Phía sau “màu hồng” quyền lực

Thiện Văn
00:15, ngày 27-05-2021

Tôi quen biết một chuyên gia chính trị học đáng kính. Cả đời ông dành tâm sức, trí tuệ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến quyền lực chính trị. Được hầu chuyện ông trong ngày nghỉ cuối tuần, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về quyền lực thời nay. Ông bảo, trong số các loại quyền: quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội, quyền lực tri thức,... thì quyền lực chính trị dễ làm cho người ta lóa mắt nhất bởi khi có nó, người ta thường chỉ nhìn thấy “màu hồng”.

“Màu hồng” đó có thể trở thành những khúc xạ “lấp lánh” mà những người sở hữu nó rất dễ bị lóa mắt. Có quyền là có địa vị xã hội, có danh, có lợi, có bổng lộc, có cơ hội được “người săn kẻ đón”, thậm chí được “cơm bưng nước rót”. Có người cho rằng, mình có quyền “khủng” đến mức “Nói có người nghe, đe có người sợ, đi chợ có người khác lo trả tiền”! Lại nữa, nhiều quan chức khi có quyền là có sức hút, sức lan tỏa trong xã hội vì được công nghệ “lăng-xê”, kỹ năng “đánh bóng” siêu đẳng của một bộ phận truyền thông nên rất dễ “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ. Đúng là không ai phủ nhận những ưu thế dễ nhìn, dễ thấy khi người ta sở hữu quyền lực chính trị trong tay. Cho nên, không ít người đã tìm mọi cách để “chạy chức”, “chạy quyền” là vì thế!

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt của nó. Những đồng tiền “bẩn” đổ về thì trước sau cũng sẽ có ngày “lòi” ra “cái đuôi tham nhũng”. Có chức quyền thì đi đâu, làm gì cũng thu hút người khác “tiền hô hậu ủng”, vì thói đời người ta chỉ phù thịnh, thích xun xoe bợ đỡ, nịnh hót những người có địa vị. Nếu ai thỏa mãn, say sưa với những “lời ngon, ý ngọt” của cấp dưới và những người xung quanh thì dễ bị cuốn vào cuộc sống phù hoa, mộng mị trong cơn mê sảng quyền lực. Có chức quyền là có điều kiện để được truyền thông ca tụng, tung hô; song mỗi lời ăn, tiếng nói của quan chức thời nay có thể trở thành “văn bia muôn đời” nếu họ “nói hay, làm tốt”, nhưng cũng có thể biến thành “ngàn năm bia miệng” nếu họ “nói hay, làm dở”, “nói một đằng, làm một nẻo” và khi đó, cái danh sẽ chuyển thành “ô danh”…

Sau khi trao đổi những vấn đề trên, chuyên gia chính trị học kể lại câu chuyện “gót chân A-sin” trong thần thoại Hy Lạp. Câu ngạn ngữ “gót chân A-sin” suốt mấy ngàn năm qua như lời nhắc nhở, cảnh báo rằng, thế gian này không có ai hoàn hảo, không có thứ gì hoàn bị, mà mỗi người, mỗi thứ đều có điểm yếu, mặt trái nhất định nào đó. Và quyền lực chính trị cũng vậy. Nếu quan chức nào chỉ nhìn quyền lực bằng “lăng kính màu hồng” rồi nhăm nhăm khai thác, tận dụng tối đa ưu thế, quyền lợi, bổng lộc do quyền lực mang lại, mà không biết rằng quyền lực cũng có giới hạn của nó thì dễ rơi vào hiểm họa khôn lường. Đó là những “điểm mờ”, “góc khuất” của quyền lực mà người trong cuộc hay bỏ qua, coi thường và kết cục tất yếu là gánh chịu hậu quả vì đã sa ngã vào “vũng lầy” quyền lực.

Chả nói đâu xa, hàng loạt quan chức tầm cỡ đến mức “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên”, hàng chục tướng lĩnh một thời xông pha nằm gai, nếm mật lập công và có cả anh hùng nức tiếng trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, có anh hùng từng thành danh trong nghiên cứu khoa học... rồi có ngày suy thoái, tha hóa khi nắm giữ quyền lực lớn trong tay. Nguyên nhân khiến những quan chức này bị tha hóa thì có nhiều, nhưng có một điểm chung là khi đứng trên đỉnh cao quyền lực, họ đã quên mất mình có “gót chân A-sin”, bị “lóa mắt” bởi những “màu hồng lóng lánh” của quyền lực, lòng tham khiến họ đã tự làm mờ mắt mình để rồi “ngã ngựa” đau đớn. Đó là những gương tày liếp, những hồi chuông cảnh báo cho những ai đang giữ quyền lực, thì cũng phải biết giữ mình, bởi đồng tiền hai mặt, quyền lực hai màu, ranh giới rất mong manh!./.