông minh” với Bộ Thương mại Mỹ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh và chính phủ điện tử… Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Hà Nội đã phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Quan hệ giữa thành phố Hà Nội với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện. Thành phố đã ký kết hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp hơn 204 đoàn ngoại giao, lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế đến thăm và làm việc. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành Trung ương chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò thành phố chủ nhà của Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2-2019. Sự kiện đó để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Mới đây nhất, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định. Trước đó, Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các sự kiện chính trị đối ngoại khác, như Đại hội đồng lần thứ XVI Hội đồng quốc tế các Đài Phát thanh và Truyền hình sử dụng tiếng Pháp, Đại hội Luật gia dân chủ quốc tế lần thứ XVII và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III (AI Games III), Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80…
Về kinh tế đối ngoại, Hà Nội hiện có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh đối ngoại kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Hà Nội đã tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy và khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương, thuộc các lĩnh vực đào tạo, xử lý môi trường, giao thông, cung cấp thiết bị và phân loại rác, cấp thoát nước, xây dựng, quy hoạch... Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế; là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn FDI liên tục tăng qua các năm.
Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch hơn. Việc áp dụng cơ chế “một cửa” liên thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Qua đó góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; Chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ hai… Hà Nội cũng đang là thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO)…
Có thể thấy, những thành tựu đạt được của Hà Nội trong gần 70 năm qua không chỉ là sự ghi nhận và nguồn động lực to lớn cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Thủ đô, mà còn là cơ hội thuận lợi để “mảnh đất ngàn năm văn hiến” tiếp tục định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới./.
Hà Nội: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập  (25/11/2023)
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Thủ đô  (25/11/2023)
Học và làm theo Bác góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội  (25/11/2023)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm