Khí phách làm người

Đức Mạnh
14:55, ngày 04-02-2016

TCCSĐT - Khí phách, theo định nghĩa của từ điển, đó là “sức mạnh tinh thần được biểu hiện cụ thể thành hành động”. Con người, dù ở đâu và ở thời nào, cũng có một đời sống tinh thần và sự thể hiện sức mạnh tinh thần của mình trong những hoàn cảnh nhất định. Do đó, đã là người, ai cũng có khí phách, chỉ có điều khí phách của người này không giống khí phách của người khác; có người khí phách kiên cường, bất khuất, lại có người khí phách kém cỏi, bạc nhược.

Những người có khí phách kiên cường, bất khuất là những người cương trực, khảng khái, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, vì lợi ích của xã hội và không chịu khuất phục trước những cái giả - ác - xấu. Những người có khí phách kém cỏi, bạc nhược thường là những người sợ khó, sợ khổ, sợ thiệt, sợ trách nhiệm và chỉ muốn “an phận thủ thường”, thậm chí là đầu hàng, phản bội khi phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Tất nhiên, với những kẻ vì thù hận, bất mãn cá nhân mà có những hành vi hung hãn, gây tổn hại cho người khác và cho xã hội thì thiên hạ không coi đó là những kẻ có khí phách.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc, khí phách kiên cường, bất khuất của những người con đất Việt đã làm cho các thế lực xâm lược phải run sợ, nể phục. Trần Bình Trọng - một danh tướng nhà Trần - trong lúc anh dũng chiến đấu, không may bị giặc Nguyên Mông bắt được; khi chúng dụ dỗ quy hàng, ông đã nói một câu đầy khí phách hiên ngang: “Ta thà làm quỷ đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan và nhiều sứ thần đất Việt khác cũng từng tỏ rõ tài năng, khí phách coi thường sống chết trước sự thử thách, mua chuộc, đe dọa của các triều thần phong kiến Trung Quốc. Vua Trần Nhân Tông dù đang ở phong độ quân vương, nhưng vốn là người có tư duy sâu sắc, tầm nhìn thông tuệ và đầy khí phách, Ngài đã nhường ngôi cho con để lên núi tu hành đắc đạo. Lê Thánh Tông đã thể hiện khí phách hiên ngang lẫm liệt của một vị vua tài đức song toàn khi Ngài ban hành Luật Hồng Đức để chấn chỉnh triều cương, trừng trị quan lại tham nhũng, bất tài vô đạo và “ngự giá thân chinh” cầm quân đánh giặc để bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Khí phách của dân tộc Việt Nam không chỉ được thể hiện ở khí phách của những bậc anh hùng, danh nhân đất Việt như vậy, mà còn được thể hiện trong bài thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, trong “Cáo bình ngô” của Nguyễn Trãi và trong “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở thời hiện đại, thế giới đã biết đến dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đầy khí phách, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khí phách hào hùng đó của dân tộc Việt Nam đã biến thành hành động, thành sức mạnh đánh thắng các thế lực xâm lược, từ phong kiến phương Bắc cho đến thực dân, đế quốc phương Tây.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, khí phách của các thế hệ cha ông đã được các sĩ phu yêu nước, như Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, cũng như các chiến sĩ cộng sản, như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp,… và vô vàn những anh hùng liệt sĩ khác tiếp nối, phát huy và tỏa sáng. Chính tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của họ đã mang đến cho quần chúng nhân dân một niềm tin yêu, kính phục và đã trở thành hạt nhân đoàn kết, dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Khí phách của con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là như vậy, còn trong công cuộc xây dựng đất nước theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời kỳ hiện nay như thế nào? Đây là vấn đề mà không ít người Việt Nam, nhất là những bậc cách mạng lão thành, những lớp người cao tuổi ở nước ta suy tư, trăn trở. Phải chăng khí phách đó cần được thể hiện, chứng minh bằng kết quả, hiệu quả lao động, học tập, sáng tạo vì một mục tiêu: làm cho dân tộc Việt Nam ngang hàng, sánh vai với các dân tộc văn minh trên thế giới.

Nói về sự thông minh (chỉ số IQ) thì người Việt Nam không thua kém người Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ, nhưng tại sao kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật nước ta lại thua kém, đi sau họ đến mấy chục năm như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó, nhưng phải chăng trong đó có một nguyên nhân là do khí phách của không ít người Việt Nam ngày nay đã và đang sa sút, mờ nhạt nghiêm trọng bởi thứ “chủ nghĩa cá nhân” của người tiểu nông tác động, chi phối. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó Người chỉ ra những tác hại, nguy hại mà “chủ nghĩa cá nhân” gây ra đối với Đảng, Nhà nước và đối với sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới ở nước ta.

Các nhà nho trước đây có sự phân biệt 2 hạng người là quân tử - tiểu nhân và cho rằng chỉ có người quân tử mới là người có khí phách cao thượng, mới là người sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, coi trọng danh dự, liêm sỉ và không bao giờ lấy những cái gì của thiên hạ để làm cái riêng của mình. Còn những kẻ tiểu nhân - những kẻ “giá áo túi cơm”, thì thường có những thái độ, lời nói, hành vi bợ đỡ, luồn cúi, cầu cạnh, xin xỏ, mua danh, hám lợi và tham lam không biết đủ. Kẻ tiểu nhân còn hèn kém đến mức thấy đúng mà không bảo vệ, thấy sai mà không phê phán, không biết nhận lỗi về mình và vô trách nhiệm với xã hội. Nếu suy ngẫm và liên hệ với thực tế về những điều mà nho gia đã nói ở trên, có lẽ bây giờ ở nước ta người “quân tử” không có quá nhiều. 
“Chủ nghĩa cá nhân” là sản phẩm của xã hội tiểu nông, mà ở đó, người tiểu nông thường có những đặc tính, như vị kỷ, tư lợi, vun vén, cửa quyền, gia trưởng, tùy tiện, định kiến, sĩ diện, quan liêu, bảo thủ, giáo điều, ham danh, hám lợi, “sống chết mặc bay” không muốn người khác hơn mình... Tất cả những biểu hiện đối lập với xã hội dân chủ, văn minh, hiện đại và có tính chất tiêu cực, bất cập, lạc hậu đó của người tiểu nông, dù ở mức độ này hay mức độ khác, cũng đều hiện diện trong bộ máy nhà nước và trong cả hệ thống chính trị ở nước ta. Cách đây gần 100 năm, V.I. Lê-nin có nói đến những hạn chế, tiêu cực, bất cập của người tiểu nông trước xã hội công nghiệp và những thử thách, khó khăn lâu dài của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân chiếm đông đảo trong xã hội. Suy ngẫm và liên hệ với thực tế nước ta thì thấy V.I. Lê-nin nói rất đúng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, đến lúc nào đó mọi người đều đầy đủ về cái ăn, cái mặc, cái ở, và khi đó các giá trị văn hóa, đạo đức cũng như phẩm giá, khí phách làm người có lẽ sẽ được đề cao hơn. Nếu ai đó nghi ngờ về điều này, xin hãy nhìn vào các xã hội văn minh, thịnh vượng, nhất là xã hội Nhật Bản, sẽ thấy đa số người dân ở các xã hội đó đang sống như những người quân tử theo quan niệm của các nhà nho xưa.

Làm người thì phải có khí phách làm người, bởi có khí phách làm người thì mới cảm nhận được ý nghĩa, giá trị làm người. Làm người mà không có khí phách, tức là không có đời sống tinh thần phong phú, mạnh mẽ, sẵn sàng hành động sáng tạo và xả thân vì đại nghĩa, vì tập thể, cộng đồng thì cuộc sống sẽ buồn chán, tẻ nhạt, vô vị biết bao - một cuộc sống như thế, rõ ràng là uổng phí, chẳng khác chi là một sự tồn tại và chờ đợi đến ngày trở về với cát bụi. Nhưng ngay bây giờ và sau này, các thế hệ hậu sinh muốn có được khí phách làm người hào hùng của con dân nước Việt, trước hết họ phải được học, được giáo dục một cách đầy đủ, cẩn thận, hết sức khoa học, bao gồm từ sự tự giáo dục bản thân, giáo dục gia đình cho đến giáo dục trong nhà trường, đoàn thể và xã hội; nhất là sự giáo dục làm gương của những người làm cha, làm mẹ và của những người có danh vị, địa vị cao trong xã hội. Khi cha, mẹ, thày, cô và những người có danh vị, địa vị cao trong xã hội là những người có khí phách, chắc chắn con cái, học trò và các thế hệ hậu sinh của họ cũng sẽ là những người có khí phách như họ./.