Lợi ích kinh tế của nông dân trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến lợi ích kinh tế của nông dân
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta từng bước hội nhập cùng tiến trình phát triển chung của cả nước, khu vực và quốc tế. Nó đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế nói chung, lợi ích kinh tế của nông dân nói riêng.
Tác động tích cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến lợi ích kinh tế của nông dân
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là con đường nhanh nhất để nông dân tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Đó là sự tiếp nhận, sử dụng các thành tựu to lớn của cách mạng khoa học - công nghệ. Những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ giống cây trồng và vật nuôi, trong kỹ thuật sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tích trữ… đã làm cho sản xuất nông nghiệp từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc trực tiếp vào các yếu tố tự nhiên. Do quản trị được toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nên kiểm soát được năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng mở ra khả năng tối ưu nhất để nông dân được tiếp cận các nguồn lực về vốn với nhiều loại hình ngân hàng, tín dụng, các dự án, các quỹ… trực tiếp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp. Vốn xưa nay là vấn đề nan giải nhất đối với nông dân. Vì không có vốn mà đất đai không được khai thác tối ưu, tiềm năng sáng tạo của nông dân không được phát huy, ngành nghề truyền thống bị mai một. Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hệ thống ngân hàng, tín dụng, các quỹ… phát triển vừa phong phú vừa đa dạng. Hệ thống đó không chỉ của Việt Nam mà còn có sự tham gia của quốc tế, nhất là các thể chế tài chính quốc tế. Chính việc sử dụng các nguồn vốn này trong sản suất kinh doanh, thực hiện các hợp đồng kinh tế mà lợi ích kinh tế của nông dân được nâng cao.
Thu nhập của người nông dân được cải thiện rõ rệt, đời sống được nâng cao, công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện, chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã thực sự thay đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngàng nghề. Sự phục hồi và phát huy những ngành nghề truyền thống với những sản phẩm có giá trị cao, đồng thời, cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới đa dạng, hiện đại. Do đó, đã tạo ra nhiều việc làm thu hút lao động tại chỗ cả lao động đã được đào tạo, chưa được đào tạo, tăng thu nhập cho dân nông thôn. Vì thế, đời sống của nông dân được nâng cao rõ rệt, bước đầu có tích lũy, đầu tư nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là một thành tựu quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã mang lại cho đời sống dân nông thôn bước phát triển toàn diện. Kết cấu hạ tầng nông thôn bao gồm hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt cho dân cư, trường học, trạm y tế, hệ thống thông tin liên lạc, thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch và các cơ sở công nghệ, dịch vụ kinh tế - xã hội khác. Sau gần 30 năm đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã thay đổi một cách căn bản đó chính là thành tựu quan trọng nhất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển sản xuất nông thôn theo hướng hiện đại, là nhân tố quyết định sự phát triển toàn diện của đời sống người dân nông thôn cả về vật chất và tinh thần. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với việc phát triển một cách căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn chính là tạo ra bước phát triển đột phá và vững chắc đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã làm thay đổi một cách khá căn bản người dân nông, thay đổi cách tổ chức đời sống nông dân, xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Đó trước hết là sự thay đổi về nghề nghiệp, thu nhập và đời sống; cùng với đó, do có điều kiện và cơ hội giao lưu, hội nhập, tiếp nhận những giá trị hiện đại văn minh trong cách nghĩ, lối sống văn minh hiện đại. Do sự thay đổi trong lối sống, nếp nghĩ, tác phong của mỗi cá nhân, sự tiếp nhận những giá trị văn minh mới nên cách tổ chức đời sống xã hội nông thôn bên cạnh kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, nhiều giá trị văn minh, hiện đại cũng hiện diện trong đời sống xã hội nông thôn.
Tác động tiêu cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến lợi ích kinh tế của nông dân
Đất đai bị thu hồi một cách phổ biến làm cho nông dân không có đất canh tác, không có việc làm tại chỗ đang đặt ra rất nhiều thách thức và nguy cơ đối với lợi ích kinh tế của nông dân. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời gian qua cho thấy, việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia đi liền với việc thu hồi đất. Đất nông nghiệp và đất ở ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng, ngày càng bị thu hẹp thậm chí, có nơi nông dân phải di dời, đến nơi ở mới thay đổi toàn bộ đời sống, tập quán và không có đất canh tác.
Thu hồi đất và đền bù bằng tiền mặt, không đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã để mặc nông dân tự xoay xở. Với nông dân, việc sử dụng số tiền mặt đền bù kha khá và không có kế hoạch chi tiêu sinh lợi, trong bối cảnh đó họ sẽ đứng trước những cám dỗ, nguy cơ xã hội rất nguy hiểm. Chỉ một thời gian ngắn số tiền ấy được chi tiêu hết và họ trắng tay, không có việc làm, không nguồn thu nhập, không kế sinh nhai ngay chính trên mảnh đất quê cha đất tổ.
Sự phát triển của kinh tế nông thôn một cách tự phát, bị dẫn dắt bởi thị trường tự do trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của nông dân. Cho đến nay, kinh tế nông thôn cơ bản vẫn là kinh tế phát triển tự phát, trôi nổi theo sự dẫn dắt của thị trường tự do. Ở nông thôn, hiện có một số mô hình kinh tế, như: kinh tế hộ gia đình truyền thống, kinh tế trang trại, các ngành nghề thủ công truyền thống, dịch vụ, thương nghiệp…, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương, v.v.. Nhưng một cách tổng thể, vẫn là theo tự phát, không có quy hoạch đồng bộ, sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng các chính sách, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch yếu kém cùng với sự tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường nên nhiều mô hình kinh tế tồn tại một cách manh mún, kém hiệu quả, không phát huy được lợi thế và thế mạnh.
Vì lẽ đó, sự phát triển của các mô hình kinh tế nông thôn hiện nay, hầu như thiếu sự chắc chắn, ổn định và bền vững, rất dễ tan vỡ, phá sản trước sự tác động của thị trường. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi kinh tế của người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang đẩy nhanh quá trình phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội nông thôn đang diễn ra một cách gay gắt. Do kinh tế phát triển tự phát, đất đai ngay càng bị thu hẹp, chất lượng lao động thấp, công tác đào tạo nghề không được quan tâm, kinh tế hộ gia đình thiếu vốn, yếu kém, manh mún, tình trạng thiếu việc làm phổ biến, sự phân hóa mạnh mẽ về thu nhập… đang tạo ra một bức tranh nhiều mảng tối, tương phản về phân hóa xã hội giữa các nhóm và tầng lớp xã hội nông thôn được biểu hiện ở mức sống, về thói quen sinh hoạt và quan hệ cộng đồng… Điều đó cho thấy ở nông thôn hiện nay đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục.
Sự thiếu đồng bộ, bất cập, không phù hợp của hệ thống chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay đang để lại những hậu quả về đời sống kinh tế xã hội nông thôn. Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bằng các chủ trương, nghị quyết, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội… đã làm cho đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hệ thống chính sách kinh tế là thiếu đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn, bất cập; thậm chí, nhiều chính sách lạc hậu, xa lạ không phù hợp với thực tiễn nông thôn. Có thể nói, hệ thống chính sách thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay chưa thực sự đảm bảo lợi ích kinh tế của người dân nông thôn nói chung và nông dân nói riêng.
Như vậy, trong khi đất nước đã có những chuyển biến về mọi mặt, đời sống của mọi tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể nhờ những thành quả của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì nông dân là những người được hưởng lợi ít nhất. Những hạn chế và yếu kém trong việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã làm cho lợi ích kinh tế của nông dân nước ta thời gian qua chưa được đảm bảo, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải sớm được khắc phục. Giải quyết hiệu quả vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cơ sở quan trọng đảm bảo thực hiện lợi ích kinh tế của nông dân.
Vấn đề đặt ra đối với lợi ích kinh tế của nông dân và một số giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của nông dân trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Một số vấn đề đặt ra đối với lợi ích của nông dân do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
- Chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò đặc biệt của nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trước hết, để có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách đúng đắn và lâu dài, chúng ta phải bắt đầu từ xuất phát điểm của nước ta hiện nay. Đó là nông thôn chiếm phần lớn đất nước, nông nghiệp chiếm phần lớn lao động và thu nhập, nông dân chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Từ nhận thức này ta sẽ thấy được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước trước mắt và lâu dài. Đây là một vấn đề đang đặt ra về mặt nhận thức.
- Chưa nhận thức đúng vai trò của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó, chưa xây dựng được hệ thống chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn vì lợi ích của người nông dân. Đó là do nền nông nghiệp của chúng ta là một nền sản xuất nhỏ, cá thể, chia cắt, mạnh mún, sản xuất dựa trên kinh nghiệm, chưa có đầu tư vốn, tự cấp, tực túc, chưa hướng tới thị trường. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ta bước đột phá sẽ làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng thị trường, hiện đại, tiên tiến với một nền nông nghiệp mở là một bộ phận của nền nông nghiệp thế giới.
- Chưa nhận thức đúng về thực chất nông thôn và nông dân khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn do đó sự phát triển của nông thôn chưa được quy hoạch, lợi ích kinh tế chính đáng của người nông dân chưa được quan tâm. Nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố của xã hội cổ truyền. Khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chắc chắn những quan hệ cổ truyền sẽ bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống không còn phù hợp sẽ bị đào thải, những giá trị hiện đại sẽ xuất hiện trong xã hội nông thôn. Từ đó, xã hội nông sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Vấn đề đặt ra là cần có sự nhận thức đúng để hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược cho sự phát triển nông thôn một cách bền vững và lâu dài.
- Cần khảo sát, nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm khắc phục các mâu thuẫn nảy sinh để bảo đảm nâng cao lợi ích kinh tế cho nông dân. Như đã nói, hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa hợp lý vì vậy khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay cần rà soát văn bản chính sách, nghiên cứu thực tế, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện tạo ra một hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn một cách đồng bộ, phù hợp. Đặc biệt hệ thống chính sách này phải thực sự hướng tới phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, xanh sạch, bền vững, xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống nông dân giầu có, khá giả. Nghĩa là lợi ích kinh tế của nông dân được đảm bảo.
- Có chính sách ưu tiên, đầu tư đặc biệt toàn diện để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng chương trình, kế hoạch, tiêu chí và mục tiêu đã đề ra. Xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một quá trình tổng thể cùng bổ sung cho nhau, cùng đưa đến hiệu quả xã hội là làm thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Đây là hai quá trình nhưng thực chất chỉ là một mục tiêu phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp, xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.
Một số giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của người nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Về giải pháp lâu dài
- Cần xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến về vai trò, vị trí, những mặt tích cực và tiêu cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để xây dựng nhận thức chung của cả xã hội về quá trình này. Đồng thời, qua đó, để các nhà hoạch định chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng được những chính sách chiến lược phù hợp, tối ưu phát huy được những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình này. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế ngày càng nhiều hơn cho nông dân.
- Cần có sự nghiên cứu, khảo sát, điều tra tổng thể, toàn diện nông nghiệp, nông thôn và nông dân khi tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ có trên cơ sở nhận diện đúng, đủ và tương đối toàn diện về nông nghiệp, nông thôn và nông dân ta mới tiên hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách thành công vì lợi ích thực sự của nông dân.
- Cần xây dựng một chiến lược phát triển nông thôn một cách tổng thể và toàn diện khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chiến lực này phải coi nông dân vừa là lực lượng, vừa là động lực vừa là mục tiêu. Chiến lược này phải khẳng định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân là chủ nhân thực sự của xã hội nông thôn và nhân vật trung tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Cần nhận thức đẩy đủ tính đặc thù của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở sự nhận thức này chúng ta sẽ lựa chọn đúng lộ trình, bước đi, phương thức, nội dung, giải pháp và mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Đây là một nhân tố quan trọng đưa tới sự thành công của quá trình này. Điều này cũng có nghĩa quá trình này sẽ mang lại những lợi ích quan trọng nhất đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Về giải pháp trước mắt
- Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng hiện đại bảo đảm lợi ích kinh tế cho người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là điều kiện tiên quyết để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Điều chỉnh, hoàn thiện chính sách thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng hướng tới bảo đảm tốt nhất lợi ích kinh tế của nông dân. Các chính sách này hiện nay giao cho các địa phương tự ban hành và về cơ bản chủ yếu vì lợi ích của nhà đầu tư. Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cần được tiếp cận từ phía nông dân, nông thôn và hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa của xã hội nông thôn.
- Có chính sách ưu đãi phù hợp, đào tạo nghề, tạo việc làm, đầu tư vốn, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa nguồn thu đối với nông dân. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nông dân đang đứng trước rất nhiều thách thức và rủi ro.
- Quan tâm kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách trực tiếp hướng tới điều chỉnh, hạn chế, khắc phục sự phân tầng xã hội, phân hóa giầu nghèo, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, vệ sinh, môi trường. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ khó tránh khỏi sự phát triển không đều của các nhóm xã hội, sự phân hóa xã hội, vì quá tập trung đến lợi ích vật chất mà các lợi ích khác bị lãng quên. Do đó, để mang lại lợi ích chung cho xã hội nông thôn, người dân nông thôn cần có các chính sách kịp thời điều chỉnh các vấn đề nảy sinh, bất cập nêu trên.
- Đầu tư thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay. Trước hết, nó là giải pháp trước mặt. Xây dựng thành công nông thôn mới không chỉ mở ra một giai đoạn phát triển mới của nông thôn nước ta mà cơ bản hơn nó tạo ra những tiền đề hết sức căn bản để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách lâu dài. Xây dựng nông thôn mới chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế toàn diện cho nông dân trong điều kiện hiện nay.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25-1 đến ngày 31-1-2016)  (04/02/2016)
Toàn văn bài phát biểu chúc Tết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (03/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết tại Hưng Yên, Hà Nam  (03/02/2016)
Chủ tịch Quốc hội Saudi Arabia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (03/02/2016)
Báo chí góp phần quan trọng vào thành tựu của công tác đối ngoại  (03/02/2016)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay