Nhập nhằng... trách nhiệm
TCCS - Một bộ phận cán bộ lãnh đạo vẫn tự cho mình có được “cái quyền to”, nhưng lại luôn có những biểu hiện “trách nhiệm nhỏ” trong thừa hành việc công. Nếu để cái bóng quyền lực khuếch trương như người “khổng lồ”, trong khi trách nhiệm với dân với nước nhỏ con như “tí hon” thì nguy cơ thoái hóa, biến chất, thậm chí dẫn tới “thân bại danh liệt” là khó tránh khỏi.
Theo Từ điển tiếng Việt, “Trách nhiệm” được hiểu là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”. Còn “quyền lực” được hiểu là “quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy”(1).
Mỗi chức danh cán bộ đều có quyền lực, quyền uy nhất định do Nhà nước, tập thể ủy quyền, giao cho. Nhưng nhiều người cứ ảo tưởng đó là quyền của riêng mình, thế nên lúc nào cũng nghĩ mình như “ông vua con”, tự tạo cho mình “lãnh địa riêng, tài sản riêng” theo kiểu “anh hùng nhất khoảnh”, rồi tự do tự tung, tự tác, thậm chí “tác oai, tác quái”, làm biến dạng, méo mó quyền lực công.
Làm người lãnh đạo ai chẳng hiểu rõ nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể ở đây là ban thường vụ và cấp ủy. Trên thực tế, “ông thường vụ” có quyền hành to lắm. “Ông” có quyền chỉ đạo, cho ý kiến và nhiều khi quyết định những vấn đề hệ trọng, như nhân sự, tài chính, dự án đầu tư kinh tế... của cơ quan, địa phương mình. Ấy nhưng đó không phải chuyện để bàn cãi. Dư luận chỉ bức xúc với trường hợp khi những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả thì “ông” nhận; còn khi những quyết sách đó có bất cập, sai sót, kém hiệu quả thì lỗi thường bị “quy”... là do tập thể lãnh đạo, chứ đâu phải lỗi của cá nhân ông?!. Cái thứ quy “trách nhiệm chung chung”, đổ lỗi cho “cả làng” như thế cũng chỉ tại thái độ đùn đẩy trách nhiệm của người lãnh đạo!
Tương tự, quy trình bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng nhân sự do ban thường vụ, cấp ủy cho ý kiến thông qua, nhưng ký quyết định bổ nhiệm lại là cá nhân người đứng đầu. Nếu cán bộ được bổ nhiệm bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tuổi tác và được dư luận “khẩu phục, tâm phục” thì công là của “ông”. Còn nếu cán bộ chưa đủ độ chín; tuổi tác, kinh nghiệm và năng lực chưa tương xứng với vị trí được giao, lại bị dư luận phê phán và sau đó bị cơ quan chức năng cấp trên bãi bỏ quyết định bổ nhiệm trước đó, thì người đứng đầu lại “lý sự” rằng: quyết định nhân sự đúng sai đều do thường vụ thông qua, chứ bản thân “ông” cũng chỉ góp một lá phiếu mà thôi?! Cái sự “đổ vấy” trách nhiệm cho tập thể thực chất là biểu hiện thoái thác trách nhiệm cá nhân của người “đứng mũi chịu sào”!
Theo nguyên tắc lãnh đạo, những vấn đề quan trọng, chính yếu bao giờ cũng phải được thường vụ, cấp ủy thông qua. Nhưng một khi người đứng đầu có tư tưởng, tác phong gia trưởng, độc đoán, mất dân chủ thì nhiều khi thường vụ, cấp ủy chỉ là “tấm bình phong” để che đậy “ý chí hóa” cá nhân thủ trưởng. Có người đứng đầu miệng hay “thao thao bất tuyệt” là phải tôn trọng và phát huy dân chủ trong thường vụ, cấp ủy, nhưng trong lòng khi thì khéo léo “vỗ về” tập thể lãnh đạo nương theo ý kiến cá nhân; lúc lại lạm dụng tối đa quyền lực để định hướng, “lèo lái” thường vụ, cấp ủy. Cái sự bám dựa, vin vào “trách nhiệm tập thể” này cũng là một dạng trốn tránh trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo khi có chuyện tiêu cực xảy ra!
Tình trạng đưa “con ông cháu cha” vào bộ máy công quyền; đua nhau “chạy” những dự án kinh tế “béo bở” để rồi gây thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước; vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” và mối quan hệ “đi đêm” quan chức - doanh nghiệp thiếu lành mạnh... nổi cộm thời gian gần đây bị dư luận lên án, là sự tích hợp từ nhiều lý do, nhưng có một lý do không thể xem thường là ở nhiều nơi, nhiều chỗ trách nhiệm giám sát, kiểm soát quyền lực của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu đã bị lơ là, buông lỏng.
Một bộ phận cán bộ lãnh đạo vẫn tự cho mình có được “cái quyền to”, nhưng lại luôn có những biểu hiện “trách nhiệm nhỏ” trong thừa hành việc công. Nếu để cái bóng quyền lực khuếch trương như người “khổng lồ”, trong khi trách nhiệm với dân với nước nhỏ con như “tí hon” thì nguy cơ thoái hóa, biến chất, thậm chí dẫn tới “thân bại danh liệt” là khó tránh khỏi. Gương tày liếp còn đang sờ sờ trước mắt của nhiều cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, quyền lực “nổi đình nổi đám” một thời nay đã bị “đứt gánh giữa đường” và sa vào vòng lao lý, hẳn ít nhiều sẽ thức tỉnh những ai đang tự nhập nhằng, bào mòn, mọt ruỗng trách nhiệm chân chính của người cộng sản!./.
(1) Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr. 1.020, 815
Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu  (08/06/2018)
Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh  (08/06/2018)
Các chuyên đề giám sát của Quốc hội mang tính cấp thiết và thời sự  (07/06/2018)
Thủ tướng: Điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý  (07/06/2018)
- Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh phi truyền thống ở tỉnh Quảng Ninh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm