Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thương mại biên giới ở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Với gần 119km đường biên giới trên bộ và 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam thông qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Do đó, Quảng Ninh được đánh giá là một trong 3 đầu tàu (cùng với Hà Nội, Hải Phòng) phát triển kinh tế của vùng, một trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi cần có kế hoạch bài bản để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế cũng như phát triển trong thời gian tới.
Một số thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh
Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh khó khăn khi các đợt dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát cùng với nhiều biến động, thách thức khó lường do cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina; chuỗi cung ứng toàn cầu của một số ngành bị đứt gãy..., song Quảng Ninh vẫn nổi lên là một trong những điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022; trong đó năm 2021 đạt 10,21% và năm 2022 đạt 10,28%), quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.246 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng trong khu vực đồng bằng sông Hồng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2020 - 2022) đạt 155.705 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 117.248 tỷ đồng, chiếm 75,3%), tăng bình quân khoảng 5%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2023: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,88% đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 41.178 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 105% cùng kỳ; có 2.049 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,8 % cùng kỳ với số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 16.866 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 341.363tỷ đồng.
Thương mại là một ngành kinh tế độc lập mà hoạt động của nó là mua, bán hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (theo Luật Thương mại Việt Nam). Trong đó bao gồm các hoạt động: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; xúc tiến thương mại; các hoạt động trung gian thương mại... Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại đã trở thành lĩnh vực tiên phong, quan hệ thương mại đi trước mở đường cho quan hệ ngoại giao chính thức giữa các quốc gia. Dịch vụ thương mại còn là con đường để các nước đang phát triển tiến kịp với các nước phát triển, giảm dần khoảng cách với các nước tiên tiến. Việt Nam do ảnh hưởng của cơ chế cũ và nền sản xuất nhỏ nên thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế. Phát triển thương mại chính là con đường để khai thác những tiềm năng và thế mạnh của quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cần hiểu rõ vai trò của hoạt động thương mại trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó làm cơ sở khoa học xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Quảng Ninh, địa phương có dân số đông, nguồn lao động tương đối dồi dào, đa dạng, nhu cầu lao động cũng không kém phần đa dạng. Chính những đối tượng này đã góp phần trong việc chọn ngành, nghề và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong địa bàn. Thương mại không những là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là trung gian phân phối nguồn lực tài chính để tham gia kinh doanh, thực hiện lưu thông và luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp sản xuất tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi. Ngoài ra, do có biên giới với Trung Quốc, thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tại chỗ, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với Trung Quốc, nối liền sản xuất với tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là vốn ngoại tệ và đổi mới công nghệ.
Hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hằng năm. Những điểm sáng thương mại biên giới đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, những năm qua, việc duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đặc biệt, nhằm ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), hai bên đã hợp tác toàn diện với mọi cấp, mọi ngành, trên cả bình diện song, đa phương, trở thành kiểu mẫu trong quan hệ cấp địa phương hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới.
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc. Thông qua đó, Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, ngày 19-3-2019, tỉnh Quảng Ninh và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức thông quan cầu Bắc Luân II, kết nối thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Việc thông quan cầu Bắc Luân II đã giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải của cầu Bắc Luân I, góp phần đẩy mạnh việc giao thương kinh tế, thương mại, du lịch của hai bên.
Những nỗ lực thúc đẩy thương mại biên giới Quảng Ninh
Để phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, "cầu nối" hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc… đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sôi động nhất trong ba tuyến biên giới với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, quy mô thương mại qua biên giới tương đối lớn. Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) đạt trên 672.500 tấn, tăng 340% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lượng hàng hóa XNK đạt 312.900 tấn, tăng 178% so cùng kỳ 2022, bình quân đạt 2.565 tấn hàng hóa XNK/ngày. Tại lối mở Km3+4 Hải Yên, hàng hóa xuất khẩu đạt 339.100 tấn hàng, tăng 838% so cùng kỳ 2022; hàng hóa nhập khẩu 20.400 tấn, tăng 406% so cùng kỳ 2022. Có thể thấy, tổng giá trị hàng hóa qua tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc gần mười năm trở lại đây tăng trưởng trung bình khoảng 32% và chiếm tỷ lệ 31,25% tổng kim ngạch thương mại song phương trong cùng giai đoạn, trong đó tập trung phần lớn qua các cửa khẩu thuộc địa bản các tỉnh, như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản của Việt Nam. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, như sắn (chiếm 90%), gạo (40%), cao-su (50%). Cơ cấu mặt hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là hàng đông lạnh, quặng các loại, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nông sản, lâm sản, hóa chất và các mặt hàng khác. Cơ cấu mặt hàng kho ngoại quan chủ yếu là máy móc thiết bị, hàng đông lạnh. Cơ cấu hàng hóa trao đổi cư dân biên giới chủ yếu là hàng nông sản và tạp hóa. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc những nhóm hàng chế biến, chế tạo như máy móc thiết bị, phụ tùng, sắt thép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, hóa chất, sản phẩm từ chất dẻo...
Tại thành phố Móng Cái, nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế biên mậu, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, nhiều dự án động lực được Trung ương, tỉnh và thành phố đầu tư như: cao tốc Móng Cái - Vân Đồn; đường dẫn và Cảng tổng hợp Vạn Ninh với quy mô trên 400ha cho tàu 20.000 tấn cập bến; đường giao thông kết nối đường ven biển từ Vạn Ninh đi tỉnh lộ 335; đầu tư nâng cấp quốc lộ 18C nối từ Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến Cửa khẩu Bắc Phong Sinh..., đồng thời, thành phố đã và đang coi trọng, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng cửa khẩu bảo đảm phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nâng cao năng lực thông quan, lợi thế cạnh tranh so với địa phương khác, đáp ứng tốt nhu cầu thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc: hiện có 1 cửa khẩu quốc tế với 2 lối thông quan (Cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II); 1 cảng khẩu Vạn Gia, 1 cửa khẩu phụ Ka Long, 2 lối mở biên giới (trong đó lối mở Km3+4 Hải Yên đã hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, lối mở Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc) sẽ sớm thống nhất thông quan trong thời gian tới); đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nền tảng cửa khẩu số thông minh tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân 2 gắn với khu dịch vụ thương mại; xây dựng Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản quốc tế tại lối mở Km3+4 Hải Yên; phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) thúc đẩy lắp đặt phòng thí nghiệm của Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa chi nhánh Quảng Tây tại lối mở Km3+4 Hải Yên; xây dựng cầu sắt thô sơ tại lối mở Km3+4 Hải Yên/cặp chợ biên mậu Đông Hưng; xây dựng cầu Bắc Luân 3; tập trung thi công bến cảng tổng hợp Vạn Ninh - giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý 4-2024 sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra miền Bắc và hình thành, kết nối tuyến vận tải biển từ các cảng trong nước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng cùng các địa phương có cửa khẩu giao thương như: Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tham mưu, phối hợp và ngoại giao để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Điển hình: Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND (ngày 31-5-2023) phê duyệt đề cương Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng, trình Ủy ban nhân dân xem xét các kế hoạch về hành động thực hiện Chiến lược XNK hàng hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn thủ tục xuất khẩu (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) cho các công ty xuất khẩu các sản phẩm sản xuất sang các thị trường mới để hưởng ưu đãi thuế quan do hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, như: Công ty TNHH XNK Quốc tế An Khang xuất khẩu mặt hàng sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới xuất sợi hóa học sang thị trường Philippines…
Với nhiều chính sách, sự đồng hành hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương đã giúp cho hoạt động XNK vùng biên ngày càng đạt được kết quả tích cực. Tới nay, hoạt động thương mại XNK hàng hóa qua các cửa khẩu/lối mở với Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) đang phát triển ổn định.
Một số khuyến nghị chính sách
Để thúc đẩy thương mại biên giới, với quan điểm “Quy hoạch đi trước mở đường”, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, công tác quy hoạch gắn với các khu kinh tế cửa khẩu luôn được đặc biệt quan tâm. Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác với nhiều tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để lập các quy hoạch chiến lược nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển khu kinh tế cửa khẩu trở thành một địa bàn động lực quan trọng, một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng đồng bằng sông Hồng và thành một trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.
Ví dụ điển hình là nỗ lực xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu kinh tế tự do có dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững góp phần tích cực vào tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế... Đến nay, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao trùm đầy đủ các định hướng phát triển đối với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nói chung. UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 4/9 quy hoạch phân khu chức năng, 5 phân khu chức năng còn lại đang hoàn thiện các bước chờ phê duyệt. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được được áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và các chính sách hỗ trợ về thuê, sửu dụng đất, về thuế, giải phóng mặt bằng và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Móng Cái.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển các hoạt động, thương mại điện tử, thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Móng Cái nhập khẩu ô-tô, máy mỏ thiết bị; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải giải quyết nhanh thủ tục cấp phép cho các phương tiện vận tải Trung Quốc qua cầu Bắc Luân 2 sang địa điểm kiểm tra tập trung và phương tiện vận tải Việt Nam qua cầu Bắc Luân 2 sang Trung Quốc giao nhận hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm việc thông quan nhanh chóng, hạn chế việc lưu xe làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Một điểm không kém phần quan trọng, đó là tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đường giao thông biên giới kết nối các cửa khẩu phụ, điểm thông quan; phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ sở thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tích cực tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, giúp doanh nghiệp trên địa bàn nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể; thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc... Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Cùng với kinh tế, coi trọng và vun đắp tình hữu nghị, hợp tác Quảng Ninh (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) “trước sau như một”, luôn nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, trên tinh thần đó, ký kết thỏa thuận về thiết lập mối quan hệ hữu nghị biên giới quốc tế... Những thành quả đạt được trong quan hệ hợp tác thời gian qua là nền tảng, động lực để 2 địa phương tiếp tục cùng quyết tâm kiên trì đề xuất với Chính phủ 2 nước thí điểm thực hiện Khu hợp tác kinh tế song phương Quảng Ninh (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành hình mẫu về quan hệ hợp tác song phương khu vực biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc..., điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần giữ ổn định hoạt động kinh tế biên mậu trên địa bàn./.
Quảng Ninh phát huy lợi thế cạnh tranh, hiện thực hóa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế  (28/11/2023)
Thị xã Đông Triều xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị  (25/11/2023)
Quảng Ninh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng  (24/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm