Quan hệ Mỹ - Nga sau một năm nhìn lại

Lê Minh Quang
15:18, ngày 24-02-2010

TCCSĐT - Bước vào năm 2009, với tuyên bố trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, người chủ trương “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga, dư luận thế giới và ở Nga hy vọng quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ có những cải thiện mang tính đột phá sau những xung đột gây chấn động chính trường quốc tế từ cuối năm 2008. Nhưng dự cảm đó đã không trở thành hiện thực, bởi tuy chủ nhân của Nhà Trắng là “con người mới” nhưng nước Mỹ vẫn cũ như trước. Câu hỏi đặt ra là, liệu trong năm 2010, chủ trương “cài đặt lại” quan hệ với Nga của Tổng thống B. Ô-ba-ma có được xúc tiến mạnh mẽ hơn?

Thuật ngữ “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga được Phó Tổng thống Mỹ Giôn Bai-đơn, một trong những “mưu sĩ” chính trị của Thượng nghị sĩ B. Ô-ba-ma trong cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng cuối năm 2008 đưa ra. Thượng nghị sĩ B. Ô-ba-ma đã chọn ông G. Bai-đơn trong liên danh chạy đua vào Nhà Trắng và cả hai đã giành chiến thắng ngoạn mục. Vì thế, dư luận càng tin rằng, triển vọng “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga sẽ có những chuyển biến mang tính đột phá trong năm 2009.

Từ những tín hiệu khả quan ban đầu...

Ngày 6-2-2009, tại Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 45 được khai mạc tại Đức, Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tuyên bố, đã đến lúc cần phải “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga và quan hệ NATO - Nga. Sở dĩ ông G. Bai-đơn nói tới quan hệ NATO - Nga trong chủ trương “cài đặt lại” vì ai cũng biết rằng, chính Mỹ là “cha đẻ” của NATO, đóng vai trò chỉ huy và lãnh đạo tổ chức liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Một khi quan hệ Mỹ - Nga được “cài đặt lại” thì quan hệ NATO - Nga đương nhiên sẽ được cải thiện. Mọi động thái trong quan hệ với Nga ở Brúc-xen đều tuỳ thuộc vào “hàn thử biểu chính trị” ở Oa-sinh-tơn.

Tiếp đến, ngày 1-4-2009, tại cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Luân-đôn giữa Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, hai tổng thống đã cam kết “mở ra một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc gặp, Mỹ và Nga thỏa thuận bắt đầu cuộc đàm phán về Hiệp ước START mới trước khi Hiệp ước START-1 hết hiệu lực vào ngày 5-12-2009. Tại cuộc gặp này, hai tổng thống còn nhất trí thúc đẩy mục tiêu lâu dài về một thế giới "phi hạt nhân". Động thái đó có thể coi là tín hiệu tốt lành, báo trước trong năm 2009 quan hệ Mỹ - Nga sẽ có những chuyển biến mang tính đột phá.

...đến những hành động thực tế

Công bằng mà nói, trong năm 2009, cả Mỹ và Nga đã có những hành động thực tế nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước vốn đã trở nên băng giá vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Giôn Mác-kên đã từng ngạo mạn tuyên bố “sẽ khai trừ Nga ra khỏi G8” nếu ông trúng cử. Trong bối cảnh đó, trong năm 2009 hai bên đã đạt được những thoả thuận tuy không mang tính căn bản nhưng đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tránh công kích nhau trong những vấn đề nhạy cảm, bởi cả hai đang rất cần nhau để giải quyết những khó khăn chồng chất về đối nội và đối ngoại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ Mỹ khiến nền kinh tế Nga cũng lâm vào tình trạng rất khó khăn.

Trước hết, khi bàn về quá trình “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga, không thể không nói đến quan hệ NATO - Nga, bởi cũng như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, NATO ngày nay vẫn là công cụ trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nếu như trước đây, NATO là công cụ để hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu thì ngày nay nó lại là công cụ ngăn chặn và thu hẹp ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô-viết. Do đó, một khi Oa-sinh-tơn chủ trương “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga thì ngay lập tức NATO sẽ phải bình thường hoá quan hệ với Nga.
 
Trong năm 2009, quan hệ NATO - Nga đã có những diễn biến tích cực. Mở đầu là ngày 5-3-2009, tại cuộc gặp ở Brúc-xen, ngoại trưởng 27 nước thành viên NATO đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga. Đến ngày 27-6-2009, trong cuộc gặp các ngoại trưởng NATO ở Hy Lạp, NATO và Nga đã nối lại hợp tác chính thức về các vấn đề an ninh, quyết tâm không để vấn đề Gru-di-a ảnh hưởng tới những vấn đề khác. Ngày 5-12-2009, tại cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao Nga và NATO, hai bên đã thống nhất ký kết ba văn kiện quan trọng, gồm: Văn kiện về tăng cường quan hệ hợp tác quân sự Nga - NATO, theo đó, các bên sẽ tiến hành đánh giá chung về các nguy cơ trong thế kỷ XXI; Văn kiện về kế hoạch công tác năm 2010 của Hội đồng Nga - NATO, trong đó có hoạt động hợp tác ở Áp-ga-ni-xtan và chống khủng bố; Văn kiện về nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nga - NATO. Cũng tại hội nghị lần này, Nga và NATO thống nhất thành lập Nhóm công tác về vấn đề phòng thủ tên lửa và cuộc họp đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 1-2010. Việc ba văn kiện quan trọng này được thông qua đã tạo khung pháp lý cho sự hợp tác đầy đủ giữa Nga và NATO trong thời gian tới.

Một trong những nội dung nhằm “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga là hai bên phải tiến hành đàm phán về một Hiệp ước START mới thay thế Hiệp ước START-1. Theo hướng đó, ngày 24-4-2009, tại Rô-ma (I-ta-li-a), Nga và Mỹ chính thức nối lại các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân. Trong chuyến thăm Nga đầu tiên của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma ngày 6-7-2009, hai bên đã đạt được thoả thuận sẽ cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống mức 1500-1675 đầu đạn và cắt giảm phương tiện mang xuống còn 500-1100 sau 7 năm kể từ khi Hiệp ước START mới có hiệu lực. Để dỡ bỏ một rào cản lớn đối với tiến trình đàm phán, Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố ngừng triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu, nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu nhằm giành ưu thế chiến lược đơn phương. Thủ tướng Nga V. Pu-tin vẫn khẳng định, lá chắn tên lửa của Mỹ là yếu tố gây mất ổn định chiến lược và buộc Nga phải có biện pháp đối phó. Do đó, lá chắn tên lửa của Mỹ vẫn là một trong những rào cản có tính quyết định mà hai bên chưa vượt qua được và chưa thể thống nhất được nội dung Hiệp ước START mới vào cuối năm 2009.

Về sự phối hợp hoạt động của Mỹ - Nga trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, Nga và Mỹ đã có những động thái mới trong việc giải quyết “điểm nóng” hạt nhân I-ran. Lần đầu tiên, Nga (và cả Trung Quốc) đồng ý với Mỹ về một nghị quyết lên án Chương trình hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, việc Nga ủng hộ hay phản đối chương trình hạt nhân của I-ran đều dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phía Mỹ cho rằng, để “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga, Mát-xcơ-va phải ủng hộ quan điểm của Oa-sinh-tơn về chương trình hạt nhân của I-ran. Điều đó là không thể có được, vì hai bên có quan điểm hoàn toàn khác nhau trong quan hệ với I-ran. Trong việc đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, Mỹ và Nga đã không có được tiếng nói chung tại Hội nghị ở Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) tháng 12-2009. Trong khi Nga chủ trương cần có những cam kết quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm cắt giảm khí thải gây ô nhiễm, thì Mỹ và một số ít nước khác chỉ đưa ra được một cam kết chung chung, không mang tính pháp lý về những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Cũng trong năm 2009, Mỹ và Nga đã ký kết được một thoả thuận, theo đó, Nga cho phép Mỹ vận chuyển vật tư - kỹ thuật quân sự qua lãnh thổ Nga cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Thật ra, chủ trương này đã được Nga đề xuất dưới thời Tổng thống V. Pu-tin, phù hợp với lợi ích an ninh của Nga chứ không thuần tuý là ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.

Những bất đồng tồn tại

Có thể nhận thấy, trong năm 2009, quan hệ Mỹ - Nga đã có những diễn biến tích cực, được cải thiện một bước, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng trong nhiều vấn đề.

Bất đồng chưa được giải tỏa về hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, để duy trì thế cân bằng chiến lược quân sự, Liên Xô và Mỹ đã thoả thuận ký kết Hiệp ước phòng thủ tên lửa vào năm 1972, gọi tắt là Hiệp ước ABM (Anti Ballistic Missile Systems). Theo tinh thần của Hiệp ước này, hai bên cùng thoả thuận hạn chế hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình tại hai khu vực: một là, để bảo vệ thủ đô và hai là, để bảo vệ một căn cứ cố định của tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Mỗi bên triển khai không được quá 100 bệ phóng tên lửa đánh chặn (tên lửa chống tên lửa). Hiệp ước ABM thực sự là một trong các yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến quá trình hạn chế chạy đua vũ trang hạt nhân chiến lược, là tiền đề dẫn tới ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I và giai đoạn II (SALT-1, SALT-2, ký năm 1979) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-1, ký năm 1991) và giai đoạn II (START-2, ký năm 1993).

Trong tình hình hiện nay, để bảo đảm sự ổn định chiến lược, quan điểm của Nga là Mỹ phải quay trở lại với Hiệp ước ABM hoặc phải từ bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD (Natinal Misille Defense) thực chất là hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. Lập luận của Tổng thống G.W. Bu-sơ trước đây cũng như của Tổng thống B. Ô-ba-ma hiện nay rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu chỉ nhằm chống lại nguy cơ bị tiến công tên lửa từ I-ran, Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, hoặc từ quốc gia nào đó chứ không phải từ Nga, là hoàn toàn không có cơ sở và không thuyết phục được Nga. Việc trong tháng 9-2009 Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố ngừng triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu không thể làm Nga yên lòng, vì Mỹ đang chuẩn bị xây dựng một hệ thống NMD khác hiện đại hơn. Một khi có được hệ thống đó, Mỹ sẽ ra điều kiện áp đặt cho Nga và các nước khác trong các vấn đề an ninh quốc tế. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Hiệp ước START mới tới nay vẫn chưa thể ký kết được.

Bất đồng về chương trình hạt nhân của I-ran. Trong khi Mỹ luôn nghi vấn I-ran theo đuổi chương trình hạt nhân là nhằm sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt, thì Nga không coi chương trình hạt nhân của I-ran là nguy cơ và nhận thấy không cần phải áp dụng lệnh cấm vận đối với I-ran. Trong khi Mỹ nghi ngờ kết quả bầu cử tổng thống trong năm 2009 vừa qua ở I-ran, thậm chí Mỹ còn bị chính quyền ở Tê-hê-ran cáo buộc tổ chức cuộc “cách mạng sắc màu”, nhằm lật đổ chế độ cầm quyền hiện nay ở I-ran, thì Nga đã công nhận chính quyền của Tổng thống Ma-hơ-mút A-ma-đi-nê-dát được bầu cử một cách hợp pháp. Theo nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, đằng sau việc Mỹ nghi ngờ I-ran theo đuổi mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân là âm mưu muốn lật đổ chính quyền không thân thiện với Mỹ ở Tê-hê-ran.

Bất đồng về việc mở rộng NATO. Đây là bất đồng liên quan tới việc xây dựng hệ thống an ninh chung ở châu Âu sau Chiến tranh lạnh, trong đó không thể thiếu vai trò và vị trí của Nga. Trong khi đó, Mỹ luôn chủ trương tiếp tục phát triển NATO thành một tổ chức trung tâm và là nền tảng cho một hệ thống an ninh trên toàn bộ châu Âu. Theo hướng đó, NATO tiếp tục kết nạp đa số các nước châu Âu vào liên minh này.

Vấn đề NATO tiếp tục mở rộng vào không gian hậu Xô-viết là một trong bất đồng có tính nguyên tắc trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Theo lô-gíc thông thường, sau khi Liên minh quân sự Vác-xa-va giải thể, thì NATO không còn bất cứ lý do và cơ sở nào để tồn tại, chứ chưa nói tới chuyện mở rộng. Cựu Tổng thống Mỹ G.H.W. Bu-sơ (cha ) đã từng tuyên bố năm 1989 rằng, “NATO sẽ không mở rộng thêm dù chỉ là 1 centimet”. Thế nhưng đến nay, NATO từ một liên minh chỉ có 16 nước trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã mở rộng thành liên minh gồm 28 nước, trong đó có không ít quốc gia một thời là đồng minh của Liên Xô trước đây. Ngoài ra, còn có 22 nước khác được coi là “các đối tác” của NATO, trong đó có nhiều nước đang chuẩn bị gia nhập NATO. Ngay cả Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng vẫn chủ trương kết nạp Gru-di-a và U-crai-na vào NATO. Đây là một trong những nghịch lý vĩ đại trong thế kỷ XXI.

Bất đồng về ảnh hưởng trong không gian hậu Xô - viết. Nga coi sự phát triển vào không gian hậu Xô - viết là ưu tiên chủ yếu trong chính sách đối ngoại của mình. Mát-xcơ-va quan tâm tới việc liên kết không gian này với sự tham gia của đa số các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) vào một hệ thống an ninh tập thể (Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể) và xây dựng đề án hợp tác kinh tế Á - Âu, cũng như vị thế dẫn đầu của SNG trong tổ hợp năng lượng. Trong khi đó, Mỹ lại thực hiện chính sách chia nhỏ không gian này, tách các nước trong SNG ra khỏi Nga, bằng cách lôi kéo họ tham gia vào các liên minh chính trị - quân sự do Mỹ kiểm soát, hoặc thiết lập các mối quan hệ đối tác song phương với các nước A-déc-bai-gian, U-dơ-bê-ki-xtan và Ca-dắc-xtan. Ngoài ra, Mỹ còn xúc tiến ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trong không gian năng lượng, bao gồm các nước thuộc SNG. Trong khi Nga coi không gian hậu Xô - viết là khu vực có lợi ích chiến lược và sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích đó, thì Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này thông qua các nỗ lực “xúc tiến dân chủ” cũng như bằng các nỗ lực chính trị, kinh tế và quân sự. Trong khi Nga khẳng định, Gru-di-a là kẻ gây sự trước trong cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, đồng thời công nhận chủ quyền của Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a, thì Mỹ vẫn coi Nga là “xâm lược”, coi Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a là lãnh thổ của Gru-di-a và tuyên bố tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a.

Bất đồng về v thế của hai nước trên thế giới. Nga coi mình như là một cực trong trật tự thế giới đa cực trên cơ sở nhận thức về lợi ích quốc gia và mô hình phát triển. Trong khi đó, Mỹ đang tìm kiếm những hình thức mới để phục hồi trật tự thế giới đơn cực. Sự không hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Nga thể hiện ở chỗ, Mỹ không coi Nga là một cực độc lập trong trật tự thế giới đa cực, còn Nga không coi Mỹ có vai trò “lãnh đạo” thế giới. Do đó, hai bên có cách tiếp cận khác nhau về sự cân bằng hiện nay giữa hai nước trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Nga coi sự duy trì cân bằng vũ khí hạt nhân là cơ sở cho nền an ninh quân sự của họ, là một trong những tiềm năng chủ yếu để gây ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng như là một yếu tố chủ yếu trong quá trình đối thoại bình đẳng với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại coi cân bằng hạt nhân là vật cản trên con đường Mỹ hướng đến vị thế vượt trội về sức mạnh đối với bất kỳ quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào. Từ đó, hai bên vẫn mâu thuẫn xung quanh kế hoạch của Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Nếu Mỹ giành được thế an toàn trước vũ khí tên lửa hạt nhân thì kho vũ khí của Nga sẽ không còn chức năng răng đe.

Hai bên còn có cách tiếp cận khác nhau về kết cục của "Chiến tranh lạnh". Nga không coi mình là một bên “bị thất bại” trong cuộc chiến tranh này và do đó, vẫn tuyên bố bình đẳng với phương Tây khi tham gia vào quá trình xây dựng trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Còn Mỹ thì luôn cho rằng, họ là người “chiến thắng” trong cuộc chiến này. Do đó, Mỹ quan niệm rằng, “chiến thắng” trong “chiến tranh lạnh” đã chứng minh được tính đúng đắn “các giá trị” của “chủ nghĩa tự do” và “dân chủ” của Mỹ, nên Mỹ cần phải phổ biến “những giá trị” đó cho tất cả những nước còn lại.

Rõ ràng, với ngần ấy bất đồng có tính chuyên tắc, thì một năm chưa thể làm ấm lên quan hệ Mỹ - Nga vốn đã rất nguội lạnh trong những năm qua. Không phải ở Mỹ hay ở Nga việc thay đổi tổng thống sẽ làm quan hệ giữa hai nước thay đổi, bởi sự thù địch và thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Nga đã mang tính hệ thống. Trong con mắt của người Nga, Mỹ vẫn ôm ấp mộng bá chủ thế giới, bằng mọi cách ngăn cản và thu hẹp ảnh hưởng của Nga tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Còn quá trình phục hưng và mạnh lên của Nga trong con mắt của Mỹ bị coi là sự hồi sinh tham vọng của “đế chế Nga”. Trong bối cảnh thiếu tin cậy, thiếu hiểu biết lẫn nhau và xung đột lợi ích như thế, một năm chưa đủ để có thể “mở ra một chương mới” trong quan hệ giữa hai nước.

Trên thực tế, trước khi lên đường thăm chính thức Nga trong tháng 6-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã từng nhận xét, lãnh đạo cao cấp ở Nga (cụ thể là Thủ tướng Nga V. Pu-tin) “vẫn còn đứng một chân trong quá khứ, một chân đặt ở tương lai”. Còn Thủ tướng Nga V. Pu-tin thì nhận xét, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục tư duy theo lối “khối này, khối nọ” trong thời Chiến tranh lạnh.

Triển vọng quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2010

Năm 2010, quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ có những tiến bộ mới theo hướng “cài đặt lại” trong một số lĩnh vực nhất định, bởi Mỹ không thể thiếu vai trò hợp tác của Nga trong nhiều vấn đề quốc tế và xuyên Đại Tây Dương. Trước hết, hai bên sẽ phải hoàn tất nội dung Hiệp ước START mới để Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép ký kết trước khi khai mạc Hội nghị quốc tế về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2010. Hiệp ước START mới sẽ thể hiện đầy đủ những nhân nhượng của cả hai bên trong điều kiện nước Nga đã không còn ở vị thế một “cường quốc ốm yếu” như đầu những năm 90 thế kỷ XX khi hai nước ký kết Hiệp ước START-1. Nếu không làm được điều này, thì lời tuyên bố của Tổng thống B. Ô-ba-ma rằng Mỹ muốn xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân chỉ là “lời nói gió bay” không hơn không kém!

Trong vấn đề Áp-ga-ni-xtan, Nga sẽ tiếp tục ủng hộ Mỹ trong hoạt động bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự của Mỹ, nhưng sẽ không vượt ra khỏi khuôn khổ đó. Trong chuyến thăm Nga trước khi kết thúc năm 2009, Tổng Thư ký NATO cố “ve vãn” để Nga đưa quân tới Áp-ga-ni-xtan tham gia chiến dịch quân sự cùng với liên quân nhưng phía Nga đã thẳng thắn bác bỏ. Nga cũng sẽ hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên nhưng sẽ không làm phương hại tới lợi ích chiến lược của Nga trong quan hệ với hai quốc gia này. Nói chung, quan hệ Mỹ - Nga sẽ chưa thể có tiến bộ gì đột phá ngoài Hiệp ước START mới sẽ được ký kết trong năm 2010./.