Quy hoạch “trên giấy”!
Trong cuộc họp lớp cấp ba của tôi gần đây, mọi người gặp nhau, ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi, tay bắt, mặt mừng. Bởi lẽ, cũng dễ chừng đã mấy năm, ban liên lạc mới tổ chức được cuộc họp lớp vào ngày 20-11 để chúc mừng cô chủ nhiệm.
Trong buổi tiệc liên hoan, tôi để ý thấy N. nét mặt trầm ngâm, tỏ ra không mấy vui vẻ. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất đó là khi anh nói với tôi rằng, đã xin chuyển công tác sang đơn vị khác.
N. làm lớp trưởng lớp tôi suốt 3 năm phổ thông trung học, là nam sinh xuất sắc, toàn diện, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, N. còn là bí thư đoàn trường năng nổ và rất tích cực tham gia các phong trào đoàn thể. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, N. luôn được các thầy, cô rất yêu mến, các bạn cùng lớp rất ngưỡng mộ tài năng cũng như tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác của N. và chúng tôi đều dự báo, với những phẩm chất này, N. sẽ rất thành đạt trong tương lai!
Quả đúng vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, N. thi tuyển và đỗ đầu trong kỳ thi tuyển giảng viên của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội; sau đó, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở độ tuổi mới ngoài 30. Với những nỗ lực không mệt mỏi và phẩm chất nổi bật của mình, anh sớm được quy hoạch vào chức danh phó trưởng khoa. Một thời gian sau, do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, N. được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa và được quy hoạch vào vị trí trưởng khoa cùng với 2 người nữa, trong đó có “em kết nghĩa” của sếp. Cũng phải nói ngay rằng, ngay từ đầu, với bản tính ngay thẳng, không biết xu nịnh của mình, N. đã không được lòng sếp - vị trưởng khoa, vốn là một PGS, TS nhưng mắc bệnh “sao” rất nặng và đặc biệt là luôn thích được mọi người ca ngợi, tâng bốc lên tận “mây xanh”! Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là ngay từ đầu, sếp đã quy hoạch “trong bụng” ông “em kết nghĩa” - vốn chẳng có tài cán gì nổi trội nhưng lại rất biết cách nịnh nọt sếp, “chăm sóc”, biếu xén quà cáp “chị nhà” - vào vị trí trưởng khoa để tiếp tục thay sếp làm lãnh đạo khoa, còn sếp thì ôm mộng sẽ làm… “Thái Thượng hoàng” của khoa sau khi nghỉ quản lý, “buông rèm chấp chính” trong thời gian kéo dài tới 7 năm làm chuyên môn với chức danh PGS, theo quy định của Nhà nước.
Trên các diễn đàn, vị sếp kia luôn miệng nói làu làu như… “thánh sống” về quan điểm khách quan, toàn diện, công tâm, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ, rồi nào là phải quán triệt phương châm quy hoạch cần “mở” và “động”, nhưng hóa ra đó chỉ là trên… “chót lưỡi, đầu môi”, còn thực tế thì “trong bụng” sếp chỉ quy hoạch mỗi “ông em kết nghĩa” mà trong khoa ai cũng biết cả, nên hệ lụy là sếp và đồ đệ luôn tìm cách “dìm hàng”, tung tin xuyên tạc về N., khiến cho những người có đức, có tài như N. phải nản chí, ngậm ngùi mà biết điều… xin chuyển công tác cho sớm!
Quy hoạch… “trên giấy” quả là vô cùng lợi hại và tinh vi, nó khiến cho những người tài năng, đức độ được “quy hoạch”, nhưng không được sếp “yêu mến” như N., chỉ còn biết ngửa mặt kêu… trời! Quả đúng như thiên hạ hay nói vui rằng, những trường hợp như N. không phải là được “quy hoạch” thực, chỉ là… “quy tập” mà thôi!
Qua câu chuyện trên, mong rằng, Đảng ta sẽ có quy định riêng, chặt chẽ hơn nữa để kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm khâu quy hoạch cán bộ, tẩy trừ tận gốc những hành vi đi ngược lại với quy định, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ, trong đó có một “mẹo mực” hết sức tinh vi: Trên danh nghĩa, “trên giấy” thì cũng tiến hành quy hoạch đủ số người lãnh đạo, quản lý cho có lệ, nhưng thực tế thì chỉ quy hoạch… người của “phe nhóm” mình vì lợi ích cá nhân chứ không vì lợi ích chung; rồi sau đó, còn tìm mọi cách để bổ nhiệm “đồ đệ, đàn em” thân tín của mình vào vị trí người đứng đầu, cho dù biết rõ là họ không đủ phẩm chất, uy tín và năng lực; đồng nghĩa với việc không tạo ra cơ hội bình đẳng cho những người có đủ tài, đức được tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị./.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay  (10/04/2021)
Toàn dân làm công tác cán bộ  (10/04/2021)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay