TCCS - Thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định nhằm bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Thủ đô Hà Nội đã khẳng định được vai trò chiến lược trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế về quốc phòng nói riêng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.

Trên suốt tiến trình phát triển của lịch sử, Hà Nội - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nguyên khí non sông, nơi lắng động hồn thiêng sông núi luôn giữ vị trí vai trò đặc biệt, vận mệnh Hà Nội luôn gắn liền với vận mệnh và sự phát triển của đất nước. Kế tục sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng, An Dương Vương đã chọn Cổ Loa để xây thành đóng đô, để rồi kể từ đó, với vị trí chiến lược quan trọng, địa danh Hà Nội với nhiều tên gọi khác nhau, như Tống Bình, Long Biên, Đại La, Thăng Long, Đông Quan, Đông Đô…; trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường để bảo vệ độc lập, chủ quyền, ông cha ta luôn chú trọng thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, lấy hòa bình, hòa hiếu và hữu nghị làm cốt lõi, đề cao lòng nhân ái, vị tha, bao dung, nun đắp và tạo dựng nên những truyền thống, bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí nhưng cũng đậm tính nhân văn.

Với phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”, thế hệ ông cha ta đã luôn chú trọng bảo vệ Tổ quốc, lo giữ nước từ khi nước còn chưa nguy. Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, không để đất nước rơi vào thế bị động, bất ngờ. Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cùng các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị đến Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã hoàn thiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Nghị quyết chỉ rõ: “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh xung đột từ sớm từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(1), “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt... giữ trong ấm ngoài êm, giữ nước từ khi nước chưa nguy”(2). Trong đó, hội nhập quốc tế về quốc phòng cũng là một trong những biện pháp chiến lược cần thiết, quan trọng góp phần tạo nên thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức, Quân ủy Trung ương đã hoàn thành xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 53 KL/TW, ngày 28-4-2023, “về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Theo đó, đường lối hội nhập quốc tế về quốc phòng ngày càng được hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, góp phần  bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hà Nội với công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh

Đối với địa bàn Thủ đô, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định “bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô”(3). Quán triệt sâu sắc vấn đề bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trong hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình nhằm phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng. Về công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng nói riêng, công tác quân sự quốc phòng nói chung, Nghị quyết Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh: “Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”. “Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”(4).

Năm 2023, để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 24-5-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 19-1-2023, về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội năm 2023. Trong công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng, Kế hoạch xác định: “Giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước”. “Chủ động đề xuất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh”. “Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2023 một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục tham mưu duy trì và củng cố các mối quan hệ với thủ đô, thành phố, vùng địa phương của các nước bạn bè truyền thống, lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); các nước đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ. Tham gia sáng tạo, có chọn lọc vào các cơ chế hợp tác đa phương cấp địa phương mà Hà Nội là thành viên. Tranh thủ cơ hội mở rộng giao lưu, hợp tác với các đối tác mới phù hợp với khả năng và nhu cầu của Thủ đô”(5).

Năm 2023, Hà Nội ban hành, triển khai thực hiện chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023. Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ khóa XIII, về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Hà Nội đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ 4 quận, huyện (Hoàng Mai, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín) bảo đảm chất lượng, an toàn; tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” chặt chẽ, hiệu quả; hoàn thành tốt các nội dung kiểm tra của Đoàn kiểm tra Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019, của Chính phủ, “về khu vực phòng thủ” và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 11-11-2021, của Thành ủy khóa XVII, về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025”.

Nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Thủ đô Hà Nội đã cùng cả nước xử lý tốt các mối quan hệ quốc phòng với các nước, nhất là với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo nên thế đan xen chiến lược, góp phần bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; củng cố tình hữu nghị đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng; bảo đảm cân bằng các mối quan hệ trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn… Duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế. Trong đó, tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với Bộ Chỉ huy Quân sự Thủ đô Viêng Chăn (Quân đội nhân dân Lào) và Bộ Tư lệnh Quân khu Đặc biệt (Quân đội Hoàng gia Campuchia). Thông qua các hình thức hợp tác song phương, hội nhập quốc tế về quốc phòng đã góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tốt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.

Một số vấn đề đặt ra cho Thủ đô trong bối cảnh mới

Trong thời gian tới, thế giới có xu hướng đa cực, phân tuyến rõ ràng trên nhiều mặt, tác động tới tập hợp lực lượng, liên kết quốc tế và cục diện quốc tế nói chung. Nguy cơ chạy đua vũ trang, phổ biến và cạnh tranh vũ khí hạt nhân, cạnh tranh trên không gian và trên vũ trụ quay trở lại, cùng với sự gia tăng các vấn đề an ninh phi truyền thống, gây tâm lý lo ngại và căng thẳng trên toàn cầu. Tình hình tranh chấp chủ quyền, xung đột cục bộ, chiến tranh ủy nhiệm tiếp tục phức tạp… đặt ra nhiều yêu cầu mới, ngày càng cao trong hội nhập quốc tế về quốc phòng đối với nước ta nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Để làm tốt hơn nữa công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng, góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần tập trung quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết  Hội  nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, của Bộ Chính trị, “về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị, “về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; đồng thời, bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Cần xử lý hài hòa, linh hoạt trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới theo nguyên tắc và phương châm cốt lõi của trường phái “ngoại giao cây tre” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hai là, tăng cường mở rộng nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, chú trọng và phát huy hoạt động đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao nhân dân. Thủ đô Hà Nội cần phải mở rộng hơn nữa việc giao lưu với các thủ đô, thành phố, địa phương các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Cùng với đó, giữ vững môi trường ổn định để phát triển đất nước, tranh thủ thuận lợi thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tiếp tục duy trì và củng cố các mối quan hệ với thủ đô, thành phố, vùng, địa phương của các nước bạn bè truyền thống, lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối ASEAN, các nước đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ; tham gia sáng tạo, có chọn lọc vào các cơ chế hợp tác đa phương cấp địa phương mà Hà Nội là thành viên. Hà Nội cần tranh thủ cơ hội mở rộng giao lưu, hợp tác với các đối tác mới phù hợp với khả năng và nhu cầu của Thủ đô. Trong đó, tập trung thúc đẩy triển khai ký kết các thỏa thuận quốc tế: Biên bản ghi nhớ giữa thành phố Hà Nội với thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc),  Cairo (Ai Cập), Minsk (Belarus), Los Angeles (Mỹ)...; hướng dẫn quy trình, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố. Hà Nội cần phải giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước; chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh chống các luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; chủ động đề xuất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh.

Ba là, quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng từ khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách hợp lý nhằm trang bị kiến thức nền ngang tầm nhiệm vụ; thu hút người có năng lực, trình độ đối ngoại, nhạy bén trong công tác tham mưu, phân tích nghiên cứu tình hình thế giới. Đặc biệt, phải xây dựng cho ngội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường vượt qua khó khăn gian khổ, phải “chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân,… khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(6)./.

-------------------------

(1)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 149
(2)  Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, ngày 16-4-2018
(3)   Bộ Chính trị, Nghị quyết số 15-NQ/TW về Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 5-5-2022
(4)  Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025)
(5) Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 33/KH-UBND về Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội năm 2023, ngày 19-1-2023
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 136 - 137