TCCSĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo hướng đồng bộ là nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá để xây dựng thành phố phát triển văn minh, hiện đại.
Từ năm 2016, thành phố Thái Nguyên tập trung hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2035. Ngày 20-12-2016, Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, không gian đô thị thành phố Thái Nguyên được điều chỉnh, mở rộng về phía Đông và phía Bắc sông Cầu, có thêm 5 xã, thị trấn của các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, nâng diện tích tự nhiên của thành phố từ 170,7km2 lên 223,1km2.

Cùng với việc hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, thời gian qua, thành phố Thái Nguyên đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được phê duyệt. Tính riêng trong hai năm 2016-2017, tổng mức đầu tư hiện các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố đạt trên 43.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách bố trí trên 2.000 tỷ đồng, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên 9.500 tỷ đồng, vốn của các nhà đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đạt trên 100 tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, rác thải và vệ sinh môi trường… đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước tạo diện mạo mới cho đô thị.

Một trong những dự án lớn có số vốn đầu tư lớn trên địa bàn là Dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ODA vay từ Ngân hàng Thế giới (có tổng mức đầu tư trên 1.260 tỷ đồng), với nhiều hạng mục như: Ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một số tuyến đường, nâng cấp đường Việt Bắc, cải tạo hệ thống thoát nước thải, nước mặt các khu dân cư và một số tuyến đường đô thị, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, xây dựng mới cầu Bến Tượng, nâng cấp cầu Tân Long...

Bên cạnh đó, Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên giai đoạn I với diện tích 28ha, tổng mức đầu tư trên 430 tỷ đồng, do Tập đoàn INDEVCO thực hiện đến nay đã hoàn thành giai đoạn I và đi vào hoạt động. 2 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là: Dự án đường Bắc Sơn kéo dài (nối trung tâm thành phố với Khu du lịch hồ Núi Cốc) có tổng mức đầu tư trên 4.500 tỷ đồng; Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - CIENCO 8 thực hiện có tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng cũng đang được triển khai thực hiện trên địa bàn.

Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố cũng thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý đô thị, trong đó tập trung vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cụ thể: thành lập các bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý thường xuyên và quản lý các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như Ban quản lý dịch vụ công ích đô thị, Ban quản lý thực hiện dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, Ban quản lý dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thành phố…

Tỉnh cũng phân cấp quản lý đô thị theo hướng nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tại các ban quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp nhà đầu tư thực hiện dự án, Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để lấy mặt bằng “sạch” cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Chỉ tính riêng trong năm 2017, thành phố Thái Nguyên đã giải phóng mặt bằng trên 125,6ha đất để thực hiện gần 69 dự án phát triển hạ tầng đô thị.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn, thành phố tiếp tục cụ thể hóa việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, đánh giá chất lượng và sự phù hợp của các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để kịp thời điều chỉnh, bổ sung; chủ động lập quy hoạch tại các khu vực mới phát triển nhằm bố trí nguồn lực thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; có cơ chế phù hợp huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội và nội lực trong nhân daan để đầu tư vào các công trình (đặc biệt là những công trình giao thông, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải, hệ thống chiếu sáng, cây xanh công viên…).

Cùng với đó, địa phương tiếp tục có cơ chế, chính sách huy động các thành phần kinh tế tham gia quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị, khu dân cư đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng và sự bền vững của các công trình.../.